Nguồn ảnh: Anh Google
Nguồn ảnh: Anh Google
Vindobona, 17 tháng 3 năm 180 AD. Ngài ra hiệu cho lính gác đến gần và nói khẽ: “Đưa ta ra chỗ mặt trời mọc, ta đã sẵn sàng cho kết thúc rồi”. Ngài chỉ đủ sức để nói những lời ấy mà thôi. Marcus nhận thấy nỗi sợ hãi trong đôi mắt của người lính trẻ. Anh ta lưỡng lự giây lát trước khi gật đầu một cách vụng về và trở lại vị trí ở cửa vào. Ngài kéo cái khăn đang đặt trên đầu và xoay người một cách khó khăn, như thể phải nằm xuống lần cuối. Ngài có thể cảm nhận cái chết đến rất gần từ mọi phía. Thật dễ dàng để trôi vào quên lãng, được tự do khỏi mọi đau đớn, khó nhọc của cuộc đời. Bệnh dịch đang tàn phá cơ thể đã trở nên yếu ớt của ngài từ bên trong. Ngài không ăn uống gì vài ngày rồi, tự làm mình yếu đi bởi nhịn ăn. Giờ, khi mặt trời đã lặn, mọi thứ thật tĩnh lặng. Mi mắt ngài khép lại, dù cơn đau khiến ngài không thể chìm vào giấc ngủ. Vị hoàng đế rơi vào trạng thái lúc tỉnh lúc mơ. Nhưng ngài chưa băng hà.
Ngài nghĩ, "Đôi mắt ta đang cảm thấy thật nặng nề - đã đến lúc chúng cần phải nhắm lại vĩnh viễn". Cảm giác êm đềm của ý thức đang tan biến bắt đầu chiếm lấy ngài.
***
Ta đã lịm đi, hay lại mất đi ý thức. Ta chẳng thể nói liệu mắt mình đang mở hay đóng nữa. Mọi thứ đều tối tăm. Sớm thôi rạng đông sẽ đến, và những chú chim sẻ sẽ cất lên tiếng hát chào ngày mới. Mùa xuân đã đến, và những dòng suối đang tan băng. Dòng nước tinh khiết ấy đang chảy vào con sông thiêng liêng đi qua doanh trại ngoài kia.
Những người lính hình dung linh hồn của dòng sông Danube như vị thần sông cổ đại. Vị thần ấy, trong yên lặng, trao cho chúng ta một bài học quý nếu chúng ta chịu lắng nghe: mọi thứ đều sẽ thay đổi, và sớm thôi tất cả sẽ tan biến. Bạn chẳng thể bước hai lần lên cùng một dòng sông, Heraclitus đã từng nói, vì dòng nước cứ luôn chảy và thay đổi. Chính Tự nhiên cũng là một dòng chảy mãnh liệt, giống như dòng sông Danube, kéo theo mọi thứ trong nó. Dù là những thứ mới chỉ xuất hiện và tồn tại, sớm thôi dòng sông thời gian sẽ rửa trôi nó một lần nữa, chỉ để mang đến sự tồn tại cho một thứ khác. Quá khứ trường kỳ giờ đã ở phía ngược dòng đối với ta, và xuôi dòng là sự tăm tối thăm thẳm của tương lai, mà chẳng ai có thể nhận biết.
Ta sẽ chẳng còn cần đến thuốc thang, hay những người thần y thêm nữa. Ta cảm thấy nhẹ nhõm vì mọi ồn ào, hỗn loạn đều đã qua. Đã đến lúc dòng sông thời gian rửa trôi đi sự sống này. Vì cả cuộc đời lẫn cái chết cũng đều là những sự thay đổi mà thôi. Chúng ta có thể cố ngăn những thứ không thể tránh khỏi, nhưng chắc chắn không thể trốn thoát hoàn toàn khỏi chúng. Vì đó là một sự cố gắng thật ngờ nghệch,
Với thịt, đồ uống và lời nguyện phù thuỷ
Để xoay chuyển dòng và giữ cái chết ở lại (trích thơ Euripides)
Nhìn lại, ta thấy giờ đây mọi thứ có vẻ rõ ràng hơn, rằng cuộc đời của hầu hết mọi người là bi kịch mà họ tự tạo ra. Đám đông thì cứ luôn hoặc là tự đề cao bản thân trong sự kiêu hãnh hoặc là đau khổ trong những lời than phiền. Hầu như mọi thứ họ quan tâm đến đều mỏng manh, vụn vặt, và thoáng qua. Và vì vậy mà chẳng mấy ai có thể sống một cách thực sự vững vàng. Giữa dòng chảy của vạn vật, đâu có gì chắc chắn để một người có thể đặt hy vọng của mình vào.
Anh có thể bị cuốn hút bởi chú chim sẻ nhỏ làm tổ bên dòng sông - đó là thứ ta từng nói. Nhưng ngay khi nó thu hút anh, nó sẽ bay đi, biến mất khỏi tầm nhìn. Ta từng để mình bị cuốn theo những chú chim sẻ của riêng mình như thế (ý chỉ những đứa con của ngài). Ta gọi chúng là những chú chim non trong tổ: mười ba đứa, cả trai lẫn gái, được Faustina sinh cho ta. Giờ chỉ còn Commodus và 4 cô bé, khuôn mặt chúng u buồn vì khóc thương cho ta. Những đứa còn lại đã bị lấy đi quá sớm, từ cách đây khá lâu rồi. Ban đầu ta đã vô cùng đau khổ. Nhưng Stoicism đã dạy ta làm cách nào để có thể vừa yêu thương lũ trẻ của mình vừa chấp nhận và chịu đựng khi Tự nhiên đòi chúng lại. Khi ta đang khóc thương cho hai đứa con trai sinh đôi, Apollonius đã kiên nhẫn an ủi và giúp ta từ từ lấy lại bình tĩnh. Việc khóc thương là tự nhiên - ngay cả một vài loài động vật cũng khóc thương khi con cái chúng chết. Nhưng có những kẻ để nỗi đau mất mát của mình vượt quá mức tự nhiên, và để chúng cuốn họ đi hoàn toàn trong những suy nghĩ và cảm xúc đau khổ tuyệt vọng. Còn một người thông thái sẽ chấp nhận nỗi đau, chịu đựng nó, nhưng không tự mình làm nó trầm trọng thêm.
Tự nhiên cũng đòi lại người con trai yêu quý Marcus Annius Verus của ta, không lâu trước khi em trai ta – Lucius - mất. Ta đặt cho nó cái tên của chính ta thời bé, cái tên đã được truyền lại từ đời này qua đời khác trong gia đình. Marcus bé bỏng của ta chảy máu đến chết trên bàn của thần y trong khi họ cắt bỏ khối u dưới tai nó. Ta chỉ có thể khóc thương cho nó 5 ngày trước khi phải rời Rome ra chiến trường Pannonia. Sau đó, chính Apollonius thân yêu đã nhắc ta nhớ về câu nói của Epictetus: "Chỉ có những kẻ điên mới mong nhìn thấy cây vả ra quả vào mùa đông". Điều đó cũng đúng với một người héo hon vì đứa con của mình khi nó phải trở về với Tự nhiên. Ta yêu chúng, bằng tất cả tấm lòng, nhưng phải học cách chấp nhận chúng cũng chỉ là những sinh linh với cuộc đời hữu hạn ngắn ngủi mà thôi.
Giống như những chiếc lá bị gió cuốn xuống đất,
Thế hệ này đến thế hệ khác, kiếp con người (trích thơ Homer)
Những đứa con của ta còn là gì khác ngoài những chiếc lá như thế? Chúng đến vào mùa xuân và bị cuốn đi trong cơn gió mạnh mùa đông; rồi những đứa trẻ khác được sinh ra để thế chỗ chúng. Ta mong có thể giữ chúng mãi mãi bên mình, dù ta luôn biết chúng chỉ là những sinh linh mỏng manh. Nhưng trái tim cứ mãi gào thét "Làm ơn cho con cái ta sự bình an!" thì cũng giống như đôi mắt chỉ muốn nhìn thấy những gì tốt đẹp, hay việc cứ ương bướng từ chối chấp nhận rằng mọi thứ đều thay đổi, bất kể ta có thích những thay đổi ấy hay không.
Một người thông thái nhìn sự sống và cái chết như hai mặt của cùng một đồng xu. Khi Xenophon, một trong những người học trò ưu tú nhất của Socrates, nhận tin con trai ông chết trong trận chiến, ông đã nói gì? "Ta hiểu, sự sống của con trai ta luôn là hữu hạn mà thôi". Ông ấy thực sự đã khắc cốt ghi tâm lời dạy rằng thứ gì được sinh ra thì cũng chắc chắn sẽ chết đi. Thực ra ta cũng đã trải nghiệm điều tương tự trước đây, khi mất đi người cha của mình, Annius Verus, lúc chỉ mới là một đứa trẻ. Ta hầu như chẳng có chút ký ức nào về ông, ngoại trừ việc được nghe về danh tiếng của ông như một con người tốt đẹp và khiêm nhường. Mẹ ta, Lucilla, đã tiễn đưa ông, và rồi đến lượt ta phải chôn cất tiễn đưa bà. Hoàng đế Antoninus, cha nuôi ta, đã phải tiễn biệt hoàng hậu của người, rồi đến lượt Lucius và ta, những đứa con của ông, phải đặt ông vào quan tài trong tiếng khóc thương. Rồi đến em trai ta, hoàng đế Lucius, chết một cách bất ngờ, và ta lại phải chôn cất cậu. Cuối cùng, ta tiễn hoàng hậu thân yêu của mình, Faustina, về nơi an nghỉ. Sớm thôi ta sẽ gặp lại nàng, khi Commodus đặt thân xác này trong lăng của Hadrian bên dòng Tiber. Những người bạn của ta sẽ đọc điếu văn cho ta từ Rome và nhắc mọi người rằng Marcus Aurelius không mất đi, mà chỉ trở về với Tự nhiên (Lời người dịch: theo Ryan Holiday thì có một vài nguồn đã lưu lại rằng khi nghe tin Marcus mất, tất cả dân chúng đã ra đường và cùng đồng thanh nói: chúng tôi trả Ngài về với Tự nhiên). Thần mặt trời lặn xuống đêm nay và sẽ mang ta theo ngài; ngày mai sẽ có người khác "mọc lên" và thế chỗ ta.
Vậy là giờ ngươi đã ở đây, cái Chết, người bạn cũ của ta - vì chắc hẳn ta có thể coi ngươi như bạn. Ngươi đã làm khách của ta rất nhiều lần, khi ta chào đón ngươi qua cánh cửa trí tưởng tượng của mình. Bao dịp ngươi đã đồng hành cùng ta trong những lần ngồi suy tưởng, khi ta hình dung về những triều đại từ rất lâu trước đây? Mọi thứ tưởng như khác biệt, nhưng về bản chất đều giống nhau: những kẻ vô danh cưới xin, nuôi lớn con cái, ngã bệnh, rồi rời bỏ thế giới. Một số lao vào chiến trận, số khác lại tiệc tùng, hay làm việc trên đồng ruộng, hay buôn bán những vật họ chế tác. Một số xu nịnh kẻ khác, hay tìm cách lên đến vị trí được người ta xu nịnh, để rồi luôn nghi ngờ những kẻ dưới trướng đang âm mưu hãm hại họ, hay chính họ cũng đang bày mưu tính kế. Rất nhiều kẻ có tên trong các mưu đồ, cầu xin cái chết đến với kẻ khác, càu nhàu về vị trí của họ, rồi bị quyến rũ trong tình yêu, tích luỹ của cải, hay mơ tưởng những vị trí chức quyền, hoặc thậm chí cả vương miện. Có bao kẻ mà tên tuổi, thân phận chúng ta không bao giờ biết đến, cuộc đời họ đã lu mờ, nằm xuống và chìm vào quên lãng, như thể họ chưa từng được sinh ra trên đời? Nhưng kể cả những kẻ quý tộc mà người đời sau còn biết đến, liệu có gì thực sự khác biệt hay không? Cái chết sẽ đến gõ cửa cả cung điện hoàng đế cũng như cái lều của người ăn xin như nhau. Augustus, người lập nên đế chế này, gia đình ông, tổ tiên, những người thầy tu, quân sư, và toàn bộ tuỳ tùng - họ giờ đang ở đâu? Không nơi nào mà người trần mắt thịt có thể nhìn thấy. Alexander đại đế và người quản la của ngài, cả hai đều đã trở về với cát bụi, một kết cục giống nhau.
Và còn những triều đại hùng vĩ xa xửa, mà giờ đã vĩnh viễn mai một không dấu tích? Hãy nghĩ đến những nỗ lực của tổ tiên họ để có người thừa tự, chỉ để cuối cùng cả gia tộc kết thúc đứt đoạn với dòng chữ: "Người cuối cùng của dòng tộc" khắc trên một bia mộ ngoài kia. Và bao nhiêu thành phố cũng đã chết? Cả những dân tộc bị xoá sạch khỏi lịch sử. Khi được hỏi tại sao ông ta không vui mừng trước chiến thắng huỷ diệt người Carthage, Scipio vĩ đại đã đau buồn khi dự đoán một ngày chính Rome của ông cũng sẽ sụp đổ như thế. Tất cả mọi thời đại trong lịch sử đều dạy ta một bài học duy nhất: không có gì tồn tại mãi mãi trên đời. Từ triều đại của Alexander, đã quá lâu trước đây, đến thời của Hadrian và Antoninus, những người ta từng được sánh bước bên họ, ngày nay chỉ được biết đến qua những bức tượng và câu chuyện kể mà thôi. Thậm chí chính những cái tên Hadrian và Antoninus giờ cũng đã mang sắc thái cổ xưa, như những cái tên Scipio Africanus hay Cato thành Utica trong sách sử vậy. Ngày mai rồi chính tên ta cũng sẽ mang theo sắc thái ấy với mọi người, dùng để nói về một thời kỳ đã qua: "triều đại của Marcus Aurelius".
Ta sẽ gia nhập cùng họ: Augustus, Vespasian, Trajan, và những người khác. Nhưng với ta, việc được nhớ tới như thế nào, hay thậm chí có được nhớ tới hay không, cũng đâu có gì khác biệt. Bao nhiêu người, từng một thời được hát ngợi ca bởi đám đông, mà giờ đây đã hoàn toàn chìm vào quên lãng? Và những kẻ hát lời ngợi ca họ cũng vậy. Thật phù phiếm khi lo lắng liệu lịch sử sẽ lưu lại hành động của ta như thế nào. Ngay cả lúc này, xung quanh ta, biết bao người vẫn luôn lo lắng liệu thế hệ sau sẽ nghĩ về họ như thế nào. Họ chắc hẳn cũng sẽ phải muộn phiền về một sự thật rằng hàng thế kỷ trước, trước khi họ sinh ra, tên tuổi của họ chẳng được bất cứ ai biết đến. Miệng lưỡi người đời đâu thể cho ai thứ danh vọng hay vinh quang thực sự đáng để anh ta tìm kiếm khát khao. Vấn đề duy nhất chỉ là ta sẽ đối mặt với thời khắc cuối cùng này như thế nào, khi ngay cả nó cũng sẽ sớm trôi qua, vì ta đã dần mất đi cảm nhận về cái cơ thể này, hay nói cách khác, ta đang trượt dần vào trạng thái không tồn tại như trong một giấc mơ vậy.
Cái chết, khi ta cưỡi ngựa trong khúc khải hoàn qua những con đường của Rome bên cạnh Lucius, ngươi có ở bên ta không? Có phải ngươi đã ẩn trong chính những kẻ nô lệ đứng cùng chúng ta trên xe ngựa, giữ những vòng hoa bằng vàng trên đầu chúng ta, thì thầm đằng sau chúng ta: "hãy nhớ rằng các người cũng sẽ phải chết". Ngay cả khi Lucius phô trương xe vàng và châu báu và hàng dài những tù binh Parthian trong cùm xích, quân lính của em ta mang về một thứ còn tai hoạ hơn từ phương Đông: bệnh dịch hạch theo họ về Rome. Nó kéo dài 14 năm, nhưng cuối cùng căn bệnh chứng kiến xác chết chất cao trên những chiếc xe cáng ở Rome cũng đã lấy đi một hoàng đế khác. Stoicism dạy ta hãy nhìn thẳng vào cái chết, và tự nhắc mình mỗi ngày rằng: "ta là một sinh linh hữu hạn", trong khi vẫn luôn giữ được thái độ hài hoà vui vẻ. Họ nói rằng khi Zeno, người sáng lập trường phái, đã về già, một lần ông trật bước và ngã. Ông đập đầu xuống đất, và rồi tự mỉa mai: "Ta có thể tự mình đến; sao ngươi phải gọi ta?" Giờ ta cũng đã là một ông già, và, dù ngươi có gọi ta hay không, ta cũng đã sẵn sàng để gặp ngươi, hỡi cái chết.
Nhưng vẫn còn bao người sợ hãi ngay cả việc gọi tên ngươi. Stoicism dạy ta rằng không có gì là đúng như tên gọi: “một dấu hiệu xấu”. Socrates là người đầu tiên đề ra ý kiến rằng cái chết chỉ là một chiếc mặt nạ xấu xí để doạ những đứa trẻ mà thôi. Ông ấy nói: "Bạn của ta, nếu phần trẻ con trong bạn vẫn sợ hãi cái chết, bạn nên hát một lời giải ảo cho phần ấy mỗi ngày đến khi nó được chữa lành và hết sợ". Nếu ta có thể dùng lý trí để phân tích, làm rõ về cái chết, bỏ đi tất cả những giả định phủ quanh nó, nó sẽ hiện nguyên hình, là chẳng gì khác ngoài một phần của tiến trình Tự nhiên. Hãy nhìn thứ gì đằng sau chiếc mặt nạ, nghiên cứu nó, và bạn sẽ thấy nó không thể tấn công hay làm đau bạn. Nhưng nỗi sợ ngây thơ ấy với cái chết có lẽ là tai ương lớn nhất của đời người. Vì nó làm hại chúng ta nhiều hơn là chính cái chết, vì nó khiến con người trở nên hèn nhát, trong khi cái chết chỉ trả họ lại với Tự nhiên. Không nghi ngờ gì, những người thông thái sẽ luôn tận hưởng cuộc sống, nhưng chắc chắn họ cũng chẳng lo sợ việc sẽ phải chết. Vì hiển nhiên, một người sẽ chẳng thể nào sống đời mình một cách trọn vẹn nếu anh ta vẫn còn sợ chết? Thực tế, việc học cách bình thản đối mặt với cái chết sẽ giải thoát con người khỏi mọi xiềng xích nô lệ.
Ta phải chết, nhưng ta có phải ủ rũ, không ngớt rên rỉ vì điều đó hay không? Không phải cái chết làm chúng ta u buồn, mà là cách chúng ta nhìn nhận nó. Socrates chẳng sợ chết; ông ấy chỉ xem nó đơn thuần là một thứ không xấu cũng chẳng tốt. Vào buổi sáng ngày hành hình, ông vẫn bình thản nói với bạn bè rằng triết chính là thứ có thể nâng đỡ tinh thần chúng ta trọn một đời khỏi số phận mong manh sớm tàn của cuộc sống hữu hạn này. Triết gia chân chính, ông ấy nói, là những người ít sợ cái chết nhất (Lời người dịch: thực ra nếu lý tưởng thì phải là không sợ chút nào. Nhưng nó giống như kiểu lý tưởng, thánh nhân của Stoicism ấy. Vậy nên Socrates ở đây, với sự khiêm tốn của ông, cũng chỉ nói là 'ít sợ nhất' mà thôi). Vì với những người thực lòng yêu trí tuệ và đề cao nó trên tất cả mọi thứ khác, họ vẫn luôn tự rèn luyện mình để chuẩn bị cho cái kết thúc ấy. Việc suy nghĩ về cái chết cũng là cách giải thoát chính mình và chuẩn bị để có thể ra đi trong thanh thản.
Thực tế, giống tất cả mọi người, ta đã luôn trên con đường đến với cái chết, kể từ ngày ta xuất hiện trên thế giới này. Từ những quả nho xanh đến chùm nho ngọt ngào, rồi vụ thu hái, và sau cùng là những quả nho già nhăn nheo, mọi thứ trong Tự nhiên đều có thời điểm khởi đầu, khoảng giữa, và kết thúc. Và mỗi giai đoạn của cuộc đời cũng có cái kết thúc riêng của chúng - tuổi thơ, thời niên thiếu, những năm tháng huy hoàng, rồi tuổi già. Hiển nhiên, cơ thể này đâu phải là thứ mà mẫu thân ta đã sinh ra. Thực tế, ta đã và vẫn luôn thay đổi, chết dần mỗi ngày kể từ khi được sinh ra. Nếu chẳng có gì đáng sợ trong cuộc đời tính đến bây giờ, thì tại sao ta lại phải sợ cái kết thúc cuối cùng? Và nếu cái chết là sự mất đi nhận thức, thì tại sao ta phải phiền muộn cơ chứ? Vì chỉ có những thực sự tồn tại thì mới có thể hoặc tốt hoặc xấu, nhưng cái chết chẳng tồn tại, vì nó chỉ là sự vắng mặt của trải nghiệm. Nó chẳng tệ hơn giấc ngủ. Hơn thế nữa, nó còn là sự giải thoát khỏi mọi đau đớn, vì cái chết là giới hạn mà không một đau khổ chịu đựng nào của chúng ta có thể vượt qua. Nó trả ta lại trạng thái yên bình mà ta đã có trước khi được sinh ra. Ta đã ở trong trạng thái "chết" ấy suốt bao niên kỷ trước khi đến với thế giới, và nó chẳng khiến ta bực dọc. "Ta đã không tồn tại, rồi tồn tại, rồi lại sẽ không, ta chẳng bận tâm" - những lời thông thái của phái Epicurean.
Vì nếu ta chẳng bận lòng khi cơ thể mình chỉ là một phần rất nhỏ trong không gian bao la, thì tại sao ta phải sợ khi cuộc đời ta chỉ chiếm một khoảng nhỏ trong dòng sông thời gian? Thêm nữa, từ góc nhìn khác, chúng ta không biến mất vào hư không, mà là phân tán trở lại vào trong Tự nhiên. Ta sẽ trở lại với đất, nơi mà chính từ đó cha ta thu những hạt giống, mẹ ta nhận máu xương, người vú nuôi có sữa, và kết quả là ta có thức ăn, sữa uống mỗi ngày. Vì mọi thứ, suy cho cùng, đều đến từ một nguồn duy nhất, và rồi sẽ trở lại với nguồn ấy, chỉ là ở một trạng thái hình dạng khác mà thôi. Nó giống như thể với sáp mềm ngươi có thể tạo ra một con ngựa, rồi một cái cây nho nhỏ, rồi một hình người. Không gì từng bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ là được trả lại cho Tự nhiên, để nó có thể tạo ra những thứ khác, theo một vòng tuần hoàn cứ mãi vận hành qua thời gian.
Ngày hôm nay là một giọt “sự sống”, ngày mai là một đống tro tàn hay còn lại bộ xương. Không bao giờ là vĩnh cửu, mà sinh mệnh vẫn luôn mong manh hữu hạn; một phần nhỏ của cái toàn thể, như một giờ trong ngày vậy. Giống như một giờ, ta đến, và cũng như một giờ, ta sẽ trôi đi. Tâm trí càng chiêm nghiệm về sự thật ấy, rằng chúng ta chỉ là một phần của cái toàn thể, thì ta sẽ càng hiểu được sự mong manh của cái cơ thể này. Ta vẫn luôn tự nhắc bản thân rằng mình sẽ chẳng thể sống cả ngàn năm, và cái chết, sớm thôi, sẽ đến đưa ta đi. Nhờ nó, ta đã có thể sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của đời mình, và chuẩn bị trước cho thời khắc này. Giờ cuối cùng cái chết cũng đã đến, ta nhận ra nó cũng không khác gì những giây phút khác của cuộc đời. Lựa chọn chết một cách bình thản hay yếu đuối vẫn luôn là ở ta. Triết đã chuẩn bị cho ta thật chu đáo để đối mặt với nó. Socrates từng nói: "liệu bạn có nghĩ rằng đời người thực sự đáng bận tâm, đối với một tâm hồn đủ thông suốt để lĩnh hội được cái toàn thể của thời gian, của vũ trụ? Không. Với tâm hồn ấy, cái chết cũng chẳng có gì đáng sợ cả".
Tâm hồn ta như tan biến trong mơ màng, bấp bênh trong trạng thái vô định không ý thức. Thật là kỳ diệu khi suy nghĩ có thể dịch chuyển xuyên qua thế giới, hay có thể tận hưởng khung cảnh vĩ đại của toàn thể, thu mọi thứ vào trong tầm nhìn của nó. Đi lang thang trên cả cõi trần và nói lời từ biệt, ta nhận ra rằng ta đã có chuyến bay của đời mình. Như Zeus của Homer, nhìn xuống trái đất từ đỉnh Olympus, quan sát lúc này đất đai của những người Thracian nổi tiếng yêu ngựa, rồi đến Hy Lạp, Ba Tư, Ấn Độ, và biển cả màu rượu đậm bao quanh tất cả. Hay như Scipio Aemilianus của chúng ta, người mà, thiu thiu ngủ tại Numidia, mơ thấy ông được nâng lên cao, và được phép nhìn xuống trái đất của con người từ những vì sao.
Ta đã chuẩn bị cho mình từ lâu để có thể trân trọng cái hình ảnh toàn diện nhất ấy bằng cách thực hành triết mỗi ngày. Plato từng nói rằng bất cứ ai muốn đạt đến cái hiểu về cuộc đời con người cũng nên học cách nhìn xuống mọi thứ theo cách ấy, như thể từ một tháp canh trên cao rất cao vậy. Mỗi ngày ta đã luyện tập nó, như cách thầy của ta đã làm, tưởng tượng bản thân bất chợt được nâng lên cao và nhìn xuống tấm thảm được dệt một cách vô cùng phức tạp của cuộc sống con người. Giờ, khi sự sống đang rút dần khỏi cơ thể ta, bài luyện ấy như trở thành hiện thực, đủ thực để ta có thể cảm nhận nó. Tầm thường đến thế nào những thứ mà người đời cứ tranh giành cãi vã, nếu được nhìn từ trên cao này. Như đám trẻ chỉ nghĩ về những thứ đồ chơi trong giỏ của chúng, chúng ta cũng để tâm trí mình bị chi phối bởi những nỗi sợ và ham muốn quá nhỏ nhen, và vì vậy mà làm bản thân trở nên xa lạ với Tự nhiên.
Ta có thể nhìn thấy họ ở bên dưới, hàng bầy người: bao nhiêu kẻ đang làm những công việc cực nhọc trên đồng ruộng, cả những thương nhân luôn phải di chuyển đến những đất nước xa xôi, rồi hàng vạn binh lính tập hợp trong trận chiến - tất cả bọn họ nhìn như những chú kiến đang hối hả bò quanh. Luôn bận rộn với thứ gì đó, những kẻ vô danh, di chuyển thành bầy đàn, lạc giữa mê cung vô vàn lối đi trước mắt họ. Đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ, nô lệ và những kẻ quyền quý, mới sinh hay sắp qua đời, đang cưới xin hay ly dị, đang hân hoan trong ngày lễ hội hay đang than khóc cho sự mất mát của họ; những tiếng nói mệt mỏi trên toà án - ta thấy hàng trăm ngàn khuôn mặt của bạn bè và những kẻ xa lạ với mình. Ta thấy cả những thành phố vĩ đại được dựng lên từ bình địa nơi một số kẻ dừng chân, thịnh vượng có thời, rồi một ngày tất cả lại sụp đổ trong cát bụi hoang vắng. Những bộ tộc hoang dã tàn bạo khi bắt đầu, gắng sức tiến tới văn minh, rồi lại chìm xuống tình trạng man rợ sau đó; và sau những năm tăm tối, ngu muội, ta thấy có nghệ thuật và khoa học, rồi chẳng thể tránh khỏi lại trở về với tăm tối và ngu muội. Ta nhìn thấy cả những bộ tộc kỳ lạ, chưa được phát hiện, vẫn ẩn sâu trong những góc cùng của thế giới. Bao nhiêu nghi lễ, ngôn ngữ, và câu chuyện khác nhau về con người. Vô số cuộc đời đã trôi qua trong quá khứ và vô số cuộc đời sẽ được trải nghiệm trong tương lai, sau khi ta đã ra đi. Và dù ta được ban phước khi có thể trở thành hoàng đế La Mã, có mấy người trong cái thế giới rộng lớn ngoài kia đã từng dù chỉ là nghe đến tên ta, chứ đừng nói là biết về tính cách, con người ta. Và những người biết thì cũng sẽ sớm ra đi, trôi tiếp vào quên lãng.
Ta thấy mình một lần nữa kinh ngạc với khả năng của tâm hồn, khi nó có thể tự giải thoát khỏi vô số những vấn đề vụn vặt theo cách đó. Tự nâng tầm chính nó, trong sự trân trọng cái toàn thể vũ trụ, và ngẫm về giới hạn và sự chóng tàn của tất cả những thứ mang tính cá nhân, sự ngắn ngủi của cuộc đời, của cả chính ta cũng như những người khác, nếu đem so sánh với sự vĩnh cửu của thời gian. Chúng ta sẽ trở nên cao thượng, có một tâm hồn vĩ đại, nếu có thể mở rộng tâm trí mình và vượt trên những thứ tầm thường, những thứ “ở bên dưới”. Linh hồn ta có thể bay lên một cách tự do khi nó không bị đè nặng hay kéo xuống bởi những nỗi sợ và ham muốn vật chất, và có thể trở lại với nơi xuất xứ thực sự của nó, như một mảnh, một phần của toàn thể vũ trụ, và có thể nhận ra vị trí thực sự của nó trong cái tổng thể rộng lớn không thể đo lường của Tự nhiên.
Ta mang ơn đấng thiêng liêng vì đã được khích lệ để thường xuyên hình dung về cái vũ trụ toàn thể ấy, và ngẫm về sự rộng lớn của thời gian và không gian. Ta học được cách nhìn nhận, đặt những thứ cụ thể của đời mình trong cái tương quan với toàn thể vũ trụ, để thấy chúng như nhỏ hơn cả hạt quả vả; cũng như đo lường chúng trong sự tương quan với tổng thể thời gian, và như thế chúng sẽ ngắn như một cái ngoảnh mặt mà thôi. Vì thứ gì không thể nhìn bằng mắt thường, chúng ta vẫn có thể nắm được bằng lý trí của mình.
Trước mắt ta giờ đây là một hình ảnh tạo nên bởi tâm trí: một hình dung về bầu trời tươi sáng chứa trong nó mọi sinh linh, dù là những cá thể riêng biệt nhưng vẫn là một trong cái toàn thể ấy. Tất cả những ngôi sao của thiên đường, mặt trời, mặt trăng, trái đất, cả đất liền và đại dương, và mọi thực thể sống trong nó, giống như những thứ có thể được nhìn thấy trong một quả cầu trong suốt, thứ ta gần như có thể tưởng tượng như đang giữ trong tay mình. Từ cái nhìn bao quát ấy, một người sẽ thấy việc hằn học với vũ trụ trong cơn tức giận vì những vấn đề chúng ta gặp phải cũng giống việc than khóc vì một vết xước nhỏ xíu trên ngón tay vậy.
Ta học cách chấp nhận rằng cuộc đời mình đã trôi qua, chẳng còn lại gì - chẳng sợ hãi, chẳng ham muốn nào còn có thể tách biệt ta với Tự nhiên. Ta nhìn thấy trước mắt mình toàn thể vũ trụ, thiết kế vĩ đại bao la của nó, và những thay đổi dịch chuyển phi thường được thực hiện bởi các thiên thể linh thiêng. Và ta thấy mình chìm sâu trong sự tưởng tượng ấy, đi qua thiên đường trên kia, khi mà hơi ấm đang dần rời bỏ cơ thể này.
Trong vũ trụ bao la ấy, cả thế giới cũng chỉ như một cái chấm nhỏ bé đến nhường nào. Toàn bộ châu Á, châu Âu, cũng chỉ như những hạt bụi, đại dương vĩ đại chỉ như một giọt nước, và ngọn núi cao nhất chỉ như một đụn cát mà thôi.
Ta chỉ có thể tỏ lòng ngưỡng mộ vẻ duyên dáng và uy nghiêm của những vì sao khi tâm trí ta được ban phước cho sánh bên chúng, và ta ngỡ ngàng kinh ngạc hơn nữa khi nhìn thấy toàn bộ vũ trụ trước tâm trí mình. Liệu ta có được biến đổi qua cái chết thành một thứ gì đó xứng đáng với Tự nhiên và vũ trụ, và không còn là một kẻ xa lại với quê hương thực sự của linh hồn mình. Di chuyển qua sự rộng lớn vĩ đại của Tự nhiên, tâm trí ta được mở rộng trong cái bao la chứa đựng tất cả sự kiện của cuộc đời từng cá nhân, nuốt lấy chúng và làm chúng nhỏ như một đỉnh đinh ghim vậy. Đâu là thứ chúng ta vẫn gọi là bi kịch trong những rắc rối chẳng đáng kể ấy? Đâu là thứ có thể khiến ta thực sự ngạc nhiên, hay kinh ngạc?
Những thứ ta học được trong cuộc đời, giờ ta thấy ở mọi nơi - dù sự chú ý của ta có chuyển từ thứ này sang thứ khác, tất cả cũng vẫn chỉ nằm trong cái góc nhìn bao quát ấy mà thôi. Cả vũ trụ này cũng chỉ là môt thực thể sống, với một cơ thể và một ý thức. Tâm trí mỗi người là một hạt nhỏ trong cái tâm trí vĩ đại ấy. Mỗi cá thể sống giống như một chi, hay một bộ phận của cơ thể lớn vĩ đại, phối hợp hoạt động cùng nhau, bất kể chúng ta có nhận ra hay không, để mang đến những sự kiện tương hợp với động lực của cái toàn thể vĩ đại ấy. Mọi thứ trong vũ trụ được kết nối đan cài vào nhau một cách vô cùng phức tạp, tạo nên một kết cấu duy nhất của một chuỗi những sự kiện. Nếu trước đây ta chỉ có thể nhìn từng phần riêng biệt và phải bằng nỗ lực mới có thể liên tưởng đến cái toàn thể, thì giờ đây ánh nhìn của ta đã được nâng lên. Bỏ qua mọi sợ hãi và ham muốn, ta có thể nhìn thấy cái toàn thể mà mọi thứ đều thuộc về, và với ta nó thực hơn tất cả mọi thứ khác. Những thứ ta chú tâm trước đây, cuộc đời ta, những quan điểm của ta, giống như làn khói đã khiến ta chỉ có thể nhìn thoáng qua Tự nhiên trong tăm tối.
Hạnh phúc trong cái thấu triệt ấy, linh hồn ta được mở rộng cho đến khi nó trở thành một với Tự nhiên vô hạn. Phần thời gian được ban cho mỗi chúng ta trong cuộc đời nhỏ bé đến thế nào. Hay cái phần thế giới mà chúng ta sống trong. Khi ta càng có thể chắc chắn về những suy nghĩ ấy, ta càng hiểu rõ hơn rằng không gì có thể tạo nên giây phút vĩ đại trong cuộc sống, chỉ trừ việc chúng ta nên làm hai thứ đơn giản này: Đầu tiên chúng ta cần tuân theo đặc tính tự nhiên của mình - là giống loài có lý trí, cao quý hơn, và vì vậy cần luôn đặt bản thân mình trong sự điều khiển của lý trí. Thứ hai, chúng ta cần đối mặt một cách thông tuệ và bình thản với bất cứ thứ gì mà Tự nhiên gửi đến cho mình, bất kể liệu nó là thoải mái tiện nghi hay đau khổ, những lời tán dương hay chỉ trích phê bình, sự sống hay cái chết.
Linh hồn ta được nâng lên cao hơn khi sự sống ít ỏi còn lại đang tàn dần trong cơ thể. Sự khác biệt giữa hiểu biết và thực sự chứng kiến đã không còn. Trước mắt ta, các chòm sao đang vây quanh, giống như khi chúng tô điểm cho những bức tường trong nhà thờ ở Mithras. Ta trượt đi một cách nhẹ nhàng giữa chúng, như một chiếc thuyền lướt đi trên mặt nước phẳng lặng nhất. Bao quanh ta là hàng vạn những vì sao, nơi ánh sáng tinh khôi được tạo ra. Tinh khôi và hoàn mỹ, chúng duyên dáng trôi theo quỹ đạo của mình trong thiên đường mà không hề sai lệch. Chúng khác biệt đến thế nào những con người dưới thế gian. Dù đúng là con người chúng ta cũng sở hữu thứ ánh sáng thiêng liêng diệu kỳ ấy, nhưng chúng nằm sâu bên trong, và bên ngoài thì chúng ta sống như thể bị tù đày, bị neo chặt vào trong bùn lầy bởi chính sự điên rồ và tham lam của mình.
Trong khi đó, tâm trí của thánh nhân thì giống như vì sao hay thậm chí là mặt trời của chúng ta, thứ từ đó sự tinh khôi và thuần khiết toả sáng. Ta thực sự đã rất may mắn khi có thể thấy được điều đó trong cả con người. Những người như Apollonius, Junius Rusticus, và Claudius Maximus, bằng chính cuộc đời họ, cho ta thấy như thế nào là sống một cách thông tuệ, có đức hạnh, và thuận theo Tự nhiên. Giờ đây, khi chuẩn bị rời bỏ, kết thúc mọi gắn kết trong cuộc đời trần tục này, ta cảm thấy linh hồn mình đang được chuyển biến và làm cho tinh khiết, làm lộ ra trong chính ta vài tia sáng le lói của sự thông tuệ từ sâu thẳm bên trong, thứ ta đã từng lờ mờ có ý niệm qua lời nói và hành động của những người thầy của mình. Trong khi ta để sự sống rời bỏ cơ thể này, hài lòng tách khỏi nó, tâm trí ta cuối cùng cũng được hoàn toàn tự do để đi theo cái xuất xứ tự nhiên thực sự của nó với không chút chướng ngại nào nữa. Ta thấy mọi thứ rõ ràng hơn bao giờ hết. Và mặt trời sẽ chẳng bao giờ làm công việc của mưa hay của gió cả.
Mặt trời, hay mỗi vì sao trên thiên đường nói với ta: "Ta được sinh ra để thực hiện những nhiệm vụ của riêng mình". Và chính ta cũng được sinh ra để đi theo đặc tính tự nhiên của mình, bằng cách cố gắng vươn đến sự thông tuệ. Hàng vạn vì sao điểm tô bầu trời đêm. Mỗi vì sao lại khác biệt với các vì sao khác, nhưng tất cả đều sẽ hành động cùng nhau, để cùng tạo nên một thiên đường duy nhất. Ta tin rằng con người đáng ra cũng phải như thế: cố gắng nỗ lực cả cuộc đời với sự chịu đựng nhẫn nại để có thể đạt tới ánh sáng tinh khiết của thông tuệ bên trong bản thân mình và để nó chiếu sáng và mang lại lợi ích cho những người khác. Độc lập, nhưng vẫn là một phần của cái toàn thể nhân loại với những người anh em đồng loại, sống chuẩn mực và thuận hoà với nhau. Những người phái Pythagore cổ rất đúng đắn, khi nói rằng việc ngẫm về sự tinh khiết và đơn giản mộc mạc của những vì sao theo cách ấy sẽ gột rửa tâm trí chúng ta khỏi những bụi bẩn hồng trần và khiến nó có thể đạt đến sự tự do thiêng liêng.
Những tia sáng của Apollo toả xuống theo mọi hướng nhưng không bao giờ ngắt. Luôn tự vươn xa hơn, ánh mặt trời chạm đến mọi vật và chiếu sáng chúng, mà không hề bị suy yếu hay mất đi sự tinh khôi. Nó sẽ dừng lại nơi nó chiếu xuống, mơn trớn mọi vật và làm sáng rõ từng bộ phận, từng đặc điểm của chúng, không đổi hướng như gió hay bị hấp thụ như mưa. Thực tế, tâm trí của người thông thái cũng giống như quả cầu tạo ra ánh sáng tinh khiết ấy. Nó chiếu rọi mọi thứ, làm chúng sáng lên mà không bị vướng vào bất cứ thứ gì, hay bị mất đi sự tinh khôi của nó. Vì thứ gì không chào đón ánh sáng thì sẽ tự chìm vào bóng tối. Trong tâm trí một người đã được thanh lọc, không gì là bị che giấu cả.
Trí tuệ thuần khiết giống như ánh lửa sáng rực của mặt trời, tiêu thụ mọi thứ cản đường nó và đốt sáng hơn nữa. Lý trí cũng sẽ sử dụng mọi vật cản trở nó như thế, nếu chủ thể của nó hiểu được sức mạnh thực sự của nó, và tìm thấy phẩm cách đúng đắn để đối mặt trong từng hoàn cảnh. Chúng ta đã được giao nhiệm vụ chăm sóc cho cái cơ thể yếu ớt lắm phiền phức này với những cảm xúc bất kham của nó, nhưng tâm trí thì thực sự thuộc về chúng ta. Ta có thể từ bỏ mọi ràng buộc với những thứ bên ngoài, làm thanh sạch tâm hồn mình và tách biệt bản thân khỏi mọi thứ vật chất, khi ta thực sự hiểu rằng chúng là những thứ luôn thay đổi, chóng tàn, và thật ra là “không khác biệt”. Khi ta cắt đứt được sợi dây ràng buộc của quá khứ và tương lai, và có thể sống trọn vẹn trong phút giây hiện tại, ta sẽ tự giải phóng mình khỏi mọi thứ bên ngoài, và toàn tâm toàn ý với việc sống thuận theo đặc tính tự nhiên thiêng liêng của tâm trí mình.
Những thứ bên ngoài tâm trí ta như sức khoẻ, của cải, và cả thanh danh đều chẳng tốt cũng chẳng xấu. Chúng trao cho ta những cơ hội, thứ mà một người thông thái sẽ tận dụng trong khi một kẻ ngờ nghệch sẽ hoang phí. Dù con người thường khát khao của cải và những thứ khác tương tự, chúng thực ra đâu thể cải thiện tâm hồn họ hơn là một cái yên ngựa bằng vàng có thể cải thiện phẩm chất của chính con ngựa. Chúng ta cứ tự làm hư hỏng bản thân với những thứ bên ngoài như thế, lẫn lộn, gộp cả vào nhau khi ta không thể hiểu được bản chất thực sự của chúng và của tâm hồn mình. Empedocles từng nói: vượt trên những thứ không khác biệt ấy, tâm trí của thánh nhân trở thành một khối cầu hoàn hảo. Nó không với ra ngoài, cố trộn lẫn cùng những thứ bên ngoài, nhưng cũng không cố tránh xa chúng. Ánh sáng của nó lan toả đều tới mọi nơi trong thế giới xung quanh nó. Hoàn chỉnh trong chính nó, trôi chảy và tròn trịa, rực rỡ và toả sáng. Không gì có thể bám vào bề mặt của nó và làm hại nó.
Thực ra ta vẫn còn chút cảm nhận về đau đớn trong cơ thể mình, phần cơ thể vẫn rỉ máu và khiến ta rùng mình dưới tấm chăn. Nhưng giờ đây nó có vẻ như từ rất xa, và chẳng khiến ta bận tâm thêm nữa. Sớm thôi ta sẽ lại chìm vào trạng thái vô thức. Ta đoán đó sẽ là lần cuối cùng. Vậy nên ta muốn nói lời vĩnh biệt với cơ thể và sự sống này, một cách bình thản và không chút miễn cưỡng. Ta sẽ bước đi bước cuối cùng đến với cái chết, không phải như một kẻ thù mà như một người bạn già. Khẽ nghiến răng và đẩy mình vào cõi thiên thu xa lạ ấy, ta tự nhủ với lòng mình một lần nữa lời dạy của Stoicism:
Cả cuộc đời thực ra cũng chỉ như một khoảnh khắc nếu so với tổng thể thời gian; từng phần từng phần cứ thế trôi qua, đến khi những cảm giác dần mất đi; và cuối cùng cả cơ thể này cũng sẽ phân huỷ.
Tâm hồn là một khối khí luôn được làm mới theo mỗi hơi thở, vận mệnh thì luôn không chắc chắn và danh vọng thì không đáng tin cậy; tóm lại, mọi thứ thuộc về hay liên quan đến cơ thể chỉ như một dòng chảy cứ luôn thay đổi mãi không ngừng; trong khi mọi thứ thuộc về linh hồn thì như một giấc mơ, hay một tưởng tượng mà thôi.
Cuộc đời có thể xem như một lần chinh chiến nơi mảnh đất xa lạ. Thanh danh của chúng ta sau khi chết sẽ chẳng còn gì ngoài sự quên lãng. Vậy thứ gì sẽ định hướng cho một con người? Một thứ duy nhất: Triết - tình yêu với trí tuệ, và sự thông thái.
Cụ thể hơn, triết cốt lõi ở điều này: để một người có thể bảo vệ sức mạnh bên trong, phần linh hồn thiêng liêng, khỏi mọi xáo động và thương tổn, và vượt trên mọi đau đớn cũng như thoải mái tiện nghi; không bao giờ thực hiện bất kỳ hành động nào mà không có mục đích, hay sai lầm, hay đạo đức giả, bất kể người khác có làm hay không làm gì với mình; việc có thể bình thản đón nhận mọi thứ xảy đến trong cuộc đời, như thể chúng đến từ cùng một nguồn mà từ đó ta đến, và trên tất cả, với sự khiêm nhường và bình thản, chờ đợi cái chết như thể nó chẳng là gì khác ngoài sự phân tách của những thành phần mà từ đó cuộc sống được tạo nên trước đó.
Và nếu những bộ phận chẳng phải chịu đựng điều gì từ nó, mà chỉ luôn tuân theo sự thay đổi, biến chuyển từ thứ này sang thứ khác, thì sự phân tách ấy, hay sự biến chuyển, thứ chúng đã quá quen thuộc, tại sao lại có thể khiến một người sợ hãi cơ chứ? Chẳng phải cái vòng luân hồi ấy là thuận theo Tự nhiên hay sao? Và không gì thuận theo tự nhiên lại có thể xấu xa đen tối.
Có lẽ bình minh sắp đến ngoài kia, nhưng ta chẳng thể biết chắc được nữa. Đôi mắt ta đã quá yếu, và ánh nhìn chỉ toàn tối tăm. Ta sẽ chẳng sống nổi để đón mặt trời thêm một lần nữa. Nhưng điều đó cũng đâu có gì khác biệt.
***
Bản tiếng Anh các bạn có thể lấy ở đây nhé (Trang 198-210)