"Trại súc vật" (George Orwell) hay Chuyện chính trị của những con lợn
Trại súc vật giống như một cuốn sách minh họa ám ảnh người đọc, vờ như là câu chuyện dễ thương, đậm màu sắc sách truyện thiếu nhi,...

Trại súc vật giống như một cuốn sách minh họa ám ảnh người đọc, vờ như là câu chuyện dễ thương, đậm màu sắc sách truyện thiếu nhi, mà hóa ra lại rùng rợn đau buồn và thê lương kỳ lạ. Nó dùng chất liệu của những câu chuyện dân gian, của một thế giới thần kỳ rất đỗi quen thuộc – nơi động vật biết nói, biết suy nghĩ và tư duy như hoặc hơn cả con người, để minh họa chính cuộc sống thực của con người, chính thể chế chính trị đáng sợ bậc nhất – độc tài. Nó khiến tôi nghĩ rằng, tác phẩm này nên được lan truyền giống như một câu chuyện ngụ ngôn. Nghĩa là, có thể không phải ai cũng kiên nhẫn đọc hết nó nhưng bất cứ ai cũng nên cần biết qua về nó, để từ đó có được một bức tranh “ngộ nghĩnh” về chế độ độc tài – hữu hình hơn, cụ thể hơn và khó mà quên được.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Câu chuyện bắt đầu ở một nông trại có tên là Điền trang do ông chủ Jones quản lý. Ở đây có đầy đủ những giống vật nuôi thông thường như lợn, gà, vịt chó v…v. Chúng thường bí mật họp lại với nhau vào một tối nhất định để bàn chuyện của loài vật. Ở đây, tất cả động vật trong trại quay quần lại với nhau để nghe những điều chỉ dạy của một con lợn vốn được tôn là Thủ lĩnh già. Gọi là “già” bởi nó đã sống lên tận 12 năm – một con số đáng kinh ngạc đối với lợn nhà. Nó đứng lên và thuyết giảng về thân phận nô lệ của các loài động vật và sự tàn ác, dã man của con người mà đại diện ở đây là lão Jones. Thủ lĩnh già đưa ra sự mâu thuẫn phi lý giữa người và vật. Người không tự sản xuất ra bất cứ cái gì, trứng không, sữa không, sức lực không. Còn vật thì có hết những thứ đó, thậm chí còn biết làm việc chăm chỉ, khả năng sinh tồn cao. Vậy mà loại vật lại chịu sống dưới cái ách ác độc của con người, bắt lao động khổ sai với một khẩu phần ăn ít ỏi, bắt cống nạp tất cả mọi thứ, chia cắt mẹ con, vứt bỏ kẻ già yếu bệnh tật, sống lười biếng, xảo trá. Tất cả các con vật nghe xong thì đều gầm lên phẫn uất. Chúng xót xa cho phận mình và nhen nhóm ý định khởi nghĩa giành quyền tự chủ. Thủ lĩnh còn truyền cho chúng một bài ca riêng của súc vật, và nó nhanh chóng trở thành “súc vật ca” được hát trong mọi cuộc họp. Nhưng chẳng bấy lâu sau cuộc phát động đó thì Thủ lĩnh chết. Hai con lợn sáng dạ nhất là Napoleon và Tuyết tròn lên kế tục và không ngừng đi kích động, cổ vũ mọi vật cùng nhau đứng dậy khởi nghĩa. Chúng thuyết phục những kẻ ngu muội- nghĩ rằng Jones là thánh ban ơn, chăm nuôi muôn vật, thuyết phục cả những kẻ bàng quan với hiện thực và những kẻ có cái nhìn tiêu cực.

Thế rồi thời thế tạo nên anh hùng, trong một ngày bị bỏ đói đến rệu rã, chúng buộc phải tìm đến kho ngũ cốc để cứu lấy dạ dày mình. Đúng lúc đó thì Jones và những kẻ làm thuê xuất hiện, tức giận dùng roi quất túi bụi lên lưng, đầu chúng. Con giun xéo lắm cũng quằn, tất thảy động vật vùng lên chống trả quyết liệt, chúng đuổi con người chạy vòng quanh điền trang, húc đổ tất cả những gì có thể, roi da không có ích gì, loại vật ở khắp nông trại đều bừng bừng khí thế chiến đấu. Rốt cuộc, Jones quá sợ hãi đành cùng vợ con bỏ chạy khỏi nông trại. Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi. Mọi loại vật đều say mê trong hạnh phúc. Trong những giây phút đầu tiên đầy thiêng liêng, chúng hít chậm rãi cái không khí tự do và cùng nhau đi khắp nông trại để phá hủy những tàn dư của con người, riêng tòa nhà chính – nơi Jones sống thì chúng thỏa thuận để nó làm bảo tàng như một chiến tích lưu giữ đời sau. Napoleon và Tuyết tròn tìm thấy sách trong nhà Jones và tự học lấy chữ, cách canh tác, sử dụng máy móc và những kiến thức sống còn khác. Chúng thống nhất với nhau sơn lên bức tường nông trại 7 điều răn cho toàn thể xứ sở loại vật:
- Tất cả các loài hai chân đều là kẻ thù
- Tất cả các loài bốn chân hoặc có cánh đều là bạn
- Không có con vật nào được mặc quần áo
- Không con vật nào được ngủ trên giường
- Không con vật nào được uống rượu
- Loài vật không được giết hại lẫn nhau
- Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng
Loài cừu không đủ trí thông minh để đọc và nhớ hết thảy 7 điều nên chúng được tóm tắt lại thành khẩu hiệu ngắn gọn “bốn chân tốt, hai chân xấu”. Bất kể dịp lễ hay hội họp nào, bọn chúng đều túm tụm lại và hô vang khẩu hiệu đó, có khi tận mấy chục phút liền “bốn chân thì tốt, hai chân thì xấu”. Mọi loại vật đều gọi nhau là đồng chí, tôn trọng lẫn nhau và ra sức làm việc. Napoleon và Tuyết Tròn trở thành người chỉ đạo bởi chúng là những kẻ thông minh và hiểu biết nhất. Chúng được uống sữa, ăn táo và sử dụng nhà của Jones – vốn trước đó được coi là bảo tàng. Bởi lẽ theo như lời của Chỉ điểm – con lợn chuyên làm công tác tuyên giáo, thì “Chúng tôi uống sữa và ăn táo vì lợi ích của chính các đồng chí đây. Các đồng chí tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy nếu loại lợn chúng tôi không cáng đáng nổi nhiệm vụ không? Lão Jones sẽ quay về? Vâng, lão Jones sẽ quay về? Chắc chắn như thế, thưa các đồng chí”. Nghe thấy nguy cơ rằng kẻ địch không đội trời chung có thể vẫn đang rình rập chờ cơ hội quay lại, tất thảy loại vật sợ hãi và vội vã gật đầu đồng ý với cách làm của loại lợn.
Sự lãnh đạo của Napoleon và Tuyết Tròn mang lại nhiều đổi mới cho trại, nhưng đồng thời cũng nhiều lần khiến cả trại rơi vào những cuộc chiến, phân chia bè phái nảy lửa, bởi hai con lợn không mấy khi đồng quan điểm với nhau, vả lại cũng chẳng bao giờ nhún nhường nhau.

Xung đột lên đến đỉnh điểm khi Tuyết Tròn đề nghị nên xây cối xay gió – công trình hứa hẹn giúp nông trại hiện đại hóa, có điện sử dụng quanh năm, kéo lò sưởi vào từng chuồng súc vật, khởi động máy gặt máy đào đất để giảm bớt công việc nặng nhọc, giúp loại vật sống thoải mái hơn. Nhưng Napoleon cho rằng tất cả những thứ đó chỉ là hão huyền, phỉnh nịnh, quyết liệt phản bác. Đến buổi bỏ phiếu cuối cùng, nhận thấy các loại vật có vẻ đã chiều theo ý của Tuyết Tròn, Napoleon liền bất ngờ thả 9 con chó hung dữ như những con chó sói ra đuổi đánh Tuyết Tròn. Kể từ đó, không ai trông thấy Tuyết Tròn xuất hiện ở trong trại súc vật nữa.
Napoleon đường đường chính chính trở thành người lãnh đạo duy nhất, đi đâu cũng luôn có 9 con chó hộ tống bao quanh, hằm hè và chực cắn bất cứ ai muốn lại gần chủ chúng, đặc biệt ở trên ngực nó còn đính thêm hai huy chương Danh hiệu Súc vật anh hùng bậc I và Súc vật anh hùng bậc II do nó tự phong. Giờ đây, không ai được gọi trống không Napoleon mà luôn luôn phải kèm theo những từ kiểu như “Lãnh tụ của chúng ta, Đồng chí Napoleon”. Napoleon đã trở thành một tượng đài bất khả xâm phạm, trở thành một người “nói gì cũng đúng”, mang theo hàng trăm cái tên hoa mỹ “Cha của loại vật, nỗi khiếp sợ của loại người, bạn của loại vịt..”. Chúng được quy định bắn súng chào mừng vào ngày sinh của Napoleon. Napoleon trở thành vị cứu tinh của loài vật “Dưới sự dẫn dắt của Đồng chí Napoleon, Lãnh tụ của chúng ta, tôi đã đẻ được năm quả trứng..” Để bộc lộ lòng tôn kính của muôn vật giành cho con lợn đầu đàn, một bài thơ về Napoleon ra đời:
Đồng chí Napoleon!
Người là cha của những đứa trẻ mồ côi,
Là suối nguồn hạnh phúc muôn đời,
Là vầng thái dương chiếu sáng bầu trời,
Ánh mắt người ấm mãi lòng tôi.
Đồng chí Napoleon!
Người cho tôi bữa ăn lúc đói lòng.
Người cho tôi nệm rơm ấm mùa đông
Người ngồi canh,
Cho bầy con giấc ngủ yên lành.
Con ơi!
Hạnh phúc muôn đời,
Là nhờ đồng chí Naploleon,
Tên cha tên mẹ tên chồng
Con có thể quên
Nhưng tên người,
Vầng thái dương chiếu sáng đời đời
Con phải nhớ mãi không thôi:
Napoleon, Napoleon, người ơi!
Và kể từ đó, dưới sự lãnh đạo của nó, cuộc đời của những con vật trong trại thay đổi chóng mặt.
Đầu tiên phải kể đến những điều răn, lần lượt từng cái một được biến tấu kỳ lạ. Con lợn Napoleon chuyển hẳn vào nhà Jones sống và thậm chí còn ngủ trên giường. Khi nghe những loại vật khác nhắc đến điều răn cấm kỵ, thì Chỉ Điểm – tay chân thân cận liền nói rằng thật ra lời răn đầy đủ phải là Không được ngủ trên giường có tấm trải giường. Sao phải khó khăn với việc ngủ trên giường chứ : “Giường là gì, chỉ là chỗ để nằm ngủ thôi. Nói đúng ra thì một ổ rơm trong chuồng cũng là giường. Quy định là cấm ngủ trên khăn trải, vì đấy là sản phẩm của con người. Chúng tôi đã bỏ hết khăn trải giường đi rồi, bây giờ chỉ dùng chăn thôi.” Các loại vật thấy cũng xuôi tai nên lại thôi.
Chẳng lâu sau, khu vườn vốn được giành riêng cho loại vật đến tuổi nghỉ hưu được mang ra trưng dụng trồng lúa yến mạch với lời giải thích rằng Đất để hoang, cỏ không mọc. Những con lợn bắt đầu sản xuất bia rượu. Và ơ kìa, lời răn nay lại được sửa sang thành Cấm uống rượu đến say. Vậy là, những con lợn được phát bia rượu hàng ngày, con nào con nấy hồng hào ra hẳn. Duy những loại vật khác thì đến hèm cũng chẳng thấy đâu. Chúng lại thui thủi quay về làm công việc của mình. Thậm chí, một vụ thanh trừng đã diễn ra trước thanh thiên bạch nhật, trước con mắt của tất cả loài vật trong trại. 3 con lợn phản đối Napoleon, 2 con gà đi biểu tình, con ngỗng ăn cắp ngũ cốc… lần lượt bị 9 con chó cắn đứt cổ. Hóa ra không phải là không được giết đồng loại mà là không được giết mà KHÔNG CÓ LÝ DO.
Tuyết Tròn mặc dù đã biến mất dạng từ sau hôm bỏ phiếu đó, nhưng cái bóng của nó thì vẫn ám ảnh cả khu trại. Bất kỳ thất bại nào đều được đổ cho Tuyết Tròn. Tuyết Tròn được cho là đã làm gián điệp cho bên ngoài, là lẻn vào trại mỗi tối phá nát cánh đồng, trộn hạt giống ngũ cốc với cỏ dại gây ra nạn đói. Tuyết Tròn trở thành nỗi căm phẫn vô hình, mơ màng nhưng dữ dội, là động lực cho tất cả động vật đã rệu rã chân tay nhưng vẫn gồng mình làm việc. Bởi chúng quyết giữ bằng được sự tự do trong khổ sở này và chống lại mọi thế lực thù địch bên ngoài đang hằm hè lật đổ vương quốc loài vật.
Nhưng có lẽ, thứ chúng cần chiến đấu ở gần hơn thế rất nhiều. Napoleon đưa bọn lợn con và đám cừu đi sang một vùng cỏ khác, cách biệt so với mọi người và bảo với tất cả rằng chúng cần được học một bài hát mới nên cần không gian yên tĩnh. Nhưng thật bất ngờ, thứ các loài vật khác thấy khi ghé mắt nhìn trộm là một cảnh tượng đầy hãi hùng: Chúng đang tập đi bằng hai chân.

Có những con hãy còn loạng choạng, nghiêng ngả nhưng tuyệt nhiên không con nào ngã. Và rồi, Napoleon hùng dũng bước ra, tự tin sải bằng hai chân của mình. Khi những con cừu trở về, thứ chúng hô vang, luôn luôn vô tình lấn át tất thảy tiếng kêu khóc than, kêu cứu của loài vật là “Bốn chân thì tốt, hai chân tốt hơn ! Bốn chân thì tốt hai chân tốt hơn !”. Điều răn trên bức tường nay được thêm hẳn một dòng chữ lớn “MỌI CON VẬT SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG NHƯNG MỘT SỐ CON BÌNH ĐẲNG HƠN NHỮNG CON KHÁC”.

Nông trại được mở cửa cho loài người đến tham quan. Những loại vật tội nghiệp dường như quen với cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chẳng đủ thời gian ngẩng đầu lên ngắm nghía “không biết trong hai loại đó, quan khách và lợn, bọn nào đáng sợ hơn”. Và từ bao giờ, người và lợn hợp tác làm ăn với nhau và cùng ngồi với nhau trên một bàn ăn. Hẳn sẽ là một niềm vinh hạnh cho mọi loại vật nếu như loại lợn không cười vỡ ra khi nghe tên chủ trại Pilkington nói rằng “Nếu các bạn phải xử lý những loại vật hạ đẳng, thì chúng tôi, chúng tôi cũng phải xử lý các giai cấp hạ đẳng”, và cả nếu như ngài lãnh tụ Napoleon không đứng lên đĩnh đạc tuyên bố rằng “Từ nay trở đi trại sẽ lấy tên là Điền Trang”.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Kết câu chuyện có lẽ là một cái kết đậm màu hiện thực nhưng cũng không kém nghiệt ngã, nó đủ làm tôi hẫng hụt khi vẫn đang mải mơ tưởng về sự xuất hiện trở lại của Tuyết Tròn – nó sẽ lấy lại công lý, giải oan cho bản thân, và giúp những con gà, con ngựa sống thảnh thơi như cuộc khởi nghĩa đã hứa hẹn. Tuyệt nhiên không, thay vào đó tác giả đặt dấu châm cho câu chuyện viễn tưởng của mình bằng câu văn “Chúng nhìn lợn rồi lại nhìn người, nhìn người rồi lại nhìn lợn, một lúc sau thì chúng chịu, không thể phân biệt được đâu là người, đâu là lợn nữa.”
Có lẽ thứ mà những loại vật kia cần chưa hẳn là một Tuyết Tròn mà là những đôi mắt sáng để nhìn ra bản chất của lợn và người, bản chất của sự tự do mà chúng đã đánh đổi bằng xương máu. Để chiến đấu chống lại Jones, sự bùng nổ đến rất nhanh rất sớm, bởi nó khác loài, không cùng tiếng nói, bởi sự đàn áp rành rành trước mắt. Nhưng chống lại Napoleon thì chúng đang chống lại chính bản thân chúng, phản lại chính cuộc chiến lẽ phải mà chúng đã tham gia và hy sinh, chống lại thứ mà bao hàm trong đó có cả bản thân chúng. Thật khó xử đúng không?
Thật khó để (can đảm) đánh đồng Napoleon với Jones. Cuộc sống trong “Trại súc vật” vốn đã kết thúc từ lâu, và một “Điền trang” lại được tái sinh. Còn những cư dân trong đó thì vẫn sống trong hào quang của lịch sử, niềm tự hào của chiến thắng bi thương và chỉ nhìn thấy duy nhất kẻ thù của đời mình là lão Jones.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Thong Le
Huỵch toẹt ra thì y chang Liên Xô, mà ngẫm lại cũng giống 1 vương quốc nào đó ở xứ Đông Lào 

- Báo cáo

Thomas_NGUYỄN
OOPSY ~
- Báo cáo

Hine2560
Tại sao lại như Liên Xô vậy ạ, em chưa hiểu rõ ý đồ lắm?
- Báo cáo

PhucAN
Có vẻ trả lời hơi muộn nhưng bạn ơi câu bạn nói nhảm vl. Liên Xô từ lúc thành lập có nội chiến, , đất nước thì nghèo chẳng khác gì thuộc địa các nước thực dân còn thế chiến thứ 2 nữa. Bạn có thấy chuyện ngụ ngôn của Orwell nhắc gì không. Tôi còn nhớ có bản ghi trên bìa sách là" Fairy tale", việc bạn nói chuyện này nói về Liên Xô thì chẳng khác mẹ gì bạn tự bịa ra một câu chuyện có kết cục bạn mong muốn rồi bảo này nọ dù chẳng ăn khớp gì với thực tế. Nếu bạn để ý kĩ thì Orwell không nói về độc tài là chính mà nói về sự ngu dốt của quần chúng lao động rằng rằng nhân dân lao động ngu muội, dễ dắt mũi và không biết c gì về chính trị. Tức Orwell đang phản đối dân chủ.
- Báo cáo

Anh Vu
tôi đọc sách này khá lâu và có vẻ như quên đi một vài thứ nhắc đến trong quyển sách này thế nhưng nhằm thay đổi qua điểm của bạn thì mình có đưa ra một vài lý do sau để bạn thấy rõ về thái độ "mỉa mai" của Orwell đối với "cs"
-đầu truyện có nhắc đến sự tàn ác, bóc lột của ông chủ trang trại( đại diện cho tư bản bóc lột) đối với các súc vật trong trang điền( đại diện cho tầng lớp bị trị sau phát triển lên thành cs) chiếm khá ít. Còn về phần còn lại của tập truyện(khá nhiều) thì tập trung miêu tả vào cách lừa dối của Napoleon ( như đã nêu lên đặc trưng của thể chế chính trị này là khẩu hiệu, đông chí, bài hát đặc trưng, chuyên quyền của napoleon,... nhưng câu ấn tượng nhất là" tất cả con vật đều bình đẳng, nhưng có 1 số bình đẳng hơn con khác" ). Tất cả những điều đó làm gợi lên cho tôi về hình tượng của tác giả là một người "khá" khách quan trong việc nhìn nhận tính 2 mặt của cả 2 thể chế chính trị, thế nhưng có phần "dè bỉu" chế độ cs hơn vậy
- Báo cáo

PhucAN
Cái lập luận của Orwell thì áp dụng vào thực tế thì kiểu gì cũng bị nói là sai ngữ cảnh. Các chế độ xã hội chủ nghĩa thế kỉ 20 "chuyên chế" không phải cái bản chất của nó mà là cái hoàn cảnh vật chất ép nó phải thành như vậy. Như tôi đã nói thì Orwell nói nhiều về sự ngu dốt của giai cấp lao động nên nói ông chống cộng không sai. Còn bảo ông khách quan vì "nhìn nhận 2 mặt của cả 2 thể chế chính trị" thì bạn cần nhìn coi ông phân tích có đúng ngữ cảnh không.
- Báo cáo

Huỳnh Dũng
@PhucAN nếu mk không nhầm thì trong phần bối cảnh tác phẩm ra đời thì Orwell có nhắc đến đích thị đến Liên Xô và Stalin.
Nhưng dù sao thì mk cũng thấy tác phẩm này có điểm đúng, có điểm sai. LX trong hoàn cảnh khách quan lúc đó thì tập trung quyền lực cũng hợp lý như bạn nói thôi
- Báo cáo

Vũ Trụ
Mình có thể hỏi hoàn cảnh vật chất mà bạn nhắc đến là gì ko vậy
- Báo cáo
Hợp Tèo
Mọi người không đọc phần Mở đầu của quyển này rồi, từ đầu tác giả đã nói ông sáng tác dựa trên chuyện cuộc đời của Stallin. Napoleon chính là Stalin; Tuyết tròn là Leon Trotsky; Chỉ Điểm là Vyacheslav Molotov; 4 con lợn bị xử là Zinovyev, Bukharin, Kameneyev, Sokolnikov; Chiến sỹ là Nông dân, sau bị đưa đi Serbia, Mr Jones là Necolas 2; Frederick là Hitler; Pilkington là Anh và Mỹ ( khúc gặp nhau cuối chính là cuộc gặp giữa Stalin, Churchil và Rosevelt). Cuốn này chỉ kể 1 cách đơn giản hóa chính trị giai đoạn sự cai trị của Stalin thôi.
- Báo cáo
4ushare
tụi bay đừng phá nát ngôi nhà của nhện, bé bé cái mồm thôi.
- Báo cáo
Truong Hoang Huu
Chú lợn già, Snowball đại diện cho các thế hệ cách mạng/chủ nghĩa cộng sản vào thời kỳ ban đầu, khi mọi thứ vẫn còn đang hướng tới những điều tốt đẹp
Napoleon đại diện cho chủ nghĩa cộng sản vào thời kỳ suy thoái đạo đức hoặc đại diện cho thể chế độc tài
Ông Jones đại diện cho chủ nghĩa thực dân hoặc chế độ phong kiến
Những con người, bao gồm cả người tấn công lẫn giao dịch với trang trại đại diện cho "thế giới tự do", chủ nghĩa tư bản
Chính những con lừa, cừu đại diện cho một bộ phận không nhỏ "người dân"
Bản thân mới chỉ đọc lướt qua bản dịch từ trang truyenfull.vn và bản tóm tắt từ Wikipedia nên vài chi tiết vẫn còn chưa chắc chắn lắm.
Nhưng có vẻ bài viết này không chỉ nói về chủ nghĩa độc tài như "chú lợn Squealer" phiên bản người thật của chúng ta lầm tưởng. Mà đó là một bức tranh bao quát cái xấu, cái sự tha hóa đạo đức cùng bộ mặt của những "chủ nghĩa" trong chính loài người.
- Báo cáo

Khải Nguyễn Đ
mọi người hay nói là liên xô hay gì gì tương tự. nhưng khi tư-bản đánh đổ phong-kiến thì khác gì đâu. cơ bản cũng như nhau cả thôi, bằng cách này hay cách khác thì bản chất chẳng có gì thay đổi.
- Báo cáo
Trường Xuân
Cho mình hỏi cuốn này ở đâu bán vậy bạn ơi.
- Báo cáo

Niv Mizzet
Hình như sách này bị kiểm duyệt rồi bạn, không có bán đâu. Bạn có thể chịu khó đọc trên mạng nếu muốn.
- Báo cáo
Trường Xuân
Đúng như mình nghĩ 😂
- Báo cáo
Phan Đình Thanh
Không chừng có thể mua bản tiếng Anh qua Amazon. Hên xui: 50% khả năng bị hải quan phát hiện giữ lại.
- Báo cáo
Vô Danh
Bạn muốn mua sách thì để lại địa chỉ email để mình liên hệ
- Báo cáo
huy thích chạy bộ
bạn còn bán quyển này nữa ko
- Báo cáo