Hai thế giới trên một vùng đất. Một bên là cuộc sống xa hoa, giàu sang, vật chất dư dả, của cải chất đống từ việc lợi dụng sức lao động của tầng lớp thấp cổ bé họng. Một bên là cảnh cơ cực, bần hàn, quần áo chắp vá đủ chỗ, cơm không đủ ăn, nước không đủ dùng, ngày ngày ngậm đắng nuốt cay chịu đựng sự gò bó và bóc lột vô cớ.
Giữa hai thế giới đối lập đó, có mười đứa trẻ mang trong mình những khao khát rực rỡ hơn cả ánh bình minh, tự xưng mình là chiến binh cầu vồng, kiên trì đấu tranh cho những giấc mơ về con chữ.
Đây không phải là một câu chuyện về phép màu, không có phép màu nào cả. Dải cầu vồng rực rỡ kia chính là những giọt mồ hôi thấm đượm nước mắt của những cô cậu học trò, của người thầy, người cô chấp nhận lao mình về phía trước và giành lấy cái quyền được mơ ước. Họ cười, họ khóc, họ đau đớn, họ bất lực, họ cắn răng chịu đựng những lời lăng mạ chỉ vì họ nghèo, họ chiến đấu, họ ra sức bảo vệ cái ngôi trường xập xệ - nơi duy nhất họ được bám víu vào những tia hi vọng nhỏ nhoi. Những gì họ đã trải qua, từng câu chuyện, từng khó khăn, tất cả dần hội tụ lại với nhau và tạo nên một dải cầu vồng rực rỡ sau mỗi cơn mưa.
Trên cái mảnh đất nghèo nàn u ám kia, mười đứa trẻ đã vẽ nên một dải cầu vồng, đem ánh sáng đến cho chính chúng và những đứa trẻ khác, thắp lên một niềm hi vọng mới giữa cái màn đêm lạnh lẽo và đầy bất công.
Con người mạnh mẽ nhất khi họ có ước mơ và nguyện hiến mình cho những ước mơ đó. Đây là điều mà mình học được khi đọc cuốn sách này.

1.  Giới thiệu chung

“Chiến binh cầu vồng” là tác phẩm đầu tay của Andrea Hirata – một nhà văn nổi tiếng người Indonesia. Cuốn sách là câu chuyện được viết lại dựa trên thời thơ ấu của chính ông, một trong mười chiến binh cầu vồng.
Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2005, “Chiến binh cầu vồng” đã nhanh chóng có được sự quan tâm và giành được cảm tình của rất nhiều độc giả. Sau đó, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhạc kịch, và phim truyền hình. Bộ phim “Chiến binh cầu vồng” đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế, mang lại nguồn doanh thu đạt kỉ lục ở Indonesia.
Từ những lời bộc bạch của chính tác giả, đây là cuốn sách mà ông đã luôn ấp ủ từ nhỏ, là lời hứa của ông với người cô giáo mà ông yêu quý nhất, và cũng là mơ ước của chú bé ham mê văn học ngày nào.
“Hai ngày sau, ở Bandung, tôi đi làm về và bắt đầu viết cuốn sách. Những ngày sau đó, tôi khúc khích cười, xúc động, bực bội và khóc nức nở lúc nửa đêm – một mình. Tôi say sưa viết cho đến lúc nhìn lại đã thấy được 600 trang.
Cuối cùng, tôi thở phào nhẹ nhõm khi viết một vài dòng đầu dòng trên trang đầu cuốn sách: Dành tặng cho thầy cô của tôi, cô Muslimah, thầy Harfan Effendy Noor, và mười người bạn thời thơ ấu của tôi, những thành viên đội Chiến binh cầu vồng. Tôi đặt tên cho cuốn sách là Chiến binh cầu vồng.”

2.  Những ngôi sao rực rỡ giữa bầu trời đêm

Giữa cái bầu trời tăm tối đầy rẫy sự bất công từ phân biệt đối xử và cái mùi nồng nặc của sự nghèo túng bần cùng, có mười ngôi sao đã cùng nhau thắp lên những giấc mơ trong trẻo và rạng rỡ vô cùng.
Đó là Marhar – thủ lĩnh của đội. Cậu là một đứa nhóc có tính khí khá kỳ quặc và khó hiểu. Thế nhưng, ẩn đằng sau cái dáng vẻ tinh quái đó là một thiên tài nghệ thuật, một tâm hồn phong phú đến mức bất kì thứ gì xung quanh cậu đều có thể trở thành một câu chuyện thần bí và mê hoặc. Dù phải một thân một mình đi làm culi sau giờ học từ năm lớp 2 để giúp gia đình sống sót giữa cuộc sống cơ cực, Mahar chưa bao giờ đánh mất vẻ hồn nhiên và tràn đầy sức sống trên gương mặt của cậu. Mu bàn tay nhẵn thín và bóng loáng dầu không thể gột sạch, đầu ngón tay bị máy mài lạng đến mức không còn giữ được hình dạng ban đầu, những ngón tay đầy sẹo, móng tay nham nhở. Đó là những gì mà cậu phải chịu đừng trong một cuộc sống nghèo túng, nhọc nhằn, và không còn sự lựa chọn.
Đó là Lintang – ánh dương sáng ngời của đội, chú bé ngày ngày kiên trì đạp chiếc xe cà tàng của mình suốt 40 cây số để được đến lớp. Cậu là một đứa bé sáng dạ, cực kì thông minh, và lương thiện. Cậu nghèo, nghèo lắm, đến cái mức gia đình cậu phải sống chui rúc mười bốn người trong một căn chòi nhếch nhác và nhỏ xíu. Cậu đen nhẻm, dáng người nhỏ thó với mái tóc đỏ xoăn tít. Nhưng đằng sau cái cơ thể còm nhom đó là một bộ óc của thiên tài, là một khao khát cháy bỏng với tri thức, là một đôi mắt sáng rực với những điều mới lạ xung quanh.
“Lintang như một cái cây dương xỉ. Hễ có một vài giọt nước rơi xuống cánh hoa là ngay lập tức nó bắn tung phấn ra – lấp lánh, rực rỡ, và tràn đầy nhựa sống.”
Đó là Samson – hiệp sĩ danh dự của đội trong bộ giáp bóng loáng. Cậu là đứa đầu tiên có thể biết đích xác ước mơ của mình là gì và kiên trì nỗ lực để đạt được mục tiêu. Samson hơn rất nhiều người khác, cậu đã bỏ qua giai đoạn tìm kiếm bản thân – giai đoạn mà người ta còn thiếu tin tưởng vào chính mình cho đến khi trưởng thành.
Đó là Harun – anh hùng cứu lấy ngôi trường tận hai lần. Sự xuất hiện của cậu bao giờ cũng mang một ý nghĩa to lớn với cái ngôi trường xập xệ đang đứng trên bờ vực bị buộc đóng cửa này. Harun là một đứa ngờ nghệch, nhưng cậu chân thành và dễ mến. Cậu có thể không hiểu những phép tính và những con số, nhưng cậu hiểu rất rõ những người bạn mà nó trân quý.
Đó là Kucai, cậu lớp trưởng hăng hái, nhiệt tình, và liều lĩnh. Đó là Sahara, một đứa con gái hay cau có cằn nhằn nhưng lại có một tình yêu to lớn với văn học. Đó là Trapani, một đứa nhóc sáng sủa, điển trai, hiền lành, và rất yêu mẹ. Đó là Syahdan, cậu nhóc luôn đồng ý làm bất cứ việc gì chỉ để được kiếm cớ trốn học đi chơi. Đó là A Kiong, một đứa nhóc người Phúc Kiến và là đứa suốt ngày gây gổ với Sahara. Đó là Ikal, chiến binh cuối cùng của chúng ta, và cũng là người đã viết cuốn sách này.
Mười chiến binh, mười ngôi sao sáng này và những câu chuyện về hành trình vươn mình đến tri thức của họ sẽ khiến bạn cảm thấy ngưỡng mộ, rùng mình, và xót xa. Bạn sẽ cười nắc cười nẻ với những trò đùa của bọn trẻ con, bạn sẽ cảm thấy quặn đau khi nghĩ về sự khốn khổ mà những đứa bé đó phải đối mặt. Bạn sẽ tức điên người lên khi chứng kiến cảnh những tên vô lại với cái chức to đùng đang ra sức dẫm đạp và bóc lột những con người yếu đuối không còn sức chống trả. Và, bạn có thể sẽ rơi nước mắt khi biết phép màu đã không xảy đến mặc cho bọn trẻ đã gắng sức tỏa sáng đến mức nào.

3.  Hơi ấm giữa cái nghèo buốt giá

Cô giáo Mus, một người phụ nữ thuần khiết và mạnh mẽ. Cô khao khát cái nghề giáo viên cao cả này, cô ôm ấp cái giấc mơ được dạy cho bọn trẻ những nét chữ đầu tiên, cô dành trọn tình yêu thương cho mười đứa học sinh mà cô coi như con mình, cô kiên quyết và mạnh mẽ chiến đấu bảo vệ ngôi trường cũ kỹ nhưng thiêng liêng này.
Tình cảm của cô, sự quan tâm, sự bao dung, và cả sự nhiệt huyết mà cô dành cho bọn trẻ đã đem lại hơi ấm cho chúng, sưởi ấm trái tim chúng và thổi bùng ngọn lửa học tập trong chúng.
Thầy hiệu trưởng Harfan, người đàn ông nghèo khổ và tần tảo nhưng mang trong mình một ngọn hải đăng soi rọi tri thức và khao khát dìu dắt những đứa trẻ đến với con chữ. “Người đàn ông với tấm lòng bao la như trời biển, một giếng nước mát lành giữa cánh đồng kiến thức khô cằn”, đó chính là người thầy đầu tiên, người thắp lên niềm tin nơi những chiến binh cầu vồng.
Hai người thầy cô và mười em học sinh, tất cả bọn họ đều nghèo khổ, đều là nạn nhân của một xã hội đầy rẫy những bất công và những tiếng khóc than ai oán. Nhưng dù vậy, họ vẫn giữ cho mình một cái tâm lương thiện, một linh hồn trong trẻo, và một ngọn lửa rực cháy những ước mơ. Họ ôm lấy nhau, yêu thương và che chở cho nhau, họ trao cho nhau hi vọng và niềm tin. Những đôi bàn tay chai sần và thô ráp, những đôi bàn tay nhỏ thó và non nớt, những đôi bàn tay gầy guộc và đầy gân xanh, chúng nắm lấy nhau, truyền hơi ấm cho nhau, và nguyện không bao giờ buông xa.
Những đứa trẻ là ý nghĩa cuộc đời của những người thầy, người cô. Và chính họ cũng đã trở thành bầu trời tuổi thơ của những đứa trẻ ấy, là cây cột vững chắc để chúng tựa vào suốt những năm tháng tập lớn.

4.  Một thế giới không màu hồng

“Chiến binh cầu vồng” không phải là một câu chuyện về chuyến phiêu lưu đầy ly kỳ, cũng không phải là một câu chuyện về tuổi thơ đầy vị ngọt. Đây là câu chuyện của những đứa trẻ sinh ra với cái nghèo cùng cực, sống trong cái xã hội thực dụng và trần trụi, lớn lên giữa những bất công gần như đã trở thành điều hiển nhiên. Nó không bình yên và thơ mộng, nó thực tế và khắc nghiệt hơn thế nhiều. Song, dù sống trong một thế giới xám xịt như vậy, những đứa bé ấy vẫn giữ cho lòng mình tràn đầy niềm tin và hi vọng. Chúng sẵn sàng vẽ lên những sắc màu khác nhau, bày đủ trò ngỗ nghịch, tạo đủ mọi kì tích, kiên trì học tập dưới mọi hoàn cảnh, kể cả khi lớp học đã mất một mảng tường và mái nhà cũng không còn. Chúng là những chiến binh cầu vồng, những con đại bàng hiên ngang chao lượn giữa cái nghèo bủa vây.
Đến cuối cùng, dù cho những giấc mơ năm xưa của chúng đã bị dập tắt bằng cách này hay cách khác, thì chúng cũng vẫn không thể quên được những năm tháng ấy, chúng đã từng chiến đấu kiên cường như thế nào, đôi mắt chúng đã từng sáng rực dưới ngọn đèn tri thức ra sao.
Dù thế nào đi nữa, chúng vẫn là những chiến binh cầu vồng.

5.  Trích dẫn giá trị

"Người ta thường không ý thức được sự ngu dốt của mình, và, tương tự như thế, một vài người thường không nhận ra rằng họ đã được Đấng Toàn năng chọn lựa để toàn tâm toàn ý hiến mình cho tri thức.”
“Ấy là một thực tế hết sức mỉa mai với cuộc sống của chúng tôi nơi đây: sự lộng lẫy xa hoa của Điền Trang và nét quyến rũ khôn cưỡng của ngôi trường PN tài trợ bằng tiền kiếm được từ những mỏ thiếc khai thác trên chính mảnh đất quê hương chúng tôi. Giống hệt vườn treo Babylon được xây cho kẻ bạo chúa Nebuchadnczzar III để chờ thần Marduk, Điền Trang là thương hiệu của Belitong được xây nên để tiếp tục ước mơ bành trướng thuộc địa – một giấc mơ đen tối. Mục tiêu của nó là trao quyền lực cho thiểu số để thống trị đa số, giáo dục thiểu số để sai khiến đa số. Vị thần được tôn thờ không ai khác hơn chính là địa vị xã hội, cái địa vị được xây trên nền tảng của sự phân biệt đối xử đối với những cư dân bản xứ nghèo khổ.”
“Đối với bọn tôi, cô giáo Mus và thầy hiệu trưởng Harfan đúng là những người yêu nước đích thực mà không hề được tặng thưởng bất kỳ một huy chương danh dự nào. Hai con người ấy vừa là thầy cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dẫn dắt tinh thần để chúng tôi luôn đi đúng hướng. Họ dạy học trò làm những ngôi nhà đồ chơi từ cây tre, chỉ cho chúng tôi cách tắm gội sạch sẽ trước buổi cầu kinh, dạy chúng tôi cầu nguyện trước khi đi ngủ, bơm căng lốp xe đạp bị xì, hút chất độc ra khỏi chân nếu bị rắn cắn, và thường xuyên vắt nước cam cho chúng tôi uống. Họ là những anh hùng không được tụng ca, là vị hoàng tử và công chúa hiện thân cho sự tận tâm, và là giếng nước kiến thức thanh khiết cho cánh đồng khô hạn bỏ hoang.”
“Giáo dục mau chóng trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo chẳng mấy hi vọng được cắp sách đến trường, phải cật lực vì cái ăn cái mặc dưới sự phân biệt đối xử.”
“Cái nghèo là một mặt hàng. PN hủy kế hoạch khai thác thiếc ở trường tôi, điều đó không có nghĩa là chúng tôi bớt nghèo đi. Chúng tôi không bị tống đi thì chẳng còn xung đột nào với PN nữa. Không ai có thể lợi dụng tình huống này để tống tiền PN hay trở nên nổi tiếng vì bảo vệ cho người nghèo cả. Không ai có thể trở thành một anh hùng đích thực, không có lá phiếu nào từ sự vụ này cả. Sẽ không có tấm ảnh buồn bã nào đi kèm những lời đề nghị được viện trợ. Sự rút lui của mấy cái máy xúc đã khiến cho giá thị trường của cái nghèo nơi trường chúng tôi tụt xuống một cách thảm thương.”
“Những lớp tài nguyên màu mỡ cuộn trào bên dưới những ngôi nhà xiêu vẹo nơi chúng tôi hằng ngày lây lất với cuộc sống thiếu thốn túng quẫn. Chúng tôi, những cư dân bản xứ của Belitong, giống như một bầy chuột đói khát trong một cái kho đầy nhóc thóc.”
Nguồn ảnh: Canva