Bạn đã bao giờ ra khỏi nhà và phát hiện ra mình đã quên điện thoại chưa?
Với tôi, cảm giác ấy không dễ chịu chút nào. Trong thời đại liên tục kết nối mọi lúc, mọi nơi, chúng ta khó có thể tách mình ra khỏi dòng chảy của công việc và cuộc sống. Là một người trẻ sinh ra và lớn lên trong bầu khí quyển công nghệ, tôi thấu hiểu cảm giác choáng ngợp giữa hàng ngàn kết nối liên tục mỗi ngày. “Tôi online, tôi tồn tại” cảm giác rời xa chiếc điện thoại thân yêu cùng với sự tò mò và phấn khích sau mỗi lần post ảnh trên mạng xã hội khiến tôi không thể kiềm chế bản thân mà lại đưa tay “bật nguồn” để giết chết quỹ thời gian quý giá cho những giá trị ảo nhất thời ấy. 
“Tắt nguồn” của tác giả Angela Lockwood là cuốn sách đến với tôi trong thời điểm tôi lạc lối giữa ma trận thông tin và kết nối quanh mình. Những mối quan hệ thân sơ từ gia đình đến đồng nghiệp đang trói buộc tôi từng giờ, từng phút. Tôi trả lời email trong lúc ăn cơm, tôi xem tivi trong lúc nhắn tin cho bạn bè, tôi gọi điện cho khách trong lúc làm báo cáo...và vòng xoay cứ thế chảy trôi, cho đến khi tôi nhận ra rằng “Mình đã kiệt sức”. Tôi đã từng đề cao chủ nghĩa làm việc đa nhiệm multitasking, tôi lầm tưởng rằng làm nhiều việc một lúc sẽ khiến tôi trở nên chuyên nghiệp hơn, năng suất hơn. Nhưng không! Sau khi đọc cuốn sách này, tôi chợt nhận ra rằng tất cả những mối quan hệ và phong cách làm việc trước đây của tôi cần phải có sự thay đổi nào đó. 
Cuốn sách được chia thành bốn phần:
Phần 1: Gánh nặng của sự kết nối
Phần 2: Thời điểm nên tắt nguồn
Phần 3: Lấy lại quyền kiểm soát
Phần 4: Thiết kế môi trường sống tốt cho sức khỏe
“Khi rảnh, bạn thường làm gì?”
“Lướt facebook chứ còn gì nữa!” - Bạn có thể thấy đây là một câu trả lời phổ biến và không bao giờ lỗi mốt của giới trẻ. 
Phần đầu tiên của cuốn sách với tiêu đề “Gánh nặng của sự kết nối” tác giả gợi mở cho chúng ta bức tranh quen thuộc của những gia đình với người cha, người mẹ đang cho con cái của mình tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. Đó là một bữa ăn gia đình tại nhà hàng, cả nhà vẫn đang trò chuyện với nhau rất yên bình và hạnh phúc. Trong lúc chờ gọi món, người mẹ bắt đầu rút ra chiếc Iphone và đặt một chiếc Ipad lên bàn ăn cho con trai, Và thế là họ đã phó mặc xong con trai của mình cho những video đầy âm thanh và màu sắc hấp dẫn. Sau khi món ăn được bày ra, thay vì tập trung thưởng thức món ăn và trò chuyện với các con, người mẹ đã chụp hình đồ ăn và đăng lên instagram và facebook. Hình ảnh người mẹ cắm cúi vào điện thoại tập trung chỉnh sửa một bức hình ưng ý liệu có làm cho đứa trẻ chạnh lòng khi chiếc điện thoại kia đã giành hết sự chú ý của mẹ dành cho nó? 
Chúng ta đang sử dụng công nghệ trong thời gian nhàn rỗi như một cách để “lảng tránh” và “đánh lạc hướng bản thân thông qua thế giới ảo”
Công nghệ không tự nó gây ra vấn đề, mà những hành vi chúng ta tạo ra xung quanh cách sử dụng công nghệ mới khiến cho việc tắt máy nghỉ ngơi trở nên khó khăn đến vậy”
Nhưng khi chúng ta nỗ lực chụp một tấm hình hoàn hảo để sẻ chia với người khác, liệu chúng ta có thực sự đang bỏ lỡ cơ hội sống trong khoảnh khắc đó? Liệu chúng ta có bỏ lỡ những gì trước mắt không?”
Thay vì ngắm nhìn một bông hoa nở, chúng ta lại nhìn chăm chăm vào màn hình để chọn góc ảnh cho đẹp, thay vì ngắm nhìn nụ cười thơ ngây của em bé, bạn lại lúi húi để chỉnh sửa tấm hình rồi đăng lên face. Công nghệ không sai, lỗi sai nằm ở chúng ta khi chúng ta không thể kiểm soát ham muốn chia sẻ của chính mình. Chúng ta mong cầu sự công nhận và ngưỡng mộ của người khác, những lượt like, share khiến ta cảm thấy bản thân mình là người quan trọng và sự hạnh phúc nhất thời này liên tục thôi thúc bạn hãy chia sẻ đi, hãy chia sẻ nhiều hơn nữa. Thuật toán của mạng xã hội cũng được thiết kế để kích thích nhu cầu sẻ chia và tương tác của bạn, nếu không nhận ra điều này, bạn sẽ trở thành nô lệ của chúng.
Càng chia sẻ, chúng ta càng mất kết nối, càng chia sẻ, chúng ta càng sống rời xa những khoảnh khắc ở thực tại và quên đi những hạnh phúc giản đơn mà mình đang có. Sự sẻ chia sẽ chẳng còn nghĩa lý khi người trong cuộc cảm thấy không hạnh phúc. “Sống trong khoảnh khắc quan trọng hơn chụp lại khoảnh khắc”. Bạn có thể lưu giữ khoảnh khắc nhưng không hề có bất kì kí ức hạnh phúc nào về nó? Vậy bạn chụp lại nó để làm gì? 
Phần thứ hai “Thời điểm nên tắt nguồn”, tác giả sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi “Khi nào tôi cần dừng lại?”, “Đâu là thời điểm để tôi tắt nguồn và sạc lại nguồn năng lượng vốn có?. Bạn cần dành thời gian để quan sát cơ thể và tâm trí mình, nhờ đó nhận biết các dấu hiệu, bạn có đang kết nối quá nhiều, làm việc quá sức và gặp phải kích thích quá mức không?
 Từ những dấu hiệu vật lý thể chất như: 
+ Bạn có cảm thấy bị tức ngực không? 
+ Bạn có thở mạnh và thở gấp hơn bình thường không?
Đến những dấu hiệu về tinh thần tâm lý:
+ Bạn có cảm thấy lo lắng hay thậm chí hoảng loạn sợ hãi khi để quên điện thoại ở nhà không?
+ Bạn có kiểm tra điện thoại ít nhất 30 phút một lần?
+ Bạn có cảm thấy mình bị mất tập trung và khó ngủ vào buổi đêm?.....
Trong thế giới liên tục “bật”, tắt nguồn trở thành một thứ xa xỉ hay thậm chí là một giấc mơ phi thực tế.
Khi đã thấu hiểu rõ những triệu chứng và nguyên nhân dẫn đến việc không thể tắt nguồn giữa cuộc sống hiện đại, phần ba và phần bốn sẽ đưa ra cho bạn những bài tập cụ thể giúp bạn giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của chính mình. Quá trình ngắt kết nối không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi sự bản lĩnh và kiên trì nhưng một khi bạn đã hình thành thói quen ngắt kết nối, bạn sẽ biết ơn chính mình vì đã dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu.
Quá trình tắt nguồn trải qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Ngắt kết nối
Giai đoạn 2: Tái tạo năng lượng
Giai đoạn 3: Tái tập trung
Điểm đáng chú ý là trong mỗi giai đoạn, Angela Lockwood sẽ chia sẻ những bước cụ thể để giúp bạn tìm lại điểm cân bằng trong tâm trí mình. Trong đó, có một phương pháp giúp chúng ta tìm kiếm sự an tĩnh nơi tâm hồn mà bản thân tôi đã thực hành và áp dụng. Đó chính là thiền định. Nhiều người nói với tôi rằng họ không có thời gian để thiền, trong khi họ có thể dành trung bình 1,72 giờ mỗi ngày cho Insta và facebook để cập nhật những dòng trạng thái từ cuộc sống của người khác và cuộc sống của chính họ. 
Một cuốn sách nhỏ đã khiến tôi suy ngẫm nhiều về những kết nối thường ngày, về những áp lực cuộc sống mà tôi đang gánh trên vai. Tôi hối hận vì sự vô tâm với chính mình, tôi đã không dành thời gian chăm sóc bản thân để rồi khi kiệt sức tôi mới vội vã tìm một liều thuốc an thần để trị liệu. Cuốn sách là một món quà tinh thần giúp tôi định vị lại cuộc sống của mình, tôi cần hiểu rõ “Mình là ai?”; Mình có gì?” và mong muốn điều gì? Hạnh phúc không nằm ở đâu xa mà nằm ngay ở tâm ta, hạnh phúc chưa bao giờ biến mất mà chỉ chờ đợi ta thức tỉnh: “Hạnh phúc ở ngay đây, ngay trong giây phút này!” 
"Nếu chúng ta luôn ưu tiên nhu cầu của người khác và để nhu cầu của chính mình xuống cuối, chúng ta chỉ có thể hoạt động với những gì còn dư thừa, với những năng lượng, tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc còn sót lại để cho đi, còn lại rất ít ỏi cho nhu cầu của chính mình."
Công nghệ thông tin, mạng xã hội hay điện thoại thông mình đều là một phần quan trọng tất yếu của cuộc sống. Công nghệ không sai nhưng lỗi nằm ở cách chúng ta sử dung như thế nào? hãy đọc và thực hành cuốn sách để trở thành một user thông thái cũng là một idea để bạn tìm về nội tâm của chính bạn.
--------------
Mình để link mua sách cho bạn nào quan tâm nhé!https://shorten.asia/wvXmbWc1