***Bài viết không được tài trợ bởi Spiderum (nhưng nếu có thành ý thì mình nhận) =)))
Như một số bạn có thể biết, mình làm việc trong môi trường NGO/NPO và từng viết 1 series về môi trường này. Vì vậy, vấn đề nhân đạo là một trong những vấn đề mình quan tâm và mình cũng để ý đến quyển sách này từ khi Spiderum bắt đầu quảng bá.
Mình không có kinh nghiệm viết về sách hay phim :)) nên đây sẽ là một bài đề xuất sách không theo kiểu truyền thống. Lý do là mình chưa đọc sách hihi. (nhưng mình có đọc bản đọc thử)
"Doing Good Better" sẽ không phải là cuốn sách mình sẽ đưa vào reading list hoặc bỏ tiền ra mua bởi qua một số bài giới thiệu và phần đọc thử, mình nghĩ góc nhìn và thông tin trong cuốn sách không quá mới mẻ với cá nhân mình. Câu chuyện Play Pumps ở phần đầu hay những câu hỏi được đặt ra ở phần 1 có lẽ cũng là những điều mà người làm trong giới NGOs đã khá quen thuộc.
Tất nhiên, có thể có những chi tiết gì đó sẽ giúp bổ sung thêm vào hiểu biết sẵn có và có ích với mình. Nhưng nhìn chung thì chưa phải một cuốn sách mình sẽ ưu tiên chọn đọc.
Vậy tại sao mình vẫn đề xuất cuốn sách này cho mọi người?
Đầu tiên thì chắc chắn là vì không có ích nhiều quá với mình không có nghĩa là không có ích với người khác.
Thứ hai, cuốn sách sẽ là một khởi đầu tốt để rèn giũa tư duy phản biện và mở ra một góc nhìn mới cho bạn, dù bạn có làm việc trong lĩnh vực phát triển hay không. Nếu ứng dụng tốt, bạn còn có thể thấy thế giới xung quanh với một ánh mắt khác hơn rất nhiều.
Sở dĩ mình nói vậy vì khi đọc qua giới thiệu cuốn sách và sau đó là bản demo, mình thấy lại được quá trình tích lũy kiến thức và trải nghiệm của bản thân. Quá trình ấy cũng đến từ những câu chuyện, những bài học tương tự như vậy và ghi dấu những bước trưởng thành trong suy nghĩ của cá nhân mình.
Một khoảnh khắc mình cảm thấy "mặt trời chân lý chói qua tim", kí ức đầu tiên của mình về việc thực hành tư duy phản biện tình cờ cũng là về vấn đề từ thiện. Khi đó mình học xong năm nhất đại học, mình học Kinh tế nha nên cũng không gần gũi lắm với chủ đề nhân đạo. Trong một buổi cà phê với hai chị khóa trên, hai chị nói rằng "Đa số mọi người làm từ thiện để bản thân họ cảm thấy tốt hơn". Và trong suốt thời gian còn lại của buổi chiều hôm ấy, mình chỉ miên man nghĩ về câu nói đó.
Câu nói ấy đã đưa ra được hai vấn đề phổ biến trong việc làm từ thiện. Thứ nhất là việc làm từ thiện thiếu hiệu quả, cho con cá thay vì cần câu hoặc chỉ mang đến những tác động thiếu bền vững, không tối ưu. Thứ hai là từ phía người làm "thiện nguyện", đa số không để tâm đến tác động thực tế mà chỉ chi tiền hoặc bỏ công sức (vào bất cứ đâu kêu gọi). Từ đó dẫn đến tác động lớn nhất mà việc từ thiện tạo ra, lại trở thành giúp người làm từ thiện cảm thấy tốt hơn, thay vì giúp cuộc sống của người hưởng lợi tốt hơn.
Với một đứa sinh viên năm nhất suy nghĩ đơn giản và sống trong môi trường cũng không va chạm nhiều, đó là khoảnh khắc bong bóng xung quanh mình dần dần vỡ ra bởi mình cũng chưa bao giờ đặt câu hỏi làm từ thiện như thế nào mà luôn mặc định từ thiện là giúp người thì không thể xấu được.
Câu nói ấy đã thách thức một niềm tin cố hữu trong mình. Khi niềm tin và nhận thức cố hữu của bạn lung lay bạn sẽ có một cách tiếp cận với thế giới nói chung một cách cởi mở hơn và dễ dàng tiếp thu những góc nhìn mới. Từ khi đó (cũng như sau một vài lần bị đời vả vào mặt khác), mình mới bắt đầu có thói quen đặt câu hỏi tại sao cho mọi thứ, kể cả những điều đa số mọi người cho là quá hiển nhiên để hỏi (nhưng thường thì chúng không hề hiển nhiên). Mình bớt nhận mình là người tốt hơn sau khi biết làm người tốt thật sự khó thế nào đồng thời hiểu được thêm về sự phức tạp của thế giới xung quanh. Đây là những điều mình nghĩ "Doing Good Better" cũng sẽ giúp bạn nhận ra được.
Các vấn đề xã hội, vấn đề toàn cầu đều là những vấn đề phức tạp, cách giải quyết chúng có thể phức tạp, đòi hỏi sự thay đổi của cả một hệ thống, hoặc cũng có thể đơn giản bằng việc tẩy giun cho trẻ em như một ví dụ trong sách đề cập, nhưng giải pháp đều thường không nằm ở trên bề mặt để bạn có thể liếc mắt là thấy như nhiều người lầm tưởng.
Chương về lối sống xanh có lẽ sẽ cho bạn trải nghiệm như khi mình thấy sự nhảm nhí của Giờ Trái đất. Chương về doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc đạo đức, sẽ cho bạn thấy tác động qua lại giữa những mắt xích trong nền kinh tế, và rằng những hành động cảm tính như tẩy chay doanh nghiệp cũng đồng thời tác động tiêu cực tới người lao động (đoạn này là tự đoán nội dung sách).
Nói đi cũng phải nói lại, mình nghĩ sẽ không hoàn toàn đồng ý với mọi luận điểm hay lời khuyên trong sách nói tới, tuy nhiên sẽ là những chi tiết nhỏ thôi (chắc vậy). Nhìn chung, điều quan trọng nhất sách mang lại, mình không cho là nằm ở từng hướng dẫn mà sách đưa ra mà nằm ở cách nó thách thức niềm tin sẵn có của bạn về việc làm từ thiện từ đó buộc người đọc phải suy ngẫm nhiều hơn về tác động của từng hành động mình làm.
P/s: Như đã nói từ đầu thì mình cũng không định mua sách và đọc, nhưng có đi cơ cấu được quyển sách hàng tuồn nên nảy ra ý định Tết này ngồi đọc rồi viết lại 1 bài review tử tế (sau khi đọc) xem sao.
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất