THỬ THÁCH SINH TỒN
Hôm trước tôi vô tình xem được một đoạn phim về Seal Team, hay còn gọi là Biệt đội Hải Cẩu của thủy quân lục chiến Hoa Kì. Các bạn đều biết rằng, quá trình huấn luyện để tạo ra một người lính tinh nhuệ đòi hỏi rất nhiều những bài tập khắc nghiệt, thậm chí vượt qua giới hạn sinh tồn. Một trong những bài tập mà tôi ấn tượng nhất, cũng là một trong những bài tập khó nhất, đó chính là thử thách dưới hồ bơi.
Thử thách này được quy định như sau:
01. Người lính sẽ bị trói chặt tay chân
02. Bị quăng xuống bể sâu 03 mét
03. Trong 05 phút, bạn hãy làm tất cả mọi thứ để có thể sống sót trong tư thế này.
Người Mĩ coi đây là một hình thức huấn luyện chẳng khác gì tự sát. Có những người lính phải nhập viện cấp cứu, thậm chí là tử vong. Nhưng tại sao những người lính đặc nhiệm lại muốn chiến thắng phần thi này, trong khi sợi dây trói tay, trói chân của họ có thể tháo ra bất cứ lúc nào họ muốn. Chỉ có điều khi họ tháo ra, họ sẽ bị đánh trượt kì thi. Khoan bàn đến vấn đề nhân văn trong huấn luyện, tôi muốn lưu tâm đến những người thắng cuộc “Tại sao họ có thể sinh tồn trong hoàn cảnh ấy?”
Chìa khóa ở đây chính là SỰ BÌNH TĨNH.
Khi bị ném xuống nước mà không thể điều khiến tay chân, bạn sẽ làm gì trong tư thế ấy? Bạn sẽ bắt đầu la hét vũng vẫy. Bạn sẽ tìm mọi cách xem, làm sao để cử động, làm sao để bơi?... Nhưng những suy nghĩ này đều không thể được thực thi khi tay chân bạn không thể cử động. Có một sự thật rằng càng vùng vẫy, bạn sẽ càng tiêu tốn nhiều oxygen, năng lượng, mà đáng lẽ ra bạn có thể để dành dự trữ cho cơ thể.
Giải pháp mà những người thắng cuộc đã làm, đó là bình tĩnh. Họ sẽ thở hết một hơi và chìm dần xuống đáy bể, sau khi bàn chân và đầu gối cùng chạm đáy, họ sẽ nhẹ nhàng lấy đà đẩy người lên mặt nước. Khi nhô lên mặt nước, họ sẽ tiếp tục lấy hơi rồi chìm xuống. Liên tục như vậy cho đến khi hết 05 phút. Họ vừa có thể lấy hơi, vừa giữ cho cơ thể nhịp nhàng thích nghi với áp suất của môi trường.
Bài học ở đây là nhẹ nhàng tiếp nhận ngoại cảnh và lựa chọn sự bình tĩnh để kiếm tìm giải pháp. Sự vừng vẫy kháng cự sẽ chỉ khiến chúng ta tiêu tốn năng lượng vào những việc không đâu.
(Link video về Seal Team mình để ở cuối bài nhé!)
ảnh: Seal Team
ảnh: Seal Team
DỊCH BỆNH VÀ STRESS – Lo lắng có là thừa?
Khi xem xong đoạn phim về Seal Team, tôi liên tưởng đến bản thân và mấy người bạn của tôi trong những ngày giãn cách. Dịch bệnh đang trói chặt tay chân của chúng ta. Không thể ra ngoài, hạn chế tương tác, cấm vận về di chuyển, tất cả dẫn đến sự đình trệ của hàng loạt những hoạt động sản xuất và phát triển hằng ngày. Các phương tiện truyền thông liên tục đổ về tâm trí ta những dòng trạng thái lo lắng, những con số không ngừng gia tăng,...Chúng ta đang bị trói và bị quăng vào chiếc bể tuyệt vọng của sự sinh tồn. Bạn sẽ lựa chọn hoang mang hay bình tĩnh đối mặt với nó như những người lính Seal Team đã từng làm.
Để có được sự bình tĩnh, chúng ta phải nhận diện được stress trong mình?
Thuật ngữ “Stress” được sử dụng để chỉ tình trạng căng thẳng tiêu cực về mặt tâm lý và sinh lý khi con người phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm hay những tình huống đòi hỏi phải nỗ lực để thích ứng hoặc vượt qua. Chúng ta thường sử dụng từ “stress” để thể hiện trạng thái khó chịu, lo lắng thậm chí là bất an với một số vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Stress thường được định nghĩa theo ba cách:
01. Stressor: nguyên nhân gây căng thẳng xuất phát từ môi trường bên ngoài, khi bạn gặp một thử thách, áp lực nào đó (Ví dụ như khi bạn mới đi làm tại công sở hay chuyển sang một trường học mới, áp lực từ sếp, từ đồng nghiệp…)
02. Perceived stress: nguyên nhân xuất phát từ bên trong, là cách bạn phản ứng với những áp lực, thử thách hay các mối đe dọa (Ví dụ như trước kì thi, bạn cảm thấy tiêu cực và sợ hãi khi đặt quá nhiều kì vọng vào bản thân…)
03. Distress: nguyên nhân cũng xuất phát từ bên trong nhưng lại gián tiếp gây ra stress khác liên quan (Ví dụ: Bạn thất tình nên bạn dần mất niềm tin vào các mối quan hệ, từ đó dẫn đến bạn gặp khó khăn khi thiết lập mối quan hệ mới, từ đó lại sinh ra một loại stress khác liên quan đến việc giảm sút các mối quan hệ xung quanh)
Với mỗi người định nghĩa về stress là khác nhau, bởi stress không phải là một lát cắt cảm xúc nhất thời mà là tác động của hoàn cảnh xã hội cũng như tính cách bên trong ảnh hưởng đnế bạn trong một khoảng thời gian dài.Stress thông thường sẽ xảy ra khi có một sự kiện thông thường diễn ra. Áp lực học hành khi kì thi đến, khủng hoảng tuổi đôi mươi, stress khi sinh con, tiền hôn nhân,…Nhưng “stress đại dịch” khác với “stress thông thường” ở chỗ:
01.  Xuất phát từ một loại virus có đặc tính lây nhiễm cao, âm thầm phát tán qua đường hô hấp. Từ đó tạo ra sự lo âu về mối đe dọa vô hình ảnh hưởng đến sinh mệnh.
02.  Stress đại dịch có thể kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
03.  Kéo theo sự mất mát gia tăng, bạn không cảm thấy an toàn và chắc chắn. Từ việc ngắt kết nối xã hội. giảm khả năng kiểm soát cuộc sống, thu nhập bị ảnh hưởng, cơ hội nghề nghiệp vô định trong tương lai…Tất cả những lo lắng trên sẽ rất khó để chúng ta có thể hình dung về một tương lai tươi sáng.
Bạn nên nhớ rằng, những khó khăn về tinh thần trong đại dịch không phải là biểu hiện của sự yếu đuối hay kém cỏi. Điều đó xảy ra bởi vì chúng ta là con người, mỗi người đều xứng đáng được yêu thương, hỗ trợ và nâng đỡ. Con người luôn có nhu cầu được kết nối và cảm thấy an toàn, ví dụ: khi xảy ra thiên tai, bão lũ, con người chúng ta có xu hướng co cụm và bảo vệ lẫn nhau, nhưng trong thời điểm này, chúng ta phải nằm trong tình thế cô lập để an toàn nên việc tinh thần bị ảnh hưởng bởi stress là điều tất yếu.
Nhận diện stress không hề đơn giản, bởi chúng nằm trong bạn, chúng có thể lớn dần lên và làm ta quen thuộc với chúng. Để nhận biết mình có đang bị stress mùa dịch hay không, chúng ta có thể dựa vào bốn dấu hiệu chính:
01. Về cảm xúc:
+ Bạn có cảm thấy bị mất hứng thú, buồn rầu không rõ lí do
+ Cảm thấy bị quá tải (burn out)
+ Cảm thấy cô đơn, không muốn trò chuyện cùng ai...
02. Về cơ thể:
+ Đau mỏi người, căng cứng cơ thường xuyên
+ Dễ mỏi mắt, chóng mặt
+ Đau ngực tim đập nhanh
+ Mệt mỏi
+ Hệ tiêu hóa không ổn định...
03. Về nhận thức:
+ Khó tập trung
+ Trí nhớ bị ảnh hưởng, khó khăn khi ra quyết định
+ Suy nghĩ lo âu và tiêu cực lấn át…
04. Về hành vi:
+ Giấc ngủ rối loạn
+ Chán ăn
+ Thu mình
+ Trí hoãn công việc (không sẵn sàng, không muốn làm…)
+ Sử dụng chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá…)
LÀM SAO ĐỂ “CỞI TRÓI”?
Hẳn bạn vẫn còn nhớ sợi dây đang trói chặt những người lính khi bị đẩy xuống hồ. Đại dịch đã mang đến những sợi dây và buộc chúng ta phải thích nghi và tìm cách chung sống hòa bình với nó. Đừng cố gắng thờ ơ hay chạy trốn, đừng vùng vẫy để năng lượng của bạn bị tiêu hao. Hậu quả của stress sẽ làm bạn giảm hiệu suất công việc, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, nhưng ở một góc độ khác, stress lại là một phần của đời sống tinh thần khỏe mạnh. 
Stress là một cơ hội để tôi thách thức bản thân. Stress thúc đẩy tôi làm tốt hơn và trở nên mạnh mẽ hơn. Stress dạy tôi cách để chấp nhận và quay về chữa lành tổn thương bên trong tâm hồn, là cơ hội để tôi lùi một bước và tiến ba bước, để tôi biết trân quý sự tồn tại của mình. Đừng chối bỏ stress mà hãy làm bạn với nó. Những lúc hoảng loạn, chúng ta thường tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, như những người lính thua cuộc trong bài thi thử kia, họ vẫy vùng để rồi đánh mất lượng oxygen quý giá.
Việc chúng ta cần làm lúc này chỉ đơn giản là:
01. Bình tĩnh chấp nhận những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Hãy quan sát tâm trí và tử tế với stress. Bạn có thể thực hành những bài thiền ngắn hoặc viết nhật kí để có thể ghi nhận những suy nghĩ của mình. Tôi có môt thói quen viết nhật kí. Khi viết, tôi sẽ viết tất cả những gì mà tôi đang suy nghĩ, Những điều tiêu cực, những điều tích cực, hãy cứ viết ra mà không cần đánh giá hay phán xét gì cả. Bạn viết những dòng này là để chữa lành tổn thương chứ không phải viết hay để cho người khác đọc. GHI NHẬN CẢM XÚC chính là những lời tự sự chân thành mà bạn dành cho chính bạn. “Ngày hôm nay bạn cảm thấy thế nào?”, “Tôi cảm thấy lo lắng và sợ hãi”, “Bạn sợ hãi điều gì?”,… Viết là quá trình bạn đối thoại với bản thân để cùng nhau tìm hiểu về nguyên nhân của stress, đặt câu hỏi và nghiền ngẫm sẽ giúp bạn nhìn nhận thấu tỏ hơn gốc rễ của vấn đề.
02. Tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát
2.1. Nắm rõ những việc bạn cần làm để bảo vệ bản thân và gia đình trong đại dịch. Ví dụ như quy tắc 5K, hạn chế tụ tập, đi lại, đeo khẩu trang…Điều này đã được báo đài nhắc lại quá nhiều nên tôi xin phép không kể nữa.
2.2. Cập nhật thông tin từ những nguồn đáng tin cậy và kiểm soát thời gian đọc tin tức:
Sáng nào bạn cũng lướt facebook, đọc tin tức và lo lắng rằng: “Không biết là Hà Nội phải dãn cách đến bao giờ nhỉ?”” Mình còn phải ở nhà trong bao lâu nữa!”… và nỗi lo đeo bám bạn cả ngày. Từ khi ý thức được sự tiêu cực của việc cập nhật quá nhiều tin tức, tôi đã tự giới hạn thời gian đọc báo của bản thân. Mỗi ngày 10 phút. Không hơn. Chỉ cần 10 phút là đủ.
2.3. Duy trì những hoạt động thường ngày theo lịch trình cố định:
Tôi có thói quen chạy bộ buổi sáng, nhưng từ khi công viên bị bao quanh chằng chịt bởi những rải băng rôn màu xanh, thói quen của tôi bị thu lại trong bốn bức tưởng. Ok, không sao! Tôi trải thảm yoga, bật laptop lên và tập workout tại nhà. Cuối tuần, tôi còn dành thời gian để thiền với cô giáo qua online class. Tìm cách thay thế để duy trì thói quen không phải là một giải phap tồi khi bạn vẫn ở nhà mà vẫn giữ được kết nối. Qua màn hình nhỏ, chúng tôi vẫn trao cho nhau những lời động viên. Những nụ cười ảo nhưng tấm lòng là thật, gửi cho nhau một lời hỏi thăm, một chút năng lượng cuối ngày, đó là một cách tốt để chúng ta cùng nhau chia sẻ những khó khăn và cùng nhau vượt qua giai đoạn này.
03. Quản trị kì vọng (manage your expectation)
Bạn có đang đánh giá quá cao hoặc quá thấp mức độ nguy hiểm của dịch? Bao giờ đại dịch này sẽ chấm dứt? Tôi hiểu những băn khoăn của bạn, bạn muốn kết thúc lắm, nhưng cuộc chiến này kéo dài đến đâu, tôi và bạn đều không thể đoán trước được. Nếu bạn quá hi vọng vào một kịch bản tươi sáng, mức độ thất vọng của bạn sẽ tương xứng với những kì vọng đặt ra. Thay vì hướng đến tương lai vô định, hãy giữ tâm trí bạn ở hiện tại và trả lời câu hỏi:
“Tôi có thể làm gì ngay bây giờ? Cho bản thân tôi và gia đình tôi?”.
Một tháng qua, tôi đã tham gia quyên góp vào Quỹ Hạt vừng để ủng hộ Sài Gòn. Thông qua những dự án cộng đồng, những khóa học online, workshop,… tôi luôn muốn đóng góp một phần nhỏ bé nào đó cho công cuộc chống dịch này. Ba mẹ tôi đều ở tiền tuyến, ba tôi là bộ đội, mẹ tôi là công an. Cả hai đều đang gồng mình để lo lắng cho những người dân còn đang thiếu thốn. Tôi chỉ có thể ngồi đây và viết những dòng này, tôi muốn gửi lời hỏi thăm đến ba mẹ, muốn gửi đến những độc giả của tôi một chút bình an, một chút quan tâm khi chúng ta không thể gặp mặt mà chỉ có thể kết nối bằng con chữ.
Dù ở nhà một mình, tôi vẫn duy trì một nếp sống bình thường cho bản thân. Vẫn giờ giấc cũ, lịch trình cũ và tôi tin chỉ cần chúng ta làm đúng việc của mình, lo lắng vừa đủ và tập trung vào những gì đang có. Đó chính là sức mạnh của sự kiên cường.
Tạm kết:
Cảm ơn bạn đã đồng hành và lắng nghe những chia sẻ của tôi. Mong rằng bài viết nhỏ này có thể giúp bạn tìm lại được một chút bình an nơi tâm trí. Be present!
Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest
--------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
01. Link video mình đã xem về Seal Team :
How to survive if you are being drowned
02. Quản trị stress: Manage Stress