“ Tất cả mọi người trên thế gian đều là đứa con quý giá của một ai đó”
Yêu những điều không hoàn hảo - Sư Hae Min
Ảnh chụp cuốn sách Có một ngày bố mẹ sẽ già đi
Ảnh chụp cuốn sách Có một ngày bố mẹ sẽ già đi
Có một giai đoạn nào đó trong cuộc đời bạn muốn rời đi, mà không muốn trở về nhà? Với mình thì có, giai đoạn bản thân mình không muốn về nhà đó là lúc mình bước vào những năm tháng của tuổi đôi mươi. Cuộc sống thành phố, giảng đường đại học mở ra một chân trời rộng lớn, những ngày vui chơi cạnh bên bạn bè, chuyến đi khám phá thăm thú vùng đất lạ. Khi ấy mình giống như chú chim lần đầu tiên nhìn thấy chân trời rộng lớn, và chú chim chỉ muốn bay mãi, chẳng muốn trở về. 
Mình phần nào thỏa mãn ước mơ, không biết còn lấy ở đâu ra sự tự tin có phần hơi ngạo mạn rằng chỉ cần một khoảng thời gian nữa thôi sẽ không còn cần nhờ vả, phiền muộn gia đình nữa. Mình có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân. 
Nhưng rồi, không lâu sau, chú chim bị một trận phong ba bão táp cuộc đời làm gãy đi đôi cánh tưởng chừng rất vững vàng. Trong những ngày đầy đau đớn, mệt mỏi, mong ước lớn nhất chú chim non tội nghiệp kia, là có thể quay trở về nhà, được về bên mẹ, ôm lấy mẹ, khóc thật lớn, được bố nấu món cháo nóng hổi, hỏi vài lời quan tâm.
Càng lớn, khi đối diện nhiều khía cạnh thực tế, mình nhận ra không phải ai cũng sẵn sàng bao dung che chở cho những vấp ngã, vụng dại nơi mình. Những người đủ vị tha, yêu thương ấy chỉ có thể là gia đình (những người bạn tri kỷ), chỉ có họ mới sẵn lòng giang rộng vòng tay đón phiên bản “kiệt quệ” trở về, sau những ngày tháng khó khăn.
Nhưng có một sự thật là, người trẻ như chúng ta dù biết, hay tự nhủ rằng gia đình vô cùng quan trọng. Nhưng chỉ cần giai đoạn mệt mỏi qua đi, khi  đã hồi phục trở lại, đủ sức quay trở lại với cuộc sống, ta sẽ tiếp tục chọn ra đi. Sự ra đi ấy là cần thiết để ta xây dựng mái ấm, hạnh phúc cho bản thân trong tương lai. Nhưng vì quá mải miết cuốn theo dòng chảy cuộc sống, đôi khi ta lại quên đi, phía sau ta là gia đình, là những người thân yêu thỉnh thoảng cũng cần lời hỏi thăm, an ủi, thỉnh thoảng cần ta nói với họ những lời dịu dàng và quan tâm. Ta quên bởi vì ta luôn vô tư cho rằng gia đình sẽ luôn ở đó, luôn luôn ở đó, sẽ không bao giờ rời đi.
Ta dùng lý do bao biện cho sự vô tâm, hời hợt của chính mình trong hiện tại.
Một ngày chủ nhật lang thang phố xá, vô tình ghé qua một tiệm sách nhỏ, mình thấy cuốn sách Có một ngày bố mẹ già đi, chẳng hiểu ánh mắt mình cứ dõi theo cuốn sách mãi, nên mình đã mua về. 
Sau đó dành một buổi tối cuối tuần đủ thảnh thơi để đọc cho hết.

Giới thiệu cuốn sách

Có một ngày bố mẹ sẽ già đi là tập truyện ngắn của nhiều tác giả, do Losedow biên dịch.
Cuốn sách tâm bìa hồng xinh xắn, với 21 câu chuyện nhẹ nhàng, ý nghĩa, viết về những người thân trong gia đình, không chỉ bố, mẹ, trong đó còn là chuyện về ông nội, ông ngoại, cô út.. mỗi câu chuyện một một mảnh ký ức tình cảm của tác giả đối với gia đình của họ.

Câu chuyện ấn tượng 

Khi đọc toàn bộ cuốn sách, câu chuyện để lại trong lòng mình nhiều ấn tượng nhất là: “Bố vẫn ở cạnh ánh trăng.”
Câu chuyện của một nữ tác giả, vì hiểu lầm hồi còn nhỏ, khiến tác giả cảm thấy rằng bố không yêu mình. Lớn lên, sự hiểu lầm chưa được xóa bỏ. Bố của tác giả, như mọi ông bố trên đời, không  thể hiện tình cảm bằng lời nói, thay vào đó chọn thể hiện bằng những hành động thật lặng lẽ, điều đó càng làm cho việc hiểu lầm trong lòng tác giả ngày một lớn thêm. Tác giả thừa nhận bản thân cũng có nhiều lần cư xử không đúng với bố. Mãi sau này khi vì một căn bạo bệnh, người bố sau nhiều ngày tháng âm thầm chịu đựng đau đớn, đã ra đi mãi mãi. Tác giả mới nhận ra tình cảm của bố, mới hiểu “đằng sau dáng vẻ trầm lặng kỳ thực ẩn giấu tình yêu, và sự quan tâm”.  Lúc ấy dù có hối hận thế nào, mọi chuyện đã muộn.
Đoạn trích mình đọc, thực sự cảm động, đoạn trích là: “Thời gian có lúc như chiếc kính lúp, rất nhiều chi tiết chúng ta từng không để ý, giờ lần lượt được phóng đại, rõ ràng đến đáng sợ..
Tôi từng đọc một câu chuyện, trong đó có đoạn khiến người ta rơi lệ: “ Bố mẹ là tấm rèm ngăn cách giữa chúng ta và cái chết. Bạn và cái chết dường như bị tách biệt khỏi nhau, bạn không cảm nhận được sự tồn tại của nó. Bố mẹ chắn giữa hai bên, cho đến khi bố mẹ qua đời, bạn mới chính thức phải đối mặt. Nếu không, cái chết trong lòng bạn chỉ là một khái niệm mơ hồ bạn chẳng biết đến. Họ hàng, bạn bè, hãng xóm láng giềng qua đời, áp lực đổ lên đầu bạn không quá trực tiếp, bố mẹ là tấm rèm ngăn cách bạn và cái chết, che chắn cho bạn đôi chút, người thân thiết nhất sẽ ảnh hưởng đến quan điểm sống chết của bạn.” 
Đúng là, dù chúng ta lắng nghe, từng biết về cái chết, nhưng sự thật, cái chết đối với ta vẫn chỉ là khái niệm mơ hồ, không rõ ràng. Ta biết nó tàn khốc, nhưng ta không muốn hình dung, không muốn nghĩ về nó. Ta cũng tự nhủ có thể nó chẳng xảy ra người thân của ta đâu, không thể đâu, hoặc nếu nó xảy ra sẽ là một ngày rất xa xôi.
Có lẽ một phần mình đồng cảm câu chuyện này, vì giữa mình và gia đình cũng có những câu chuyện buồn, ấm ức, vụn vỡ chứ không toàn những kỉ niệm đẹp. Giữa các thành viên trong gia đình mình cũng có hiểu lầm, xích mích. Có một khoảng thời gian mình đã oán trách giận dỗi bố mẹ, vì điều họ không thể làm cho mình. Có lúc mình muốn rời đi, đi thật xa, không trở về nữa.
Mình chỉ thấm thía được tình cảm của bố mẹ khi rơi vào giai đoạn khủng hoảng, nhiều khó khăn. Bố mẹ của mình, một lần nữa trở thành hậu phương vững chắc che chở mình đi cơn bão giông khi ấy, đến tận bây giờ vẫn vậy.
Trong vô vàn điều nói cùng mẹ, mình nhớ nhất, câu nói của mẹ trong một đêm đã khuya, khi ấy vì buồn rầu không ngủ được nên đã nhắn tâm sự với mẹ, sau đó mẹ nhắn lại: “Dù con làm gì, mẹ cũng ủng hộ con”. Dẫu biết mẹ yêu mình, nhưng khi nghe câu nói ấy, mình đã bật khóc, tình yêu thương rộng lớn, sự hy sinh thầm lặng của mẹ luôn có mang đến một nguồn sức mạnh to lớn xoa dịu trái tim mệt mỏi và thổn thức bên trong mình.
Điều mình nhận ra sau tất cả, dù vui buồn, hờn giận, cả những đau đớn, tổn thương ấy chính là: “Dù có thế nào, gia đình vẫn luôn là một mái ấm an toàn, vững chãi che chở con cái bất kể thế gian này đổi thay ra sao.”

Cảm nhận chung về nội dung

Thực ra đọc xong cuốn sách, có nhiều câu chuyện không đọng lại trong mình, có thể là vì mỗi câu chuyện chỉ là mảnh ghép nhỏ trong toàn bộ chương lớn cuộc đời mỗi tác giả nên mình khó cảm nhận được nó sâu sắc và đặc biệt. 
Nhưng bù lại cuốn sách đem lại cho mình nhiều cảm giác nhẹ nhàng, bình yên. Và điều cuốn sách giúp mình nhiều nhất, là khiến mình suy nghĩ nhiều hơn về mối quan hệ giữa bản thân và người thân trong gia đình, về vai trò, tình cảm mình dành cho họ, về những điều mình cần làm trong những ngày tháng tiếp theo.
Cuốn sách cũng khiến mình muốn kết nối lại cuốn sách khác về tình cảm gia đình đã từng đọc và quên lãng như Bố con cá gai, Yêu những điều không hoàn hảo, Cám ơn tất cả, Hãy chăm sóc mẹ.
Cả buổi tối hôm đó, khi một mình ngồi trong căn phòng, mình mở Youtube, và nghe những bài hát có về gia đình bài hát Ước mơ của mẹ, những bài hát về cha, thế rồi mình bật khóc, mình thấy nhớ bố mẹ thật nhiều.
Muốn nhấc máy lên gọi về cho bố mẹ nhưng nhìn lại đã một giờ sáng, giờ này bố mẹ chắc chắn đã ngủ rồi. Bước sang ngày mai mình sợ bản thân không có đủ can đảm như bây giờ, mình vẫn là đứa trẻ ngày nào, khô khan trong việc bày tỏ tình cảm với gia đình.

Lời kết

Một lần nữa, mình biết ơn những thông điệp bình yên mà mỗi tác giả muốn gửi gắm thông qua câu chuyện của chính họ. Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép màu sắc, lưu giữ ở đây để nhắn nhủ chúng ta về vai trò của những người thân trong gia đình, để thỉnh thoảng ta có thể tự nhắc chính mình hãy yêu thương hãy quan tâm họ nhiều nhất có thể.
Tất cả chúng ta những con người nhỏ bé giữa thế gian không thể tránh khỏi sự tàn khốc thời gian, sự chia cắt của sinh ly tử biệt. Vậy nên trong hiện tại, điều chúng ta có thể làm là chọn làm và sống hết mình trong khả năng. Để đến một ngày nào đó, không còn phải thốt lên hai từ "giá như".
"Sinh ra trên đời vốn cô liêu, bởi con đường hỷ nộ ái ố này chỉ có thể bước đi một mình. Nhưng vì có người nhà nên cuộc đời mới đậm hương”.
“Năm tháng vẫn mãi trôi, thời gian không trở lại. Bạn chẳng bận rộn như bạn nghĩ, năm tháng cũng không dài như bạn tưởng. Rồi một ngày, bố mẹ bạn sẽ già đi. Bố mẹ chúng ta cũng giống như mặt trời, luôn lặng lẽ ở sau lưng chúng ta, cho chúng ta chỗ dựa và ấm áp, nhưng nếu có một ngày bố mẹ không còn ở đấy, cảm giác an toàn quen thuộc cũng lập tức biến mất, bấy giờ muốn tìm lại, sợ rằng đã quá muộn…… Mãi về sau một người cùng trang lứa đã nói với tôi thế này: “Cậu vẫn còn bố mẹ ở bên cạnh, thật sự khiến mọi người hâm mộ.” Nhìn vẻ vô lực, đau đớn trên gương mặt người đó, tôi mới biết, thì ra mình vẫn luôn hạnh phúc…”
“ Mỗi người chúng ta đều là một con chim làm tổ trên cây, bố mẹ chính là cây cổ thụ. Cây che nắng cháy gió mưa, che chở chim non đến khi đủ lông đủ cánh. Nhưng chim non luôn hướng đến bầu trời, tò mò về thế giới chưa biết. Chim non lớn lên sẽ rời khỏi tổ, thỉnh thoảng lại biến mất.Tiếng nói của bố mẹ là tiếng là cây xào xạc trong gió, mái tóc bạc của bố mẹ là vòng tuổi được bởi thời gian. Cây vẫn chờ chốn cũ, đời cánh chim mỏi quay về, hết thảy xem như trời yên biển lặng, nhưng vòng tuổi mãi mãi luôn thay đổi.”
Dù trải qua ngọt ngào, vui buồn, giận hờn, tổn thương, vụn vỡ. Nhưng vì biết một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều rời khỏi thế gian này.
Nếu sự sống mong manh hơn chúng ta từng nghĩ, từng biết đến. Liệu chúng ta có thể yêu thương người thân của mình nhiều thêm chút nữa, được không?
Hi vọng bạn tìm thấy một vài điều ý nghĩa khi biết đến và đọc qua cuốn sách Có một ngày bố mẹ sẽ già đi.