Là một trong các tác giả trẻ có tầm ảnh hưởng tại Nhật Bản. Sinh năm 1973, Minato Kanae là một nhà văn chuyên đề tài trinh thám - tâm lý - giật gân, cô cũng là fan của các tác giả trinh thám kỳ cựu khác như Leblanc, Agatha Christie của phương Tây, hay Edogawa Ranpo, Miyuki Miyabe và cả Higashino Keigo của Nhật Bản.
Dù background và thông tin cá nhân của cô không nhiều, thời điểm bắt đầu công việc viết văn của cô cũng bắt đầu khá muộn nhưng có lẽ Minato đã học được rất nhiều từ các thần tượng của chính mình trong lĩnh vực viết lách.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên và nổi tiếng nhất (cũng như đã mang đến cho cô một lượng đọc giả lớn), cùng lúc định hình cho phong cách viết của Kanae là Thú tội ( tên tiếng Anh là Confessions), cuốn sách đã đạt giải sách bán chạy nhất của Nhật Bản một năm sau đó, được chuyển thể thành phim hai năm sau đó, được đề cử giải hàn lâm đối với phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, và doanh số hơn 30 triệu bản cùng với hài loạt các giải thưởng khác khiến cho Minato được tôn làm “nữ hoàng trinh thám gớm ghiếc” trong giới văn hào của đất nước mặt trời mọc. 
Nữ hoàng trinh thám gớm ghiếc (hoặc nữ hoàng chuyên viết về những chủ đề gớm ghiếc) - Iyamisu (iya có nghĩa là ghê/ ghét), không phải đang nói về bản thân cô. Mà là các tiểu thuyết của cô thường đề cập đến những khía cạnh tăm tối nhất của con người (từ đó thường khiến cho người đọc cảm thấy ghê tởm), đi cùng với đó là phân tích chuyển biến tâm lý sâu sắc của nhân vật.
Để cho dễ hình dung, các câu truyện của Higashino Keigo thường dùng các vụ án làm nền để kể những câu chuyện nhân văn khiến ta đồng cảm với hung thủ hoặc các bên liên quan, Ryu Murakami sẽ đánh trực tiếp vào các tệ nạn hay các vết thương đang mưng mủ từ lâu trong giới trẻ và xã hội Nhật bản, thì Minato Kanae có lẽ nằm đâu đó giữa hai thái cực này.
Ba tiểu thuyết mình đã đọc của cô, bao gồm Thú tội, Chuộc tộiTất cả vì N đều sử dụng một cách kể chuyện chung. Mình sẽ không gọi đây là thiếu sáng tạo mà (chắc là sẽ đúng hơn khi) gọi là phong cách viết riêng biệt, có lẽ vậy. Nó khá đặc sắc nếu như bạn lần đầu đọc sách của Minato Kanae, nhưng nó cũng có mặt hạn chế và phong cách viết chung này là lý do tại sao đến giờ mình vẫn chỉ mới đọc ba trong khi cô vẫn còn khá nhiều tác phẩm.
Sẽ có một vụ án xảy ra và có một số nhân vật liên quan được liệt kê, từng chương trong tiểu thuyết sẽ dành cho một người và từng người được trao một cơ hội bước lên “thú tội”. Mỗi nhân vật sẽ có một khởi đầu riêng, phát triển riêng, tâm lý riêng, hạn chế và khuyết điểm riêng, tội lỗi riêng, lý do và động cơ riêng, từng người sẽ có một cơ hội để cho độc giả biết mình đã làm những gì và tại sao lại quyết định như vậy. Không có giành lời hay chen ngang nhau mà mọi người sẽ được lắng nghe lần lượt, từ đầu đến cuối tất cả các câu chuyện, sau khi đã đầy đủ các mảnh ghép từ cùng một lăng kính phản chiếu thực tại riêng của mỗi cá nhân, lúc này đọc giả có thể tự mình đưa ra kết luận và tự mình đánh giá.
Điển hình như trong “Chuộc tội”, năm chương được viết dưới hình thức hai bức thư và ba phần tự thuật, tất cả các nhân vật đều được cho cơ hội thuật lại cuộc đời mình nhằm chiếm lấy cảm tình của độc giả, xem ai là người đáng thương nhất và ai có trách nhiệm nặng nhất giữa các bên liên quan khi một đứa trẻ 10 tuổi bị xâm hại và giết chết, là bốn đứa trẻ tiểu học, mẹ của nạn nhân, nhà trường, phụ huynh hay chính xã hội Nhật Bản?.
Tất cả vì N kể một câu truyện trùng hợp đến kỳ lạ khi tất cả các nhân vật đều có trong tên mình chữ N, cuộc đời mỗi nhân vật đều như con chim hoàng yến bị nhốt trong lòng, dù bị thiêu đốt mỗi ngày vẫn không rời bỏ kẻ tra tấn của mình ra đi, đều hy sinh một phần bản thân mình cho những người còn lại và đều cảm thấy cuộc đời như vậy mới đáng sống.
Điểm mạnh nhất của phong cách kể theo chuyện theo motif thú tội này là tâm lý các nhân vật sẽ được đào rất sâu, mỗi chương chỉ dành riêng cho một người cùng các sự kiện đã xảy ra trong đời của người đó, mặc dù, tất nhiên nó vẫn chỉ là một câu chuyện nhưng (có lẽ là nó cũng) có tác dụng “tập” cho người đọc cách nhìn đa chiều khi gặp các tình huống khác nhau. Tập cho mọi người tâm lý không phán xét vội vàng đối với những vấn đề trong cuộc sống, có thể nhìn nó với nhiều góc độ hơn, hiểu được những lời vô ý lúc nóng giận hay xuất phát từ cảm xúc của mình có thể gây tổn thương sâu sắc cho tâm lý của người khác như thế nào, không chỉ trong một quảng thời gian ngắn, mà có thể có những hậu quả rất lâu về sau nữa.