Đây là cuốn sách đầu tiên mình đọc khi bước sang năm 2018. Cũng thật đặc biệt khi mình là Nguyễn Phương Lan, người bán cho mình là chị Nguyễn Phương Hoa và tác giả là Nguyễn Phương Mai :)))

Mình rất thích đọc sách của các tác giả trẻ, bỏ lại sau lưng mọi thứ để thực hiện những chuyến đi- giấc mơ của rất rất nhiều người. Những chuyến đi ấy không sang choảnh hay hào nhoáng về mặt vật chất nhưng lại đầy những tình cảm, giá trị tinh thần từ góc nhìn của tác giả; cũng không phải là đất nước quá phổ biến với các địa danh, thắng cảnh du lịch nổi tiếng mà là những đất nước ở châu Phi hay Nam Á, Tây Á mà thậm chí ta còn chưa từng nghe tên và khó mà phát hiện ra trên bản đồ thế giới. Cuốn sách này cũng là một trong những cuốn như vậy.
“Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khao khát được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay."
Mình thực sự bị ấn tượng bởi cách viết của chị. Từ việc dùng hình ảnh con lừa để nói về chính bản thân mình. Người ta nói “thân lừa ưa nặng” – để ám chỉ sự ngu ngốc của ai đó. Nhưng đôi khi, “ngu ngốc” là một bước để trưởng thành. Thừa nhận ngu ngốc đồng nghĩa với mong muốn tiến bộ. Thừa nhận ngu ngốc đồng nghĩa với dũng cảm dấn thân. Như lời giới thiệu ở phần đầu tập du kí, chuyến đi bụi của Phương Mai bắt đầu từ điểm khởi thủy của loài người – vùng đất nhỏ gần thành phố Johannesburg, Nam Phi (nơi mà người bạn đường của chị cảnh báo là “thủ đô cướp – giết – hiếp), qua 23 quốc gia rải rác khắp các khu vực trong vòng hơn 8 tháng . Khởi sự từ cái nôi của nhân loại ở châu Phi, qua châu Úc, châu Á, rồi tới châu Mỹ, mỗi vùng đất chị đặt chân hiện ra qua trang sách với những góc nhìn, cảm nhận mới mẻ. Mở đầu chuyến đi với Nam Phi trong công việc tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi, qua Namibia trong sự mê man vì vẻ đẹp lạ lùng màu da đất sét của người Himba, tới Boswana đằm mình trong không gian rừng già bí hiểm, gặp thác nước lớn nhất thế giới Victoria ở Zambia, khám phá “hòn đảo bị lãng quên Mozambique…
Với những vấn đề mang tầm thế giới, như đói nghèo, bình đẳng, dân chủ,.., tác giả lí giải một cách tường tận, tỉ mỉ, dễ hiểu từ góc độ một người đi nhiều, được mắt thấy tai nghe, được chứng kiến những số phận chỉ mong một bát cơm no thay vì một nền dân chủ. . Thâm nhập vào đời sống người dân ở từng vùng đất, gạt bỏ những định kiến, gạt bỏ cảm giác “man rợ” trước những hủ tục mà ở đất nước họ, vẫn đang đang núp dưới hình hài truyền thống văn hóa, chị khám phá và tìm ra vẻ đẹp nơi họ, bày tỏ tình yêu và mong muốn được giúp đỡ và kêu gọi mọi người giúp đỡ – bằng cách tưởng chừng đơn giản nhất mà lại khó khăn nhất: gỡ bỏ định kiến.
“Lục địa đen từng là cái nôi của văn minh nhân loại, suốt hơn một trăm năm qua quay quắt giãy giụa giữa các cực giá trị đối lập, không thể bình hòa, không thể giao thoa, không thể hàn gắn, và có lẽ cũng chính vì thế mà mãi không thể đứng lên.”
Vì sao hàng loạt sự viện trợ bằng cả tiền và người đổ vào Nam Phi không hề mang lại hiệu quả? Vì sao cuộc chiến ngầm dành ảnh hưởng xã hội giữa người da trắng và người bản địa ở Mexico chưa bao giờ kết thúc? Cái giá mà Cuba đang phải trả cho ước mơ “thiên đường chủ nghĩa “ là gì? Mỗi vấn đề đặt ra không hoàn toàn mới, nhưng nó được mổ xẻ, phân tích dưới nhiều góc độ, trong nhiều khía cạnh. Phương Mai trong vai một người khách du lịch bình thường, hoặc một nhà giáo dục, một nhà báo,… Ở mỗi vai trò xã hội độc lập, chị đưa ra những nhận định riêng, dù có thể chưa mang tính định hướng hay mang tính chất một phát kiến chính trị, nhưng nó thể hiện sự thay đổi và mong muốn thay đổi của chính người viết qua từng bước đi. 
“Văn minh và mông muội luôn tồn tại ngay sát sạt bên nhau, trong bất kì xã hội nào, bất kì đất nước nào.”
Ngay tại một thành phố hoa lệ của Brazil, những tòa nhà sang trọng và khu ổ chuột chỉ cách nhau một rặng cây. Nằm trong lòng thủ đô Windhoek (Namibia) vẫn tồn tại hình ảnh những người phụ nữ bộ lạc Himba cởi trần với vẻ đẹp quyến rũ nhưng hoang dã. Đây là biểu hiện của truyền thống hay hủ tục tàn dư? 

Bằng cách đi du lịch chứ không phải đi nghỉ mát, Phương Mai tái hiện, cung cấp, dãi bày, và quan trọng hơn, chị truyền cảm hứng, đốt lửa trong mỗi chúng ta. Mỗi mảnh đất đi qua không đơn thuần là một chuyến viếng thăm mà là một lần tìm về bản ngã dân tộc, một chuyến phiêu lưu để tìm thấy chính mình, làm đầy mình. Mỗi bức ảnh không đơn thuần để đăng tải trên mạng xã hội mà nó mang theo cả một tàn dư lịch sử, một hiện tại sống động hay một tương lai có thể đoán trước.
“con thuyền đậu ở cảng thì an toàn nhưng người ta không đóng thuyền để chỉ làm việc đó”
Đây là những dòng chữ ở bìa sau cuốn sách của chị:
"Like a rolling stone- Như một hòn đá lăn
Để không bị bám rêu
Để thấy mình sảng khoái bay trên thung lũng thăm thẳm như một cánh chim
Để đi đến tận cùng sợ hãi khi bước ra khoảng không từ độ cao vời vợi
Để phát hiện ra sự nhỏ bé, ngu ngốc của con người trước tự nhiên
Để băn khoăn trước câu hỏi văn minh hay mông muội
Để phá tan những ngộ nhận và định kiến
Để soi vào danh tính và bản ngã của con người mình
Để liều lĩnh, để tươi mới, để suy tưởng, để nghẹn ngào
Để hớn hở, để độc thân mà vẫn long lanh."