Trong bài có nhiều giai thoại, khó mà kiểm định, xác nhận cho thật chính xác, nay cứ nêu ra để ghi lại điều tồn nghi và cũng cho mọi người tham khảo.
Hiếm có ai mà không biết đến Hồ Xuân Hương, nhất là khi bà có hai bài xuất hiện trong chương trình ngữ văn phổ thông, bài thứ nhất là bài Bánh trôi nước hồi lớp 7, bài thứ 2 là bài Tự tình II trong chương trình lớp 11.
Nổi tiếng là vậy, nhưng nếu nhìn lại sẽ thấy đây là một người khá bí ẩn, chẳng rõ lai lịch cụ thể ra sao. Trong sách giáo khoa cũng chỉ ghi vài dòng ngắn ngủi là bà sống cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Bà quê ở Nghệ An, nhưng sớm ra Thăng Long lập nghiệp. Nhận thức rõ được thế mạnh của bản thân và nhu cầu thị trường, Xuân Hương quyết định startup trong lĩnh vực văn phòng phẩm. Nhưng Thăng Long đất chật người đông, tấc đất tấc vàng, khởi nghiệp chưa bao giờ là việc dễ dàng cả, bà quyết định gọi vốn cộng đồng. Nhận ra tiềm năng của dự án, cũng là chỗ thân quan nên Phạm Đình Hổ (cụ này cũng được đưa vào trong sách giáo khoa, chính là tác giả của bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh) quyết định đầu tư 5 quan tiền cho Xuân Hương, nhưng đến khi bàn giao lại chỉ thấy có 3 quan. Vì chuyện này mà hai người có chút xích mích, cũng lời qua tiếng lại cà khịa nhau các kiểu, may mà mọi chuyện kết thúc trong êm đẹp.
Có vốn, bà mở tiệm, đặt tên là “quán Trăng Già” (古月堂, Cổ Nguyệt Đường). Tại sao lại đặt tên như vậy? Chữ cổ cộng với chữ nguyệt là chữ Hồ (胡) là họ của bà, ngoài ra thì trong văn thơ của mình, bà cũng hay ví mình như trăng già, mang ý tự trào, tự thương mình là bà cô, đã có tuổi rồi mà chuyện tình duyên, gia đình vẫn chưa đâu vào với đâu.
Mình cho hình để cho đỡ bị nhiều chữ thôi. Chứ quán của Xuân Hương không thế này đâu các bạn, các ảnh khác cũng vậy
Mình cho hình để cho đỡ bị nhiều chữ thôi. Chứ quán của Xuân Hương không thế này đâu các bạn, các ảnh khác cũng vậy
Quán của bà có khá đông khách vãn lai. Có được vị trí đắc địa như vậy, lại thêm bà chủ là một tài nữ, bóng hồng hiếm hoi trong giới chữ nghĩa thì muốn ế cũng khó.
Không rõ do ông trời đánh ghen, cung mọc sai chỗ hay ngũ hành thiếu gì đó mà tình duyên của bà lận đận quá. Xuân Hương ba lần lấy chồng những cũng chẳng đi đến đâu. Qua thơ thì thấy bà còn một vài mối tình, nhưng cũng chìm trong vô vọng.
Ban đầu, khi chỉ biết đến bà qua chương trình phổ thông (mình có tìm đọc thêm một vài bài thơ khác như Quả mít,…) thì thú thực rằng mình không thích bà. Mình cảm giác có một điều gì đó không đúng lắm. Những gì Hồ Xuân Hương thể hiện trong thơ quá mạnh bạo, quá trần trụi. “…Quân tử có thương thì đóng cọc, xin đừng mân mó nhựa ra tay”, không thiếu những nữ văn sĩ táo bạo, mạnh mẽ, thẳng thắn, không ngần ngại khi nói về tình dục, nhưng những câu như thế này lạ quá. Vả lại, những bài thơ này cũng được truyền tụng là của bà, còn có thật là của bà không hay là do một vị nào đó viết rồi ký tên Xuân Hương thì rất khó trả lời cho thỏa.
Bẵng đi một thời gian, gần đây công việc có yêu cầu mình lục tìm lại những nghiên cứu của Học giả Hoàng Xuân Hãn thì tình cờ mình thấy được những nghiên cứu của ông về Lưu Hương ký, một tập thơ được cho là của bà. Cảm thấy hứng thú, mình tìm hiểu thêm và đã rất bất ngờ. Trong tập thơ này, Hồ Xuân Hương hiện lên rất khác. Một Xuân Hương rất con gái, nhẹ nhàng và thanh nhã.
Lưu Hương ký là gì?
Đây là một tập thơ của Hồ Xuân Hương, gồm cả thơ chữ Hán và chữ Nôm, tuy gọi là thơ, nhưng trong đó lẫn cả các bài ca, từ. Tập thơ được Trần Thanh Mại phát hiện và giới thiệu lần đầu vào năm 1964, sau đó lại bị thất lạc. Học giả Hoàng Xuân Hãn kết hợp thông tin từ những bài thơ trong đó với những ghi chép khác và đã tìm được một vài điểm thú vị bổ khuyết thêm cho tiểu sử của bà.
Hồ Xuân Hương và Lưu Hương ký
Có một cách rất hay, nhưng cũng không dễ, để nhìn nhận về một người là đọc những gì mà họ viết. Văn để tải đạo, thơ để tỏ chí.
Chúng ta đã quen thuộc với một Hồ Xuân Hương mạnh bạo trong biểu hiện, ngôn từ sử dụng rất bình dân, thanh hay thô tùy cách hiểu, không ngại dùng sự lệch chuẩn để tạo nghĩa, dùng từ không cần filter, rất trần trụi, bộc lộ một cá tính mạnh mẽ. Thơ của bà tràn đầy sự cấm kỵ, sống động, khiêu khích. Bà như một người đang thách thức cả một xã hội, một “cái hồng nhan” đối chọn với cả “nước non”.
Nhưng liệu bà chỉ có như vậy?
Trong Lưu Hương ký có một Xuân Hương rất khác.
Hiếm có người phụ nữ nào lại không thích hoa, muốn dùng hoa để sức cho mình thêm đẹp, thậm chí còn thích ví mình với hoa. Xuân Hương cũng vậy.
Không còn là: “Thân em như quả mít trên cây”, “thân em vừa trắng lại vừa tròn” nữa, Xuân Hương đã tự ví mình như một: “Cánh hoa trên nước thấm tin triều”.
Cũng nói về thân phận éo le, nhưng cách biểu hiện đã khác. Vẫn ở trong nước, nhưng không còn là “bánh trôi”, lần này Xuân Hương là một cánh hoa trên mặt nước, đang đợi nước triều lên. Hoa có cố tình rơi thì cũng kệ hoa thôi, nước cứ chảy vô tình. Câu từ đã ý nhị hơn nhiều, nhưng nỗi buồn, bi kịch không vì thế mà vơi đi.
Cũng là nỗi buồn giữa cảnh đêm, nhưng đã khác rất nhiều với cái hồng nhan trơ trọi. Từ ngữ tiết chế, thanh thoát: “Lá nhuộm thức lam thêm vẻ thẹn, Sương pha khói biếc rộn thêm sầu” đã thay cho khung cảnh “Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám. Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”. Đã bớt phẫn uất mà thêm phần u buồn, cô đơn.
Vài hàng chữ gấm chạnh niềm châu,
Nghĩ tưởng năm canh nguyệt hé lầu
[…]
Thẩn thơ trước viện, nhà khoe gió,
Đồng vọng bên tai, địch thét đâu,
Đêm đã khuya rồi mà vẫn còn thơ thẩn trước nhà, đọc được cái gì đó rồi bật khóc. Có điều gì đó đang làm Xuân Hương lo lắng, u buồn. Hay là bà đang chờ đợi điều gì? Buồn đau, sầu thảm vì nghĩ rằng mình đang bị trêu đùa.
Nhưng nỗi buồn tan biến khi có người cùng viết chữ, cùng trò chuyện, cùng “Gửi tứ vào thơ, lời nhã nhặn. Khêu đèn trên chiếu, chuyện dông dài”. Vui đến mức giận hờn trước đó đều chẳng đáng để tâm, bao nhiêu lỗi lầm đều đáng được tha thứ hết thảy: “Đêm nay dù có gì đi nữa. Một tiếng cười xoà, phóng bút bay”. Đâu còn cái oán trách “Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ. Sau hận vì duyên để mõm mòm.”
Cũng như các thiếu nữ khác, Xuân Hương cũng có những tâm sự chất chứa, luôn tự vấn hoặc bản thân xem liệu mình làm thế có phải không, luẩn quẩn với những suy nghĩ trong đầu.
Chưa có story instagram với tấm ảnh đầy noise, nhạc lofi và những dòng nhỏ, Xuân Hương gửi tình mình vào thơ:
Lẩn thẩn đi về mấy độ nay,
Vì đâu đeo đẳng với nơi vầy.
Ấm trà tiêu khát còn nghe giọng,
Chén rượu mừng xuân dạ thấy say.
Những nỗi trăn trở của Hồ Xuân Hương rất nữ tính. Trong lòng rất lo, rất buồn, rất tủi nhưng giữ kín trong lòng mà chẳng để lộ ra, chỉ biết gửi tình vào thơ. Cách thể hiện của Xuân Hương cũng rấtnhẹ nhàng, lúc nào cũng mượn cảnh để tỏ tình: “Cúc nhả hương thầm, lan toả sắc. Nhớ giai nhân lắm, khó mà kham”.
Cái buồn duy nhất mà Xuân Hương nói thẳng là cái buồn của sự cô đơn, của việc không có ai bầu bạn.
Ta có rượu, không người đối ẩm
Ta có đàn, chẳng bạn tri âm
Đàn biếng khảy, rượu lười châm
Vài chung trà nhạt, nhớ thầm người xưa.
Không xa cách, ngồi trên đỉnh cao như là một bà chúa, cũng chẳng còn ngang tàn, gai góc và luôn thách thức, Xuân Hương trở thành một người bạn nhẹ nhàng, dễ gần, dễ khiến người ta muốn ngồi xuống bên cạnh, trò chuyện, cảm thông.
Sau cái vỏ gai góc là một tâm hồn thơ mộng và yếu mềm. Nỗi lòng của Xuân Hương 200 năm trước, cũng chẳng quá khác biết với nỗi lòng các thiếu nữ ngày nay.
Vui khi được gặp nhưng cũng buồn vì phải chia ly. Nhưng Xuân Hương cũng là một người lạc quan và yêu một cách cuồng nhiệt, hết mình. Hãy tin rằng người ta không phụ mình: “Hãy nên trao gửi mối duyên đi. Lòng son ai nỡ phụ giai kì.
Hồ Tây, nơi hẹn hò lãng mạn, since 1790s
Với những bạn trẻ sống ở Hà Nội, hồ Tây là một địa điểm vô cùng quen thuộc, để hóng mát, để lượn lờ chụp ảnh, để đi lang thang tận hưởng chút gió Hà Nội, hay đặc biệt nhất là để hẹn hò. Nhưng chẳng cần đợi đến bây giờ hồ Tây mới lãng mạn đến vậy, cách nay hơn 200 năm, đây đã là nơi gặp gỡ của hai tâm hồn thi nhân hàng đầu Việt Nam.
Những bài thơ trong Lưu Hương ký còn tiết lộ về những người tình của bà. Trong một bài thơ được đề tên là: Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu, nghĩa là: nhớ về chuyện cũ, gửi cho Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu. Đoạn dưới có 1 dòng chú là: “Hầu người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân”.
Ban đầu mình cũng định chèn vào một cái ảnh hồ Tây, cơ mà nghĩ lại thấy thế thì lại hơi thường. Nên là ảnh này không phải ảnh hồ Tây đâu nha.
Ban đầu mình cũng định chèn vào một cái ảnh hồ Tây, cơ mà nghĩ lại thấy thế thì lại hơi thường. Nên là ảnh này không phải ảnh hồ Tây đâu nha.
Khoan đã, Nguyễn Du cũng quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cũng là Cần chánh điện học sĩ, ông mang tước hầu (Du Đức hầu) nên cũng có thể gọi là Nguyễn Hầu. Có quá nhiều sự trùng hợp ở đây, lẽ nào người được tặng thơ chính là Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều.
Nhìn lại một chút về cuộc đời của cụ Nguyễn Du. Cụ sinh năm 1765. Đến năm 1778, mẹ mất, ông chuyển ra ở với người anh là Nguyễn Khản. cụ Nguyễn Khản vốn làm quan to trong triều đình Lê Trịnh, được chúa Trịnh ưu ái cấp cho một căn biệt thự ở Hồ Tây, cách Cổ Nguyệt Đường của Hồ Xuân Hương không xa là mấy, chắc cũng vì thế mà hai người trở nên thân quen với nhau.
Những năm 80 của thế kỷ 18 là một thời kỳ biến động trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Du cũng là một nạn nhân của thời đại. Anh ông, Nguyễn Khản, bị giết trong nạn kiêu binh vào năm 1787, rồi Tây Sơn lại còn ra bắc. Đến khoảng năm 1788, để cho qua cơn biến loại, Nguyễn Du xách ba lô lên và đi, bắt đầu hành trình phượt hàng nghìn cây số của mình trên đất Trung Hoa. Đến tận năm 1790 ông mới về nước.
Nguyễn Du lúc này đã trở thành một chàng trai phong sương. Có drama nào trên đời mà Du chưa từng trải qua? Binh đao loạn lạc, lại thêm những hiểu biết thu được từ hành trình trên đất Trung Hoa đã khiến ông trở nên khá nổi bật trong đám người cùng trang lứa.
Hồ Xuân Hương lúc này trạc 20 tuổi (theo Hoàng Xuân Hãn), là một cô gái mới lớn đầy mơ mộng. Những câu chuyện mà chàng tài tử mới về nước sau một hành trình dài, lại còn hào hoa phong nhã với một tâm hồn thi ca, chắc chắn đã làm Xuân Hương xao động. Mà không xao động thế nào được, những lời thơ của Nguyễn Du cho đến tận ngày nay, đã khiến biết bao nhiêu tâm hồn Việt phải ngậm ngùi xúc động.
Tài tử gặp giai nhân, hai người nhanh chóng trở nên thân tình. Mối quan hệ này vẫn còn phảng phất trong những vần thơ của Nguyễn Du sau này.
Trong thơ của mình, Nguyễn Du gọi Xuân Hương là lân nữ (cô gái láng giềng), hai người hẹn cùng nhau đi hái sen:
Tây Hồ, hái, hái sen,
Hoa, gương chất mạn thuyền,
Hoa tặng người mình kính,
Gương tặng người mình thương.
Mối quan hệ giữa hai người cũng được Nguyễn Du ví với sợi tơ sen:
Trong cuống có tơ bền.
Vấn vương hoài không dứt.
Hai người cùng du ngoạn trên hồ Tây mùa sen nở. Bên rượu bên đàn, hai kẻ say tình cùng nói chuyện thơ văn, một người xướng, rồi một người họa lại, cứ thế không dứt. Bên cảnh Tây hồ, Xuân Hương tin rằng hai người gặp được nhau là do duyên kỳ ngộ, mà một khi đã là duyên số thì kiểu gì sự cũng thành, hai người sẽ bên nhau mãi. Nhưng số mệnh vốn là một bà cô thích trêu đùa và thích ngược lòng người.
Khúc Phượng cầu Hoàng chưa tấu xong, thì hai người đã phải xa nhau. Năm 1793 thì Nguyễn Du phải về quê ở Tiên Điền, rồi sau đó ông phải theo anh mình là Nguyễn Đề lưu lạc khắp chốn. Nội chiến Tây Sơn và Nguyễn nổ ra, hai người không còn cơ hội tái ngộ. Hồ Xuân Hương lấy chồng, rồi Nguyễn Du cũng yên bề gia thất.
Mối tình ven hồ Tây chỉ còn lại những nuối tiếc, dằn vặt, nó làm mình nhớ đến một câu thoại trong Us and Them, chúng ta của sau này cái gì cũng có, chỉ là không có chúng ta:
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Hồ Xuân Hương cả đời sau lận đận, nhưng vẫn đầy tự tin và bản lĩnh, cũng thật giống với cô nàng Phương Tiểu Hiểu.
Trong Truyện Kiều, cũng có vài câu trong đó có phảng phất mối tình xưa cũ, ẩn hiện dưới hình ảnh sen:
Những từ sen ngó đào tơ
Mười lăm năm mới bây giờ là đây
Hay là:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Biến động của thời đại, nó tác động đến từng cá nhân, từng ngõ ngách. Mình tự hỏi rằng còn bao nhiêu cặp đôi cũng vì bị thời thế xô đẩy khiến sợi tơ sen đứt lìa, chỉ còn lại vất vương, nối tiếc và hoài niệm, trở thành nỗi ám ảnh suốt cả một đời.
Tạm kết
Không còn xù xì gai góc, cũng chẳng phóng túng, thách thức mọi chuẩn mực, Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương ký hiện lên rất khác. Một Xuân Hương dễ gần, mơ mộng, ý nhị, nhẹ nhàng và thanh nhã hơn.
Nhưng Xuân Hương thì vẫn là Xuân Hương thôi. Vẫn là một người cảm thông thương xót với cái éo le, thiệt thòi của người phụ nữ. Vẫn là một tiếng nói của phụ nữ bênh vực phụ nữ, là khát vọng được hạnh phúc. Cái khác biệt chỉ là cách biểu hiện. Và Xuân Hương này đã thật sự chinh phục mình. Mình nhận ra rằng, sâu thẳm trong bà là một người con gái sợ cô đơn, luôn khao khát tình yêu, muốn mình được quan tâm, che chở.
Nếu thơ Nôm của bà là cái vỏ gai góc, cương kiện khiến người ta e dè, nể phục, tôn bà lên làm thủ lĩnh thì tập Lưu Hương ký lại khơi dậy được lòng đồng cảm. Xuân Hương không còn xa cách nữa mà rất gần gũi, như những cô gái khác ở quanh ta thôi, bà đâu có muốn mạnh mẽ, bà buộc phải mạnh mẽ để đối mặt với cô đơn.
---
Những bài thơ mình ghi trong bài đều lấy từ thivien.net
Về những quan điểm của học giả Hoàng Xuân Hãn mà mình nhắc đến trong bài, các bạn có thể đọc thêm ở đây: http://thuykhue.free.fr/hxh/hxhhxh.html