Mình cũng chưa biết đâu, chỉ là đây là lý do để "thực sự" bắt đầu blog này!

Dzật tít quá vậy!

Tuần vừa rồi mình vừa hoàn thành quyển sách “Làm thế nào để học ít hiểu nhiều”. Ấn tượng đầu tiên về cuốn sách là hơi “đao to búa lớn”. Lúc đọc xong… thì thấy đúng như vậy! :D
Nếu là mình của ngày trước thì chắc chắn là sẽ bỏ dở sau khi đọc xong chương 2. Tuy nhiên, do đã quá lâu không hoàn thành một quyển sách nào một cách đàng hoàng, mình đã cố gắng nhẫn nại một chút. (cười mình đi, nhưng đó là cách để mình không cảm thấy tệ khi nhìn cái giá sách chưa một cuốn nào đọc xong hết :(( )
Quyển sách này của bác sĩ tâm thần học Nhật Bản là Zion Kabasawa viết. Ông được mệnh danh là “bác sĩ tâm thần tinh tường Internet nhất Nhật Bản”. Chẳng vậy mà mình có cảm giác quyển sách như là một tập hợp các bài viết trên mạng của bác sĩ rồi đóng gói nó lại thành một quyển sách.
Sách chia làm 2 phần (theo ý mình):
Phần 1 (chương 1, 2): Vì sao bạn không học được nhanh và làm thế nào để bạn yêu thích học tập hơn. ( cộng thêm một vài câu từ khiến peer pressure trong bạn dâng cao và bạn phải làm một cái gì đó nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.)
Phần 2 (chương 3 đến cuối): Các phương pháp học tập hiệu quả theo quan điểm của tác giả.
Đọc xong thì mình nhớ được 2 điểm chính:
(+) Phương pháp Shuhari: đại khái là để học tốt thì bạn cần bắt chước (Shu), sau đó áp dụng những thứ bạn học được vào đời sống (ha), cuối cùng đẳng cấp cao nhất là “ri”: sáng tạo ra kiến thức mới.
(+) Trong giai đoạn “Shu” và “ha”, để giai đoạn này hấp thu được kiến thức nhiều nhất, hãy tuân theo tỷ lệ vàng Input : Output là 3 : 7, tức là 30% công sức bạn nạp vào đầu thì bạn phải dùng 70% công sức để tạo ra một (hoặc nhiều) sản phẩm nào đó.
Ví dụ: 1 tuần bạn học python, thì dành 2 ngày để học lý thuyết và 5 ngày để thực hành.
Học bài bản từ trước sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian học sau này.
Nghe quen quen đúng không, nó giống concept trong mấy quyển “Steal like an Artist” hay câu chuyện Leonardo Da Vinci luyện vẽ một nghìn quả trứng giống nhau hồi tiểu học mình học.
Xuyên suốt 270 trang của sách thì mỗi chương tác giả đều có đưa ra những protips để bạn có thể học hiểu quả hơn. Đối với mình, những cái tác giả chỉ ra khá cliché (cảm giác như ai cũng biết!). Thêm nữa, không biết có phải do dịch thuật không, mà sách sử dụng những từ ngữ khá “over” như kiểu: “siêu đầu ra”, “vượt trội”, “đột phá”,… khiến những gì tác giả trình bày trôi đi tuồn tuột trong đầu mình!
Chê là thế,…

Nhưng

Chương 6 và 7 của cuốn sách là động lực để mình “thực sự” bắt đầu trang Substack này.
Chương 6 của cuốn sách có tên “Phương pháp siêu đầu ra” (lại “siêu”, haha!), chương này tác giả đưa ra các phương pháp để độc giả thực hành chữ “ri” (trong “Shuhari” mình có đề cập bên trên). Tóm tắt lại là, để học hiệu quả, bạn cần “chia sẻ thông tin, giảng dạy, hệ thống hoá các khái niệm và viết sách”. Vì sao cần phải làm như vậy? Có vài lợi ích:
(+) Bạn sẽ được hệ thống hoá kiến thức. Trong lúc bạn thực hiện điều này, não bộ sẽ thực hiện recall và tổ chức lại những mảnh kiến thức bạn đã học được và liên kết với những trải nghiệm sẵn có của bạn. Có những liên kết mới sẽ giúp kiến thức được ghi nhớ lâu hơn.
(+) Rèn luyện tư duy rành mạch và logic hơn khi bạn truyền tải thông tin tới người khác. Chắc không cần phải bàn thêm là việc rèn luyện này sẽ giúp gì được cho công việc và đời sống hàng ngày của bạn.
Mình đồng ý với những gì bác Kabasawa viết trong chương này trừ đoạn bác cho rằng việc dạy người khác không khó đến thế (hoặc chính xác hơn thì mình không đồng ý với việc dịch giả dùng từ “dạy”). Với mình thì, giảng dạy ai đó đòi hỏi:
(+) Sự nghiên cứu và áp dụng kiến thức vào thực tế một cách khoa học.
(+) Hiểu về tâm lý của người học để thiết kế trải nghiệm học tối ưu.
(+) Một loạt những tính cách nhỏ nhỏ: tỉ mỉ, tận tâm,…
Tác giả lấy ví dụ về việc thỉnh thoảng tổ chức buổi hội thảo về rượu Whisky nơi mọi người uống khoảng 10 loại rượu khác nhau và ăn những món ăn phù hợp
“Vì chưa hiểu nhiều về Whisky nên tôi nên tìm mọi cách để dạy cho mọi người”
“Trong giai đoạn chuẩn bị, tôi có thể phát hiện mình còn mơ hồ phần nào. Để giải thích cho mọi người, việc hiểu nửa vời là không thể chấp nhận được. Nếu không hiểu rõ, tôi không thể thuyết trình được. Kết quả là việc học tập diễn ra sâu sắc.”
Cá nhân mình thấy “rượu Whisky” là kiến thức khá “vô thưởng vô phạt” nếu mục đích chỉ là để thưởng thức chứ không phải là làm ra nó. Dịch giả dịch đổi từ “dạy” thành “chia sẻ” thì có lẽ hay hơn.
Nhìn chung, chương 6 là một chương thú vị nếu bạn chưa từng nghĩ là mình sẽ ngồi xuống và tổng hợp lại kiến thức của mình và biến nó thành một thứ hữu hình (blog, vlog, sách, website, side project,…)
Chương 7 là thứ mà khiến mình phải dùng chữ “thực sự” trong subtitle của bài này. Mình đã có 10 bản draft với 10 chủ đề khác nhau trên Substack. Chưa một cái draft nào được ra lò. Mình đổ lỗi cho nhiều lý do nhưng đều quy lại là: do đầu mình mệt.
mệt phải suy nghĩ một cái gì đó mới
mệt phải ngồi nhìn chằm chằm vào màn hình viết vài tiếng.
Giống việc tập gym, so sánh việc gắp một miếng snack với nâng một quả tạ, chọn lướt TikTok chẳng bao giờ khiến não phải nghĩ. (Disclaimer: mình không phản đối TikTok đâu, ngược lại đằng khác, mình ủng hộ việc lướt TikTok có chừng mực và chọn lọc, qua TikTok học được mấy mẹo dùng iPhone cực hay.)
Nhưng mình đã sai!
Đáng lẽ mình không nên so sánh việc học với việc tập gym mới đúng!
Nếu bạn nghe tập gym thật là nặng nề, so sánh nó với việc học/viết/… là chưa gì đã thấy não bạn sẽ “chê” rồi.
“Mục tiêu khó khăn là mục tiêu không bao giờ có thể duy trì”
Thằng bạn mình nó có thói quen tập gym từ một năm nay. Mình hỏi nó tập gym có mệt không. Nó bảo giờ mỗi ngày đi làm nó chỉ mong tới 6h tối về để đi tập gym. (nghe không hề nặng nề). Tất nhiên, việc bắt đầu lúc nào cũng khó khăn và nếu không đặt mục tiêu gì là điều không nên.
Nhưng mọi sự khởi đầu khi bấm nút start :)). Mình nghì rằng não bộ và cơ thể của mình hiện tại có thể làm nhiều điều hơn hiện tại, chỉ cần “QUEN”.
Một thằng bạn của mình học trường quân đội, phải tắm hoàn toàn bằng nước lạnh quanh năm, kể cả trong thời tiết giá rét nhất của miền Bắc. Nó thấy thế nào? Nó bảo chỉ cần dội gáo nước đầu tiên, còn lại sẽ thấy bình thường.
Bài viết chắc là cái “gáo nước đầu tiên” của mình sau nhiều năm không viết một thứ gì đó ra hồn.

Short Sharing

Đã bao giờ bạn thắc mắc thời gian trên công ty mình đã làm những gì không? Mình thì thắc mắc nhiều.
Mình muốn biết trong lúc đi làm mình dành thời gian cho việc gì nhất? Theo ngày, theo tuần, tháng,…
Có gì không hiệu quả trong lúc mình làm việc hay không? Nên cải thiện như nào?
Bước đầu tiên là mình đi thu thập data. Mình dành phần lớn thời gian trên công ty dùng máy tính (chắc hẳn các bạn cũng vậy). Do đó mình muốn biết xem là mình dành bao nhiêu thời gian cho từng website truy cập, tần suất như nào.
Mình tìm ra cái extension khá hay trên Chrome có tên là: Web Activity Time Tracker. Bạn có thể nghía thử tại Link này. Nó có thể track chính xác thời gian bạn sử dụng từng website một cách tự động sau đó tổng hợp lại thành một cái dashboard khá nhiều thông tin như ảnh bên dưới.
Đây là tổng hợp của mình từ lúc cài đặt đến giờ. Mình dành thời gian chủ yếu trên ứng dụng chat và mail của công ty do là 3 tuần vừa qua mình dành chủ yếu thời gian để làm project management.
Mình thường xuyên gián đoạn công việc khi mở đi mở lại ứng dụng chat và mail. Dễ thấy với session nhiều và time spent/session cực ngắn. Vậy là mình biết mình đang có vấn đề trong việc sử dụng công cụ giao tiếp. Sẽ giành thời gian ngày nghỉ lễ này để ngẫm nghĩ về giải pháp!
Bên cạnh Spiderum, mình còn publish trên Substack, mọi người có thể tìm substack của mình tại: