<i>Ảnh: Bookaholic May</i>
Ảnh: Bookaholic May
Lưu ý: Có tiết lộ (gần hết) tình tiết, truyện gắn nhãn 18+.
Ryu Murakami là một trong tam trụ của văn học Nhật Bản hiện đại, đồng thời ông được đánh giá là một trong những người có thể cách tân nước Nhật thông qua văn học của mình. Ryu Murakami sinh ra tại thành phố Nagasaki vào tháng 2 năm 1952, tức là 7 năm sau vụ ném bom nguyên tử khiến Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện và trở thành nước thất trận nặng nề nhất của thế chiến thứ 2. Có lẽ, bởi sinh ra và lớn lên tại một trong hai thành phố khó khăn nhất nước Nhật thời bấy giờ, nên những áng văn của ông cũng ướm màu u tối, tàn bạo và gai góc. “Thử vai” là tác phẩm đầu tiên của Ryu Murakami mà mình đọc, đồng thời là tác phẩm khiến mình ngay lập tức trở thành người hâm mộ của ông.
“Thử vai” kể về Aoyama, một gã đàn ông sống trong cảnh “gà trống nuôi con” sau khi vợ mất đã 7 năm trời. Gã chưa từng một lần nghĩ đến việc “tái hôn”, không phải bởi gã một lòng chung tình với người vợ đã khuất, mà bởi bởi trong gã dường như chẳng còn nổi một khát khao nào với cuộc đời. Yoko, vợ cũ của gã, đã chống chọi với ung thư một thời gian. Suốt những năm tháng ấy, cả gã, vợ gã, con trai gã đều oằn mình chờ đợi cái chết vốn được định sẵn, đến mức gã không còn phân định được rằng ngày vợ gã khuất bóng liệu có phải cũng là ngày gã được giải thoát hay không? Nỗi đau đớn cùng thương tổn từ sự ra đi của người vợ gặm nhấm những người thân ở lại. Nếu gã lựa chọn phó mặc đớn đau này cho thời gian, chấp nhận dòng chảy bất tận của năm tháng – thứ dòng chảy chẳng thể ngừng lại vì vết thương lòng của gã. Thì con trai gã, Shigehiko, lại quá nhỏ để đưa ra lựa chọn như gã; thằng bé tựa một kẻ cuồng loạn, cứ kiếm tìm rồi bấu víu vào một điều gì đó khác, để đưa mình xa dần khỏi nỗi đau.
Một ngày nọ, chính cậu con trai độc nhất đã thổi bùng lên ngọn lửa khao khát gia đình tưởng chừng như đã tắt lịm bấy âu ở gã. Gã đề cập đến chuyện muốn tái hôn với tay bạn thân Yoshikawa, và bất ngờ nhận được sự hưởng ứng, giúp đỡ nhiệt tình từ hắn. Yoshikawa đề xuất tổ chức một cuộc “thử vai” – ngoài mặt là tìm kiếm nữ diễn viên chính cho dự án phim mới, nhưng thực chất chỉ là lớp vỏ trá hình cho công cuộc “tuyển vợ” của Aoyama. Thực ra, gã không mảy may hứng thú với ý tưởng này lắm, gã nghĩ cuộc thi tuyển này thật không đúng đắn. Nhưng rồi gã cũng lao theo suy tưởng điên rồ của bạn mình, khi nghĩ về 4 nghìn bộ hồ sơ đang chờ mình lựa chọn, khi tưởng tượng ra khung cảnh mình lạc vào giữa “vòng vây của mười thiên sứ, cô nào cũng xinh tươi, thông minh, gia giáo, thông thạo nghệ thuật cổ điển”. Cuối cùng, sự cảnh giác mang tính khắc kỷ của gã đã đầu hàng trước sức tưởng tượng của thằng đàn ông.
Với gã, cái xã hội và những con người đang xoay sở trong xã hội này chẳng khác “hàng hóa” là bao; đã là “hàng hóa” thì buộc phải “cạnh tranh”; đã “cạnh tranh” thì mặt hàng dán nhãn “đàn bà” chắc chắn phải chịu thiệt thòi rồi. Aoyama, Yoshikawa,… đang sống ở một xã hội mục ruỗng đến độ tiền bạc có thể mua được tất thảy, con người sẵn sàng bán mình cho tiền bạc, và những kẻ có tiền có quyền, hoặc thậm chí là kẻ nghèo hèn cũng đánh giá mọi thứ với một quy chuẩn duy nhất – tiền bạc. Đàn bà, không còn là con người và được đối xử như con người. Đàn bà, giờ đây là thứ hàng hóa đầy mê hoặc, sống trong những liên tưởng và giấc mộng ngập tràn nhục dục. Yoshikawa vẽ ra khung cảnh thường nhật của người phụ nữ: “Cơ thể lúc đó vẫn chưa tỉnh hẳn, cô nàng sẽ tự hỏi, hay là mình nghe chương trình ngôi sao màn bạc tương lai nhỉ, rất nhẹ nhàng, nàng với tay bật đài radio hoặc dàn nhạc hi-fi lên, chỉnh kênh FM đúng tần số, hệt như đang dùng tay mân mê đầu vú khi thủ dâm.”
Trong 30 bộ hồ sơ còn lại sau khi sàng lọc, Aoyama bị thu hút bởi hồ sơ của Yamasaki Asami. Nàng là một vũ công ballet phải từ bỏ mục tiêu đời mình vì chấn thương cột sống. Nàng không giống những cô còn lại, thi nhau kể lể và liệt kê hàng tá lý do, mong muốn được trở thành diễn viên. Lời trăn trở nàng viết, về cuộc đời nàng đang sống đồng nghĩa với chấp nhận cái chết, đã khiến gã ấn tượng mạnh. Trong buổi thử vai, gã chỉ chờ được gặp và nói chuyện cùng nàng. Buổi chiều, sau bao mong ngóng, nàng cuối cùng cũng xuất hiện trong tầm mắt gã. Vẻ đẹp của nàng, hòa cùng thanh âm dịu ngọt, dường như mơn trớn trái tim gã. Gã xiêu lòng, trước mái tóc buộc giản dị, trước giọng nói cùng cách trò chuyện nhẹ nhàng, trước gương mặt vừa thanh thuần vừa quyến rũ vô ngần. Ngay tối hôm đó, gã gọi điện hẹn gặp mặt nàng. Gã và nàng bắt đầu mối quan hệ như gần như xa, lãng mạn mà cũng bình dị. Asami giãi bày với gã câu chuyện thuở ấu thơ, nàng bị cha dượng đánh đập hắt ủi thế nào, ballet đã cứu vớt cõi lòng chìm trong tăm tối của nàng như nào,… Gã thấy mình đắm chìm dần trong tình yêu cháy bỏng và cồn cào với nàng, chính sự khao khát ấy đã khiến gã bỏ quên tất cả những dấu hiệu kì lạ về nàng, bất chấp lời can ngăn của Yoshikawa mà như thiêu thân lao vào tình yêu này. Phải chăng, “nụ cười của nàng như thể hút hết vào trong đó cả lý trí, làm mất hết cả ngôn từ, tình cảm và thậm chí là ý thức”?
Yoshikawa khuyên gã tránh xa Asami, vì không một ai thực sự biết cô ả là ai. Bà chủ quán ăn – người từng là một geisha nổi tiếng – khuyên gã tránh xa Asami, vì dù như đang phơi bày mọi thứ, nhưng cô nàng vẫn mơ hồ quá đỗi. Những nhận định của bà về vẻ đẹp của nàng, như một lời dự báo cho những chuyện tàn nhẫn, kinh khủng, đắng nghét đang chờ Aoyama. Trong chuyến dã ngoại gã chờ đợi bấy nay, gã đã được mơn man bộ ngực căng tròn hoàn hảo của nàng. Cơ thể nàng giống như “tác phẩm của một nghệ sĩ điêu khắc vô danh đến từ một nước xa lạ, đang chuyển động với sự mềm mại, độ ẩm ướt và hơi ấm của một con người”. Gã mê man trong sự hưởng thụ trái ngọt, nhưng đồng thời sâu trong gã lại sợ hãi một điều gì đó. Gã không biết mình sợ điều gì, muốn bỏ chạy khỏi cái gì, rồi gã lại một lần nữa đầu hàng trước ngưỡng vọng của một thằng đàn ông. Vẻ đẹp miên man của nàng, tiếng rên rỉ đặc và trầm của nàng, hình ảnh khuôn mặt và cái ấy cứ thay nhau chập chờn ẩn hiện trong đầu gã.
Ryu Murakami vốn nổi tiếng với biệt tài mượn cảnh làm tình để giãi bày, bộc bạch nội tâm nhân vật. Cảnh làm tình trong “Thử vai” cũng tinh tế và đê mê như toàn bộ các cảnh làm tình khác trong những tác phẩm của ông. Con chữ của ông được gọt giũa khéo léo, vừa đủ khơi gợi, vừa đủ nhục dục. Cảm xúc bị nhấn chìm vào hoan ái của Aoyama đã khắc họa rõ nét, sinh động trạng thái và tình thế mơ hồ của gã. Đồng thời, những khung hình về khuôn ngực trần, nơi ấy, vòng eo, những ngón tay và gương mặt Asami đã đẩy câu chuyện lên cao trào. Hóa ra, kẻ nói dối trong hai người, chính là nàng. Thuở nhỏ, nàng bị cha dượng lạm dụng tình dục: Hai bàn chân bị cụt, hắn đưa tay vào trong đũng quần, tiếng thở dốc chập chờn cùng bước chân nàng múa điệu ballet phía sau tấm rèn chia cắt. Tiếng chửi rủa, trách mắng của cha dượng cũng biến mất vào ngày cơ thể đứa bé gái Asami bị nhục dục hóa. Văn phong của Ryu Murakami không rườm rà, hoa mỹ, đơn giản, lạnh nhạt; cộng thêm việc sử dụng ngôi thứ 3 để dẫn dắt, lời văn càng thêm phần dửng dưng, chỉ như thuật lại câu chuyện của một người lạ thoáng qua. Người đọc dễ dàng đoán trước được tình huống truyện, từ những gợi mở vô cùng rõ ràng, được lồng ghép xuyên suốt truyện ngắn.
Nhịp điệu, tiết tấu của “Thử vai” dồn dập, căng thẳng không ngừng nghỉ. Ấy vậy, phần cuối truyện lại đột ngột chậm lại, như chập vào tình thế hoảng loạn của Aoyama. Asami đến nhà gã với dự định chặt đôi chân gã, thay cho phán quyết dối lừa của cô ả. Ả vẫn đẹp như ngày nào, nét mặt vẫn bình thản như mọi lần gã đón đưa, nhưng gã đã nhìn thấy được sự tàn bạo đớn cùng, và vết sẹo thương tổn sâu hoắm khoét lại nơi trái tim ả. Cầu dao đứt mạch, căn nhà chìm vào tăm tối, và người đọc cũng rơi vào hãi hùng. Lúc này, sự ví von ẩm thực Nhật Bản của Aoyama chợt hiện ra – trọn vẹn: Món Nhật ngon, dễ ăn, tốt cho sức khỏe; nhưng gã thấy đồ Nhật nhạt nhẽo và lạnh lẽo. Xã hội Nhật Bản hẳn cũng tương đồng với nền ẩm thực nước mình, đó là một xã hội có vẻ ngoài đạo mạo, nhưng bên trong đang dần mục ruỗng, méo mó, và thậm chí là bệnh hoạn. Bởi con người trong xã hội ấy không thể sẻ chia nỗi lòng của mình với người xung quanh, đành phải giấu giếm rồi tự mình ủi an. Nhưng những nỗi đau, càng gặm nhấm, càng lạnh buốt cõi lòng, để rồi những con người ôn hòa này vô tình “nuôi nấng” ra quái vật – như nàng Asami.
“Thử vai”, từ đầu đến cuối đều ủ một sự mơ hồ. Cái vô định ấy bao trùm, xuyên suốt toàn truyện. Truyện dài gần 300 trang, ấy vậy lại chẳng có nổi tia sáng nào. Kết thúc của “Thử vai” lật lại vấn đề thương tổn được đề cập ở khoảng giữa truyện. Vậy, thực sự nỗi đau có khủng khiếp đến đâu, sớm muộn rồi cũng sẽ được giải thoát thật sao?