_Khi thú tội chỉ là lời xác nhận về tội ác mình gây nên_
Nếu có hứng thú với dòng tiểu thuyết tâm lý Nhật, hẳn không ai nên bỏ qua tác phẩm Thú tội của Kanae Minato. Trong số ba tác phẩm của bà (Chuộc tội, Những đứa trẻ bị mắc kẹt và Thú tội), có thể khẳng định Thú tội là tác phẩm xuất sắc nhất về tâm lý những kẻ gây tội và bi kịch của cả một xã hội.
Truyện bắt đầu khi cô gái Moriguchi đứng trước cả lớp tuyên bố cô sắp nghỉ dạy. Đây những tưởng là kết thúc cho quá trình theo đuổi vụ tai nạn chết đuối của con gái cô cho đến khi cô bắt đầu nhắc đến những hung thủ đằng sau vụ án, hay nói rõ hơn chính là hai học sinh của lớp học mà cô chủ nhiệm. Bằng giọng điệu ám chỉ rõ ràng, cô đã khiến cả lớp nhận ra hung thủ thật sự là ai, đồng thời ban ra lời tuyên bố về một cuộc sống đáng sợ trong tương lai cho hai học sinh trẻ tuổi.
Khi nghĩ rằng bi kịch kết thúc, thật ra nó chỉ mới bắt đầu.
Câu chuyện được chuyển lần lượt qua giọng kể của nhiều người, cô giáo, lớp trưởng cậu học sinh B, cậu học sinh A, đến khi quay trở lại cuộc điện thoại của cô giáo chủ nhiệm một lần nữa. Đây là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc, nhưng khi tác giả áp dụng, cái hay của truyện đã được nâng lên rất nhiều lần. Cả truyện là sự bất ngờ này nối tiếp bất ngờ khác, bởi khi sự thật được bóc trần từng lớp một, ta thấy được độ tàn nhẫn ngày một tăng. Ngay ban đầu, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng cô giáo đã đủ độ tàn nhẫn, vậy có lẽ quyển sách sẽ không còn gì hấp dẫn nữa. Nhưng không, chính những học sinh ở độ tuổi vị thành niên đó bản thân đã nuôi dưỡng những suy nghĩ còn xấu xa gấp nhiều lần số năm tuổi đời.
Phải khẳng định, đây là một tác phẩm hay, nhiều yếu tố bất ngờ, cách kể chuyện không gây nhàm chán, nội dung khá cuốn hút, diễn biến tâm lý nhân vật được giải thích rõ ràng. Khi từng người được kể câu chuyện của chính họ, ta mới hiểu được lý do họ hành động thế này hay không hành động thế khác. Tưởng chừng việc dành cho mỗi nhân vật một chương sẽ gây nên sự trùng lặp hay chán chường; nhưng không, yếu tố mới mẻ vẫn xuất hiện ở mỗi trang giấy. Mỗi nhân vật, dù lớn hay nhỏ, đều có vấn đề của mình; họ thiếu sự quan tâm, chia sẻ, dẫn đến việc mắc kẹt trong những hành động trả thù, thái độ căm ghét, chống đối xã hội.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, đây không phải là một tác phẩm mang tính giáo dục cao. Ta không thể đưa con cái của mình đọc khi chúng chưa đủ nhận thức và tự chủ về hành vi. Không thể giải thích với những đứa trẻ rằng tại sao cô giáo có thể ra tay với học trò, hay chính học trò lại nuôi ý định giết cả con cô giáo. Nếu những chuyện như thế này xảy ra với hệ thống giáo dục, chúng ta thật sự không còn gì để dạy con em mình nữa. Khi không thích một ai, khi tự ti, khi muốn gây sự chú ý, khi bất mãn,... bất cứ khi nào cũng có thể giết người làm giải pháp. Do đó, quyển sách cũng nên được giới hạn đọc ở một độ tuổi nhất định.
Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa tích cực, truyện như một lời cảnh tỉnh đến tất cả các bậc phụ huynh, những người đang có con em trong độ tuổi phát triển, nổi loạn, bốc đồng. Chúng ta không thể hiểu con cái mình hoàn toàn, chỉ có thể cố gắng và tiếp tục cố gắng hơn nữa. Hãy quan tâm đến suy nghĩ và cảm nhận của chúng, đừng khiến những đứa trẻ tự vấy bẩn bởi tội ác. Có thể, nếu những học sinh này sống khác hơn, suy nghĩ khác đi hay có ai đó để tâm sự, mọi chuyện đã không trở thành bi kịch.
P/s: mình còn một số review khác ở trang nhà mình, các bạn có thể ghé xem ở Page Gặm Sách nhé.
Hoặc các bạn có thể dành tình cảm cho bài review này ở đây.