Tình yêu vốn dĩ là thứ thuộc về cảm xúc, mà cảm xúc thì không bao giờ đong, đếm được thành hình dưới dạng những con số. Đó chính xác là những gì mình nghĩ trước khi mình biết đến quyển sách này. Quyển sách được chấp bút bởi Hannah Fry - một nhà nghiên cứu Toán học trong lĩnh vực Phân tích Không gian Xã hội. Với giọng văn cô đọng pha vài phần dí dỏm, mình đảm bảo các bạn sẽ dùng một hơi đọc liền tù tì hết quyển sách không thể rời mắt được cho mà xem!! ^^ Lần này, dịch giả là một cái tên khá quen thuộc - Bùi Thu Hà nên bản dịch có phần mượt mà, dễ đọc hơn rất nhiều. Nào, hãy cùng mình tìm hiểu điều gì thú vị trong quyển sách này nhé!
Quyển sách có tổng cộng 9 chương như một hành trình tác giả dẫn dắt bạn đọc đi từng bước một tiến đến một tình yêu mãnh liệt hoặc một hôn nhân bền vững tùy cách mà bạn chọn!
Chương 1 mở màn với việc áp dụng một phương trình dùng để xem xét tại sao Trái Đất chưa bao giờ được người ngoài hành tinh ghé thăm vào quá trình tìm kiếm có bao nhiêu người yêu phù hợp với tiêu chuẩn của một người. Đây được gọi là Phương trình Drake. Bằng cách đặt ra những câu hỏi thuộc tiêu chuẩn mà đối tượng muốn hướng đến (nơi ở, tuổi tác, học vấn, màu tóc, chiều cao,..) để loại trừ dần, từ đó, tính được cụ thể số lượng người mà đối tượng có cơ hội gặp gỡ, làm quen và thậm chí tiến đến tình yêu. Tuy nhiên, cuối chương 1, tác giả đã tóm gọn rằng, cách tốt nhất hãy đơn giản hóa mọi tiêu chuẩn phức tạp. Hãy lựa chọn 1 hoặc vài tiêu chuẩn không thể thiếu và dành cơ hội cho tất cả mọi người mà chúng ta gặp gỡ để “nâng cao hiệu suất” kết đôi của chính mình.
Chương 2 nói về một chủ đề không bao giờ lỗi thời, đó chính là “vẻ đẹp”. Nhiều nghiên cứu được thực hiện để cuối cùng cho ra một chuẩn mực đẹp theo cái gọi là “tỷ lệ vàng” trên gương mặt mà ta thường thấy trong các cuộc thi nhan sắc. Nhưng rốt cuộc thì tại sao “vẻ đẹp” lại quan trọng đến thế? Và những nguyên nhân nào dẫn đến sự lựa chọn về ngoại hình bạn đời/người yêu của chúng ta? Tất cả đều được giải thích rất rõ ràng trong chương này.
Chương 3 được tác giả vận dụng để “hướng dẫn” bạn đọc “tối đa hóa một đêm trên phố” bằng những “cân bằng Nash”, “cân bằng Pareto”. Làm thế nào để tất cả đều có được cơ hội tiếp cận đối tượng tiềm năng của mình trong một quán bar chẳng hạn. Tuy nhiên, cuối chương, tác giả đã đúc kết được một điều rất hay mà dường như chúng ta vì hoặc có quá nhiều nỗi sợ hoặc thiếu tự tin nên đã lãng quên, rằng “dù có thế nào, nếu bạn muốn, hãy là người chủ động”.
Chương 4 nói về một chủ đề mình nghĩ rất hợp thời trong tình hình dịch bệnh này “Hẹn hò trực tuyến”. Tác giả dùng một số công thức toán học để giải thích cách các ứng dụng hẹn hò tính toán mức độ hợp cạ giữa những người chơi với nhau và dựa vào đó ghép đôi họ như thế nào. Tuy nhiên, những tính toán trên đều dựa theo một số câu trả lời nhất định mà các ứng dụng thu thập từ người chơi vì vậy chúng không phải hoàn toàn đúng. Nhưng, có một điểm rất thú vị ở chương này là tác giả nhận thấy được sự khác biệt giữa người được phần lớn xếp hạng là đẹp với người được xếp hạng ở cả 2 mức đẹp lẫn xấu là người được nhiều đánh giá đẹp sẽ có ít lượt nhắn tin tương tác hơn so với người vừa đẹp vừa xấu. Vậy nên, tác giả đã kết thúc chương 4 bằng lời khuyên hãy cứ chọn ảnh đại diện là chính mình nhất, không cần phải chỉnh sửa, giấu đi khuyết điểm vì “người ái mộ bạn sẽ vẫn cứ ái mộ bạn, những người không quan trọng không ái mộ bạn sẽ chỉ đóng vai trò là lợi thế cho bạn mà thôi”.
Chương 5 và chương 6 hướng dẫn bạn cách để cư xử trong mối quan hệ tình cảm như thế nào. Bạn nên làm gì khi người yêu không liên lạc với mình. Và cả những nghiên cứu về “các hoạt động trên giường” mà hầu như mọi mối quan hệ yêu đương đều phải đi đến (yeah, đây là một quyển sách của tác giả nước ngoài và chuyện sex là hiển nhiên ^^). Có hẳn công thức tính dự đoán cho số người mà một người có thể ngủ cùng trong đời luôn đấy!
Từ tìm kiếm khả năng gặp gỡ đối tượng tiềm năng đến cách hẹn hò yêu đương, chắc chắn sẽ đến lúc nên nghiêm túc nghĩ về sự ổn định đúng không nào? Chương 7 với tựa “Khi nào bạn nên yên bề gia thất?” cho bạn biết làm thế nào để tính được thời điểm bạn sẽ gặp đúng người có thể trở thành “the one” của bạn đấy! Đó cũng chính là công thức trong bức hình minh họa mình để dưới đây ^^ Đến chương này mình đã thực sự “wow” bởi không thể nghĩ rằng toán học có thể áp dụng được với một mớ cảm xúc bùi nhùi phức tạp muôn đời chưa ai định nghĩa rõ ràng được như tình yêu này! Hihi, nhưng trên tất cả, hãy giữ kết quả ở mức tham khảo thôi nha!
Còn ai tò mò muốn biết mà không đọc sách được có thể inbox mình, mình tính dùm cho =)))
Đã quyết định yên bề gia thất rồi thì nào, phải bắt tay lên kế hoạch tổ chức đám cưới thôi!! Đấy là lúc bạn có thể áp dụng những công thức tính toán có trong chương 8 để tổ chức một bữa tiệc cưới thật suôn sẻ nhé! Trong chương 8, tác giả sẽ giới thiệu cho bạn cách để tính toán số lượng khách nên mời để đảm bảo không quá nhiều hay quá ít so với số lượng bàn ăn mà bạn đặt. Ngoài ra, còn có cả công thức sắp xếp chỗ ngồi sao cho đảm bảo tất cả mọi khách mời đều vui vẻ đến, vui vẻ dự và vui vẻ về sau tiệc cưới của bạn đấy!
Và cuối cùng, chương 9 là chương tác giả dành cho bạn đọc những lời khuyên chân thành làm sao để có thể chung sống hòa hợp với nhau trong cuộc sống hôn nhân. Đương nhiên vẫn dựa vào các nghiên cứu, công thức, mô hình toán học. Nhưng điều khiến mình ấn tượng nhất là sự đúc kết lại những tác động tích cực/tiêu cực trong hành động, lời nói của vợ/chồng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống hôn nhân. Đây là một chương kết thúc rất ý nghĩa cho cả hành trình dài “lặn ngụp” trong tình yêu.
Thuật toán của tình yêu là một quyển sách thú vị, nhất là với các bạn đang “FA” muốn tìm kiếm tình yêu cho đời mình. Tuy nhiên, chẳng có con số nào là chính xác hoàn toàn vì chúng ta đều biết rằng, tình yêu không bao giờ được cụ thể và rõ ràng như những con số cả. Nhưng, sau khi đọc xong quyển này mình đã thấy được tính ứng dụng của toán học và tất thảy mọi sự trên đời này đều có thể được nhìn và giải đáp dưới góc nhìn của toán học. Mời các bạn cùng đọc và chia sẻ với mình nhé!