Cuộc Cách mạng Mỹ chính là ví dụ hoàn hảo nhất để mô tả sự kết hợp giữa lý tính của người Hy Lạp và lý tưởng của Ki-tô hữu Do Thái?
Đây là luận cứ mà Shapiro đưa vào bài tranh luận của mình: nước Mỹ đặc biệt thành công bởi vì nó được xây dựng nên trên nền tảng lý tưởng của Ki-tô hữu Do Thái và lý tính của người Hy Lạp:
“Bằng cách dành rất nhiều sức lực cho việc tư duy, người Hy Lạp đã khiến cho tư tưởng của mình trở thành 1 phần không thể thiếu để thực thi sứ mệnh của phương Tây. Không có 1 ví dụ nào hoàn hảo hơn Cuộc Cách mạng Mỹ cả, khi mà các bậc Kiến Quốc Phụ đã mang tất cả những gì tốt đẹp nhất từ châu Âu sang để khai sáng cho vùng đất này. Và những giá trị tốt đẹp đó đều được dựa trên lý tính Hy Lạp và lý tưởng Ki-tô hữu Do Thái; mà 2 thứ này thì đều có gốc rễ chính là Kinh Thánh, và mọi thứ đã được kết hợp với nhau để trở thành 1 triết lý chính trị hoàn toàn mới.”
Tôi cho rằng rất khó để chứng minh được rằng các Kiến Quốc Phụ chủ động lấy cảm hứng lập quốc từ truyền thống của Ki-tô hữu Do Thái để soạn thảo ra Hiến pháp Hoa Kỳ. Mặc dù các Kiến Quốc Phụ phần lớn đều là người Tin Lành tự do, họ đều đã học được đủ những bài học từ Chiến tranh Ba mươi Năm và tất thảy đều đồng ý rằng tôn giáo nên gạt qua một bên khi bàn về chính trị. Bất kỳ sự ảnh hưởng nào của Ki-tô giáo vào trong việc soạn thảo Hiến pháp đều đã bị giảm thiểu hết sức có thể.
Quan điểm cho rằng Hoa Kỳ được xây dựng trên nền móng là 1 nhà nước Ki-tô giáo và vì vậy nên các Kiến Quốc Phụ đã không có ý định tách riêng nhà thờ và nhà nước đã được các tác giả Mỹ theo Tin Lành Phúc âm tuyên truyền mạnh mẽ. Họ đã bóp méo nước Mỹ thành 1 thứ “Nhà nước Ki-tô giáo”. David Barton, người đã xuất bản rất nhiều cuốn sách về chủ đề này, đã không những sai hoàn toàn mà còn để lại 1 thế hệ của những kẻ giống như Shapiro. Tất cả những nguồn chính thống đều chỉ ra được rõ ràng rất nhiều cơ sở để chứng minh rằng Hoa Kỳ ngay từ đầu đã là 1 nhà nước thế tục.
Vào ngày 1/1/1802, Kiến Quốc Phụ Thomas Jefferson đã viết 1 lá thư gửi đến Hội thánh Baptist thành phố Danbury, bang Connecticut để khẳng định rằng:
“Hãy tin rằng tôn giáo chỉ nên được đặt riêng ra giữa con người với Thượng đế của anh ta, và rằng anh ta không nợ nần ai khác cho đức tin và sự thờ phụng của mình. Quyền lực chính đáng của chính quyền cũng cần phải được thực thi chứ không phải chỉ là lý tưởng. Tôi đã suy nghĩ và tôn trọng hết mực ý tưởng rằng toàn bộ người dân nước Mỹ sẽ công khai yêu cầu cơ quan lập pháp nên ‘tránh viết ra những bộ luật ủng hộ cho một tôn giáo nào đó cũng như ngăn cấm việc thực hành tín ngưỡng’ để giúp dựng nên bức tường tách riêng Nhà thờ với Chính quyền liên bang. Tuân thủ chặt chẽ vào ý chí tối cao của dân tộc thay vì là quyền lợi của tín ngưỡng, tôi mong muốn sẽ được chứng kiến 1 cách thỏa mãn sự tiến bộ của các bạn khi gác cảm tính sang 1 bên và giúp cho hiến pháp được trao trả lại cho con người những quyền tự nhiên đáng có, và rằng không có quyền tự nhiên nào được phép đi ngược lại với bổn phận đối với xã hội cả.”

Những tuyên bố tương tự rằng tôn giáo và chính quyền là 2 thứ riêng biệt không chồng chéo lên nhau đã được tìm thấy trong những bản thảo của các Kiến Quốc Phụ khác. Các ngài tin rằng tôn giáo là 1 vấn đề cá nhân và họ đã ra sức loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo khi soạn thảo Hiến pháp.
Một điểm đáng chú ý khác đó là mặc dù Thời kỳ Khai sáng diễn ra dựa trên nền tảng triết học Hy Lạp và rõ ràng là các Kiến Quốc Phụ học hỏi từ đấy để soạn thảo Hiến pháp, nhưng họ cũng đã tham khảo thêm từ rất nhiều nền tảng khác nữa.
Đáng kể nhất đó là các Kiến Quốc Phụ lấy rất nhiều cảm hứng từ Hiến pháp của Cộng hòa La Mã cũng như Anh Quốc. Họ cũng được truyền cảm hứng từ “Luật Hòa bình Vĩ đại”, hiến pháp miệng của liên minh Iroquois. Vậy nên Hiến pháp Hoa Kỳ có thể được xem như là 1 tập hợp chiết trung góp nhặt từ rất nhiều truyền thống khác nhau.
Ben Shapiro dối trá trơ trẽn khi quy chụp những người vô thần thành “những tên giết người theo chủ nghĩa cộng sản”
Shapiro tuyên bố:
“Nếu không có những giá trị đến từ Ki-tô hữu Do Thái, chúng ta sẽ sa vào chủ nghĩa duy vật khoa học; niềm tin rằng chỉ có những vật hữu hình mới thật tồn tại sẽ dẫn dắt đến chủ nghĩa hư vô, rằng cuộc đời này vốn không có ý nghĩa gì cả còn chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ rộng lớn lạnh lẽo này. Nếu không có lý tính của người Hy Lạp, chúng ta sẽ sa vào chủ nghĩa cuồng tín. Liên Xô, Trung Quốc và các chế độ cộng sản chuyên chế khác đã từ bỏ đức tin và giết hại hàng trăm triệu người trong thế kỷ 20.”
Qua lời lẽ của Shapiro có vẻ như là Liên Xô đã sát hại rất nhiều người chỉ bởi vì họ được dẫn dắt bởi những người vô thần, và mọi kẻ vô thần đều loạn trí cũng như vô luân. Họ là những kẻ xem giết người như thú vui. Rõ ràng sự vu vạ này là cực kỳ trơ trẽn. Có hàng tỉ người vô thần trên khắp thế giới không hề cảm thấy vui thú khi giết hại người khác, thậm chí họ cũng cảm thấy hành động đó là đáng lên án không khác gì chúng ta.
Lý do thực sự khiến Liên Xô giết nhiều người không phải vì nhà nước được điều hành bởi những người vô thần (và tất cả những người vô thần đều có một ham muốn giết người bẩm sinh), mà là vì nhà nước của họ bị điều hành bởi một chế độ toàn trị tàn bạo. Thuyết vô thần không dẫn dắt mọi người trở thành những kẻ sát nhân điên cuồng máu lạnh, nhưng chế độ toàn trị thường có xu hướng dựa vào bạo lực và các mối đe dọa để đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta nên đổ lỗi cho chủ nghĩa toàn trị vì những tội ác chứ không phải là cộng sản, hay là người vô thần.

Tôi hiểu được tại sao rất nhiều người tin rằng chủ nghĩa vô thần sẽ dẫn dắt mọi người tới những hành động vô luân như cưỡng hiếp hay giết người; bởi vì họ tôn thờ vị Chúa của họ hơn bất cứ thứ gì khác trên thế giới này và không thể hình dung ra cuộc sống sẽ như thế nào nếu Chúa không tồn tại. Đối với họ Chúa chính là đạo đức, họ không thể hiểu được người ta lấy đâu ra đạo đức nếu không tin vào Chúa. Nhưng rốt cuộc thực tế lại cho thấy những người vô thần cũng có đạo đức không thua kém họ và cũng sống 1 cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ về tinh thần mặc dù hoàn toàn vô thần.
Ben Shapiro bôi nhọ người Hồi giáo là “những kẻ cuồng tín”
Sau khi trây trét những người vô thần thành lũ cộng sản giết người, Shapiro tiếp tục hướng mũi công kích về phía người Hồi giáo và biến họ thành lũ cuồng tín:
“Phần lớn thế giới Hồi giáo hiện đại đều xem đức tin là trên hết và mặc kệ lý trí. Đáng lưu ý là khi thế giới Hồi giáo du nhập lý tính của người Hy Lạp vào thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thử 14, họ đã là ‘trung tâm khoa học của thế giới’.”
Ở đây có 1 điều đặc biệt cần phải chỉ ra đó là Shapiro cũng thừa nhận thế giới Hồi giáo đã từng là “trung tâm khoa học của thế giới” tại 1 thời điểm trong lịch sử. Lại là 1 pha tự tay bóp dái đến từ vị trí anh da trắng này khi mà ở phần trước của video anh ta đã tuyên bố rằng chỉ có phương Tây mới có khả năng phát triển khoa học dựa trên sự cân bằng của lý tưởng và lý tính.
Tôi đồng ý với Shapiro rằng có rất nhiều người Hồi giáo cuồng tín cực đoan ngoài kia, nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng phần lớn người Hồi giáo thì không bị ảo tưởng cuồng tín. Trên thực tế là những tổ chức quân sự như Al-Qaeda, ISIS hay Boko Haram đều không đại diện cho số đông người Hồi giáo. Cuối cùng, tôi cho rằng cũng quan trọng không kém khi chỉ ra rằng có rất nhiều Ki-tô hữu cuồng tín cực đoan ngoài kia. Vậy nên cuồng tín cực đoan không chỉ là 1 hiện tượng cá biệt trong lòng thế giới Hồi giáo.
Ben Shapiro chỉ trích những người cấp tiến là những kẻ man rợ thiếu đầu óc chỉ muốn hủy hoại nền văn minh phương Tây
Cuối video, Shapiro cuối cùng cũng lộ ra bộ mặt thật của mình; lý do thực sự khiến anh ta phải làm ra video này chính là để biến những người cấp tiến thành những con quỷ dữ không não đang tìm cách lừa phỉnh mọi người để đạp đổ thành tựu lớn nhất của nhân loại: nền văn minh phương Tây. Anh ta nói rằng:
“Một lần nữa tôi nhấn mạnh rằng chúng ta cần cả hai: Jerusalem và Athens, mặc khải và lý trí. Tuy nhiên có nhiều người lại muốn chối bỏ cả 2 điều này và họ có tên là “phe cấp tiến”. Mỉa mai thay họ muốn kéo chúng ta lùi về thời kỳ mà chính phủ được vận hành không phải bằng cả lý trí hay đức tin, mà bằng cảm tính và hỗn loạn. Đó sẽ là 1 sai lầm chết người nếu những kẻ cấp tiến đạt được mục tiêu của mình. Hãy đứng về phía Athens và Jerusalem thưa các bạn.”
Nếu tôi không diễn giải nhầm ý của Shapiro thì có vẻ như là anh ta đang dìm hàng những người cấp tiến xuống đến mức còn tồi tệ hơn cả những kẻ cuồng tín Hồi giáo hay chủ nghĩa cộng sản. Bởi vì theo lời anh ta thì trong khi cộng sản và Hồi giáo cực đoan chỉ chối bỏ một trong hai trụ cột của văn minh phương Tây, những kẻ cấp tiến chối bỏ cả hai.
Kỹ thuật mượn chó chửi mèo này của anh ta hóa ra lại hiệu quả cực kỳ. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi cuốn sách Lẽ Phải của Lịch Sử: Những con người lý tính và đầy đạo đức đã làm cho Phương Tây vĩ đại như thế nào chễm chệ hạng #1 trên quầy sách bán chạy nhất của Amazon cho hạng mục sách phi hư cấu; và đạt được danh hiệu Sách bán chạy nhất từ tờ The New York Times chỉ trong vòng chưa tới 1 tuần sau khi nó được xuất bản.
Tất cả những gì Ben Shapiro nói về những người cấp tiến đều trình bày sai lệch những nguyện vọng của họ. Tôi không quen bất cứ 1 người cấp tiến nào muốn loại bỏ triết học khoa học cả. Nếu có chuyện gì xảy ra thì chính phe bảo thủ mới là những người muốn loại bỏ khoa học, bởi vì họ từ chối tin vào tất cả những gì được khoa học chứng minh như thuyết tiến hóa hay biến đổi khí hậu.
Tương tự như vậy tôi cũng không quen bất cứ người cấp tiến nào muốn mang chế độ nô lệ trở lại, thủ tiêu nhân quyền, loại bỏ tự do văn hóa, đàn áp phụ nữ và các nhóm thiểu số cả. Nếu ngoài kia có bất cứ ai ủng hộ cho những thứ như thế này, thì nhiều khả năng người đó là 1 tên bảo thủ chứ không phải là người cấp tiến.
Trong khi đó, 1 số lượng áp đảo của phe cấp tiến ở Mỹ là những người có tôn giáo. Một khảo sát được thực hiện bởi Pew Research Center năm 2019 chỉ ra rằng 52% những người ở Mỹ tự nhận là “dân chủ” (và khi họ dùng từ “dân chủ” thì thực sự họ chính là “cấp tiến”) nói rằng bản thân mình là Ki-tô hữu thuộc các dòng khác nhau; 19% là dòng Công giáo La Mã, 13% là dòng Phúc âm Tin Lành, 12% là dòng Tin Lành chính thống và 6% là dòng Tin Lành da đen. Một phần nhỏ khoảng 3% của phe dân chủ thuộc về Do Thái giáo. Chỉ có 36% trong số những người phe dân chủ tự nhận mình là người vô thần mà thôi.

Cũng chính khảo sát đó đã chỉ ra rằng 45% người dân chủ “hoàn toàn chắc chắn” rằng Chúa có tồn tại, 24% cho rằng “có nhiều khả năng” Chúa tồn tại, 8% tin vào Chúa nhưng không nghĩ rằng ông ta có thực. Bốn phần trăm những người dân chủ nói rằng họ không chắc là Chúa có tồn tại hay không. Chỉ có 19% của phe dân chủ hoàn toàn không tin vào sự tồn tại của Chúa.

Có nghĩa là lên đến khoảng 77% người theo phe dân chủ ở Mỹ ít nhiều có niềm tin vào thần thánh. Con số áp đảo như vậy đã tuyên bố rõ ràng rằng phần lớn người cấp tiến không phải là người vô thần.
Ngay cả khi chúng ta xem xét cá nhân những chính trị gia thuộc phe cánh tả thì cũng sẽ nhận ra được rằng phần lớn trong số họ đều theo đạo. Ví dụ như Alexandria Ocasio-Cortez, người mà truyền thông cánh hữu thường xuyên tô vẽ hình ảnh như 1 bà kẹ với những lý tưởng về xã hội chủ nghĩa, chính là 1 người Công giáo La Mã sùng đạo. Cô ta từng xuất hiện trong 1 bức ảnh đeo tro trên trán cho Thứ Tư Lễ Tro. Cô thậm chí còn viết một bài viết vào tháng 6/2018 cho tạp chí Dòng Tên của phe cấp tiến America: The Jesuit Review nói về đức tin vào Công giáo của mình và cách mà nó đã định hình quan điểm chính trị của cô ta.

Trong khi đó thì Elizabeth Warren, 1 nhân vật được xem như cấp tiến triệt để, chính là 1 con chiên ngoan đạo của Phong trào Giám lý. Bà ấy đã từng trích dẫn phúc âm trong những bài diễn văn của mình, và theo như bài viết này từ trang The Boston Globe, những lãnh đạo tôn giáo đã từng biết bà đều nói rằng: “đức tin vào Công giáo của bà ấy là bất biến, nó âm thầm hiện diện trong cuộc sống của bà một cách sâu đậm và chân chính góp phần định hình nên con người của vị thượng nghị sĩ này”.
Thậm chí ngay cả Bernie Sanders, người không tích cực với các hoạt động tôn giáo, cũng từng phát biểu ở Tòa thị chính vào tháng 2/2020 rằng nhờ được nuôi dưỡng trong 1 gia đình theo Do Thái giáo mà ông đã phát triển được hệ thống tư tưởng đạo đức của mình, và việc là 1 người Do Thái chính là 1 trong 2 thứ để lại ảnh hưởng to lớn nhất lên con người của ông bây giờ. Rõ ràng là những tuyên bố của Shapiro cho rằng những người cấp tiến là những kẻ vô thần chỉ muốn chối bỏ những truyền thống Ki-tô hữu Do Thái là hoàn toàn không chính xác.
Tất cả những chứng cứ tôi đã trình bày cho đến giờ đều xuất phát từ trải nghiệm cá nhân; tôi được nuôi lớn lên như là 1 thành viên của Giáo hội Ki-tô giáo (Các môn đệ của Christ), một giáo phái Tin Lành chính thống cấp tiến, và tôi có thể nói với bạn rằng có nhiều ý tưởng ủng hộ chủ nghĩa cấp tiến đã được giảng dạy bởi các mục sư vào mỗi sáng Chúa Nhật hàng tuần như: làm thiện nguyện, nhân hậu, chấp nhận người khác, đấu tranh cho quyền phụ nữ và các nhóm thiểu số, ủng hộ hòa bình và thiện chí trên toàn thế giới.
Vậy phe bảo thủ thực sự muốn gì khi nói rằng những người cấp tiến đang“đạp đổ nền văn minh phương Tây”?
Vậy cuối cùng thì “nền văn minh phương Tây” là gì? Rõ ràng như bài này đã giải thích, thứ mà phe bảo thủ gọi là “nền văn minh phương Tây” không có 1 giá trị nào của riêng mình để trở nên thượng đẳng hơn các nền văn hóa khác cả. Sâu xa hơn nữa, phần lớn những gì được xem là “lý tưởng phương Tây” mà phe bảo thủ cho rằng phe cấp tiến đang tấn công vào thực sự chẳng bị làm sao cả. Chỉ có những thứ mà phe cấp tiến muốn loại bỏ còn phe bảo thủ muốn giữ lại mới được cộp mác “nền văn minh phương Tây” vào để bảo vệ nó.
Khoảng 80% số lần mà phe bảo thủ nói về “nền văn minh phương Tây” mà phe cấp tiến đang cố gắng phá hủy, họ đang kêu gọi ủng hộ cho 1 thứ giống như là “quyền thượng đẳng của người Ki-tô da trắng”. Chúng tôi biết điều này không chỉ bởi vì cách họ định nghĩa khái niệm “nền văn minh phương Tây” mà còn bởi vì đôi khi họ sẽ hớ hênh và để lộ quan điểm đó ra.
Ví dụ như Steve King, một đại diện Đảng Cộng Hòa đến từ bang Iowa trong Hạ Viện Hoa Kỳ, rất thích ca ngợi sự thần thánh của “nền văn minh phương Tây”. Nhưng mỗi khi nói về nó ông ta đều có thói quen “xấu” là vô tình nói to ra những gì mà phần lớn phe bảo thủ nghĩ riêng trong đầu. Thời điểm năm 2016, ông ta đã thu hút dư luận khi nói ra thứ gây tranh cãi này:
“Tôi yêu cầu các người hãy lật lại lịch sử và kiếm xem những chủng tộc khác mà mọi người đang nói đến (những người không phải châu Âu da trắng) đã đóng góp được gì? Họ đã đóng góp gì cho nền văn minh nhân loại? […] Chỉ có nền văn minh phương Tây mà thôi. Nó được xây dựng từ Tây Âu, Đông Âu, ngay trên mảnh đất Hoa Kỳ cũng như tất cả mọi nơi trên thế giới từng xuất hiện dấu chân của người Ki-tô. Tất cả là nhờ nền văn minh phương Tây.”

Ông ta nói bóng gió 1 cách rất rõ ràng rằng những người không phải là người da trắng đều không đóng góp gì nhiều cho nền văn minh nhân loại cả; và rằng người da trắng là những người làm hết mọi thứ cho sự phát triển của loài người.
Steve King cũng từng trả lời phỏng vấn vào tháng 1/2019, trong đó ông ta cũng cố ý đánh đồng nền văn minh phương Tây với quyền thượng đẳng của người da trắng, rằng:
“Chủ nghĩa dân tộc da trắng, quyền thượng đẳng da trắng, nền văn minh phương Tây — tại sao các người xem những cụm từ như thế này là xúc phạm? Các người đã học gì ở những giờ học lịch sử? Tại sao tôi lại phải dạy cho các người về những giá trị của lịch sử và nền văn minh phương Tây?”
Khi phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt nhắm vào bình luận này, Steve King khăng khăng rằng ông ta chỉ đang ra sức bảo vệ “nền văn minh phương Tây” mà thôi. Đây thực sự là thứ mà phe bảo thủ thực sự nghĩ trong đầu khi họ nói về “nền văn minh phương Tây”; không tin thì hãy thử thay thế khái niệm “nền văn minh phương Tây” bằng “quyền thượng đẳng của người Ki-tô da trắng” mà xem, bạn sẽ thấy ý nghĩa của chúng cũng chả khác gì nhau cả.
Phe bảo thủ chỉ đang điên cuồng lên vì phe cấp tiến ra sức đem lại nhiều quyền lợi hơn cho những người không phải là người da trắng, không phải đàn ông hay không phải Ki-tô hữu. Bởi vì họ nghĩ rằng thứ mà chúng tôi đang làm sẽ làm mất đi sự thượng đẳng của họ trong xã hội này. Họ có thể sáng tạo ra bất cứ thứ uyển ngữ uyên thâm nào đó nếu muốn, nhưng bản chất thật sự của họ sẽ dễ dàng bị bóc mẽ mà thôi.
(LƯU Ý: Tôi cũng đã đăng bài này lên trang web cá nhân với tiêu đề “Những người Bảo thủ thực sự nghĩ gì khi nói về ‘nền văn minh phương Tây’?” Đây là đường dẫn đến bài viết đấy.)
(15,708 chữ)