Review: Một bữa no
Đến với thế giới văn học của Nam Cao là đến với thế giới văn học thực tế. Không mộng mơ, không hoa mĩ. Thật mà chất! Câu chuyện bình...
Đến với thế giới văn học của Nam Cao là đến với thế giới văn học thực tế. Không mộng mơ, không hoa mĩ. Thật mà chất! Câu chuyện bình dị của những cuộc đời lầm lụi được khắc họa dưới ngòi bút của Nam Cao thật đến không ngờ. Đó có phải là những câu chuyện đời thực sự?
Nếu nói đến Nam Cao, chắc hẳn chúng ta sẽ nhớ đến những tác phẩm như " Chí Phèo " hay " Lão Hạc ". Nhưng tác phẩm mình muốn review ở đây là " Một bữa no ".
Riêng với mình, theo ý kiến cá nhân, mình thực sự cảm thấy nội dung của " Một bữa no " thấm hơn là " Lão Hạc ".
" Một bữa no " có nội dung đơn giản, một cái chết ( hay cái kết!? ) nhàm nhưng sâu sắc. Chẳng biết ở đâu có một bà cụ tham ăn đến thế là cùng! Đến cả cháy nồi bà cũng ngồi vét sạch. Có cái chết nào " sướng " như cái chết no!?
Nhưng đằng sau cái chết để mà phê phán ấy...
Đó là một câu chuyện đời cực khổ đến vô cùng. Còn ai lạ gì cái cảnh nghèo khó bán con? Bà cụ " hết xương, hết thịt " đành cho đi đứa cháu. " Bà cho nó đi làm con nuôi người ta lấy mười đồng. Thì cải mả cho bố nó đã mất tám đồng rồi. Còn hai đồng bà dùng làm vốn đi buôn, kiếm mỗi ngày dăm ba xu lãi nuôi thân ". Mới đầu có lẽ bà còn ổn định bữa ăn, có đồng để dành, nào ngờ sau một trận thập tử nhất sinh thì ông trời đã lấy đi hết thảy. Bà lão ấy, sau tất cả - cùng cực, tìm đến nơi bán cháu để xin cơm.
Tại đây, chúng ta sẽ không khỏi xót thương cho bà cụ tội nghiệp, co ro trước cổng nhà nuôi con cháu sau bao quãng nghỉ. Càng rợn người biết bao nhiêu dưới cái giọng điệu lạnh người, những lời buộc tội với mục đích đuổi bà cụ đi của bà phó Thụ. Rồi cả con cháu gái, nó dường như chẳng thiết tha gì bà thì phải, nó nói nghe thật xót lòng " Con biếu bà để bà ăn bánh đúc. Bà về đi! ".
Bà vẫn ở lại để ăn một bữa cơm. Một bữa cơm dưới cái coi thường của cả chủ lẫn tớ, cái xấu hổ của cháu gái bà : " Nó giận bà nó lắm. Nó đã bảo bà nó về đi mà bà nó không chịu về… ". Ở bà lão, ta chợt thấy một cái gì đó rất đỗi ngây thơ, một sự ngây thơ thái quá.
Câu chuyện kết thúc bằng cái lời răn dạy của bà phó Thụ cho lũ người ở, ta chợt thấy chạnh lòng, muốn ngẫm về những miếng ăn.
Bữa ăn đó, một bữa no cuối cùng. Và cái kết dành cho bà lão, có thể là do một bữa no, cũng có thể là do đói khổ cả cuộc đời...
Reviewer: Violet
/sach
- Hot nhất
- Mới nhất