Tình dục là một phần quan trọng của tình yêu và hôn nhân – điều này không ai có thể phủ nhận. Nhưng nói về tình dục và nên có quan hệ tình dục (QHTD) khi nào (có/ không nên trước hôn nhân?) thì có muôn vàn tranh cãi, quan điểm và lời khuyên. Nói thật là trước đây mình cũng rối mù và cảm thấy thật khó nghĩ. Có lúc cảm thấy như bế tắc.
Nhưng hiện tại mình cảm thấy rất thoải mái với suy nghĩ của chính mình. Hạnh phúc và tự tại.
Và mình muốn chia sẻ điều đã khiến mình có thể như vậy, với các bạn – những cô gái có thể trong giai đoạn như mình trước đây: không biết nên như thế nào mới đúng? hay những cô gái đã “lỡ” nhưng đang buồn lòng vì chuyện sau đó không thành như ý; và cả cho những bà mẹ – những người chị của mình, đang tìm những lời để chia sẻ với cô con gái đang tuổi niên thiếu của mình – để mọi người có thêm 1 góc nhìn và suy ngẫm.
Mình không khuyên ai, mình chỉ chia sẻ, nếu có, may ra có thể coi như 1 lời tư vấn nhỏ. Vì sao mình nói thế? Đọc hết bài bạn sẽ tự tìm thấy câu trả lời.
Trở lại với câu hỏi: Có nên có QHTD trước hôn nhân?
Có nhiều chị, đặc biệt những chị đã trải qua cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc khi đã “lỡ” làm chuyện đó trước hôn nhân sẽ khuyên không nên làm vậy. (Thậm chí có bài trên NEU Confession mang tiêu đề đại loại “Đánh mất cái ngàn vàng – tôi đánh mất quyền hạnh phúc” thu hút cả chục ngàn comment bình luận).
Cũng có những cô gái trẻ mang tư tưởng thoáng hay những chị gái chịu đựng sự bất mãn vì vấn đề tình dục không như ý sau kết hôn (không thiếu những bài dạng này trên mục “Tâm sự” – Vnexpress), sẽ khuyên bạn hãy “yêu” trước khi cưới, để xem liệu đôi bên có hòa hợp “chuyện ấy” hay không?
Steve Harvey trong “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông” thì cho rằng bạn có thể cho đối phương “thưởng thức món bánh quy” ^^ sau khoảng 3 tháng thử thách.
Dr Pepper – 1 chuyên gia tâm lý khá được nhiều bạn trẻ yêu quý – thì phát biểu rằng chúng ta nên đổi quy trình “Tìm hiểu – yêu – kết hôn – làm tình” thành “Làm tình – tìm hiểu – yêu – kết hôn” để tránh trường hợp ta mất vài năm để tìm hiểu một người mà sau đó phát hiện không hòa hợp trong tình dục.
Mỗi người một lý lẽ, một ý kiến và ai cũng có cái lý riêng. Thậm chí cái lý đó còn là xuất phát từ những trải nghiệm (đau đớn) và lòng tốt chân thật khuyên ngăn của họ.
Còn ý của mình thì sao? Ý mình là:
Hãy lắng nghe chính bản thân bạn. Và chỉ làm tình khi bạn cảm thấy sẵn sàng cả về thể xác, tâm lý và bản lĩnh!
1, Sẵn sàng về thể xác? Đương nhiên rồi. Đó là khi bạn cảm thấy cơ thể mình đã phát triển hoàn thiện và sẵn sàng.
Rõ ràng là luật không tự dưng quy định độ tuổi nhỏ nhất để kết hôn là 18 với nữ và nếu QHTD với trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi thì dù tự nguyện vẫn là phạm tội, đúng không?
Tuy nhiên đó là độ tuổi nhỏ nhất được khuyến cáo và quy định. Nhưng nếu bạn ngoài độ tuổi đó rồi mà vẫn cảm thấy cơ thể mình chưa sẵn sàng cho những động chạm sâu hơn thì cũng không cần lo lắng hay ép bản thân. Mỗi người một cơ địa, một đồng hồ sinh học khác nhau.
2, Sẵn sàng về tâm lý thì có vẻ rối rắm phức tạp hơn. Nó cũng liên quan mật thiết tới phần phía sau về sự sẵn sàng bản lĩnh nữa.
Nhưng về cơ bản đó là khi bản cảm nhận được sự bình yên trong sự lựa chọn của mình. Hãy lắng nghe bản thân và bạn sẽ biết khi bạn cảm thấy không còn hoảng loạn. Bạn cảm thấy “đủ” yêu thương với bản thân, với đối phương và sẵn sàng sàng cho trải nghiệm sắp có, đặc biệt nếu đó là lần đầu tiên.
Chắc cũng có nhiều người nói với bạn rồi, rằng lần đầu, nó không giống như những gì phim ảnh lừa dối chúng ta, với nến, với hoa, với những nụ hôn ngọt ngào. Và cắt. Và cảnh sáng hôm sau anh nữ chính và cô nữ chính xinh đẹp mỉm cười hạnh phúc. Ahihi
Lần đầu nó có thể không hề thoải mái như thế, đặc biệt nếu đối phương của bạn không đủ tâm lý và không biết dẫn dắt.
Nên nếu tính tới chuyện QHTD, đặc biệt nếu lần đầu, hãy chắc rằng đó bạn QHTD vì bạn sẵn sàng và bạn muốn thế.
Đừng vì lý do nào khác, đặc biệt mấy lý do xàm xí kiểu “Em không yêu anh à? Nếu em yêu anh thì em phải…. chứ?”
Quan hệ tình dục chỉ nên là biểu hiện của tình yêu và vì thế bạn không phải dùng quan hệ tình dục để chứng minh tình yêu! – Mình thực sự tin thế.
Mấy lý do kiểu trên ý à? Dẹp! Nhất là khi bạn mới 16-18 tuổi và dự định thành lập gia đình khi 26-28 tuổi, nghĩa là bạn còn nghét 10 năm cuộc đời để yêu đương giời bể. Mấy tên nói mấy câu đó khả năng cao chỉ là mấy chàng trẻ trâu mà 5 năm tới bạn không còn muốn nhắc tên – hoặc mấy lão sở khanh ra sức dụ dỗ bạn rồi sau đó chạy mất tăm. Chuyện tình với mấy chàng đó sẽ chẳng đi tới đâu. (May mắn nếu thế. Chứ nếu nó “đi tới đâu” thì chắc bạn còn mắc mệt hơn). Nên tốt nhất là dẹp sớm, hay như ngôn ngữ ở quê mình là “lượn đi cho nước nó trong”. Hì.
Bạn cũng đừng hiểu lầm ý mình rằng mấy anh chàng đàng hoàng tử tế thì sẽ không đòi hỏi bạn nhé. Anh ấy vẫn có thể hỏi. Nó là nhu cầu bình thường của con người mà. Nhưng một anh chàng tử tế và yêu bạn thật lòng sẽ không bao giờ ép buộc bạn. Anh ấy sẽ chờ bạn tới khi bạn thực sự sẵn sàng và thậm chí sẽ hỏi bạn “Em chắc về chuyện này chứ?”, nếu bạn ngỏ lời trước. Và tin tốt lành, là khả năng cao là những anh chàng này sẽ có thể cho bạn một trải nghiệm dịu dàng và tuyệt vời hơn.
Hừm, nãy giờ mình viết kiểu hơi đặc biệt cho những người chưa có lần đầu, vì như mình, họ sẽ là đối tượng dễ cảm thấy lạc lối hơn. Nhưng ngay cả khi bạn đã làm chuyện đó rồi, nhưng bạn chưa sẵn sàng làm lại điều đó, dù là cùng hay với khác đối tượng, thì cũng không cần ép buộc bản thân. Hãy cảm thấy thoải mái khi lắng nghe bản thân và cho bản thân thời gian.
Quan hệ tình dục chỉ nên là biểu hiện của tình yêu và vì thế bạn không phải dùng quan hệ tình dục để chứng minh tình yêu!
Sex trước hôn nhân?
Sex trước hôn nhân?
3, Sẵn sàng về bản lĩnh: Về bản chất tình dục không xấu. Nó là một điều tốt đẹp. Một cách để ta thể hiện tình yêu thương trọn vẹn. Một món quà mà ta có thể dành cho bản thân và người ta yêu.
Với một điều kiện, bạn làm chủ nó, chứ không phải để nó điều khiển bạn. Ý mình nói là, bạn cần có đủ bản lĩnh. Bản lĩnh ở đây và trong tất cả các bài mình viết, bạn đừng chỉ hiểu là làm ra được tiền nhé, nhiều người rõ ràng làm ra được cả rổ tiền mà vẫn sống đời như một kẻ lệ thuộc. Bản lĩnh ở đây là cả một khí chất để nghĩ đẹp và một năng lực để sống đẹp như những gì mình nghĩ.
Ôi, nghe có vẻ to tát nhưng đừng sợ, chúng ta sẽ làm được, bước đầu tiên là dám đã. Và: ngưng-ngay-cái-trò-victim-nạn-nhân ấy đi!
Bạn biết mình nói đến vấn đề gì mà, phải không? Cái điều khiến con gái sợ nhất và để bản thân bị chi phối khi làm tình trước hôn nhân là sợ đối phương không chịu trách nhiệm (và sau đó dẫn tới một loạt các kiểu sợ khác).
Có thể hơi phũ, nhưng nếu chuyện đó xảy ra thì bạn – nữ chính trong chuyện này chính là người cần chịu trách nhiệm lớn nhất.
Một, hãy nhớ rằng, không ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn trừ chính bạn. Jack Ma từng nói với con của ông rằng không ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời con ngoài con và chúng ta (ý chỉ JM và vợ ông). Nhưng thực tế là không ai phải chịu (hay được chịu) trách nhiệm cho cuộc đời chúng ta ngoài chúng ta cả!
Hai, đừng nói bạn không biết, hoặc nếu bạn chưa biết thì mình sẽ nói cho các bạn biết là: trong chuyện “ấy”, đối phương sẽ không thể làm gì nếu không có sự đồng ý của bạn.
Đừng cho rằng đàn ông giữ quyền làm chủ ở đây. Ngay cả Steve Harvey đại diện cho cánh đàn ông, có thể nói là chơi bời nhất (ông ý sống ở Hollywood mà, bạn biết đấy) cũng đã khẳng định: Tay anh ta sẽ không thể đi đâu xa hơn đùi bạn nếu bạn không cho phép. Anh ta cũng không thể “tình cờ” dẫn bạn đi “đâu đó” nếu bạn không đồng ý. Một gã bad boy cũng không thể dụ dỗ bạn nếu bạn ngay từ đầu kiên quyết không bước chân ra khỏi nhà đi chơi cùng anh ta.
Nếu bạn đi sâu hơn và đưa ra mọi cái cớ, thì chính bạn, chứ không cần tới mình, cũng sẽ tìm được lý lẽ phản bác lại rằng, khi điều đó xảy ra, bạn dù trực tiếp hay gián tiếp, đều đã tạo điều kiện ít nhiều để điều đó xảy ra. (Mình đang nói trong điều kiện yêu thương tìm hiểu bình thường, những trường hợp không may mắn, mình xin phép không đề cập ở đây).
Đó là quyết-định-của-bạn! Và nếu bạn quá yếu đuối, bạn chọn để người khác quyết định thay bạn. Thì đó cũng là một quyết định của bạn. Và bạn phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Vì vậy trước khi để “trí khôn dồn vào phao câu” – nghe có vẻ hơi chua ngoa quá, nhưng đây là từ mà một người anh trong giới nghệ sĩ đã dùng để dạy bảo tụi mình, và mình xin phép dùng để truyền lại với các bạn là – trước khi để “trí khôn dồn vào phao câu”, thì hãy hỏi bản thân mình đã đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm chưa? Đã đủ kiến thức để bảo vệ bản thân chưa?
Hãy hỏi bản thân:
Nếu bây giờ QHTD với anh chàng này, và mình chưa đủ hiểu về anh ta, lỡ bị lây bệnh thì mình có “đỡ” được không? (Thực tế, chỉ cần QHTD, phụ nữ đã dễ gặp phải các vấn đề liên quan viêm nhiễm vùng kín nhiều hơn rồi.)
Nếu bây giờ, QHTD rồi có em bé mà người ta không muốn kết hôn (vì 1001 lý do, you know) thì mình có đủ bản lĩnh (nhớ là không chỉ nói về kinh tế nhé, dù kinh tế thôi đã khoai rồi) để trở thành mẹ đơn thân, nuôi nấng đứa bé ấy không? Mình đã có kiến thức về thai sản chưa? Mình đã tìm hiểu để biết ở mức ít nhất là cơ bản để nuôi dạy trẻ chưa?
Hoặc giả sử mình muốn bỏ đứa bé thì mình có đủ bản lĩnh để chịu các hậu quả khác có thể có (về cơ thể, sức khỏe sinh sản, tinh thần…) khi làm điều đó không?
Hay nếu như anh ta muốn chịu trách nhiệm thì mình có muốn nhìn thấy khuôn mặt anh ta trong 40-50 năm cuộc đời nữa, mỗi buổi sáng khi mình thức dậy không?
Rồi nếu bây giờ, QHTD xong chia tay, liệu mình có đủ dũng cảm để sống một mình (trong trường hợp xấu nhất là, mình không thể tìm kiếm được một người khác có những phẩm chất cốt lõi mình cần ở chồng, yêu thương mình, trân trọng mình, hiểu được như mình hiểu, không nay bóng mai gió mình) không?
Tất cả những gì bạn sợ, hãy đối diện với nó, đặt câu hỏi như thế. Và tới khi bạn trả lời được có một cách đầy tự tin với tất cả các câu hỏi ấy, thì hỡi ôi, cô gái của mình. Mình phải nói là lúc ấy bạn ngầu-vãi! Và bạn cũng sẽ cảm nhận được điều ấy. Hơn cả sự tự do. Nó là sự tự tại trong chính chúng ta. Và lúc ấy, thậm chí câu hỏi “có nên làm tình trước hôn nhân” sẽ khiến bạn cười lớn ấy.
Nãy giờ mình toàn nói phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình để bạn thực sự nghiêm túc suy nghĩ và mạnh mẽ đối diện vấn đề. Nhưng thực ra, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời là một quyền năng rất lớn. Một sức mạnh rất lớn.
Phần này, mình sẽ chia sẻ rõ hơn trong 1 bài viết sắp tới, nhưng mình hi vọng bạn sẽ cảm nhận được sự mạnh mẽ trong bản thân bạn khi bạn chọn nghĩ khác. Và bạn sẽ thực sự khiến đối phương hiểu rằng, bạn “làm” vì bạn có “tình” với anh ta. Đó là một biểu hiện của tình yêu. Một món quà đơn thuần và mãnh liệt bạn dành cho bản thân và người bạn yêu.
Và bạn làm tình với anh ta, không có nghĩa là anh ta đã được chịu trách nhiệm với cuộc đời bạn, hay có thể ràng buộc/ thao túng bạn – hoặc đối xử với bạn lạnh nhạt đi mà vẫn tin rằng bạn sẽ không dám rời bỏ anh ta.
Khi bạn đọc tới đây và suy nghĩ về những điều này rồi, mình tin rằng câu hỏi bạn đặt ra sẽ không phải những câu sợ hãi nữa. Mà là những câu chẳng hạn: “Nếu bây giờ, lỡ có em bé, anh chàng này có đủ bản lĩnh và những phẩm chất mình cần ở một người bạn đời chưa? Anh ấy có xứng được chịu trách nhiệm với mình và thiên thần nhỏ của mình chưa?”
*Nháy mắt*.
Bạn có thấy bài viết thuyết phục không?
Cảm ơn bạn nếu câu trả lời là có. Nhưng thực tế trong bài viết mình đã để lại một vài lỗ hổng, một vài câu hỏi còn bỏ ngỏ vì… bản thân tình dục không là tất cả.
Hãy đón đọc những phần tiếp theo để xem thực sự thì, “trùm cuối” ở đây là “ai”?
Tâm Tâm
06/06/2019 / 3,037 Lượt Xem