Khi gấp trang cuối của cuốn sách "Suối Nguồn" lại, tôi biết mình phải viết một điều gì đó.
Tôi đã muốn viết lúc đọc đến trang 770, khi chứng kiến tình yêu mà Dominique dành cả cho Roark. Một thứ tình yêu đẹp, huyễn hoặc và quằn quại. Một thứ tình yêu mang âm hưởng phương Đông.
Đây là một cuốn sách triết lý được vẽ lên trong khung hình của tiểu thuyết phi hiện thực và cũng đầy lãng mạn.
Đây là cuốn tiểu thuyết sở hữu thứ bút pháp kỳ lạ như chính thứ triết lý gửi vào sách : sắc cạnh, thẳng thắn, và vươn cao như những ngôi nhà chọc trời. Và điểm nhấn trên đỉnh tòa nhà, là lời gửi gắm mà tác giả mượn lời của Roak để nói trong tòa án.
Đấy không chỉ là tuyên ngôn của con người sống trong thế giới, của sự sáng tạo, của tư duy, của những con người tiên phong luôn bị đám đông phàm tục tìm cách tiêu diệt, hay của cái "Tôi" vĩ đại tạo nên sự phát triển của loài người. Đấy, còn hàm ý của chính trị trong cuộc chiến của ý thức hệ đã kéo dài từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI.
Tôi đã được giới thiệu về cuốn sách này từ 5 năm trước, khi một người anh đã nói với tôi rằng những kỹ sư xây dựng, những kiến trúc sư nên đọc để yêu thêm nghề nghiệp của mình, hiểu được giá trị mình đang làm. Tôi đã được tặng cuốn sách này từ 3 năm trước từ một người em.
Nhưng tôi đợi đến khi đã bước qua tuổi 30, khi đã sống với những cái tôi, cái chúng ta, đã ngã xuống, đã đứng dậy, đã chịu đựng, đã nhận thức, và để cái độ chín vừa chớm đủ để đọc lấy thiên tiểu thuyết 1200 trang ấy.  
"Chính trực là gì? Nếu là chuyện không móc đồng hồ hàng xóm thì 90% nhân loại là chính trực. Chính trực là sự trung thành với tư tưởng, là tiền giả định về khả năng tư duy. Tư duy không thể vay mượn".
Người ta sợ phải nhìn thẳng sự thật vào "Suối Nguồn", khi họ gặp trong đó một chút của kiến trúc sư Peter Keating, kẻ bất tài sống đời thứ sinh, ăn bám, thậm chí là hèn hạ. Hay nhà báo Ellsworth M. Toohey với những mặt nạ khoác lên mình và một thực tế theo kiểu "Những kẻ hay nói đạo lý…" và cũng có thể họ là một mụ đàn bà ném đá vào người ta dưới cái lá cờ nhân danh đạo đức, mà thực chất chỉ là nạn nhân xuẩn ngốc bị truyền thông giật dây. Rồi cô cháu gái đi làm từ thiện như một con rối. Trong cái cuộc sống nhầy nhụa đó, có một câu nói đầy ám ảnh của mẹ Keating: "Con có sống hạnh phúc không?" Bà không biết, chính bà đã đẩy con trai mình vào địa ngục bằng sự cưỡng ép cái tôi.
Tác phẩm viết từ thập niên 40 của thế kỷ trước, nhưng bạn có thể thấy như đang gặp chính cộng đồng mạng hôm nay. Thông qua hình ảnh của các chủ đề nóng trên facebook qua câu chuyện về tờ báo "Ngọn cờ". Đôi khi, ta chỉ là con rối của một kẻ cao hơn, đôi khi, trong cơn hể hả của đám đông tưởng rằng mình là công lý, mà thực chất là một đám người bị một thế lực hèn hạ hơn giật dây để … chửi bới lại những con người với lý tưởng cao đẹp, một sự cao đẹp cô đơn.
"Một người đàn bà bị phạt ném đá. Chúa bảo "Trong số các ngươi, ai tự nhận mình không có tội lỗi thì hãy đứng ra ném viên đá đầu tiên. Kết quả, không ai ném, vì ai cũng có tội."
Kiến trúc sư Howard Roark không hề tồn tại trên đời này. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận được Howard Roark theo một cách nào đó, sáng tạo và làm đẹp theo cách nào đó. Chúng ta pha một chút xấu của Keating, của Toohey, hay của mụ đàn bà ném lá cải. Chúng ta chỉ nên làm sao cho phần Howard Roark nhiều hơn để bản thân tốt hơn. Hình mẫu thiên tài bất phàm ấy được xây dựng như một vị thánh - thánh của “cái tôi”, không phải cái “chúng ta”.
Và vì thế, Roak cũng không phải đúng hoàn toàn. Sự phi thực tế của Roak đưa cái tài năng, triết lý sống, đam mê cuồng nhiệt vượt qua cái ích kỷ, chạm đến cái thần của nhân loại. Nhưng không phải ai cũng là Roak, và vì thế có thể bạn sẽ rơi vào 2 chữ ích kỷ. Hoặc bạn coi thường chủ nghĩa vị nhân sinh. Mọi thứ luôn có hai mặt của nó, như sự thỏa hiệp vẫn là một điều để đi đến thành công, quan trọng là ở chỗ "Bạn biết bạn muốn gì". Tác giả Ayn Rand vì vậy đã phải sửa, phải lưu ý cho độc giả rất nhiều lần. Nhưng cũng như Roak, bà chưa bao giờ rời bỏ triết lý của mình, kể cả ném nhân vật chính vào hỏa ngục.
Những công trình do anh thiết kế đẹp và đầy hiên ngang kiêu hãnh, chúng không thỏa hiệp, chúng tung hoành giữa nền trời, chúng đả phá cái cũ. Chúng là hiện thân của Roak. “Kiến trúc Gothic ư, ông Hubbard? Tại sao chúng ta phải xây theo kiểu Gothic?” Anh hỏi, và không ai trả lời được anh. “Hãy nói cho tôi biết, ông Janss, ông có thực sự nghĩ rằng những cột trụ theo kiểu Hy Lạp và những giỏ trái cây đặt vào một tòa nhà văn phòng làm bằng thép kiểu hiện đại là đẹp không?” Những con người có tiền ấy đã từ chối anh, vì họ tin vào “trend”, tin vào cái trào lưu, họ không tin cái đẹp, họ chỉ tin cái “trend” là cái đẹp”, dù chúng kệch cỡm. Bỏ lại Roak một mình, cô đơn, bất lực. Nhưng anh không thỏa hiệp, anh thà làm thợ đá, chứ không để cho họ giày xéo.
"Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khi gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét.
Những nhà phát minh vĩ đại – những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế – đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá."
“Suối nguồn” cuốn hút tôi ngay từ trang sách đầu tiên, khi nhân vật Roak đứng trên mỏm đá, và tự nhủ với lòng “Anh biết những ngày sắp tới sẽ khó khăn”. Và cười vang. Vâng, một con người đã vạch hết những kế hoạch, đã biết sắp tới sẽ khó khăn, và con người ấy cười vang. Anh tin vào sức mạnh của mình, một thứ sức mạnh lỳ lợm, không thỏa hiệp, thứ sức mạnh anh đã khiến Dominique phải lao vào anh và yêu anh trong quằn quại.
Triết lý là phần chính, nhưng sự lãng mạn không thiếu. Đó không chỉ là tình yêu, cái nửa chính - nửa tà của Wynand, mà còn là tình bạn, thứ tình bạn trung thành của Mike, Heller,  Enright...ở cạnh Roak trong những phiên tòa mà cả thế giới chống lại anh. Đơn giản là bởi vì chỉ có họ là hiểu anh vĩ đại dường nào, cao đẹp dường nào, và tuyệt vời dường nào. Một thứ tình nghĩa huynh đệ.
"Suối nguồn" vì vậy đòi hỏi phải ở một độ chín nhất định để đọc, vì nó sẽ giúp bạn tốt hơn nếu biết hòa quyện chúng trong thế giới đảo điên này, trong cái thế giới chỉ toàn màu xám. Nhưng đừng đọc quá muộn màng, bởi có thể khi ấy, bạn đã ở quá xa để có thể quay lại “cái tôi” của mình.
Có thể là hình ảnh về đang ngồi