Chào mọi người, hiện tại các bạn đã có điểm thi và đang phân vân chọn ngành học. Làm mình bồi hồi nhớ lại hồi trước mình cũng phân vân, mông lung trong chọn con đường tương lai. Mặc dù đam mê game và mộng tưởng về tương lai sẽ làm một con game khuynh đảo thế giới :v. Và dĩ nhiên từ khóa hot nhất hiện tại là IT, vua của mọi nghề :v. Nhân dịp vừa xong đồ án tốt nghiệp kỹ sư IT của HUST, mình xin chia sẻ một chút về IT cho những bạn đang chọn, những bạn sau này cũng sẽ phân vân chọn ngành này (Nhất là những bạn muốn vào HUST học IT nhé).

1. Có nên học IT?

- Đầu tiên, khái niệm IT: Information Technology, công nghệ thông tin là một khái niệm chung chỉ rất nhiều ngành bên trong nó, có thể kể ra như IT HelpDesk, công nghệ phần mềm, kỹ thuật máy tính, mạng máy tính, khoa học máy tính, an toàn thông tin ...
- Điều thứ hai, các bạn thử nghĩ đam mê của mình là gì, ước mơ của mình là gì, các bạn có ước mơ thành bác sĩ để cứu người không, có đam mê làm văn, viết thơ không. Việc chọn ngành học là việc chọn cả tương lai của chính các bạn, các bạn cần suy nghĩ kỹ càng vì nó sẽ là bước đệm để các bạn đi về sau này. Học ngành gì cũng có thể kiếm được nhiều tiền nếu các bạn giỏi, học là cả một quá trình gian nan, nếu các bạn không có đam mê, không yêu thích nó thì chỉ cần mở sách thôi là các bạn đã chán nản rồi. Vì vậy, lời khuyên là chọn ngành mà mình yêu thích, đam mê chứ đừng chọn theo xu hướng.
- Điều thứ ba, có nên học IT hay không? Có, dĩ nhiên, IT là ngành khá mới và nó đang trong giai đoạn bùng nổ số hóa, mọi thứ đều được số hóa (đến cả căn cước công dân cũng là số hóa rồi đó). Vì thế hiện tại nhân lực của ngành này đang cần là rất nhiều, và tương lai vẫn còn cần nhiều (nó sẽ bão hòa và đào thải nhưng với xu thế khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển thì ngành này vẫn sẽ hot). Tuy nhiên, cần nhiều là cần nhiều người khá, giỏi chứ không phải vào học rồi ra trường cầm cái bằng mà hỏi gì cũng không rõ thì không ai cần đâu.

2. Học IT thì học gì?

- Học IT thì một số trường như FPT sẽ học thẳng vào chuyên ngành, nó giống cầm tay chỉ việc ấy, nên sẽ nhanh, học xong là làm được việc luôn. Còn hầu hết các trường khác như Bách Khoa, Quốc Gia thì mất 2 năm đầu là học đại cương, thêm 1 năm học cơ sở ngành, rồi mới học chuyên ngành. Ở đây, cần chú ý những điều này:
+ Học đại cương: Sẽ học toán cao cấp như giải tích, đại số, vật lý, xác suất thống kê, ... Những môn này thì cơ bản là học như cấp 3 thôi nhưng lượng kiến thức cho mỗi môn là rất nhiều, nó không giống cấp 3 có thể 1 bài các bạn được dạy đi dạy lại mấy lần, ở đây mỗi bài dạy 1 lần, mỗi buổi các bạn có thể học 2-3 bài là bình thường. Và dĩ nhiên như các tên của nó đã nói hết rồi, nó khá khó nên phải học thường xuyên, liên tục. Vậy học đại cương có cần thiết hay không? Rất rất rất cần thiết, nhấn mạnh 3 lần, nó là nền tảng để học các môn chuyên ngành sau này, học đại cương mà giỏi thì sau này học chuyên ngành hay học lên thạc sĩ, tiến sĩ dễ hơn nhiều.
+ Học cơ sở ngành: Sẽ học những môn tạo cơ sở để bạn hiểu về máy tính và chương trình máy tính. Mình sẽ giới thiệu 4 môn mà mình thấy rất quan trọng:
*Kiến trúc máy tính: sẽ cho các bạn hiểu máy tính cấu tạo như thế nào, hoạt động như thế nào, các chương trình mà các bạn viết ra thì máy tính sẽ làm sao hiểu được, và đặc biệt là được làm quen với Assembly :v ...
*Kỹ thuật lập trình: cho các bạn làm quen với ngôn ngữ lập trình bậc cao, thường thì là c/c++, cách viết một chương trình, cấu tạo một chương trình, ...
*Cấu trúc dữ liệu và giải thuật: nếu đã biết viết 1 chương trình máy tính thì làm sao để nó tối ưu (tối ưu là về tốc độ và tài nguyên sử dụng, tức là thời gian mà nó thực hiện và lượng bộ nhớ mà nó cần sử dụng), môn này sẽ dạy các bạn những cái cơ bản để làm được điều đó, ví dụ đơn giản: khi bạn tìm kiếm trên google, tại sao nó lại cho ra hàng triệu kết quả gần như ngay lập tức, chính là nhờ thuật toán đấy.
Lợi hại của giải thuật
Lợi hại của giải thuật
*Lập trình hướng đối tượng: môn này các bạn hiểu cơ bản là sẽ giúp cho chương trình của các bạn dễ thiết kế, dễ viết và dễ bảo trì hơn.
+ Học chuyên ngành: Ở đây thì sẽ được học chuyên sâu hơn về chuyên ngành mà bạn chọn tùy từng đặc trưng các ngành mà các bạn học, ví dụ cơ sở dữ liệu, .NET, vi xử lý, ... Dĩ nhiên các ngành sẽ có những môn rất quan trọng cần phải hiểu rất rõ ví dụ kỹ thuật máy tính thì cần học tốt xử lý tín hiệu số, vi xử lý, ... và dĩ nhiên các môn sẽ có thể đi kèm các bài tập lớn để hiểu rõ hơn.

3. Học IT thì có nên học trường nào, có nên học ở các trung tâm?

- Hiện có rất nhiều trường đào tạo về IT, kể như kinh tế, nông nghiệp cũng có đào tạo, và dĩ nhiên các giảng viên ở đây thì cũng cấp thạc sĩ, tiến sĩ cả nên chất lượng cũng không thua kém bao nhiêu so với các trường nổi như Bách Khoa hay Quốc Gia.
- Tuy nhiên, cần lưu ý là việc học đại học này, cần rất nhiều kiến thức nên việc các giảng viên dạy các bạn là dạy những cái cơ bản, nền tảng, chủ yếu là các bạn TỰ HỌC và là tiền đề để các bạn có thể học được các công nghệ mới sau này (các bạn thấy từ những năm 200x còn là GPRS, vài năm sau lại có 2G, 3G, 4G, hiện tại đã có 5G và người ta đã nghiên cứu 6G rồi. Chỉ trong khoảng 20 năm mà công nghệ nó thay đổi chóng mặt vậy thì việc tự học được các công nghệ hay tạo ra công nghệ mới nó yêu cầu kỹ năng học hỏi của các bạn rất nhiều). Nên lời khuyên của mình là nếu các bạn có đam mê thì cứ học IT, tùy điểm thi của các bạn mà chọn trường thôi, việc còn lại là đam mê và tự học, tự mày mò (kể như vụ 2 bạn lớp 9 hack cả vào hệ thống ở sân bay thì các bạn cũng hiểu việc tự học nó ghê như nào, lớp 9 còn đang chỉ giải phương trình và bất phương trình thôi chứ chưa được học toán cao cấp đâu :v).
- Dĩ nhiên, nếu vào được trường tốt và có danh tiếng thì cũng sẽ tốt hơn vì ở đó sẽ toàn là những đứa giỏi thôi, nên việc các bạn có môi trường học tốt và có sự ganh đua. Ở đây, nếu các bạn muốn học rồi đi làm sớm thì vào FPT, còn muốn có nền tảng vững chắc hơn thì vào các trường chuyên về kỹ thuật hơn (nếu giỏi các bạn có thể đi làm sớm từ năm 2 - 3).
- Tiếp theo là có nên học ở trung tâm không? Việc mới bắt đầu học một cái gì đó mới thực sự khó, nếu các bạn có được những người quen định hướng và hướng dẫn (mentor) cho thì sự học của các bạn gấp 3 những bạn khác rồi. Còn nếu không có mentor thì sao? Nói thật thì học trên trường khá khô khan và hàn lâm, nên nếu các bạn học thêm một số khóa học về IT ở các trung tâm để hiểu rõ hơn thì cũng rất tốt. Hoặc các bạn lên google (công cụ không thể thiếu :v) và youtube sẽ có rất nhiều khóa học cơ bản dễ hiểu để tự học lại.

3. Lời khuyên khi học IT

Thực ra thì học ngành gì cũng nên làm như vậy chứ không riên gì IT, mình có một số lời khuyên như sau:
- Học, học nữa, học mãi, học liên tục, cứ làm nhiều thì thành thói quen.
- Nên tham gia các câu lạc bộ, tổ chức Đoàn - Hội, tình nguyện (mình có viết 1 bài về vấn đề này, các bạn cũng nên đọc), bạn sẽ quen được nhiều bạn cùng ngành cũng như khác ngành (biết đâu có người yêu :v), và đặc biệt là quen được những anh chị khóa trước, quen thì sẽ xin được kinh nghiệm học của anh chị, nào là tài liệu (tiền in tài liệu cũng đắt lắm :v), nào là nên học mônnào, nào là nên học thầy cô nào để điểm cao :v, nào là bài này khó quá anh chị làm giúp, .... Các bạn sẽ năng động hơn, không còn học xong thì về chơi game. Ngoài ra, đặc biệt là còn luyện được nhiều kỹ năng mềm khác như nói trước đám đông, thuyết trình, tổ chức sự kiện, .... những cái này các doanh nghiệp đánh giá cao lắm (ví như sau đi demo sản phẩm cho khách hàng mà cứ e thẹn, ấp a ấp úng thì ai dám thuê).
- Nên quen và chơi với 1 nhóm bạn, vừa giúp đỡ nhau khi học xa nhà, vừa có thể hỗ trợ nhau trong học tập. Dĩ nhiên, có người điểm danh hộ khi ngủ quên :v. Đùa thôi, khi có 1 nhóm bạn thì sẽ hẹn nhau đi học, đi chơi, các bạn sẽ đỡ bị lười hơn. Và sẽ có 1 nhóm để sau hỗ trợ nhau làm bài tập lớn, làm đồ án.
- Cố gắng xin đi theo 1 thầy cô để được lên lab nghiên cứu, tham gia các dự án thực tế. Dĩ nhiên là nếu theo các thầy cô thì việc được các thầy cô giới thiệu học bổng cho là đơn giản.
- Cố gắng đi thực tập sớm, mình nghĩ thời điểm tốt nhất là năm 3 - 4. Nếu còn yếu thì tìm các công ty tuyển intern, giỏi hơn thì tìm thực tập sinh, giỏi hơn nữa thì xin lỗi mình chưa đạt đến cảnh giới này nên không có kinh nghiệm :(. Đừng quá đề cao việc lương khi đi thực tập, những cái mà các bạn được học khi thực tập nó đáng giá hơn rất nhiều vì các bạn được học và làm việc thực tế, được trải nghiệm quá trình làm việc nên sẽ có kinh nghiệm khi ghi CV, nếu hợp thì công ty có thể offer cùng bạn để làm chính thức khi ra trường luôn.

4. IT ở HUST thì sao?

- Về chương trình học và chuyên môn đào tạo thì khỏi bàn, theo bảng xếp hạng về IT thì HUST xếp số 1 cả nước rồi. Các thầy cô rất chuyên môn, tâm lý. Cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp (các phòng máy, phòng lab đã được xây mới hết rồi), thành lập rất nhiều các câu lạc bộ về IT cho những newbie. Có nhiều lab để nghiên cứu.
- Ở HUST, mỗi năm đuổi 800 - 1000 sinh viên là có thật, một phần là do chương trình học đại cương khá khó, học 1 thời gian là thấy nản nên không qua môn, phần nữa là do vào học thì toàn học đại cương nên các bạn chán và dần bỏ học hết chuyển sang làm cái khác. Còn vào chuyên ngành rồi thì ít các bạn từ bỏ lắm, chủ yếu là bận làm thêm hay đi thực tập mà không qua môn thôi. Lời khuyên là nếu lỡ trượt 1 môn thì kỳ sau hoặc kỳ hè đăng ký học lại luôn, nếu học môn mới mà trượt tiếp là nó cộng dồn vào thì dễ bị cảnh cáo và đuổi học.
- IT ở HUST thì được phân rất rõ ràng thành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính và công nghệ thông tin chung. Ngoài ra còn có các chương trình liên kết Việt - Nhật, chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao. Khoa học máy tính thì mình chưa tìm hiểu (tại mình học kỹ thuật máy tính nên không quan tâm bên kia :v) nhưng mình nghĩ là nghiên cứu về AI, các nghiên cứu về ứng dụng của máy tính khác. Kỹ thuật máy tính thì học 1 chút về phần cứng, các kiến trúc vi xử lý, xử lý tín hiệu, làm hệ nhúng (ví dụ cái điều khiển là 1 hệ nhúng), ... ngành nay hay là ở chỗ, các bạn không chỉ ngồi đau lưng để code mà còn được đau lưng để vẽ mạch, hàn mạch :v (dĩ nhiên nó có nhiều hướng khác nữa, các bạn lên web của trường tìm hiểu).
- Vấn đề khá hay ho ở HUST nói chung chứ không riêng IT là học phí, học phí rất đắt (mới tăng từ khóa 62 do trường tự chủ tài chính) và nếu lỡ học lại thì học phí lại còn x1.5 nữa. Nên các bạn cũng cần suy nghĩ kỹ khi chọn học ở đây. Tuy nhiên, học bổng ở HUST thì khỏi bàn, loại A là bằng x1.5 học phí của kỳ học, loại B là bằng học phí, loại C thì x0.5 học phí kỳ đó. Ngoài ra, trường luôn có các chương trình hỗ trợ học phí cho các bạn điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp cũng có học bổng dành cho những bạn điều kiện khó khăn (HUST nhiều đối tác là các doanh nghiệp lớn nhỏ nên nhiều cơ hội lắm). Nên nếu có quyết tâm học thì không lo lắng quá về học phí nhé.
Hình như có mỗi thế thôi, chưa nghĩ ra được gì nữa, nếu có thắc mắc muốn hỏi thì hãy bình luận lại, cá nhân mình và nhiều anh chị có kinh nghiệm trong forum có thể hỗ trợ cho các bạn. Dĩ nhiên, bài viết chỉ là trải nghiệm cá nhân nên có thể có nhiều chỗ không tốt, thậm chí không đúng, mong mọi người góp ý.
Cảm ơn mọi người đã đọc.