Qua nửa đời phiêu dạt, đâm sính ngoại (Tolstoy, Dostoevsky, Kundera …)
Con tìm về úp mặt vào văn quê
Ơi ông Nam Cao văn ông sao lắng đọng
Chở con về thăm năm tháng đói khổ quê hương mình
...
Những mảnh đời lam lũ, đói ăn
Cái nghèo, cái khổ, nó hằn lên thân phận
Khiến cho bao lý tưởng cao đẹp, cũng khô cằn!
Tôi luôn tâm niệm rằng nhà văn vĩ đại không phải là người viết về những sự kiện, những con người vĩ đại, mà là người chỉ dùng chính cuộc sống thường nhật xung quanh mình mà lại có thể khiến người đọc đồng cảm, cảm động, và thấm được cái suy nghĩ, cái tư tưởng của thời đại, của con người.
Và một trong những ví dụ điển hình nhất chính là Nam Cao và tác phẩm "Sống mòn" của ông. 
Chỉ với câu chuyện về hai anh giáo làng lên thành phố dạy trường tư, mà Nam Cao đã vừa phác hoạ thật hiện thực cái xã hội Việt Nam thời những năm 30 40 của thế kỷ trước, và vừa gửi gắm vào đó những tâm tư, buồn, vô vọng, mà da diết đến nao lòng:
Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp quá ư loài vật, chẳng biết việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì. Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất.
Cái tư tưởng cao đẹp là thế, mà cứ mỗi phút giây, mỗi năm tháng trong cái xã hội đói ăn, đói mặc thời bấy giờ, sự tủn mủn, sự hằn học lại ăn sâu vào đầu Thứ thêm một chút:
Mình ở chung với nhiều người nhỏ nhen lắm, tất có ngày cũng đến thành nhỏ nhen như họ mất thôi … Cái cử chỉ của y vừa rồi tàn nhẫn đã đành. Nhưng nó chả thô tục hay sao? Thô tục mà lại đê tiện nữa. Nó tỏ ra là một người quá để ý đến miếng ăn. Xưa nay y có phải là hạng người như thế đâu? Y có thể kèn cựa, tèm nhèm, nhỏ nhặt đến thế ư? Y lấy làm nhục cho y lắm. Cả buổi chiều hôm ấy, y luẩn quẩn với những ý buồn bã về nhân cách của y. Đứng trước bọn học trò, y thấy ngượng ngùng. Y có cảm giác như cái cử chỉ hạ tiện của y lúc ban trưa còn để lại một chút vết tích gì trên nét mặt của y. Những cặp mắt long lanh của học trò chăm chú nhìn y, ý thấy như có vẻ soi mói hay ngạc nhiên, chế nhạo thế nào. Y mất hẳn cái giọng nói chắc nịch mọi ngày. Y có còn đáng mặt giảng giải và khuyến khích những điều hay, nết tốt nữa đâu? Bọn học trò xưa nay vẫn mến y, vẫn phục y, vẫn coi y như cái kiểu mẫu để mà theo. Những lời nói của y đều được coi là những châm ngôn mà chính y đã thực hành mãi mãi rồi. Chao ôi! Nếu chúng biết rằng đó chỉ là những câu giáo dục suông, những lời nói dối!
Có lẽ, thứ ấm lòng duy nhất trong cái xã hội bấy giờ chắc chỉ có tình người, thứ được điểm xuyết chỗ này chỗ khác giữa những trăn trở chẳng đường thoát của nhân vật:
Nhưng làm thế nào mà tưởng tượng được rằng những thằng nhỏ, những con sen, những anh phu đổ rác, những chị phu hồ, những con người lam lũ và dốt nát, rách rưới và đen thui, phần nhiều bẩn thỉu, hôi hám, thô kệch, xấu xí… Làm thế nào mà tưởng tượng được rằng những con người mà ta đã quen coi như dưới hẳn chúng ta, gần hàng súc vật, mà cũng có thể yêu một cách cao và đẹp. Ấy thế mà cao và đẹp biết bao là cái tình của vợ chồng Mô đối với nhau. Chúng hy sinh tuy chưa bao giờ nghe nói đến chữ hy sinh. Kẻ thì biết hy sinh cái hạnh phúc được lấy người yêu, chỉ vì nghĩ đến người yêu. Kẻ thì biết khinh hẳn sự sống của mình để mà yêu, có lẽ vì cũng lờ mờ nhận thấy rằng tình yêu còn đáng quý gấp mười lần sự sống. Còn một cái tình yêu nào mạnh và đẹp hơn thế nữa.
Kết: Bài này, mình viết dài lắm, nhưng lại xoá đi. Mình nghĩ những phân tích, những cảm nhận sẽ tự nó trở nên thừa thãi.
Nhưng mình tin, đọc "Sống mòn" sẽ khiến bạn có cái nhìn trân trọng hơn với cuộc sống của bản thân thời bây giờ, và có lẽ sẽ có thể bình thản hơn mà đón nhận một năm mới 2022, chắc chắn sẽ lại mang đến vô vàn những thay đổi trong cuộc đời:
Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại ở đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi…
A Dreamer