Đây thực sự là một quyển sách hay, nó đem lại cho người đọc một góc nhìn của tác giả về đám đông, và góc nhìn này thực sự có giá trị, minh chứng là quyển sách vẫn còn được tái bản cho tới tận năm 2018, một sức sống quá mãnh liệt cho một quyển sách hơn 120 tuổi.

Tác phẩm là một kiệt tác của tác giả Gustave Le Bon , một nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp, được viết năm 1895. Tác phẩm chứa đựng một lý thuyết tác giả đưa ra về "đám đông" với đặc điểm của đám đông, cách họ tin, cách họ đưa ra những quan điểm và cách mà họ bị thuyết phục. Vấn đề này có lẽ ngày càng được mọi người quan tâm, vì qua quan sát nhanh các vấn đề xã hội có thể thấy rằng, đám đông có một "trọng số" rất lớn, có thể ảnh hưởng tới cả một doanh nghiệp, thậm chí là quốc gia. Có thể nói, hiện nay, ai nắm được tâm lý đám đông, người đó sẽ giành được chiến thắng.
Theo quan điểm của tác giả , đám đông rất "ngu dốt", có tính bốc đồng, dễ thay đổi và dễ bị kích động. Đám đông không bị những lời lói logic, theo trình tự thuyết phục, mà những lời khẳng định, ngắn gọn, dễ hiểu và lặp đi lặp lại là có thể thuyết phục được đám đông. Những ai cố gắng thuyết phục đám đông bằng những kiến thức uyên thâm mà họ đã phải dày công tìm kiếm gần như chắc chắn thất bại. Điều này cho thấy không phải ai giỏi cũng được đám đông đi theo, chỉ cần khôn ngoan một chút và cộng thêm một chút thái độ, giọng nói là có thể thu phục được họ.
Thêm vào đó, tác giả cho rằng đám đông gồm toàn những người có học vấn cao thì cũng chỉ như là đám đông gồm những người bình thường, không địa vị, học vấn. Mình đang suy nghĩ lại về điều này ...
Image result for tâm lý học đám đông

Có một lần trong một buổi diễn thuyết tại trường, mình nhận thấy, người diễn thuyết áp dụng đúng những đặc điểm dễ bị thuyết phục này của đám đông để có thể khiến cho sinh viên nghe theo ông ý, nhưng vấn đề là ... chẳng ai quan tâm ? Mình đã đặt ra câu hỏi tại sao, và sau khi nghĩ lại về lý thuyết tác giả đưa ra, thì mình cũng có câu trả lời dựa trên góc nhìn mà mình nhìn nhận được :
Thứ nhất, tất cả những người trong khán phòng hôm đó chưa chắc đã là một đám đông. Theo định nghĩa của tác giả, đám đông là "Trong những điều kiện nhất định và chỉ ở đó mà thôi, một tập hợp những con người sẽ cónhững đặc tính hoàn toàn khác biệt với những đặc tính của riêng từng con người trong đó.Cá tính có ý thức bị biến mất, tình cảm và suy nghĩ của mọi cá nhân đều hướng về mộtphía. Một tâm hồn chung được hình thành." Những người trong khán phòng là những bạn sinh viên, mình dám khẳng định, hầu hết không muốn tham gia buổi ngoại khóa đó, họ đến chỉ để điểm danh, suy nghĩ của họ không hướng về người diễn thuyết, không hướng lên chủ đề, mà họ chỉ muốn về sớm do ... đói và buồn ngủ. Do đó, đó chưa phải là một đám đông.
Thứ hai, theo mình nghĩ dù họ là đám đông rồi đi chăng nữa, thì những lời do người trình bày đưa ra quá đơn giản, và không thể làm bật lên được tinh thần đám đông trong đó. Dù theo tác giả có nói rằng không cần có trí thức trong lời thuyết phục, chỉ cần khẳng định và lặp đi lặp lại, và đám đông gồm toàn những trí thức cũng có trí tuệ chỉ bằng đám đông gồm toàn những người buôn bán, làm nông, ... , nhưng có lẽ điều không còn áp dụng được đối với xã hội hiện tại  nữa. Hiện nay, dân trí nâng cao và tâm lý mọi người cũng dần thay đổi, do đó, cần chỉnh sửa lại một chút lý thuyết về đặc điểm của đám đông. Theo bản thân, hiện nay đám đông gồm toàn trí thức sẽ khác với đám đông gồm những người học vấn thấp. Khi đưa ra những lời thuyết phục, chúng vẫn phải đảm bảo các tính chất : dễ hiểu, khẳng định và lặp đi lặp lại, nhưng cần dựa trên cơ sở mặt bằng chung kiến thức của đám đông đó đối với chủ đề đang diễn thuyết.
Dù sao, quyển sách cũng đã viết được trên 100 năm, do đó nó có lẽ không thực sự đúng 100%, nhưng đây nội dung của nó vẫn luôn là một kiệt tác cho đến tận bây giờ. Mình đưa ra trường hợp và quan điểm trên để có thể chỉ ra một vài điểm mình cho là không còn hợp lí nữa ( trong môi trường của mình ). Và việc nhìn nhận đánh giá lại kiến thức để có thể sử dụng được lý thuyết đó đối với môi trường mỗi người là điều cần thiết.
Việc nắm bắt tâm lý đám đông trong thời đại ngày nay là cực kì khó, tâm lý và quan điểm đám đông thay đổi hàng ngày hàng giờ, một phần cũng là do sự phổ biến của các mạng xã hội, làm mọi người có thể tiếp cận nhiều luồn ý kiến và sẽ bị dẫn dắt theo từng kiểu khác nhau. Nhưng không phải vì điều này mà quyển sách "Tâm lý học đám đông" không còn có tác dụng nữa. Quyển sách này sẽ cung cấp cho các bạn nền tảng về tâm lý của đám đông, từ đó mọi người sẽ tự phát triển lý thuyết của mình sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh và môi trường.