[Review] Quái vật ghé thăm: Quái vật đáng sợ nhất là quái vật trong tâm trí
Halloween đã qua nhưng mình vẫn muốn review một cuốn sách rờn rợn (không phải kinh dị). Rờn rợn vì sách gợi nhớ đến phim kinh dị chất lượng. Một bộ phim không gây sợ bằng cảnh ghê rợn, mà bằng thứ gần gũi với chúng ta, ví dụ như lòng người.
Mặc dù Halloween đã qua nhưng mình vẫn muốn giới thiệu với mọi người về một cuốn sách hơi "rờn rợn". Thực ra đây không phải là cuốn sách kinh dị, chính xác hơn là một cuốn thuộc thể loại Young Adult (sách dành cho thanh thiếu niên). Tên cuốn sách là "Quái vật ghé thăm". Sở dĩ mình gọi nó là cuốn sách "rờn rợn" vì không khí trong sách khá u tối và gợi mình đến những bộ phim kinh dị chất lượng. Kiểu những bộ phim không gây sợ hãi bằng cảnh máu me bầy nhầy, mà gây sợ hãi bằng những thông điệp rất gần gũi với chúng ta - ví dụ như lòng người chẳng hạn.
"Quái vật ghé thăm" là cuốn sách Young Adult hiếm hoi mà mình đọc. Mặc dù là sách viết cho tuổi thanh thiếu niên nhưng góc nhìn trong sách rất sâu sắc, đến mức người lớn cũng có thể đọc. Thêm vào đó là những phần hình ảnh minh họa rất chất.
*Disclaimer: trong bài review, mình có spoil một chút nội dung để giúp quá trình phân tích dễ dàng hơn.
1. Sơ lược nội dung:
"Quái vật ghé thăm" (Patrick Ness & Siobhan Dowd) là câu chuyện về cậu bé Conor O'Malley. Cuộc sống với người mẹ bị ung thư buộc Conor phải trưởng thành sớm hơn so với tuổi. Cùng với đó, cậu phải vật lộn với cơn ác mộng lúc nửa đêm, kém theo đó là con quái vật đáng sợ luôn xuất hiện vào 12h07. Mỗi đêm ghé thăm, con quái vật lại kể cho Conor một câu chuyện. Từng câu chuyện của con quái vật lại mở ra cánh cửa về khía cạnh cuộc sống của Conor, từ đó dẫn dắt cậu tới một nỗi sợ sâu thẳm, buộc cậu phải vượt qua.
2. Review Quái vật ghé thăm
a. Nỗi đau của một đứa trẻ bị ép lớn:
Mẹ bị ung thư, cha tìm hạnh phúc bên gia đình mới. Conor phải gánh vác quá nhiều so với lứa tuổi của cậu. Áp lực trưởng thành sớm cùng tâm lý non nớt của tuổi dậy thì khiến cậu thu mình lại, buộc phảigồng lên trước những cơn đau của mẹ và những vụ bắt nạt trong trường. Điều ấy vô tình khiến cậu mặc cảm với bản thân, thậm chí từ chối bất kỳ sự giúp đỡ của Lily và những người lớn xung quanh. Đau lòng hơn, chính là cha mẹ cậu không có quan điểm rõ ràng, hay có động thái chuẩn bị tâm lý cho Conor, để cậu sẵn sàng đối mặt với nỗi đau lớn nhất trong đời.
Đối với những bạn từng trải qua nỗi đau này, câu chuyện của Conor chắc chắn là một sự đồng cảm. Đối với người lớn, cuốn sách này còn mang đến nhiều suy nghĩ về cách giáo dục một đứa trẻ, đặc biệt khi phải chuẩn bị cho chúng đối mặt với những biến cố (sự mất mát của người thân yêu, cuộc sống của đứa trẻ hậu ly hôn...) và vô vàn câu hỏi khác dành cho người trưởng thành mà Manh tin rằng sẽ được khám phá ra mỗi khi chúng ta đọc lại. Nó thực sự là một cuốn sách người lớn nên đọc. Manh không rõ Siobhan gây dựng ý tưởng này có phải dựa trên quãng đời ngắn ngủi còn lại đấu tranh với bệnh ung thư của cô không; nhưng thật sự cô ấy, và cả người truyền tải ý tưởng Patrick Ness đã thực hiện đúng sứ mệnh của mình, đó là:
"Những câu chuyện không kết thúc cùng với nhà văn".
b. Giải thoát hay là sự lựa chọn tàn nhẫn của con người:
Nếu cậu từng đọc những bài báo về câu chuyện về bệnh nhân mắc bệnh nan y và người nhà, cậu sẽ thấy những trường hợp như thế này: rằng đôi khi họ muốn để người bệnh ra đi vì không thể chịu được cảnh nhìn thấy họ đau đớn; rằng đôi khi việc gánh vác một người bệnh nặng là áp lực không lối thoát, thậm chí rút cạn tinh thần của người chăm sóc. Họ suy nghĩ rồi tự trừng phạt bản thân về suy nghĩ độc ác ấy. Đó chính là nỗi đau mà Conor phải trải qua.
Đôi khi mọi thứ không có đúng sai rõ ràng, ta sẽ không thể nào phán xét ai đó nếu không ở trong hoàn cảnh của họ. Điều duy nhất chúng ta có thể làm, là chấp nhận suy nghĩ đó, nỗi đau đó, trước khi tìm cách vượt qua nó. Manh nghĩ mọi chuyện có thể tốt hơn nếu Conor chấp nhận sự thật mẹ mình không thể sống được bao lâu nữa, và thay vì gồng lên như vậy, cậu có thể tạo kỉ niệm đẹp với mẹ mình, để ít nhất sau này còn có thứ để nhớ về. Nhưng Conor chỉ mới mười ba tuổi, cậu thậm chí chẳng có ai chỉ ra rằng cậu đang làm sai cách, ngoại trừ... con quái vật.
c. Vậy con quái vật thực sự là gì?
Manh muốn hỏi cậu câu này, nếu cậu phát hiện ra trong bản thân có suy nghĩ đen tối, cậu sẽ làm gì? Tìm cách lờ đi và không nghĩ về nó nữa? Nghe hợp lý nhỉ, nhưng buồn thay đó không phải là cách giải quyết tốt.
Cuốn sách mô tả con quái vật có hình dáng của một cây thủy tùng to lớn, với những mấu gỗ lởm chởm và gớm ghiếc. Đó là hình dáng của con quái vật, nhưng cũng là hình thù của mặt tối bên trong Conor. Con người luôn có hai mặt sáng tối mâu thuẫn nhau.
một vị hoàng tử vừa là kẻ giết người, vừa là vị cứu tinh.
Và khi cậu càng không thành thật với mặt tối bên trong mình, cậu sẽ càng để chúng lớn dần lên trong tâm trí, để rồi bộc phát thành hành động trong vô thức. Giống như cái cách Conor chút giận lên đồ đạc và bạn cùng trường. Suy nghĩ đen tối chỉ là một trong hành triệu loại suy nghĩ, khi ta chấp nhận nó, thừa nhận nó là một phần của bản thân, ta sẽ tìm cách để kiểm soát nó, ngăn nó biến thành hành động tội ác. "Ngươi nghĩ gì không quan trọng, ngươi làm gì mới thực sự quan trọng", con quái vật đã nói vậy đấy, xem ra không giống với quái vật mà người ta vẫn hình dung ha.
Câu trả lời là ngươi nghĩ gì không quan trọng, con quái vật nói, bởi lẽ tâm trí ngươi sẽ mâu thuẫn với chính nó cả trăm lần mỗi ngày. Ngươi vừa muốn mẹ ngươi ra đi lại vừa tuyệt vọng muốn ta cứu lấy bà ấy. Tâm trí ngươi sẽ tin vào những lời nói dối an ủi trong khi cũng biết rõ sự thật đau đớn khiến cho những lời nói dối kia trở nên cần thiết. Và tâm trí ngươi sẽ trừng phạt chính ngươi vì đã tin tưởng vào cả hai.
d. Đôi nét về ý tưởng cuốn sách:
Đây không phải là một cuốn sách về cậu bé có hoàn cảnh đáng thương, như vậy thì bình thường quá. Điều Manh thích nhất là cách tác giả dùng chất liệu văn học dành cho thanh thiếu niên (câu chuyên dạng cổ tích, đời sống trẻ em, tranh minh họa...) để truyền tải thông điệp rất trưởng thành. Cách sắp xếp cốt truyện đủ tốt để dù ở độ tuổi nào, người đọc cũng cảm nhận một phần ý nghĩa nào đó. Manh nghĩ dù là cố gắng truyền tải ý tưởng gốc hay phát triển ý tưởng ấy theo một hướng đi khác, Patrick đã thành công trong việc viết một câu chuyện mà anh nghĩ Siobhan sẽ thích. Giống như cách anh nói về tiền đề của câu chuyện này:
"...ý tưởng hay lại tuyệt vời ở chỗ chúng kích thích cho những ý tưởng khác sinh sôi nảy nở... Đi đi. Tung hoành với nó đi. Gây chuyện đi."
Có thể câu chuyện khác nhau, nhưng Patrick và Siobhan đều hiểu rằng, nên khuyến khích độc giả suy nghĩ về câu chuyện theo cách riêng của họ.
---
Xem thêm các bài review khác của mình:
---
Xin chào, mình là Manh Đi Viết Thuê (hay còn gọi là Manh). Mình chia sẻ về sách, văn hóa đọc và các góc nhìn về cuộc sống. Mời mọi người vào trang @manh.di.viet.thue để theo dõi thêm các bài review sách khác của mình nha.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất