Review: Cảnh Đồi Mờ Xám - Kazuo Ishiguro
♡ Chào mừng bạn đến với chuyên mục review sách của mình ♡ [ Đây là bài tập hè cho môn chuyên của mình, sẽ có nhiều sai sót và chỉ...
♡ Chào mừng bạn đến với chuyên mục review sách của mình ♡
[ Đây là bài tập hè cho môn chuyên của mình, sẽ có nhiều sai sót và chỉ dựa vào cảm nhận cá nhân nha ]
1. Tóm tắt:
(bìa sau sách)
Nhận được tin Keiko, con gái lớn của mình tự tử, Etsuko, một phụ nữ Nhật Bản sống một mình ở Anh đã bắt đầu cuộc hành trình chìm đắm vào những ký ức về một mùa hè ở Nagasaki hậu chiến. Trung tâm của những kí ức mơ hồ ấy là một tình bạn lạ lùng với Sachiko, người đã bị cuộc chiến tranh tước đi tất cả, trừ đứa con gái nhỏ cùng một khao khát mãnh liệt phải đến nước Mỹ bằng mọi giá.
2. Đôi dòng suy nghĩ:
Vẫn là Kazuo Ishiguro, với một ý niệm sâu sắc với sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Và đọc Kazuo Ishiguro, tôi vẫn không sao cảm thấy dứt được mình ra khỏi khoảng không gian trôi nổi giữa hai miền kí ức ấy. Đến với Cảnh đồi mờ xám, là chìm trong sắc xám phủ mờ, một bầu không khí màu gio, màu cát, màu bùn, cô quạnh, trộn vào nhau của một cuốn tiểu thuyết hậu chiến.
Cảnh đồi mờ xám không có những số liệu thương vong. Không có những bảng tin báo cáo chiến thắng. Vậy mà cuốn sách vẫn làm dấy lên trong lòng người đọc, một phức cảm đau đớn không thể nguôi ngoai, về những kiếp người, đã bỏ lại một nửa cuộc đời mình cho chiến tranh.
Nếu như đọc Tàn ngày để lại khi tay nghề của Kazuo Ishiguro đã chín, một mối băn khoăn nuối tiếc ẩn dật dành cho thời đại huy hoàng đã qua của Stevens khiến cho người đọc dễ dàng nắm bắt hơn rất nhiều, so với những mảnh vụn tâm lý được góp nhặt nhưng không thể hàn gắn lại của Etsuko khi còn ở Nagasaki.
a) Những mẩu đối thoại:
Khác với Stevens, chân dung Etsuko được phát họa chủ yếu qua những câu đối thoại. Những lời bật ra trên môi người phụ nữ này dường như cũng bị đứt đoạn như những kí ức. Etsuko đối với Niki là con gái thứ hai của mình lại hờ hững và bình đạm hơn mức cần thiết: những câu khách sáo, chỉ nhằm mục đích trao đổi thông tin cần thiết, và thậm chí suốt chuyến đi trở về thăm mẹ của Niki, cô chỉ toàn ngồi đọc báo, đọc tạp chí và nhìn ra sân vườn. Những mẩu đối thoại cố nhiên chỉ là để phá vỡ bầu không khí cô tịch trong chính căn nhà của mẹ mình. Dường như, những cái bóng thời hậu chiến đã bám riết lấy Etsuko, cho tới tận nhiều năm sau khi cô rời quê hương sang Anh.
Trong năm ngày ở kề bên Niki, cô không chỉ đối thoại với đứa con, mà còn đối thoại với chính mình, đối thoại với vết thương vẫn còn rỉ máu. Trước cái chết của Kazuo, hồi ức của Etsuko không thuộc về đứa con gái đầu của mình, mà lại trôi đến miền kí ức với người bạn đặc biệt. Một chi tiết nhỏ mà tác giả đã cẩn thận gửi gắm.
Những câu thoại mà Etsuko tái hiện trong đầu mình về quá khứ, không phải là những câu trả lời đủ tỉnh táo. Có lẽ hồi ức trong cô về câu chuyện năm ấy đã trở nên nhập nhằng, giăng sương. Song, các nhân vật không chỉ trả lời nhau như một đáp án, giải đáp một thắc mắc, mà những câu nói cứ như đang đay đi đay lại, gây ám ảnh và in sâu vào đầu người đọc. Dường như, những câu nói ấy đã trôi nổi trong tiềm thức của Etsuko suốt bao nhiêu năm tháng. Dù thời gian đã qua đi, thì nỗi đau chiến tranh, sự sụp đổ và rạn vỡ của mỗi bản thể con người trước thực tại nghiệt ngã, xoay vần, như những vết thương không bao giờ có thể khép miệng. Vết thương trong trái tim. Vết thương trong lõi kí ức. Vết thương len vào cả trong những giấc mơ.
Đau lòng nhất, là kí ức của Etsuko về Mariko - con gái của Sachiko. Một cô bé u uất, vô hồn, gần như là kì dị ở độ tuổi nhỏ như em. Mariko không có bạn bè, cũng không có anh chị em. Chiến tranh đã buộc Mariko phải theo chân mẹ sống phiêu bạt không đích đến. Tuổi thơ của em chỉ gắn với những chú mèo con, thế nhưng sau mỗi lần di chuyển, từng con từng con lại biến mất. Mariko thường hay ở một mình rồi chơi cùng lũ nhện trong bóng tối, khi thì lại quanh quẩn bên bờ sông. Một Mariko không hạnh phúc, với đôi mắt quái dị và cái nhìn xám ngắt. Mariko không được đi học, Mariko chỉ liên tục lặp lại vài câu thoại giản đơn. Mariko kinh tởm chú Frank như một con lợn ở trong cống. Em đay nghiến câu nói đó như một nỗi hận rất lớn trong tim. Mariko còn bị ám ảnh bởi một người phụ nữ đã dìm chết đứa con mình ngay giữa lòng Tokyo, liên tục lặp lại chỉ một câu nói: Cô ấy đang ở đây, Tối hôm qua cô ấy lại đến đây. Vậy đấy, Kazuo thông qua Mariko - một đứa trẻ năm tuổi, để vẽ nên cái mờ xám của Nagasaki nói riêng, và toàn bộ nước Nhật nói chung thời hậu chiến.
Đọc Cảnh đồi mờ xám, điều đặc biệt nằm ở chỗ, chúng ta có thể cảm thấy sự lan rộng trên từng tế bào của cái lạnh. Một cái lạnh khiếp sợ từ sương khói, từ hố đen quá khứ nuốt chửng lấy căn tính con người. Cái lạnh về con người tưởng chừng như đã có một cuộc sống hạnh phúc sau khi bước ra khỏi quê hương, khỏi cuộc chiến, nhưng hóa ra, vết thương ấy không những không được chữa lành, mà chỉ ngày càng lan rộng ra mà thôi. Tất cả những điều đó, Kazuo chỉ cần dùng tới những câu đối thoại chắp vá, nhặt nhạnh, không cần lắp ghép. Kazuo Ishiguro có một loại tài năng như vậy: đặt những mảnh khối trôi nổi chẳng liên quan đến nhau ở cạnh nhau, những khoảng trắng giữa chúng sẽ chạm đến người đọc như một phép màu ngôn từ.
b) Cuốn tiểu thuyết "nhiều Nhật Bản" nhất:
Sự chuyển đổi liên hồi giữa những miền kí ức đã trở thành một nét riêng trong các sáng tác của Kazuo Ishiguro. Chính vì vậy mà trong Cảnh đồi mờ xám, hai không gian giữa một Anh Quốc hiện tại và Nhật Bản của quá khứ cũng luân hồi vị trí cho nhau.
Có một Nhật Bản hiện lên rất truyền thống trong cuốn tiểu thuyết, trong hồi ức của Etsuko. Những người phụ nữ Nhật sống vì gia đình trong bộ trang phục truyền thống; trong lối sinh hoạt, trong từng cử chỉ hành động. Đó là Etsuko nấu bữa cơm gia đình một cách cẩn thận và chăm chút, là Sachiko thưởng trà tao nhã bằng bộ ấm trà quá đắt tiền đến nỗi tương phản hoàn toàn với căn nhà tồi tàn… Song, đó cũng là một không gian, nơi con người tồn tại như những thực thể không thể thoát ra khỏi ngục tù kí ức, không đủ dũng khí để bước đến ánh sáng. Chưa bao giờ, một Nhật Bản phồn vinh và phát triển trong mắt chúng ta ngày nay, lại trở nên đổ nát, rạn vỡ và tuyệt vọng đến thế.
Tuy vậy, nước Nhật trong Cảnh đồi mờ xám lại là một không gian được tái hiện trong tâm trí của Kazuo theo đúng nghĩa đen. Chính xác hơn, từ ngày năm tuổi ông theo chân cha mẹ rời quê hương cho đến khi ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết, ông chưa từng trở lại Nhật Bản. Vì thế, có một nước Nhật rất đặc biệt: người ta vốn có thể cảm nhận những gì được miêu tả là chân thật, nhưng sự thực đó lại là một miền tưởng tượng sống động hơn bao giờ hết của một nhà văn hải ngoại.
Đất nước Nhật Bản tồn tại trong đầu tôi có thể chỉ luôn luôn là một cấu trúc cảm xúc được lắp ghép lại bởi một đứa trẻ từ ký ức, tưởng tượng, và suy đoán. Và có lẽ quan trọng nhất, tôi đã nhận ra rằng với mỗi một năm tôi lớn lên, đất nước Nhật Bản này của tôi — nơi chốn quý giá này mà tôi lớn lên cùng — cũng ngày càng mờ nhạt.(Diễn từ Nobel 2017)
Chính vì thế, ông đã viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình bằng một cảm thức sâu sắc và mãnh liệt về quê hương:
Giờ thì tôi chắc chắn cảm giác này, rằng Nhật Bản “của tôi” là độc nhất và đồng thời rất mong manh—thứ gì đó không thể xác minh từ bên ngoài—chính là cái thúc đẩy tôi viết trong căn phòng nhỏ ở Norfolk. Cái tôi làm là ghi lại trên giấy những màu sắc, tập tục, lễ nghi đặc biệt của nó, phẩm cách của nó, những thiếu sót của nó, mọi thứ mà tôi từng nghĩ về nơi chốn ấy, trước khi chúng mờ đi mãi mãi trong tâm trí tôi. Ước muốn của tôi là tái dựng Nhật Bản của tôi trong hư cấu, là cho nó được an toàn, để sau này tôi có thể chỉ vào một cuốn sách và nói: “Vâng, đây là Nhật Bản của tôi, ở trong đó."(Diễn từ Nobel 2017)
Điều này đã làm cho không gian Nhật Bản trong tác phẩm trở thành độc nhất vô nhị. Ta có thể đọc qua bao nhiêu tác phẩm khác cùng chủ đề, cùng thể loại, cùng tái hiện trong một thời gian, trong một Nagasaki. Nhưng sẽ không thể nào tìm lại được một Nagasaki gắn liền với lõi kí ức bi thương và tan vỡ, vừa thực mà lại mơ hồ tựa những ảo ảnh chắp vá, và hiện ra ngay từ nhan đề, như cuốn sách này. Trong văn chương nghệ thuật, sự hóa thân và ngụy trang của lớp màn kí ức đã được ông thể hiện một cách xuất sắc, thực hơn cả sự thật.
Sau Cảnh đồi mờ xám, Kazuo Ishiguro dường như đã thay đổi con đường văn chương của mình. Cuốn tiểu thuyết này đã trở thành tác phẩm có "nhiều nước Nhật" nhất trong các sáng tác của ông, vì thời điểm ra đời gần với những kí ức còn mới mẻ, và cũng là thời điểm trước khi ông đọc Marcel Proust, trước khi bị ảnh hưởng bởi những nhà văn viết thứ văn "quốc tế".
c) Bước ngoặt:
Khi viết cuốn tiểu thuyết này, Kazuo Ishiguro đã dựng nên cốt truyện như một tấm gương. Cốt truyện vì thế phản ánh sự mâu thuẫn giữa các hình ảnh, các nhân vật. Đó là một Etsuko yên phận mình tại quê hương hoàn toàn đối nghịch với Sachiko sống vì giấc mơ Mỹ. Sự đối lập giữa người cha chồng của thời đại cũ với những thanh niên trong thời đại mới, cụ thể là Jiro và Shigeo Matsuda. Một nước Nhật tiêu điều, buồn thảm hoàn toàn khác với Anh Quốc nhộn nhịp trong thời đại mới….
Thế nhưng, dường như, có một sự nhập nhằng giữa các ranh giới trong miền kí ức của Etsuko.
Những khoảng trắng lững lờ giữa ngôn từ luôn là một điểm đặc biệt trong phong cách của Kazuo. Cũng chính điểm này đã khiến tôi không khỏi hoài nghi rằng, Etsuko và Sachiko là cùng một người. Rằng kí ức của Etsuko về Sachiko chỉ là một dạng thức che đậy và phủ nhận.
Mở đầu cuốn sách, Etsuko đã thừa nhận rằng mình không muốn phải nhắc về quá khứ. Cô khước từ tất cả mọi thứ liên quan đến quãng thời gian mình đã sống ở Nhật sau khi kết thúc chiến tranh, cũng như mọi thứ liên quan đến Nhật Bản khác. Thậm chí, chính cô là người muốn dùng một cái tên Anh Quốc để đặt cho Niki - một điều kì lạ trong khi người chồng Quốc tịch Anh của cô lại mong muốn điều ngược lại. So với giấc mơ Mỹ tiến của Sachiko, sự chối bỏ quá khứ của Etsuko không thể nói là không có sự tương đồng.
Etsuko luôn bị ám ảnh với một ý nghĩ: "Động cơ rời khỏi Nhật của tôi là chính đáng. Và tôi biết mình đã luôn hành động vì lợi ích của Keiko." Trên thực tế, Keiko đến với nước Anh nhưng cô không hề cảm thấy hạnh phúc. Keiko dường như chỉ quanh quẩn trong căn phòng của mình tại ngôi nhà nơi Etsuko đang sống, khước từ mọi mối liên kết với gia đình mình. Điều này cũng tương đồng với chuyện, Mariko phản đối gay gắt quyết định sang Mỹ với Frank của Sachiko. Thậm chí, cả Sachiko lẫn Etsuko đều hành động vì trách nhiệm chứ không hề có sự cảm thông và chấp nhận những quan điểm của con gái mình.
Trong chuyến thăm năm ngày ở bên mẹ, Niki đã nhiều lần nghe bà kể lại giấc mơ về một bé gái chơi một mình trên xích đu. Etsuko đi từ chỗ cho rằng cô bé ấy giống như một cô bé ngoài đời thực mà cô vô tình gặp ở tiệm bánh, cho đến khi thừa nhận rằng đó không phải là hai cô bé giống nhau. Thực tế, sự trở đi trở lại của giấc mơ ấy, giống với hồi ức về Mariko hơn: cũng là một cô bé nhỏ tuổi đáng yêu nhưng ít nói và u uất, và cô bé luôn xuất hiện một mình.
Etsuko không chỉ đơn thuần mơ về một cô bé hàng xóm, mà về chính hình ảnh Keiko, con gái của mình. Kết luận này vịn vào một cơ sở rằng, Etsuko bị ám ảnh bởi cái chết của Keiko hằng đêm khi đối diện với căn phòng mà con gái mình từng sống. Hơn cả vậy, Etsuko còn tìm mọi cách né tránh cái chết của con gái mình. Cô không muốn nhắc đến, phủ nhận sự thật trước mặt bà hàng xóm, và đôi khi cô cố gắng thoát khỏi mọi ý nghĩ về Keiko. Cả Keiko lẫn Mariko đều có chung một phần tính cách mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy: nóng nảy, sống tách biệt, cô đơn và rất dễ tổn thương.
Như vậy, nếu như giả thiết này là đúng, Etsuko và Sachiko thực chất là cùng một người, thì vết thương quá khứ chỉ càng thêm đậm sâu, bởi hồi ức bi ai của một người đàn bà bị ám ảnh bởi quá khứ. Một người đàn bà suốt đời đã không thể chấp nhận được cuộc sống của mình dù là ở cả thực tại.
d) Biểu tượng
Cảnh đồi mờ xám là tên của cuốn tiểu thuyết, thế nhưng chi tiết này chỉ xuất hiện 1 lần trong xuyên suốt câu chuyện.
Mặt khác, tôi cho rằng có một sự vật khác đã trở đi trở lại rất nhiều lần, đáng để lưu tâm hơn, và tôi coi đó như là một biểu tượng của toàn bộ tác phẩm: dòng nước.
Khu tập thể nơi vợ chồng Etsuko ở và căn nhà tồi tàn của hai mẹ con Sachiko ở sát bên một con sông, ngăn cách bởi những vũng bùn, vũng lầy, những vùng đất trơ trọi mịt mù khói xám. Mariko thường xuyên chơi đùa một mình ở nơi bờ sông ấy. Có khi em bước những bước ngắn nhỏ trên bờ, có khi em nằm sát gần con sông. Trong đêm tối, Mariko vẫn chạy ra sông để trốn tránh cơn tuyệt vọng. Con sông, như là một niềm an ủi thứ hai của Mariko sau lũ mèo. Con sông, cũng là nơi mà Etsuko luôn dè chừng.
Cũng trên dòng sông đó, chính tay Sachiko đã dập tắt đi niềm vui sống cuối cùng của Mariko:
Sachiko đang trân trối nhìn qua lưới sắt vào bên trong hộp. Cô kéo nắp sang một bên, lôi ra một con mèo, sau đó đóng nắp lại. Cô dùng cả hai tay nắm con mèo, nhìn nó vài giây rồi ngẩng lên nhìn tôi. "Chỉ là một con vật, Etsuko," cô nói. "Chỉ có thế thôi."Rồi cô dìm con mèo xuống nước, giữ nó dưới mặt nước. Cô giữ nguyên tư thế một lúc, mắt trân trân nhìn mặt sông, cả hai tay chìm dưới nước. Sachiko đang mặc một chiếc kimono nhẹ mùa hè, vạt tay áo chạm xuống nước.
Hồi ức của Mariko cũng không sao thoát khỏi sự ám ảnh về dòng nước, theo lời kể của Sachiko:
Cuối con hẻm có một dòng kênh, cô ta đang quỳ chống tay ở đó, nước dâng lên đến khuỷu tay. Một cô gái trẻ, rất gầy. [...] Thoạt đầu, chị tưởng cô ta bị mù, bởi đôi mắt cô ấy trông như thể không hề thấy bất cứ một thứ gì. Rồi cô ta nhấc tay lên khỏi mặt nước cho chị và con bé thấy thứ mình đang dìm dưới kênh. Là một đứa bé sơ sinh. Đến lúc ấy, chị tóm lấy Mariko rồi bọn chị rời khỏi con hẻm.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Kazuo ấy, đã gieo cho người đọc một niềm khắc khoải, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của một dòng nước. Đó có thể là con sông, là con kênh, là một bãi biển, một đại dương vô danh. Nhưng đó cũng từng là nơi mà cái chết hiện nguyên hình, là nơi mà con người ta trở nên ám ảnh lấy kí ức của nhau, là nơi đã hủy hoại một phần linh hồn tươi trẻ để tiến tới tương lai. Con người rạn vỡ vì sự thay đổi của những khung giá trị vốn đã trở thành đạo lý, thành truyền thống. Con người chỉ còn là những mảnh ghép của tuyệt vọng và khổ đau khi gắng vươn tay nhưng không thể hái được ước mơ. Chưa bao giờ, con người cảm thấy như đánh mất chính mình nhiều hơn thế. Cái chết, dường như chỉ là một lý thuyết chờ được thực hành. Thông qua biểu tượng về dòng nước, Kazuo Ishiguro đã vẽ nên một bức tranh, viết nên một cuốn tiểu thuyết hậu chiến tranh phức tạp và chân thực hơn bao giờ hết.
3. Kết:
Có một trích đoạn từ bài viết của tờ Tia Sáng tôi rất tâm đắc:
Ký ức của Ishiguro - một tấm hình thiếu sáng và “out” nét. Ishiguro viết về ký ức mà không đòi hỏi triệu tập toàn bộ ký ức đến bên mình, cũng chẳng vì ông không thể một lúc nhớ ra hết, mà vì chỉ chừng ấy mảng bám ngẫu nhiên của ký ức thế thôi là đã đủ với ông, hệt như cách Mendelssohn viết nên những bản lieder không lời với lí do: “Những gì mà thứ âm nhạc tôi yêu bày tỏ với tôi, đó không phải là những suy tư quá mập mờ để có thể viết thành ngôn từ, ngược lại, chúng quá sáng tỏ để làm điều đó.”(Hiền Trang - trích từ "Cảnh đồi mờ xám: Ký ức, nhịp điệu và nước Nhật")
Chính vì thế, mà Cảnh đồi mờ xám có một bề mặt dịu êm, tĩnh lặng, bí ẩn và phi ngôn giống như tuyển tập những “Bài hát không lời” của Felix Mendelssohn.
Gấp lại trang sách, tôi không cảm thấy nhẹ nhõm như khi kết thúc Tàn ngày để lại bên ánh tà dương. Trái lại, Kazuo Ishiguro đã viết ra một câu chuyện quá đau đớn và ám ảnh. Ẩn sâu bên dưới bề mặt ấy, là tiếng kêu la vang vọng vùng quá khứ nơi những con người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng căn tính, những con người đã rạn vỡ sau một cuộc chiến khốc liệt. Bằng tài năng pha trộn kí ức, Cảnh đồi mờ xám đã đạt đến đỉnh cao của sự phản tỉnh, trở thành một cuốn tiểu thuyết đầu tay thành công của Kazuo Ishiguro.
Các vấn đề lý luận văn học:
- Phong cách tác giả (đối sánh với Tàn ngày để lại)
- Nghệ thuật viết tiểu thuyết (bước ngoặt và cốt truyện)
- Tiếp nhận văn học (sự tái hiện về Nhật Bản, những khoảng trắng trong tác phẩm)
- Tiểu thuyết và kịch (những mẩu đối thoại)
- Vấn đề nhà văn và quê hương
Link các bài viết mình đã tham khảo:
Cảnh đồi mờ xám: Ký ức, nhịp điệu và nước Nhật
TiaSang
Nước Nhật thời hậu chiến: bơ phờ, tang tóc, hoang mang và bi thiết. Trong một bối cảnh với những xúc tác như vậy, những kiệt tác - như một lẽ tự nhiên - ra đời. Văn chương có Tà dương của Dazai Osamu, một tiểu thuyết tiêu điều, bế tắc và tự hủy, có Một nỗi đau riêng của Kenzaburo Oe, một câu chuyện về những dị dạng thể xác và chấn thương tâm hồn sâu hoắm. Điện ảnh có Những đám mây trôi của Mikio Naruse, một bộ phim day dứt, tối tăm về cặp tình nhân tương ngộ sau thế chiến, có Một ngày Chủ nhật tuyệt vời của Akira Kurosawa, một tác phẩm giản dị và trong sáng hiếm hoi của nhà làm phim sử thi vĩ đại, khắc họa một nước Nhật nghèo đói, thơ mộng một cách cùng khổ, lãng mạn một cách tuyệt vọng.tiasang.com.vn
Nước Nhật thời hậu chiến: bơ phờ, tang tóc, hoang mang và bi thiết. Trong một bối cảnh với những xúc tác như vậy, những kiệt tác - như một lẽ tự nhiên - ra đời. Văn chương có Tà dương của Dazai Osamu, một tiểu thuyết tiêu điều, bế tắc và tự hủy, có Một nỗi đau riêng của Kenzaburo Oe, một câu chuyện về những dị dạng thể xác và chấn thương tâm hồn sâu hoắm. Điện ảnh có Những đám mây trôi của Mikio Naruse, một bộ phim day dứt, tối tăm về cặp tình nhân tương ngộ sau thế chiến, có Một ngày Chủ nhật tuyệt vời của Akira Kurosawa, một tác phẩm giản dị và trong sáng hiếm hoi của nhà làm phim sử thi vĩ đại, khắc họa một nước Nhật nghèo đói, thơ mộng một cách cùng khổ, lãng mạn một cách tuyệt vọng.tiasang.com.vn
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất