Thỉnh thoảng mình lại nghĩ về Ocean Vương như cách mình thắc mắc về Kazuo Ishiguro, và cũng có thể như những nhà văn khác rời bỏ quê hương từ khi còn rất nhỏ. Liệu rằng Ocean Vương, có giống Ishiguro - người có một nước Nhật trong tâm tưởng, tên là "nước Nhật giả tưởng của tôi" [1] không? Liệu Ocean có một thứ gì đó gọi là "nước Việt Nam giả tưởng của tôi"? Khi viết "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian", anh đã nhìn thấy gì, đã nghĩ gì về Việt Nam, thông qua mẹ và bà của mình?
Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa, đó là một câu hỏi quá lớn mà ta chỉ có thể khám phá trong toàn bộ sự nghiệp văn học của Ocean. Còn ở đây, gói gọn trong cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian", mình sẽ nói về một quan niệm sống mà mình cảm nhận được khi đọc cuốn sách này: Phải đi qua nỗi buồn mới trân trọng niềm vui.
Để đọc được "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian", ta cần rất nhiều sự tập trung, rất nhiều sự kiên nhẫn và cần một không gian tĩnh lặng để vượt qua những dòng ký ức bị ngắt quãng, những dòng cảm xúc không liền mạch, những khoảng trống về ngôn ngữ mà dịch thuật khó lòng lấp đầy... Từ đó, nắm bắt lấy suy nghĩ gốc của tác phẩm, để hiểu vì sao Ocean viết cuốn sách này, anh đã nghĩ gì khi viết nó.
*Disclaimer: trong bài review, mình có spoil một chút nội dung để giúp quá trình phân tích dễ dàng hơn.

1. Sơ lược nội dung:

"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng những lá thư mà nhân vật Chó Con (Little Dog) gửi cho người mẹ không biết chữ của mình. Xuyên suốt cuốn sách là hành trình lớn lên của Chó Con, cậu đối mặt với những trải nghiệm đầu đời của những người chẳng thuộc về bên nào (Việt Nam hay Hoa Kỳ), của ám ảnh về chiến tranh, của xung đột văn hóa, của những lần phân biệt chủng tộc, của tình yêu đồng giới, của tình dục,... Đây cũng là cuốn sách giàu tính thơ ca dành cho những ai say mê trải nghiệm cái đẹp của ngôn ngữ.

2. Review Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian

a. Nhan đề kỳ lạ:

Mình cứ nghĩ mãi về nhan đề kỳ lạ của cuốn sách này - "một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian". Tại sao lại là "một thoáng"? Tại sao lại là "rực rỡ"? khi mà toàn bộ cuốn sách đều là những câu chuyện buồn ảm đạm như vậy.
Điều đó đã thôi thúc mình tìm hiểu Ocean Vuong nhiều hơn, về cách anh viết tác phẩm này, và cách suy nghĩ của anh. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về sự tương đồng giữa tác giả và nhân vật Chó Con, Ocean Vuong đã trả lời như thế này:
"Mình không bao giờ muốn viết tự truyện, càng không muốn sử dụng câu chuyện có thật về cuộc đời mình và về gia đình mình cho mục đích thương mại. Mình biết độc giả sẽ có suy nghĩ rằng đây là cuốn sách dựa trên câu chuyện về mình nhưng như vậy thì dễ dàng quá. Mình muốn nhìn sâu vào những nhân vật đó với sự tò mò. Mình muốn dùng trí tưởng tượng và đặt ra câu hỏi rằng nếu có một gia đình giống như gia đình mình, ở một vũ trụ song song khác, họ sẽ ứng xử thế nào trong tình huống ấy. Tiểu thuyết là một cách tuyệt vời để trả lời câu hỏi đó. Chúng ta ở đời chỉ sống một lần, nhưng những nhân vật fiction thì có nhiều cơ hội hơn thế. Mình muốn dùng tiểu thuyết như một cách cho bản thân sống một cuộc đời thứ hai, chứ không phải sống lặp lại một cuộc đời cũ." [2]
Có lẽ, đó là lý do khái niệm về cái đẹp của Ocean Vuong lại độc đáo đến vậy, anh nhìn thấy sự đẹp đẽ từ chiến tranh, từ bạo lực, từ những ngày mà niềm vui cùng nỗi buồn trộn lẫn vào nhau. Sự trân trọng của anh dành cho những khiếm khuyết ấy đã khơi dậy khao khát được sống một cách rực rỡ trong các nhân vật, dù chỉ là trong khoảng khắc. Và chính chuỗi sự kiện buồn đau đó mới đủ để làm nổi bật những nét rực rỡ bé xíu.
Nếu như nhìn ở một góc độ ngoài tác phẩm thì mình thích cách suy nghĩ này, ở một khía cạnh nào đó. Việc trân trọng quá khứ (dù nó không hoàn hảo) là một cách để chúng ta sống một cuộc đời không méo mó, không bị ám ảnh bởi những chấn thương tinh thần, và không di truyền nó đến thế hệ sau.

b. Góc nhìn đặc biệt dành cho độc giả Mỹ trắng:

Hãy thử tưởng tượng cuốn sách này được viết ở một định dạng khác ngoài những lá thư, nhân vật Chó Con sẽ tranh luận với độc giả Mỹ về việc mình bị đối xử ra sao trên đất nước của họ, và sẽ nói về những ám ảnh tâm lý chiến tranh (mà có lẽ họ chưa chắc đã đồng cảm được). Thật khó để nghĩ về việc độc giả Mỹ sẽ nhận lại được gì với một cấu trúc tiểu thuyết như vậy, liệu họ có cảm thấy hợp lý hay tệ hơn là cảm thấy bị công kích? Có lẽ vì thế Ocean Vuong đã chọn để độc giả Mỹ tiếp cận theo một cách riêng tư hơn, để họ chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện giữa những người Việt Nam với nhau, bằng cả lý trí và cảm xúc, từ đó có những đánh giá của riêng mình.

c. Ám ảnh chiến tranh:

Mẹ à. Mẹ từng nói với con ký ức là lựa chọn. Nhưng nếu mẹ là chúa, mẹ sẽ biết ký ức là cơn lũ.
Trích "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian"
Mình mất hai tháng để đọc xong cuốn sách này, mất thêm nhiều tuần nữa để đọc lại và tìm hiểu về back story của nó, mình thậm chí phá vỡ nguyên tắc không take note vào sách của mình, chỉ để cố gắng kết nối những thứ mình hiểu một cách vụn vặt. Dù làm đến vậy nhưng mình cũng chỉ hiểu được một phần rất nhỏ của cuốn sách. Trong bài review này, mình chỉ nói về nửa đầu cuốn sách - về nỗi đau chiến tranh âm ỉ lan tỏa suốt ba thế hệ gia đình của Chó Con, phần mà mình nghĩ rằng mình hiểu chút chút, với tư cách là người Việt Nam.
Chó Con sống cùng hai người phụ nữ bị sang chấn tâm lý hậu chiến tranh: ngoại Lan và mẹ Hồng. Những sang chấn dường như tạo ra một vòng luẩn quẩn giữa những thành viên trong gia đình, một người mẹ đánh đập con rồi lại xin lỗi, rồi lại đánh, một người bà lúc tỉnh lúc mê với tâm trí bị kẹt lại giữa những trận bom của địch. Nhưng giống như người ta nói, cảm nhận về một cuốn sách phụ thuộc vào cách chúng ta chọn cách tiếp cận với nó. Nếu như nhìn cuốn sách này dưới một chuỗi câu chuyện buồn, cậu sẽ chỉ toàn đọc được những chi tiết buồn. Nhưng nếu nhìn cuốn sách dưới một góc độ hạnh phúc, cậu sẽ đọc được đâu đó những khoảng khắc hạnh phúc, rực rỡ của những nhân vật trong gia đình này. Đó là tô cơm nóng chan nước trà lài của bà ngoại, là chú chim ruồi xinh đẹp đang vỗ cánh bên nhà hàng xóm, là những lúc ba người vừa chia nhau những chiếc nhẫn tâm trạng trong tay vừa suýt xoa khen "đẹp quá". Thậm chí mình còn nghĩ rằng, nếu tách phần buồn và phần vui của câu chuyện này ra thành hai chiếc MV, chúng sẽ khiến tâm trạng chúng ta lên xuống hỗn loạn.
Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh - nhưng con đã nhầm rồi mẹ à. Mình sinh ra từ cái đẹp. Đừng để ai nhầm chúng ta là trái quả sinh ra từ bạo lực - mà hãy để họ biết rằng thứ bạo lực đó, dù đã càn qua quả, vẫn không làm hỏng được nó.
Trích "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian"
Viết đến đây, mình lại nhớ về lần Ocean Vuong trả lời phỏng vấn về trải nghiệm khi viết cuốn sách này:
"Chúng ta không thể hiểu được giá trị của niềm vui nếu như không trải nghiệm nỗi buồn...".
Có lẽ vì thế nên cuốn sách mới là "một thoáng rực rỡ" nhỉ?

d. Vẻ đẹp ngôn từ:

Mình nghĩ điều khó nhất khi đọc cuốn sách này chính là cảm nhận vẻ đẹp ngôn từ của nó. Có những chi tiết, cách chơi chữ mà mình đọc tiếng Việt không hiểu, phải tìm đến tiếng Anh và ngược lại. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm đọc của mình. Tuy nhiên, mình chấp nhận nó, bởi sẽ luôn có khoảng cách giữa các ngôn ngữ trong quá trình dịch thuật. Đối với mình, Nhã Nam đã dịch cuốn này khá thành công rồi. Mình gợi ý là các cậu nên đọc cả bản tiếng Việt và tiếng Anh để cảm nhận toàn bộ tác phẩm nhé. Tốt nhất nên đọc cuốn sách này khi cậu thật sự có thời gian rảnh bởi đây là cuốn sách rất cần sự tập trung và yên tĩnh để đọc.
---
Reference:
[1] Bài phỏng vấn Kazuo Ishiguro với tựa đề "My own private Japan" đăng trên Asian American Writers' Workshop: Link
[2] Cuộc phỏng vấn Ocean Vuong: Link
--- Xin chào, mình là Manh Đi Viết Thuê (hay còn gọi là Manh). Mình chia sẻ về sách, văn hóa đọc và các góc nhìn về cuộc sống. Mời mọi người vào trang @manh.di.viet.thue để theo dõi thêm các bài review sách khác của mình nha.