Tuổi hai mươi đón chúng ta bằng những bỡ ngỡ, những suy tư, và cả những mất mát.
Ảnh bởi
Error 420 📷
trên
Unsplash
Cái hay của Haruki Murakami là ông đã đi qua hết thảy những bỡ ngỡ, những suy tư, những mất mát mà vẫn bình thản và tự tin để viết lại tất thảy một cách chính xác và giàu cảm xúc.
Mỗi nhân vật, mỗi hình ảnh và trạng huống trong “Rừng Na Uy” là mỗi nhân vật, hình ảnh, trạng huống mà bất cứ ai cũng gặp gỡ, chứng kiến, trải qua khi bước vào tuổi đôi mươi. Theo cách này hay cách khác. “Rừng Na Uy” là một vùng vô thức chuyển giao giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành. Vùng vô thức ấy mờ mờ tỏ tỏ, chân chân ảo ảo trong sự giao tranh mà quấn quýt của tình yêu và tình dục, hạnh phúc và khổ đau, tuổi thơ và tuổi trưởng thành, sự sống và cái chết…
Ta bắt gặp trong đó, những nhân vật làm nên tuổi đôi mươi:
Đó là Kizuki, cậu bạn thân chí cốt, hay ho, tài giỏi, tuyệt diệu, không có lí do gì để chết, nhưng đã tự kết liễu năm 17 tuổi. Thực sự có những chuyện như thế! Không ai biết lí do vì sao, không ai muốn nhắc đến lí do vì sao. Chỉ là, hôm đó, cậu phải rời xa trần thế. Chỉ vậy thôi. Cuộc sống ngắn ngủi và chật hẹp, lặp lại và đơn côi như một đoàn tàu không có điểm đến. Một hôm, Kizuki quyết định nhảy khỏi cửa sổ, mặc kệ cho bánh lái trượt dài trên thanh ray. Sự ra đi ấy đột ngột như một lưỡi dao được thời gian mài sắc, cứa sâu vào tâm thức những người ở lại. 
Đó là Naoko, cô bạn gái lí tưởng của tất cả mọi người. Xinh đẹp, khá giả, dịu dàng. Cuộc sống dường như ban tặng cô ấy tất cả, nhưng lại tàn nhẫn vô hiệu hóa tất cả những món quà ấy. Cuộc sống ban cho cô một người chị gái tài giỏi, tuyệt vời, rồi tước chị khỏi cô. Cuộc sống ban cho Naoko một Kizuki - cậu bạn thanh mai trúc mã, rồi cũng trao cậu cho bàn tay của Thần Chết. Thì ra, cái chúng ta thực sự có, không phải là cái chúng ta có, mà là cái chúng ta có với những người ta yêu. Naoko với Kizuki là một cặp trời sinh, nhưng thay vì gắn với nhau đến suốt cuộc đời, thì Naoko lại bị bứt ra khỏi Kizuki. Tựa như hai bào thai cùng chung 1 dây rốn, Kizuki bị bứt ra khỏi Naoko, và vết sẹo để lại là vết sẹo trong tâm hồn. Naoko trong ánh sáng của cõi trần lầm lũi, mòn mỏi kéo về mình sợi dây rốn từ mảnh đất tăm tối của Thần Chết, nhưng đầu dây bên kia, tuyệt nhiên, chỉ còn lại kí ức.
Đó là Midori, cô nàng mạnh mẽ, cá tính, dám nghĩ, dám làm, nhưng ẩn giấu bên trong những ngổn ngang, đổ vỡ của gia đình. Cô cũng có một cô chị gái, nhưng may mắn hơn Naoko, cô chị gái của Midori vô tư hơn nhiều, có lẽ sẽ chẳng bao giờ tự tử, dù chỉ là trong ý nghĩ. Nhưng cuộc sống đủ tàn nhẫn để khiến Midori trở nên khôn ngoan! Cô nhận ra cái khốn nạn, đạo đức giả của xã hội. Đó là sự ngu học nhưng tinh tướng của đám thanh niên cô gặp trong câu lạc bộ. Chúng luôn mồm rao giảng về những lí thuyết vẻ như rất thời thượng, rất tri thức nhưng thực ra chúng chẳng hiểu cái gì cả. Cô nhìn ra sự vô nghĩa của cuộc đời một bộ phận giới trẻ: “Khi tốt nghiệp, chúng sẽ cắt tóc ngắn và xếp hàng đi làm cho Mitsubishi hoặc IBM hoặc Ngân hàng Fuji. Chúng sẽ cưới những cô vợ xinh xắn không bao giờ đọc Mác và đẻ ra những đứa con với những cái tên hoa mỹ nghe phát lộn mửa...”. Giáo dục thể hiện sự bất lực của nó trong sự thống trị của chủ nghĩa tư bản. Tri thức thì rẻ mạt, chất xám để trưng diện. Tất cả cũng chỉ để phục vụ mưu đồ chính trị và kinh tế cho một bộ phận người trong xã hội.
Đó là Nagasawa, một tên sát gái, giàu có, bảnh bao, thông minh, lọc lõi, hầu như đối nghịch với Toru, nhưng hắn có lẽ là người hợp với Toru nhất trong cả truyện. Hắn có tất cả mọi thứ mà mọi người mơ ước cũng như nể sợ. Hắn tưởng như có mọi thứ mình muốn nhưng thực ra lại chẳng có gì. Hắn sẽ không chọn cách dán kín khe hở ô tô và dẫn đường ống xả vào trong cho đến khi ngạt thở, cũng không tròng thòng lọng vào cổ cho đến khi không cảm thấy gì, nhưng hắn sống thì cũng bằng thừa. Hắn có đầu óc và có trái tim, nhưng thế giới độc ác không dung thứ cho kẻ dùng trái tim. Hắn cô độc và bất hạnh. Sự lạnh lẽo trong trái tim đã làm tê liệt mọi ý muốn hạnh phúc. Hắn có thể dũng cảm nuốt 3 con ốc sên để lấy oai, bản lĩnh chinh phục mọi bài thi khó nhằn, hay liều lĩnh lên giường với mọi cô gái hắn muốn, nhưng tuyệt nhiên, hắn không dám hạnh phúc và cũng không dám đem lại hạnh phúc cho người khác. Có lẽ trong cuộc đời, hắn có một mình Toru để tâm sự, vì một mình Toru không bị hắn làm cho kinh sợ. 
Đó là Quốc-xã, cậu bạn từng ở cùng phòng kí túc xá với Toru, con người sinh hoạt như một cái máy được lập trình sẵn. Cuộc sống của y là một đường thẳng hoàn hảo, không mảy may tì vết. “Tớ học về b-b-bản đồ”. Có lẽ Quốc-xã là người trẻ kiên quyết nhất trong “Rừng Na Uy”. Y biết mình đang làm gì, muốn gì, cần gì. Y tập một bài thể dục y hệt trong 10 năm, y theo đuổi một ngành nghề cực kì cụ thể từ khi còn nhỏ và có thể thao thao bất tuyệt về nó trong hàng giờ! Nhưng sự biến mất của y lại cực kì đột ngột và khó hiểu. Có lẽ xã hội hỗn loạn không cho phép sự tồn tại của một cá nhân quá ổn định chăng? 
Đó là Toru Watanabe, một thanh niên trầm tính, hiền lành nhưng chưa bao giờ nhàm chán. Anh sống giữa những giằng xé của tuổi thơ và tuổi trưởng thành. Gia đình anh không khá giả, việc học trong ngôi trường như vậy đã là cả sự nỗ lực. Anh yêu văn chương, nhưng chính anh cũng không nghĩ rằng những vở bi kịch Hi Lạp, hay những tác phẩm của Shakespeare, Racine, Ionesco có giúp gì cho chính cuộc đời mình hay không, chứ đừng nói đến xã hội. Chính văn học, kịch nghệ, âm nhạc và triết lí cũng không miễn trừ cho anh gánh nặng mà sự cô đơn mang lại. Sự cô đơn lây sang anh như một căn bệnh mà đau thương mà mất mát là khởi nguồn. Nhưng đáng tiếc, anh hoàn toàn không có sức đề kháng để chống cự. Toru học được từ cái chết của Naoko: “Không chân lí nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi chúng ta mất một người yêu dấu. Không một chân lí nào, một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào...”
Sau tất cả,...
“Rừng Na Uy” là bản giao hưởng của sự sống và cái chết, trong đó, cái chết nhảy múa bên cạnh sự sống đang thoi thóp. Thế nhưng, không đáng sợ như hình ảnh lưỡi hái của Thần Chết, Murakami nhận ra rằng “sự chết không phải là đối nghịch của sự sống, mà là một phần sự sống”. Cái cách mà các nhân vật trong truyện cư xử với cái chết, là đón nhận nó, từ đón nhận cái chết của những người thân yêu, đến đón nhận cái chết của chính mình. Trong đó, Toru Watanabe chính là hóa thân hoàn thiện nhất của chính nhà văn. Anh là một nhân vật gần như là “bắt buộc” trong mọi tác phẩm của Murakami, trung tính, bình thản đón nhận mọi biến cố của cuộc đời. Anh chứng kiến cái cách Thần Chết bủa vây rồi lần lượt tước đi sự sống của những người anh yêu thương nhất, nhưng mặc nhiên không bị khuất phục trước quyền uy đáng gờm đó. Anh sống lặng lẽ, bình yên bên những kí ức vỡ vụn về cố nhân trong khi Thần Chết chỉ trực chờ làm sa đọa nghị lực sống trong anh. Toru là người đã đi qua “Rừng Na Uy” với những đau thương vụn vỡ và cả những hạnh phúc, sung sướng của tuổi trẻ. Chính đau thương định hình nên hạnh phúc, chính mất mát làm nên ý nghĩa những gì còn lại. 
Toru đã kinh qua hết thảy những đau thương, mất mát, anh xứng đáng có được hạnh phúc vẹn toàn. Nhưng không phải. Thực không có cuộc sống hạnh phúc vẹn toàn. Hạnh phúc chỉ có được khi nó được đặt trong sự tương phản với khổ đau, cũng như sự sống chỉ có ý nghĩa khi nó được đặt trong tương quan với cái chết. Trong Toru có cả hạnh phúc và khổ đau. Một phần tâm hồn anh mãi mãi nằm xuống ở tuổi 20. Nhưng tựa như chồi non bừng lên từ những vết cắt trên thân cây, một phần tâm hồn còn sống qua tuổi 20 trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn bao giờ hết. Đó là bản lĩnh của một người trưởng thành. Kizuki, Naoko, Hatsume,... họ đã mất khi chưa kịp lớn, chỉ Toru là còn sống khi đã vượt qua tuổi thơ, băng qua chốn hỗn mang của “Rừng Na Uy”. Toru đã sống cho phần đời của tất thảy những người anh yêu mến. Những mất mát làm nên một con người, một con người rất hiện sinh. Không thể mãi lang thang trong “Rừng Na Uy”, mà mỗi người cần vượt thoát khỏi nó, vượt thoát khỏi chính sự ấu trĩ , yếu đuối của chính mình để sống tiếp.