[Review Sách] Chip War -Cuộc chiến vi mạch (Chris Miller)
Định dành cuốn này để đến gần Giáng Sinh nhưng theo dòng sự kiện CEO của Nvidia mới trở lại Việt Nam, lại còn chi tiền mua VinBrain...
Định dành cuốn này để đến gần Giáng Sinh nhưng theo dòng sự kiện CEO của Nvidia mới trở lại Việt Nam, lại còn chi tiền mua VinBrain nữa chứ, nên mình nhân tiện giới thiệu cuốn sách về những con chip bé nhỏ nhưng có vai trò càng ngày càng quan trọng trong xã hội hiện đại này luôn. Một thứ “dầu mỏ” mới, sức mạnh nằm sau sự vươn mình của ngành công nghệ. Và như bất cứ thứ gì được coi là quan trọng trong lịch sử loài người, người ta sẽ chiến đấu vì nó.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1945 - khi chiếc máy tính hiện đại nhất (ENIAC) còn to bằng cả một căn phòng, với mười tám nghìn đèn điện tử chân không: cồng kềnh, quá chậm và cực kỳ không đáng tin cậy, nó đặt ra những thách thức cho các nhà khoa học để thiết kế ra một bộ chuyển mạch nhanh hơn, nhỏ hơn và rẻ hơn. Thứ vật liệu mang tính quyết định đấy, chính là chất bán dẫn như silicon và germani. Điểm đặc biệt của vật liệu này là ở chỗ bình thường nó không hề dẫn điện, nhưng khi thêm một số vật liệu và một điện trường, thì dòng điện có thể chạy qua. Điều này có nghĩa khi hiểu được cơ chế để điều khiển được dòng điện, tức là ta sẽ quyết định được quá trình bật tắt những bóng đèn điện tử chân không. Đèn bật biểu thị cho ký tự 1 và đèn tắt biểu thị cho ký tự 0. Tất cả những tính toán siêu phàm và khả năng kỳ diệu của máy tính, rốt cuộc, đều quy về ngôn ngữ nhị phân 0,1 này. Vậy nên có thể coi những con chip là "bộ não" của máy tính và thiếu nó thì mạng internet hay cả AI cũng về vườn hết. Bí ẩn về cách điều khiển dòng điện chạy qua chất bán dẫn được làm sáng tỏ bởi những nhà khoa học thông minh và sáng láng nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Nhưng không có mấy người nhìn ra được tiềm năng của chất bán dẫn khi ấy, ngoại trừ một nhóm gồm 8 kỹ sư tại phòng thí nghiệm bán dẫn, đã quyết định “đào tẩu” và thành lập nên công ty khởi nghiệp Fairchild (8 người này được công nhận rộng rãi là những người thành lập nên thung lũng Silicon) - để kết hợp các phát minh mới với các cơ hội thương mại và đưa ngành công nghiệp chip cất cánh.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Đó mới chỉ là bước khởi đầu. Chỉ trong vòng hơn 70 năm, từ con chip ban đầu vẫn còn lớn và thiếu tin cậy, cho đến ngày nay, một con chip hiện đại chỉ to cỡ móng tay và chứa được đến 50 tỷ bóng bán dẫn, là cả một câu chuyện dài và rất thú vị. Nó là sự kết hợp của thứ mà tôi cho là tinh túy của nước Mỹ: nền tảng khoa học vững mạnh, những tài năng xuất chúng, kết hợp với tầm nhìn kinh doanh xa rộng. Sự phát triển của con chip, kéo theo nó là sự cải thiện của tốc độ điện toán và sự lớn mạnh của máy tính cá nhân. Nước Mỹ sớm hưởng thành quả của mình khi máy tính phát triển như vũ bão, kéo theo nó là nhu cầu về những con chip nhớ tăng chóng mặt. Bên cạnh đó để giảm chi phí sản xuất, quá trình lắp ráp chip được “xuất khẩu” ra ngoài nước Mỹ, các quốc gia Đông Á và sau này là Đông Nam Á là những quốc gia được chọn vì nguồn nhân công dồi dào giá rẻ và hệ thống công đoàn lỏng lẻo (hay nói trắng ra là không có gì). Không hài lòng với việc chỉ là người lắp rắp cuối cùng nhận bạc lẻ, Nhật Bản sớm nhận ra sức mạnh của những con chip, và sớm hợp tác với Mỹ để nhận được cả sự chuyển giao công nghệ rồi sau đó với sức mạnh của sự kỷ luật, chính xác, chiến thuật giảm giá và sự nâng đỡ của chính phủ, Nhật Bản vươn lên trở thành nhà cung cấp chip nhớ và cả kỹ thuật quang khắc ( một bước rất quan trọng trong quá trình sản xuất chip) hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên Nhật Bản cũng không mừng được lâu, Hàn Quốc là cái tên tiếp theo có mặt trong cuộc chơi và cạnh tranh gay gắt, rồi dần dần thay thế ngôi vương với cùng một chiến lược giống Nhật Bản, Samsung thay thế Sony thành cái tên trên bảng vàng. Sau thập niên của những con chip nhớ, ngành công nghiệp chip giờ đây lại lao vào cuộc cạnh tranh mới của những “bộ vi xử lý”. Bên cạnh đó, quá trình phát triển chip cũng kéo theo nó sự chuyên môn hóa của ngành này. Để sản xuất ra 1 con chip được chia ra làm những bước quan trọng như sau: thiết kế chip, quang khắc, sản xuất chip và cuối cùng là lắp ráp. Ngày nay, mỗi một công ty sẽ đi sâu vào sản xuất được một trong những bước này mà thôi (Intel dường như là công ty duy nhất vẫn có khả năng vừa thiết kế vừa sản xuất chip). Thứ mất nhiều chi phí nhất, đòi hỏi nhiều trí tuệ và cũng là thứ ăn tiền nhất chính là thiết kế chip và được nắm giữ chủ yếu bởi những công ty của Mỹ. Tiếp theo là quá trình quang khắc, là quá trình biến thiết kế thành khả thi bằng cách sử dụng ánh sáng để “điêu khắc” trên những miếng silicon. Qua vòng quay vòng vèo và khó lường của lịch sử, công ty ASML hiện đang là công ty nắm giữ kỹ thuật tiên tiến nhất của quá trình này (quang khắc EUV). Không (kịp) nắm giữ hai mảng quan trọng trên, Đài Loan lựa chọn sản xuất chip và biến mình thành công xưởng sản xuất chip của cả thế giới với công ty quan trọng nhất chính là TSMC. Vào năm 2021 , TSMC là công ty đại chúng có giá trị nhất châu Á, và là một trong mười công ty đại chúng giá trị nhất thế giới, cung cấp đến 50% thị trường đúc chip của thế giới. Có được điều này là do tầm nhìn của các chính trị gia Đài Loan, đã rộng rãi chi tiền và lôi kéo những tài năng gốc Hoa ở Mỹ về lại Đài Loan lập nghiệp trong đó người quan trọng nhất là Trương Trung Mưu (Morris Chang) - chính là nhà sáng lập ra TSMC.
Trung Quốc - bắt đầu muộn hơn các quốc gia phát triển khác và cả các nước Đông Á khác trong cuộc đua chip vì những chính sách sai lầm lúc đầu, nhưng đang đuổi theo ngày càng mạnh mẽ. Với sự phát triển Công nghệ thông tin như vũ bão của Trung Quốc, bạn có thể nghĩ, Trung Quốc có gì mà phải sợ? Nhưng Trung Quốc có lý do để lo sợ. “Trong gần một thập niên từ 2000 đến 2010, số tiền Trung Quốc đã chi để nhập khẩu chất bán dẫn nhiều hơn số tiền chi cho việc nhập khẩu dầu”. “Tất cả công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc đều dựa trên một nền tảng mong manh là silicon nhập khẩu”. Vậy nên có gì đáng ngạc nhiên đâu khi chủ tịch Tập lại mong muốn có ngành công nghiệp bán dẫn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, công nghệ bán dẫn không phải thứ dễ sao chép như hàng ngàn những thứ khác mà Trung Quốc đã sao chép được. Ngành bán dẫn đòi hỏi chi phí R&D khổng lồ và công nghệ cũng lỗi thời nhanh chóng với những thách thức và yêu cầu ngày càng gắt gao. Ví dụ như công nghệ quang khắc, công nghệ quang khắc tân tiến nhất nhất hiện giờ được nghiên cứu đến tận 30 năm, tiêu tốn hàng chục tỷ đô, mỗi một chiếc máy quang khắc EUV có giá trị đến hơn 100 triệu đô la, và nếu có gián điệp nào tình cờ có được bản thiết kế, cũng phải có trình độ cỡ tiến sỹ quang khắc mới hiểu được phần nào nhưng cũng chưa chắc đã biết cách sử dụng. Nhưng Trung Quốc cũng đang vươn mình lên nhanh chóng và có một công ty đã khiến Mỹ phải khiếp sợ, đó là Huawei. Đọc cuốn sách bạn sẽ hiểu tại sao lại là Huawei ;)
Không như các quốc gia Đông Á khác như Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc không phải là đồng minh của Mỹ, vậy nên Trung Quốc sẽ thành một nỗi lo lớn nếu họ nắm được công nghệ sản xuất chip, điều mà Trung Quốc đang nỗ lực làm bằng cách đổ một số tiền khổng lồ (và cả những cách thức thiếu minh bạch khác) để cố gắng mua lại các công ty công nghệ chip của Mỹ. Mỹ có thể cấm cản Huawei, nhưng liệu có thể cấm cản việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc được hay không khi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất đồng thời cũng chính là khách hàng lớn nhất của Mỹ ?
Cuộc cạnh tranh kinh tế đang dần trở thành cuộc chiến kinh tế khi mà sức mạnh của chip không chỉ nằm ở khía cạnh thương mại mà còn góp phần quan trọng trong quá trình “thông minh hóa” vũ khí. Những thiết bị không người lái, bom dẫn đường,… trở nên khả thi và chính xác hơn bao giờ hết chính là nhờ “trí tuệ” đến từ những con chip này, nên ai nắm giữ nó sẽ là nắm giữ sức mạnh chết người trong chiến tranh.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Trên đây là nội dung sơ sơ của cuốn sách này, tôi định giới thiệu sương sương thôi mà cuối cùng cũng thành ra dài phết, nhưng đó tất nhiên không phải tất cả, cuốn sách này còn rất nhiều thú vị, chẳng hạn như: tại sao Liên Xô, kẻ từng là đối thủ cạnh tranh số 1 của Mỹ lại là người đi sau trong cuộc đua chip ? Vai trò của Đài Loan quan trọng và nhạy cảm như thế nào khi hai nhà cung cấp hàng đầu của TSMC chính là Mỹ và Trung Quốc: một bên cam kết bảo vệ bằng vũ lực, và một bên chưa bao giờ ngừng coi Đài Loan là một phần của chính mình ? Sự xuất hiện của điện thoại di động đã lại thay đổi đường đua chip như thế nào? Tại sao Nvidia lại trở thành cái tên mới nổi, chip của Nvidia có gì đặc biệt mà đe dọa vị thế của ông lớn Intel?.. Thiên tài khoa học, nhà kinh doanh có tầm nhìn, những thành viên chính phủ sốt sắng, những thay đổi không ngờ, muốn quan hệ phức tạp giữa những thương gia và giới chính trị, mối quan hệ của ngành chip và quân đội và cả hàng không vũ trụ,… tất cả đều có trong cuốn sách này. Hấp dẫn, lôi cuốn, cùng lỗi hành văn xúc tích, rõ ràng. Cuốn sách chia thành nhiều phần, mỗi phần lại một chương nhỏ, mỗi chương dài chưa đến chục trang nhưng trình bày trọn vẹn một vấn đề, bạn thậm chí còn không có cơ hội chê nó dài dòng!
Như mọi cuốn sách hay, “Chip War” không chỉ kể một câu chuyện, đưa cho bạn thông tin, nó cũng khơi gợi những câu hỏi không dễ trả lời. Khi một thứ gì đó trở nên quan trọng, nó cũng đồng thời gây nên nhiều vấn đề nảy sinh. Như có thể thấy, chip không chỉ được sản xuất ở một mà nhiều quốc gia, tuy nhiên “công nghệ lõi” này chỉ nằm trong tay một số ít những công ty quan trọng, đóng vai trò như xương sống của cả ngành công nghệ chip. Điều đó cũng có nghĩa, sự gián đoạn ở bất cứ một mắt xích nào trong chuỗi này có thể để lại hậu quả to lớn cho ngành kinh tế toàn cầu bởi chip không chỉ quan trọng trong ngành Công nghệ, nó dần được áp dụng vào mọi ngành nghề khi ta bắt đầu thấy các trang thiết bị trong cuộc sống đều đang dần trở nên “thông minh hơn”, không phần mềm thông minh nào khả dụng, nếu thiếu đi phần cứng chip. Nhưng sản xuất chip lại là một thứ vô cùng phức tạp và tốn kém, không hề dễ dàng để sao chép và không công ty nào muốn chuyển giao công nghệ. Bất cứ công ty nào hay quốc gia nào muốn chen chân vào ngành công nghiệp vừa quan trọng vừa béo bở này, đều phải dành nguồn lực đầu tư khổng lồ, không chỉ là tiền bạc, công sức mà cả những phương thức sáng tạo, thông minh hơn.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất