RANH GIỚI - khái niệm chưa từng tồn tại cho đến khi nhà tham vấn của tôi nhắc tới trong một phiên trị liệu. Lần đầu tiên có người nói một cách dịu dàng, quyết đoán và tôn trọng với tôi rằng: "Em được quyền từ chối mà" khi tôi từ chối trả lời câu hỏi của chị trong buổi tham vấn. Tôi bắt đầu có ý tưởng mơ hồ về ranh giới từ đó. Cùng với sự hỗ trợ trong quá trình tham vấn, từ một người chưa từng có ý niệm cụ thể về ranh giới, tôi bắt đầu biết quan sát, tìm hiểu, lắng nghe nhu cầu của mình và biểu đạt, bảo vệ chúng khi cần. Hành trình ấy không dễ dàng, nhưng tôi tin, việc biết tới khái niệm và hiểu về nó là bước đầu chắc chắn trong việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa bản thân và đời sống.
Là một người có cơ thể nữ, lớn lên tại ngôi làng hơn 1000 năm tuổi, tôi luôn được dạy rằng nghĩ cho mình là thái độ sống ích kỷ cần phải loại bỏ. “Làm gì cũng phải nghĩ cho người khác” là kim chỉ nam của “Chương trình giáo dục gia đình” mẹ xây dựng bao năm. Tôi thấy mình nơi những đứa trẻ lớn lên theo chiều mũi tên ngược ôm tất cả nhu cầu, mong mỏi giấu vào trong.
Ở thời điểm hiện tại, khi đã biết khiên áo đủ dùng, biết đứng lên cả cho mình, cho người, đôi khi tôi vẫn loay hoay không biết ranh giới mình đặt ra có lành mạnh hay không? Cuốn sách đến vào đúng thời điểm tôi đang không biết mình nên làm gì, với một trong những mối quan hệ đau đớn nhất trong đời.
Tôi đã rất tận hưởng trải nghiệm đọc từng trang sách, đánh dấu những điều quan trọng và ghi chép lại bài tập để thực hành. Tôi cũng rất tận hưởng từng khoảnh khắc kí ức dội về khi tôi đọc đến một đoạn nào đó, thấy à, thì ra những can đảm, tranh đấu ngày nào của mình, có thể được gọi tên, như này, ở đây.
Cá nhân tôi nghĩ, với chủ đề này, tác giả đã viết một cuốn sách đầy đủ, rõ ràng và thiết yếu. Đầy đủ về thông tin cơ bản, về khái niệm, và kiến thức. Rõ ràng về cách dẫn dắt, trình bày, hướng tư duy và Thiết yếu ở những ví dụ, vấn đề chung mà đa số chúng ta đều gặp. Điều tôi biết ơn, là tác giả có quan tâm và đề cập, tới những người có trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực [1]. Dẫu không nhiều, nhưng tôi mong bạn, ai đó hoặc tất cả chúng ta cần biết, có một loại đặc quyền mang tên “tinh thần”.
Vốn tinh thần, thứ chẳng mấy ai nhắc tới nhưng lại là một trong những nền tảng chính nâng đỡ ta vào đời. Nếu chúng ta cần 10 phần nỗ lực để hiểu mình, xây dựng và duy trì ranh giới lành mạnh thì những đứa trẻ có trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực cần gấp hàng trăm, hàng nghìn lần phần can đảm ấy. Vì trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực và vốn tinh thần là một chủ đề rộng và sâu nên tôi sẽ viết một bài riêng về đề tài này sau.
Quay lại với Ranh giới tự do, cá nhân tôi nghĩ cuốn sách phù hợp với những người đã có kiến thức cơ bản về Tâm lý học, Sức khỏe tinh thần và Trí tuệ cảm xúc. Đồng thời, sẽ hữu ích hơn nếu bạn đã có thói quen tự vấn và biết mình muốn gì. Vì trước khi dựng rào, ta cần biết thứ bên trong hàng rào hay nhu cầu của mình là gì trước tiên. Nếu vẫn đang loay hoay không rõ lòng mình, tôi e cuốn sách có thể làm bạn khó chịu vì đưa ra quá nhiều gạch đầu dòng, check list và những lời khuyên. Tôi cũng không nghĩ cuốn sách quá phù hợp với những người đang trong giai đoạn sức khỏe tinh thần không tốt vì khi đặt mình vào trạng thái đó, tôi thấy thương mình còn khó nữa là dựng xây điều gì.
Nói ngắn lại, “Ranh giới tự do” hay “Set Boundaries, find peace” là cuốn sách đáng đọc. Tôi thấy mình được đồng cảm và vỡ ra nhiều điều sau khi đọc xong nên phân vân không biết cho 4 hay 4.5 * trên Goodreads.
[1] Đọc thêm về trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực tại đây:
Ghé thăm tài khoản Instagram và Facebook của mình để cùng nhau chia sẻ nhiều hơn về chuyện đọc.