Đối với những ai quan tâm về phát triển bản thân thì chắc chắn không thể không biết đến NLP - Neuro Linguistic Programming. Vì chính NLP là nền tảng cho lĩnh vực phát triển bản thân. Thoạt đầu khi mới biết sơ sơ về NLP, mình khá nhạc nhiên khi thấy nó có nhiều điểm tương đồng với tâm lý học, đại khái là đều bắt nguồn từ việc điều khiển tâm trí dẫn đến thay đổi hành vi. Đến nay tìm hiểu kỹ mới thấy, cội nguồn của NLP xuất phát chính từ hai người là John Grinder, một giáo sư trợ giảng ngôn ngữ và người còn lại là Richard Bandler, một sinh viên đại học chuyên ngành tâm lý, có niềm đam mê mãnh liệt với tâm lý trị liệu. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi thấy rằng, phần lớn nền tảng của NLP lại chính là đến từ các phương pháp trị liệu tâm lý, một lĩnh vực áp dụng tâm lý để chữa lành những vết thương tâm hồn.
Vậy NLP là gì? Đúng như cái tên và cội nguồn hình thành của nó, NLP dịch ra là Lập trình ngôn ngữ tư duy. Tư duy là cách chúng ta cảm nhận thế giới qua các giác quan, ngôn ngữ là cách chúng ta sắp xếp những suy nghĩ và hành vi để tương tác với mọi thứ xung quanh và lập trình là cách thức chúng ta lựa chọn để sắp xếp chúng lại với nhau. Nói theo ngôn ngữ "bà ngoại", tức là đến bà ngoại cũng có thể hiểu, thì NLP chính là cách chúng ta tái định hình lại những thứ chúng ta nạp vào đầu, và chỉ chọn lọc ra những điều tốt đẹp nhất để áp dụng vào cuộc sống chúng ta. Để làm được như vậy, chúng ta phải hiểu về hành vi bản thân, về cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ để tương tác, rèn luyện một tư duy mở và sáng suốt để có thể dẫn dắt những thứ ấy sang hướng tích cực.
NLP không phải là những thứ tiêu cực bạn có thể nghe ở đâu đó kiểu như, hãy nghĩ mình giàu thì mình sẽ giàu, hay cứ nghĩ mình giỏi là mình sẽ giỏi. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai, NLP thực chất phức tạp hơn rất nhiều và nó cũng không hề chỉ đề cập đến việc tin gì là có nấy, mà nó bao gồm những phương pháp để bạn hiểu hơn về cách chúng ta suy nghĩ, và làm sao tác động tích cực đến cách nghĩ đó, từ đó, sẽ dẫn đến những hành động tích cực. Bởi vì suy nghĩ dẫn đến hành động, và nếu nghĩ sai sẽ dẫn đến hành động sai. NLP giúp ta suy nghĩ về việc nghĩ, ở cấp độ sâu hơn suy nghĩ bình thường.
NLP lý giải rất rõ tại sao cùng một sự vật, hiện tượng, nhưng mỗi người lại có một cách hiểu khác nhau. Như người Ả Rập có câu: Việc miếng bánh có ngon hay không còn phụ thuộc vào việc bạn có đói hay không. Mỗi người có một quá khứ và trải nghiệm khác nhau, chính vì vậy họ có cái nhìn khác nhau. Một người sống từ nhỏ đến lớn trong tiêu cực thì sẽ rất khó có cái nhìn yêu thương trong cuộc sống, ngược lại một người được yêu thương và sống trong tích cực từ bé thì họ cũng khó có thể cảm nhận nỗi đau nó thốn cỡ nào. Thông thường, chúng ta thay đổi chỉ khi ta nhìn thấy được một góc nhìn khác.
Lấy ví dụ, nếu từ bé bạn bị nhồi não rằng bạn mập là do cơ địa, không thể thay đổi được, thì bạn sẽ luôn tin như vậy, bạn nhìn xung quanh và thấy mấy đứa hàng xóm cũng vậy, bạn lại càng tin và không muốn thay đổi. Giả sử khi lên đại học, bạn may mắn gặp được một người cũng giống bạn nhưng đã rèn luyện để có một có thể săn chắc hơn. Lúc này, niềm tin của bạn bắt đầu lung lay khi bạn thấy được một góc nhìn khác trong cuộc sống, nó nói rằng: Bạn cũng có thể luyện tập để trở nên như vậy. Và NLP giúp chúng ta điều này, nó giúp chúng ta nhận thức các vấn đề hiện hữu và tự chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời, một góc nhìn khác và mới mẻ hơn để ta giải quyết vấn đề. Hay nói một cách đơn giản là nó giúp ta tự phản biện chính mình để tìm ra một lối đi đúng đắn nhất.
NLP sẽ chỉ cho ta thấy các giai đoạn của quá trình học tập là như thế nào, một cấu trúc hành vi thông thường của con người ra sao và làm sao điều chỉnh nó, các cấp độ trong suy nghĩ và hành vi, các mô hình trong giao tiếp, làm sao để tiếp nhận thông tin chính xác và cách phân loại chúng. Như đã nói ở trên, mọi thứ bắt nguồn từ thông tin bạn tiếp nhận, cách bạn hiểu thông tin đó và cuối cùng là cách mà bạn diễn giải và áp vào hành vi của mình. Tất cả đều xoanh quanh việc "Làm thế nào?".
Cũng giống như bao công cụ khác, NLP không phải là chén thánh để đảm bảo chắc chắn 100% bạn áp dụng là sẽ thành công, nó còn tùy thuộc vào việc bạn sử dụng nó như thế nào. Tâm trí của chúng ta thực sự còn phức tạp hơn những gì bạn tưởng tượng rất nhiều, từ việc nhận thức được tại sao mình đang làm cái mình đang làm cho đến việc mình có đang biết cái mình không biết, nghe thì khá là "hack" não một chút nhưng mình tin là bạn sẽ há hốc mồm khi thực sự tìm hiểu nghiêm túc về NLP. Và xin nhắc lại, nó không đơn giản chỉ là chúng ta nghĩ cái gì là chúng ta sẽ có cái đó, mà là chúng ta đang hiểu chúng ta đang làm gì và chúng ta sẽ kiểm soát hành vi của chúng ta như thế nào để đạt cái mà chúng ta muốn.
Tham khảo thêm ở sách NLP căn bản - Oseph O'Connor & John Seymour.