Tôi là một người thích sử, tất nhiên không dám nhận là người nghiên cứu sử. Bởi lẽ đó nên tôi thích đọc và xem mọi thứ liên quan đến sử, nếu có thể. Và tiểu thuyết lịch sử là một trong số ấy. Nói cho đúng hơn thì, chính những cuốn tiểu thuyết lịch sử như Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc hay Tây Hán diễn nghĩa (bản cũ ngày xưa có tên là Hán Sở tranh hùng) đã góp phần truyền cảm hứng cho tôi tìm hiểu về lịch sử. Tôi đọc tiểu thuyết lịch sử không phải là mong sẽ học được kiến thức gì mới, vì thường tác giả đã biến tấu, sáng tạo các tình tiết có thật theo hướng của họ rồi. Tôi đọc tiểu thuyết lịch sử là để muốn được phần nào sống trong cái không khí của một thời kỳ trong quá khứ. Tất nhiên để có được cảm giác đó, cuốn tiểu thuyết đó phải thực sự hay.
Lịch sử Việt Nam hẳn nhiên cũng là một mảnh đất màu mỡ với vô vàn nguyên liệu sáng tác. Sự thật là số lượng tiểu thuyết lịch sử Việt Nam không phải là ít. Xa xưa nhất chúng ta có Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Những năm thập niên 30-40 của thế kỷ trước có những truyện lịch sử của Nguyễn Triệu Luật. Thế rồi dần dần có những cái tên quen thuộc hơn như Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Hưng Đạo Vương của Phan Kế Bính hay các truyện ngắn lịch sử của Hà Ân hay các bộ tiểu thuyết Tám triều vua LýBão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải. Đó là những tác phẩm của các tác giả đã lớn tuổi hoặc thuộc về thế hệ trước, còn với các tác giả trẻ thuộc thế hệ 8x-9x, cũng không thiếu người khai thác mảnh đất màu mỡ và lý thú này. Một vài tác phẩm mà theo tôi là đáng đọc có thể kể đến Thiên hạ là nàng của Nhuận Y, Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng hay Hỏa dực của Thành Châu. Tuy nhiên, có một điểm chung của hầu hết các tác phẩm đề tài lịch sử Việt Nam là phần lớn chúng chỉ xoay quanh bối cảnh từ thời Lê sơ đổ về trước, và thường trọng tâm mà nhiều tác giả khai thác là Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên của nhà Trần ở thế kỷ XIII. Trong khi đó, có một thời kỳ cực kỳ thú vị và bi tráng trong lịch sử Việt Nam mà không có quá nhiều tác phẩm khai thác, ấy là cuộc nội chiến Lê - Mạc, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh và nhất là cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Đây là những giai đoạn khá phức tạp, nhất là cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, và tôi rất hiểu nếu như các tác giả muốn tránh đả động đến.
Tuy nhiên, có một tác giả đã không ngần ngại thử sức với đề tài khó nhằn này. Đó là Trường An, một nữ tác giả thế hệ 8x, và nhờ đó, tôi đã được biết đến một trong những bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hay và đáng đọc nhất trong những tác phẩm tôi từng tiếp xúc. 
Đó chính là bộ 3 thiên tiểu thuyết viết về cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, bộ 3 Thiên hạ chi vương - Vũ tịch - Hồ Dương.


THIÊN HẠ CHI VƯƠNG


"Thiên hạ mạc nhu nhược ư thuỷ, nhi công kiên cường giả mạc chi năng tiên, dĩ kỳ vô dĩ địch chi dã. Thuỷ chi thắng cương dã, nhược chi thắng cường dã, thiên hạ mạc phất tri dã, nhi mạc chi năng hành dã. Thị cố thánh nhân vân: Viết thụ quốc chi cấu, thị vị xã tắc chi chủ; thụ quốc chi bất tường, thị vị thiên hạ chi vương. Chính ngôn nhược phản." - Đạo Đức kinh, chương 78
Dịch: "Thiên hạ không gì yếu mềm bằng nước. Nhưng chống lại cái bền cứng thì không có gì hơn nó, lại không có gì để thay thế nó được. Nước thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ không ai không biết, nhưng không ai thực hành được. Vì thế thánh nhân có lời nói rằng: Nhận cái ô nhục của nước thì mới làm chủ xã tắc được, nhận cái tai hoạ của nước thì mới làm vua được. Lời phải thường khó nghe."
Đây là tác phẩm đầu tiên mà tôi đọc của Trường An, và ấn tượng nó để lại rất mạnh. Mạnh đủ để khiến mình mua trọn bộ các tác phẩm còn lại của chị.
Thiên hạ chi vương là cuốn ngắn nhất, cốt truyện đơn giản nhất, số nhân vật ít ỏi nhất.
Và cũng là cuốn mang đậm triết lý nhất. Triết lý về hai chữ "Thiên hạ". Đây cũng là một cuốn tiểu thuyết lịch sử thú vị.
Thiên hạ chi vương là một cuốn sách được đặt dưới góc nhìn của Phật vương Rama I về thiên hạ thuở ấy: Xiêm La, Miến Điện, An Nam, Đại Thanh, và cả những vương quốc đã bị hủy diệt. Góc nhìn của ông về một quãng thời gian loạn lạc khắp bán đảo Đông Dương. Hoài bão của ông với vương quốc Xiêm La, và hoài bão của một thành viên lưu vong của một gia tộc đã bị lật đổ, bị truy sát.
Nó thú vị ở chỗ khắc họa cái duyên của ông với Nguyễn Phúc tộc xứ Nam Hà, qua mối quan hệ giữa ông với Định vương Nguyễn Phúc Thuần và người trung hưng nhà Nguyễn - chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Nó thú vị ở một giọng văn mang màu sắc trầm buồn, khiến người đọc cảm nhận được tâm trạng của Nguyễn Phúc Ánh những ngày lưu vong và cô độc, dù không hề đặt dưới góc nhìn của ông.
Và nó cũng thú vị ở chỗ, là một cuốn tiểu thuyết mượn lời của Phật Vương, để nói về Nguyễn Phúc Ánh, mà cả quyển không hề xuất hiện ba từ "Nguyễn Phúc Ánh"
Ba con người, ba vị vương của quá khứ, hiện tại và tương lai, tình cờ gặp nhau trong một ngày mưa tại Phú Xuân. Để rồi từ đó, số mệnh của họ đã buộc vào với nhau.

Đọc thêm:


Thiên hạ chi vương không có giọng văn hào hùng vương chút bi ai của Hồ Dương, không có giọng văn đau đớn, bi thương đến quay quắt của Vũ tịch. Giọng văn của Thiên hạ chi vương mang nhiều màu sắc triết lý của một vị vua ngoại quốc khi chứng kiến cuộc đời và sự thành - bại của hai vị chúa Nam Hà. Thiên hạ chi vương đọc phần nhiều là để ngẫm, và vì thế nó có giá trị đọc lại lớn nhất trong số các tác phẩm của Trường An. Tôi nghĩ vậy.
Thiên hạ chi vương - các vua trong thiên hạ, Phật Vương của Xiêm La, Gia Long hoàng đế của Việt Nam, họ có chung một nguyện vọng dưới cương vị của hai con người, hai vị vua.
Là thu lấy thiên hạ của mình. Là trị vì thiên hạ của mình.
Và bởi vì được kể từ góc nhìn của một kẻ có nhiều nét tương đồng với Nguyễn Ánh, lại với cương vị vừa là kẻ thù cũng vừa là bạn, đã chứng kiến hầu như cả cuộc đời của Nguyễn Ánh, cho nên Thiên hạ chi vương đã tạo nên được cái nhìn mới lạ và toàn diện hơn. Cũng vì lẽ đó, cuốn truyện đã bóc tách được những tâm tư sâu kín nhất của một vị Hoàng đế ngay từ khi chỉ là một đứa trẻ, từ khi mới chỉ là một cậu thiếu niên mười sáu tuổi với gia tộc đã bị hủy diệt và tàn sát.
"Mười sáu tuổi, cậu ta biết thế nào là chết chóc.
Khi trở lại, tất cả những gì cậu ta thấy là cái chết.
Nơi trú ẩn cuối cùng của quân đội họ Nguyễn tại Long Xuyên đã bị phá nát. Gia Định đã bị phá nát. Những chiếc thuyền đã cướp đi các kho thóc gạo cuối cùng. Và Cù Lao Phố phồn hoa một thời đã ra tro.

Tro tàn, bay khắp nơi, giữa rừng, trên các dòng sông.
Và ở ngôi chùa gần đó, gần thành thị bị đốt cháy, cậu ta nhận được thân xác của những người thân. Quân phiến loạn đã bắt được họ, đã đưa về đây để giết chết, tất cả.

Tất cả, từ người anh thứ hai của cậu ta, người anh em họ Tân Chính vương, và Định vương.

Thân xác họ bị vùi xuống khu đất cạnh chùa, lẫn lộn. Cậu ta chỉ nhận được họ qua phục sức mà họ còn mang trên người, những dấu hiệu trên thân thể họ mà cậu ta biết.

Khi nấm mộ tập thể vùi vội được đào lên, cậu ta đã ngắm nhìn, phân tích, nhận diện từng thi thể, từng thi thể một.

Cái chết, từ khi ấy, đã không còn ý nghĩa với cậu ta."

VŨ TỊCH


Cô công chúa của một triều đại đã mất giữa loạn ly trở thành nhân vật cho câu ca truyền kỳ đi vào lịch sử.
Lê Ngọc Bình, nàng công chúa mà trong một thời gian dài thân phận đã bị gán cho người chị Ngọc Hân. Nàng công chúa cuối cùng của triều đại nhà Lê, thân thế và cuộc đời đã biến mất, đã bị xóa bỏ trong sử sách, và sự lầm lẫn với nàng được coi là "sự sỉ nhục" cho người chị.
Từ Chính cung của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đến Đức Phi, một trong ba cung phi cao nhất của Gia Long, nàng vừa là tội nhân của luân thường đạo lý, vừa là nạn nhân của thời ly loạn.
Trong bộ truyện viết về cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh của Trường An, mình cho đây là cuốn "vừa vặn" nhất. Không quá cô đọng và giàu tính triết lý đến khó nhằn như Thiên hạ chi vương, cũng không quá đồ sộ như Hồ Dương. Vũ Tịch có dung lượng truyện đủ để lôi cuốn người đọc mà không khiến người ta thấy ngại.
Vũ Tịch cũng là cuốn bi thương nhất. Toàn bộ truyện đều phủ một màu sắc buồn thương đến đau lòng. Thiên hạ chi vương và Hồ Dương nói đến sự hủy diệt, tàn lụi, và tái sinh.
Còn Vũ Tịch, mở đầu với sự tàn lụi, kết thúc cũng bằng sự tàn lụi.
Vũ tịch, cơn mưa trong thinh lặng, cơn mưa đem lại nỗi buồn, một nỗi buồn khó đặt tên. Nỗi buồn len lỏi vào từng bụi hoa u sầu nơi kinh thành Phú Xuân. Nỗi buồn vảng vất nơi cung điện Dương Xuân. Nỗi buồn xoay quanh những con người của những vương triều khác nhau, những số phận khác nhau. Nỗi buồn của một đất nước, một thời kỳ lịch sử.
Một nàng công chúa Lê triều đã tàn lụi với một sự cao ngạo, bất khuất và cứng đầu đến đau lòng. Ôm một mối hận không bao giờ có thể xóa bỏ với Tây Sơn, chỉ vì trong người nàng chảy dòng máu của một vương triều đã mất. Luôn tự tách mình khỏi mọi thứ, luôn thờ ơ với mọi thứ, ẩn sâu trong đôi mắt nàng, là vẻ lạnh lẽo đến gai người. Từ cô công chúa nhỏ câm lặng đến thiếu nữ xinh đẹp khuynh thành, rồi trở thành chính cung hoàng hậu Tây Sơn, cuối cùng lại thành Đức phi triều Nguyễn, rồi ra đi khi mới hai mươi sáu tuổi. Nàng làm vợ một người, sinh con cho một người khác, nhưng nàng lại dành tình yêu cho một người thứ ba. Bi kịch không, có chứ. U uẩn không, có chứ. Một nàng công chúa Lê triều, trở thành hoàng hậu của Tây Sơn, và cuối cùng chết đi với tư cách Đức phi của triều Nguyễn, nàng bị chê cười, bị nhạo báng, nhưng nàng vẫn sống, vẫn kiên cường sống, gồng mình lên để sống, đến khi không còn có thể gồng mình lên mới thôi. Đó, phải chăng là sự cố chấp sau cùng của nàng?

Một hoàng tử Tây Sơn vạn người kính phục, vạn người sợ hãi. Đầy kiêu hãnh, đầy tài năng, đầy cao quý, và đầy đau khổ giằng xé. Một mình gánh lấy trọng trách chống giữ một vương triều đã sắp tàn lụi, bởi vì trong người chàng chảy dòng máu của Quang Trung hoàng đế. Chàng có tố chất làm vua, có khát vọng làm vua, nhưng không bao giờ được làm vua. Là người được quần thần yêu mến, nhưng bị cha mình ghét bỏ. Một người thấu hiểu thời cuộc, nắm được lòng người, yên được thiên hạ, nhưng là người không được lựa chọn để làm vua. Không phải chàng không muốn làm vua, nhưng chàng tuyệt đối không tranh giành ngai vàng với em trai mình. Lòng trung thành và lòng yêu thương cậu em trai nhỏ đang trên ngai vàng kia lớn hơn tất cả mọi tình cảm khác mà chàng từng có trên đời. Hơn cả tình yêu với nàng - công chúa Lê triều. Bởi vì chàng là con cháu của Tây Sơn, con cháu của một dòng họ đã quét hết mọi tranh chấp từng có trên dải đất này. Mọi thứ chàng làm, là vì vương triều Tây Sơn, vương triều mà cha chàng đã dành cả cuộc đời để gây dựng, và bảo vệ, bây giờ đến lượt chàng bảo vệ nó, chống đỡ nó, chiến đấu vì nó, chết vì nó. Nhưng chính điều đó đã hủy hoại chàng, đã che phủ tình yêu của chàng dành cho cô công chúa bị thất lạc của vương triều trước, chính điều này đã khiến chàng gạt đi mọi mơ ước hy vọng của mình, đem người mình yêu thương giao vào cung điện gửi lại cho người em trai.

Đọc thêm:

Chàng có đủ nhẫn tâm trừ khử những kẻ đe dọa vương triều của em trai chàng, nhưng lại không có dã tâm chiếm đoạt vương triều ấy cho riêng mình. Chàng yêu nàng, nhưng đối với chàng, tình yêu không là gì cả, không được phép là gì cả. Vì nàng là con gái của một vương triều đã bị diệt vong. Vì chàng là con trai của kẻ đã đánh đổ vương triều đó. Tình yêu dẫu có, cũng chỉ là vô nghĩa. Nàng có thể hận ta, có thể giết ta, nhưng oán hận của nàng hãy chỉ để mình ta nhận lãnh thôi, đừng oán hận cha ta, đừng oán hận vương triều của cha ta, cũng đừng oán hận em trai ta, hãy chỉ oán hận mình ta thôi. Từ ngày bóng lưng áo rời khỏi kinh thành ngày mịt mù mưa, đến lúc chết trong vòng vây kẻ thù, vẫn chỉ yêu có mình nàng, vẫn chỉ lưu luyến mãi hình bóng nàng. Nhưng nàng là người chàng có thể yêu, chứ không được ở bên, bởi vì số mệnh của nàng là phải lấy đế vương. Còn chàng, không phải là đế vương. Chàng là một vị tướng, một vị tướng kiêu hãnh, kiên cường, kiên cường đến cố chấp. Chiến đấu đến lúc cuối cùng, chiến đấu kể cả khi biết không còn có thể chiến thắng được nữa, tất cả là vì lòng kiêu hãnh của một người mang dòng máu Tây Sơn.
Một vị vua trẻ tuổi, gần hết cuộc đời sống không thể theo ý mình. Chàng chưa bao giờ muốn làm vua, và cũng không bao giờ thích hợp để trở thành vua, giữa loạn lạc, giữa chiến tranh. Bởi vì chàng quá tình cảm, đối với quần thần không đủ cứng rắn để bình trị, rồi lại mang mặc cảm cướp ngôi của anh. Một vị vua trẻ tuổi sống trong phiền muộn, trong u buồn, trong hoang mang, bất lực khi không thể hàn gắn được vương triều đã chia năm sẻ bảy. Tại sao chàng lại được làm vua, tại sao không phải anh trai chàng, tại sao chàng phải gánh lấy trọng trách này? Chàng không hề biết, cũng không ai nói cho chàng biết, từ đầu đã thế, đến cuối cùng vẫn thế. 
Chàng chán ngán tất cả, những cuộc đấu đá đẫm máu giữa đám quần thần, những trận chiến bi thương không hồi kết. Chàng thương xót anh trai chàng gồng mình lên chống đỡ cả một vương triều trên bờ vực sụp đổ. Chàng đau buồn trước sự u uẩn của nàng công chúa Lê triều, là vợ chàng, là người an ủi chàng mỗi khi tuyệt vọng, là người chàng không thể bảo vệ. Nhưng chàng vẫn yêu nàng, một cách rất khác, nhẹ nhàng, sâu lắng, không giống tình cảm vợ chồng, mà giống tình cảm chị em. Chàng và nàng cùng lặng lẽ ngồi bó gối để ngắm mưa. Chàng vì nàng mà muốn mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn, quyết tâm bảo vệ vương triều của mình đến cùng, và đến khi không còn có thể bảo vệ được nữa, thì chàng bày tỏ tình yêu ấy với nàng bằng một lòng tin sắt đá giữa bao tiếng nhạo báng, chê cười. Bởi vì chàng hiểu nàng, hiểu nỗi buồn, hiểu sự cố chấp của nàng, và chàng biết rằng nàng sẽ sống, nàng phải sống để có thể thay chàng chứng kiến một đất nước thanh bình. Ban đầu chàng hiện lên với vẻ yếu đuối, xanh xao, nhưng cho đến cuối cùng lại dũng cảm hơn ai hết, bình thản mà đón nhận cái chết khủng khiếp giáng xuống trong một ngày nắng hiếm hoi giữa mùa mưa, không oán thán, không thù hẳn, mà bình thản. Bởi vì chàng là con trai của Quang Trung hoàng đế, đến cuối cùng vẫn là như vậy.
Quang Toản, Quang Thùy, Ngọc Bình, ba con người có số mệnh gắn với nhau, tạo nên một câu chuyện thật bi thương trong những năm tháng cuối cùng của Tây Sơn.
Những năm tháng ấy, có những ngày thật ngắn, và cũng có những ngày thật dài...
"Rốt cuộc, ta làm vua để làm gì? Khi vừa biết nhận thức, ta đã được cầm ấn triện thái tử, rồi hoàng đế mà chưa biết mình phải làm gì. Rồi chiến tranh, rồi tranh đoạt, mâu thuẫn. Ta cứ để mình bị cuốn đi, người khác nói sao thì mình nghe vậy. Tình thế thế nào thì ta ứng phó theo thế. Những phản ứng của ta chỉ làm tình hình tệ hơn. Ta luôn luôn tự hỏi, tại sao lại là ta?
Rốt cuộc, ta tự hỏi, chúng ta để làm gì? Những máu xương này, những cái chết này, rốt cuộc để làm gì? Cái lý tưởng thế thiên hành đạo của Tây Sơn ngày khởi nghiệp đã mất lâu rồi. Tất cả mọi người chỉ lao vào tranh giành, cấu xé lẫn nhau. Tây Sơn đánh cường hào áp bức, nhưng cuối cùng lại trở thành chính những kẻ ấy. Nguyên do là gì?

Nhưng Tây Sơn nổi dậy có phải là sai không? Không. Chúng ta chiến thắng. Chúng ta có thể tự hào. Chúng ta là cơn lũ quét sạch những tranh chấp trên đất nước này. Điều chúng ta không thể làm là để mảnh đất ấy có thể mọc lên những chồi cây xanh tốt.

Phải, đó là điều mà ta không thể làm. Tây Sơn cũng không thể làm. Chúng ta bị cuốn vào thời thế, vào chiến tranh. Không có vương đạo, chỉ có bá đạo. Thắng làm vua, thua làm giặc. Kẻ nào chiến thắng cũng như thế mà thôi. Nhưng tại sao lại có chiến tranh, tại sao chúng ta nổi dậy, tại sao chúng ta thất bại, ý nghĩa của sự tồn tại, đã từng tồn tại của chúng ta là gì?

Khang công đã chết. Bao nhiêu người đã chết. Chúng ta cũng sẽ chết. Tất cả chúng ta có ý nghĩa gì?

Khi bị bắt, ta chợt nghĩ, thế là đã “thanh bình”. Đã thống nhất. Đã bình yên. Điều mà chúng ta không thể làm được, đã có một người làm được. Trong đôi mắt người ấy, ta thấy sự thù hận, nhưng không phải là cừu hận. Người ấy phục thù bằng cách làm được những gì mà chúng ta không thể làm."

HỒ DƯƠNG


Họ đã từng là những anh hùng.
Và người ta đã quên.
Hồ Dương có thể là tên một nàng công chúa. Hồ Dương cũng có thể là tên của một loài cây mọc trên sa mạc ngàn năm không khô héo. Hồ Dương cũng có thể là ánh dương trên mặt hồ nước - Chói chang phản chiếu tất cả nắng trời.
Vùng đất của những dòng nước chảy đan cắt qua nhau, phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ.
Hồ Dương là tên hiệu của công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Du, chị gái của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Tập truyện này đặt tên là Hồ Dương, là vì công nữ Ngọc Du là một trong hai nhân vật chính.
Người còn lại là Võ Tánh, một trong những vị tướng tài giỏi nhất của quân Nguyễn.
Với dung lượng đồ sộ của mình, Hồ Dương kể lại câu chuyện về hành trình trung hưng của nhà Nguyễn. Câu chuyện trong Hồ Dương trải dài hơn 30 năm, từ những ngày chúa Nguyễn Phúc Ánh trở lại Gia Định từ Xiêm La, cho đến lúc ông băng hà với tư cách Gia Long Hoàng đế.
Song song với cuộc chiến khốc liệt giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, Hồ Dương còn là câu chuyện về mối tình giữa Võ Tánh và Ngọc Du. Một câu chuyện tình chênh chao, kỳ lạ và đặc biệt, đủ mọi cung bậc cảm xúc. Hồ Dương còn là tập hợp hàng loạt những câu chuyện nhỏ to xoay quanh các nhân vật lẫy lừng có, nhỏ bé có mà vô danh cũng có trong đoàn quân của chúa Nguyễn. Tất cả đã tạo thành một câu chuyện lôi cuốn, thú vị từ đầu đến cuối. Một khi đã cầm sách lên và đọc, tôi nghĩ ai cũng sẽ bị cuốn vào mạch truyện mà không hề muốn dứt ra.

Cái hay của Hồ Dương trước hết là ở quy mô và mức độ chặt chẽ của câu chuyện. Truyện triển khai nhiều nhân vật, nhiều sự kiện và tuyến truyện phụ, nhưng không hề bị rối, rất dễ theo dõi. Bên cạnh đó, Hồ Dương đã làm được điều mà các truyện dã sử Việt hồi xưa còn khá kém: xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật. Các nhân vật trong Hồ Dương đa phần là các nhân vật lịch sử có thật, nhưng Trường An vẫn khéo léo tạo cho họ những nét tính cách rất riêng mà không sai lệch quá nhiều với ghi chép thực tế. Đó là một điều tôi nghĩ Hồ Dương đã làm tốt hơn hẳn so với các tiểu thuyết dã sử thời trước. Chúng không hẳn là không hay, có điều các nhân vật đều rất một màu và có phần cứng nhắc quá. Trường An là một nhà văn 8x, vậy nên cũng dễ hiểu khi chị đã có thể khắc phục được những yếu điểm đó của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam.
Và còn một điều nữa tôi thích không chỉ ở Hồ Dương, mà còn ở các tác phẩm khác của Trường An, đó là văn phong. Văn phong của chị có một nét rất riêng, tôi nghĩ khó ai làm giống được. Phảng phất trong văn của Trường An là sự hào hùng, là đôi nét hài hước, nhưng rõ nhất vẫn là đau đớn, bi ai và buồn thương. Viết về một thời đại đau thương, một cuộc chiến khốc liệt, hẳn nhiên văn phong phải thế. Trường An đã thành công trong việc khiến người đọc đồng cảm với các nhân vật và thời kỳ biến động vô cùng khốc liệt ấy. Cũng bởi văn phong xuất sắc như vậy, nên trong Hồ Dương có rất rất nhiều đoạn tôi cực thích. Dẫn ra hết thì không thể, nhưng có một đoạn ngắn tôi có thể viết ra, vì nó thể hiện khá rõ cái chất buồn thương man mác và đầy tiếc nuối trong văn Trường An.

Đó là những lời của Võ Tánh nói với Võ Văn Lượng khi chàng leo lên lầu Bát Giác trong ngày mở cổng thành Bình Định đầu hàng quân Tây Sơn của Trần Quang Diệu.
"Anh nghĩ tôi có thể sống khi có người anh em chết cho mình à? - Võ Văn Lượng cau mày - Anh không muốn nhìn mặt hắn thì đẩy cho tôi làm kẻ cúi đầu trước hắn sao?

- Vì hàng ngàn người này, anh có thể. - Võ Tánh nhìn vào mắt Võ Văn Lượng. - Và còn nhiều chuyện chúng ta vẫn chưa làm. Kiến Hòa quân, anh nhớ không Lượng? Anh nhớ mình đã nói gì về đội quân của chúng ta? Đó là giấc mơ cả đời chúng ta."
Kiến Hòa quân, đội quân mang đến hòa bình. Nhưng cuối cùng Võ Tánh đã không thể chờ để vào Phú Xuân như lời hứa với Ngọc Du. Võ Tánh, cùng bao nhiêu người khác đã rơi rụng trong suốt chiều dài của cuộc chiến. Họ cuối cùng đã không thể nhìn thấy hòa bình.
Nhưng sự hy sinh của họ đã góp phần đem đến hòa bình. Sau gần 300 năm chia cắt, cuối cùng Đại Việt đã một lần nữa thực sự được thống nhất.

KẾT


Lịch sử thời Nguyễn, nhất là cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh là một giai đoạn thú vị. Bản thân triều Nguyễn và nhân vật Nguyễn Phúc Ánh đã mang trong mình đầy sự tranh cãi, bây giờ vẫn chưa thôi, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ thôi. Viết về thời Nguyễn khó, viết làm sao cho hay và cuốn hút, lại còn khó hơn.
Nhưng Trường An và bộ tiểu thuyết lịch sử về thời Nguyễn của chị đã làm được.
Bên cạnh nguồn sử liệu dồi dào và phong phú mà Trường An đã cung cấp qua mỗi cuốn - và mình thật sự nể phục chị vì khối lượng kiến thức đồ sộ như vậy - thì thứ cuốn hút tôi nhất, là cách viết của chị, cách dẫn truyện của chị. Nó rất mượt mà, không hề khô cứng, có cuốn chỉ viết dưới góc nhìn một nhân vật, có cuốn lại viết dưới góc nhìn của nhiều nhân vật. Đọc những cuốn tiểu thuyết này, cảm giác rất thích, rất "êm", dù là tiểu thuyết lịch sử, nhưng rất khác biệt, đem lại những cái nhìn mới về các nhân vật lịch sử, mà có nhiều đoạn, tưởng như là tiểu thuyết tình cảm vậy, giọng văn đôi lúc trở nên vui tươi đến không ngờ. Phải chăng đó là vì trong những thời điểm biến động nhất, hỗn loạn nhất, thì con người ta vẫn sẽ nhìn thấy hy vọng, vẫn sẽ nhìn thấy ánh sáng?
Và đọc những cuốn truyện này, luôn có một cảm giác buồn. Bản thân thời kỳ lịch sử Tây Sơn - nhà Nguyễn vốn đã là một thời kỳ đầy biến động, và mang màu sắc ảm đạm, buồn bã. Qua văn phong của Trường An, nỗi buồn ấy len lỏi vào từng trang sách, từng câu chữ, qua lời nói của các nhân vật, qua miêu tả về cảnh vật khi ấy, qua những trận chiến ác liệt diễn ra liên miên, xé nát giang sơn Đại Việt, khi hàng vạn người liên tục bỏ mạng, máu tưới đẫm cả một dải đất.
Những con chữ buồn, kể những câu chuyện buồn về một thời kỳ lịch sử buồn nhiều hơn vui.
Đây là một bộ sách mà tôi sẽ recommend với bất kỳ ai, dù người đó có yêu thích lịch sử hay không. Hãy đọc, đọc để cảm nhận một thời kỳ gần cũng không gần, mà xa cũng không xa.