Những văn tài không có tên trong sách giáo khoa hiện hành
Một nhà phê bình từng nói, khi một tác giả được đưa vào sách giáo khoa thì tác giả đó đã bị chiêu hồi bởi văn hóa. Chẳng hạn trường...
Một nhà phê bình từng nói, khi một tác giả được đưa vào sách giáo khoa thì tác giả đó đã bị chiêu hồi bởi văn hóa. Chẳng hạn trường hợp Vũ Trọng Phụng, vì không may (hoặc rất may) đã chết trước 1945 nên sau này miền Bắc giữa thập niên 50 và miền Nam giữa thập niên 60 đều ra sức kéo về phía mình, dọn đường để sau khi chiến tranh kết thúc, dù có thế nào, thì Vũ Trọng Phụng cũng sẽ nằm trong sách giáo khoa.
Nhưng có những nhân vật thuộc diện không thể bị chiêu hồi bởi vì bản thân cuộc đời và văn nghiệp của họ đã là một lực chống lại trật tự hiện hành. Theo cái nhìn của những người biên soạn sách giáo khoa Ngữ Văn, có lẽ những nhân vật này càng bị khuất lấp, càng bị lãng quên càng tốt. Dưới đây là một danh sách chưa đầy đủ những nhân vật kiểu như vậy.
Nhượng Tống
Nhượng Tống, tên thật Hoàng Phạm Trân, là tác giả của tiểu thuyết Lan Hữu (Lê Cường, 1940, được NXB Văn Học và Tao Đàn tái bản năm 2015), cũng là dịch giả của Mái Tây (tức Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ), cùng nhiều tác phẩm khác.
Tuy tuổi Nhượng Tống xấp xỉ bằng tuổi Nhất Linh, nhưng trong khi Nhất Linh lại chịu ảnh hưởng nhiều từ văn chương Pháp, thì Nhượng Tống lại chịu ảnh hưởng từ văn chương Trung Quốc, từ thơ của Khuất Nguyên, Đỗ Phủ đến văn của Từ Chẩm Á, Tào Tuyết Cần. Vì lẽ này, ông rất giống với Đặng Thai Mai.
Không những thế, ông còn giống Đặng Thai Mai ở tinh thần cách mạng. Khác ở chỗ, trong khi Đặng Thai Mai sau này tham gia vào Đảng Cộng sản Đông Dương thì Nhượng Tống lại gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học.
Là một đồng chí thân cận cùng Nguyễn Thái Học, nên sau này, Nhượng Tống đã viết cuốn sách nhan đề Nguyễn Thái Học để vinh danh người lãnh tụ này, cùng với các anh em đồng chí đã hy sinh trong vụ bạo loạn Yên Bái.
Ban đầu, Nhượng Tống gặp Nguyễn Thái Học và anh em Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài tại Nam Đồng Thư Xã, một tiệm sách và cơ sở ấn loát thành lập năm 1925 với chủ trương chống lại chế độ bảo hộ của người Pháp tại Đông Dương. Chính vì để né tránh chế độ kiểm duyệt mà vẫn hun đút được lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của đồng bào, Nhượng Tống, với tư cách biên tập của Nam Đồng Thư Xã, đã cho in những cuốn sách lịch sử như Trưng Vương hay Treo cổ Hoàng Diệu.
Sau khi vụ Yên Bái bị dập tắt, Việt Nam Quốc dân Đảng bị phân hóa, và trong cao trào Quốc Cộng phân tranh năm 1945-46, Việt Quốc bị Việt Minh xếp vào diện phản cách mạng. Đến năm 1949, Nhượng Tống bị ám sát bởi một người được cho là công an mật của Việt Minh.
Vết đen lý lịch: Thành viên của Việt Nam Quốc dân Đảng, chống Việt Minh.
Nhất Linh
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, báo Phong Hóa, báo Ngày Nay, và nhà xuất bản Đời Nay, người đã góp phần đáng kể trong việc làm nên tên tuổi của Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Xuân Diệu, và nhiều nhà văn, nhà thơ khác.
Về ý nghĩa lịch sử của Tự Lực Văn Đoàn thì không cần phải nói thêm, vì đã có rất nhiều nhà phê bình và nghiên cứu nói rồi: Hoàng Xuân Hãn, Thanh Lãng, Nguyễn Hưng Quốc, Cao Việt Dũng, hay Đoàn Ánh Dương. Chỉ có thể tóm tắt thế này: Nếu không có Tự Lực Văn Đoàn, thì không có văn chương Việt Nam, bởi chính sự xuất hiện của Tự Lực Văn Đoàn đã tạo nên một động lực buộc các nhà văn bên ngoài Tự Lực phải sắc sảo hơn, táo bạo hơn, vững vàng hơn, tạo nên một diễn tiến văn chương sôi động chưa từng có kể từ 1932 đến 1945.
Trong khi ở Tự Lực Văn Đoàn, ba nhân vật quan trọng nhất phải là Nhất Linh - đảm trách việc trị sự, Khái Hưng - đảm trách việc văn chương, và Hoàng Đạo - đảm trách về lý luận, thì sách giáo khoa hiện hành lại chỉ đưa vào mỗi Thạch Lam. Vì sao? Trước hết, vì Thạch Lam chết năm 1942, không can dự vào cuộc binh biến Quốc Cộng năm 1945. Thêm nữa, văn Thạch Lam là một thứ văn chương “an toàn”, không gây tranh cãi, cũng tức là không có giá trị thúc đẩy sự vận động của xã hội như Đoạn tuyệt hay Lạnh lùng của Nhất Linh, những tác phẩm mà trong cái nhìn của nhà phê bình Trương Tửu là đã truyền cho thanh niên cái tinh thần chống đối thế hệ trước, phá đổ tất cả những chế độ luân lý xã hội không còn phù hợp với thời đại mới.
Năm 1938, Nguyễn Tường Tam sáng lập Đại Việt Dân chính Đảng, tổ chức mà vào tháng 5-1945 hợp nhất với các đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia khác dưới một cái tên chung là Việt Nam Quốc dân Đảng. Vào đầu năm 1946, vì sức ép của các đảng quốc gia, mà Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải trở thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó, Nguyễn Tường Tam đóng vai trò Bộ trưởng bộ Ngoại Giao. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Việt Minh và Quốc dân Đảng đánh nhau, và phe Quốc dân Đảng thua. Hoàng Đạo lẫn Khái Hưng đều bị ám sát. Nguyễn Tường Tam chạy trốn sang Trung Quốc.
Sau năm 1954, Nguyễn Tường Tam sống và làm báo ở miền Nam. Vì dính líu vào vụ đảo chính Ngô Đình Diệm bất thành năm 1963, ông uống thuốc độc tự vẫn.
Vết đen lý lịch: Sáng lập Đại Việt Dân chính, nhân vật chủ chốt của Việt Nam Quốc dân Đảng, chống Việt Minh.
Khái Hưng
Là bạn thân và là đồng chí của Nhất Linh, Khái Hưng Trần Khánh Giư cũng là thành viên nòng cốt của Tự Lực Văn Đoàn và Đại Việt Dân chính Đảng. Thế nên không cần phải nói thêm về lý do tại sao người ta không đưa Khái Hưng vào sách giáo khoa. Ở đây, có thể nói thêm về văn tài của Khái Hưng.
Một nhà phê bình có uy tín từng nói về Khái Hưng như sau: “Nhiều năm nay tôi ‘luẩn quẩn’ với Nhất Linh, mãi gần đây tôi mới hiểu ra, Nhất Linh là con đường để tôi đi đến với Khái Hưng, nhà văn lớn nhất ‘thời tiền chiến’, người duy nhất có thể đứng cạnh Nguyễn Tuân về sự nghiệp văn chương; trước hết Khái Hưng là tiểu thuyết gia chưa từng có, tất nhiên chưa từng có tính từ trước Khái Hưng cho tới Khái Hưng, nhưng tôi ngờ là còn hơn thế, kể từ Khái Hưng, Việt Nam cũng chưa từng có một tiểu thuyết gia nào ngang tầm.”
“Khái Hưng là một bí ẩn tuyệt đối, và không chỉ ở sự kiện cái chết. Chưa bao giờ, trong bảy mươi năm vừa qua, có bất kỳ ai, nhà văn hay nhà phê bình, nhà nghiên cứu, nhà sử học, thuộc về bất cứ khuynh hướng, quan điểm nào, lập trường chính trị nào, trường phái hay trào lưu lý thuyết nào, trong nước hay nhất là hải ngoại, giàu thiện cảm hay nuôi ác cảm đối với Khái Hưng, cuộc đời Khái Hưng và văn chương Khái Hưng, chưa từng bao giờ có một ai nhìn nhận được Khái Hưng trong một chỉnh thể; chưa bao giờ có một cái nhìn đầy đủ vào Khái Hưng. Câu chuyện bình luận văn chương Khái Hưng là câu chuyện của toàn những sai lầm, lệch lạc - đó cũng chính là trường hợp cho thấy gần như đầy đủ bản chất của nghiên cứu văn học tại Việt Nam, trong suốt sự tồn tại của nó. Điều này càng rõ rệt hơn, nghiệt ngã hơn, ở chỗ: trường hợp Khái Hưng cho thấy nghiên cứu văn học Việt Nam đã thất bại hoàn toàn, thất bại ở mức độ tuyệt đối, chính trong sự nhìn nhận nhà văn lớn nhất mà văn chương Việt Nam từng có.
Điều tôi nói ngay sau đây sẽ không ai hiểu (tôi nói là hiểu, chứ không phải tin, và hiểu nghĩa là gì? hiểu = nhìn ra): nếu không có Khái Hưng Trần Khánh Giư, thì không có văn chương Việt Nam.”
Vết đen lý lịch: Thành viên chủ chốt của Việt Nam Quốc dân Đảng. Làm báo Việt Nam và báo Bình Minh, chống Việt Minh.
Hồ Hữu Tường
Hồ Hữu Tường là người Cái Răng. Trong những ngày du học ở Pháp, ông đã là đồng chí của Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm trong Đệ Tứ Quốc Tế. Vì làm báo chống thực dân ở Pháp và biểu tình trước điện Elysée mà bị trục xuất về nước.
Về nước, Hồ Hữu Tường viết báo cho các tờ Tháng Mười, Thường Trực Cách Mạng, Quần Chúng, Le Militant, Tia Sáng và đáng nói nhất là tờ La Lutte, chung với Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu, trong khoảng 1931 đến 1939. Ông từng in sách ở nhà xuất bản Hàn Thuyên, cũng như gặp gỡ và giao thiệp với các nhà văn nhà báo ở đất Bắc trong khoảng 1945-1946. Sau 1947, ông vẫn tiếp tục làm báo đến tận năm 1975 thì phải đi tù cải tào.
Hồ Hữu Tường viết rất nhiều thể loại từ chính trị học, kinh tế học, triết học, văn học sử, đến tạp văn, hồi ký. Riêng về văn chương, ông có một quan niệm sáng tác rất khác với các nhà văn phía Bắc: “tôi không phải là nhà văn, tôi chỉ là kẻ dụng văn".
"Đọc tiểu thuyết hay của các nước, tôi rất hiểu tiểu thuyết xây dựng thế nào, nhưng tôi không chịu viết tiểu thuyết, mà chỉ bám vào lối văn "kể chuyện". [...] Tôi chỉ muốn "kể chuyện" cho hoang đường, cho hóm hỉnh, cho trào phúng, cho quê mùa, như những giáo sư văn chương của tôi mà thôi. Con nhà trâm anh thế phiệt, ông, bác, cha, anh, thảy đều khoa hoạn, thì viết văn điêu luyện như Nguyễn Du, việc ấy hợp lý, hợp tình. Con nhà nông như tôi, mà viết văn nông dân, việc ấy cũng hợp lý, hợp tình nữa. Con vua thì đặng làm vua Con sãi ở chùa thì quét lá đa có cái văn tâm như thế, nên trong chín năm theo chủ nghĩa Mác-Lê, giáo điều của chủ nghĩa nầy dạy phải viết theo đường lối "tả chân xã hội" (réalisme socialiste), thà tôi nhịn viết văn, chớ tôi không chịu phản lại giai cấp tôi. [...] Cái văn tâm như thế đem những văn tứ "cổ điển" lại, chuyện "ma", chuyện thần tiên, chuyện hoang đường, chuyện tiếu lâm châm biếm ... "cổ điển" là cổ điển của thứ văn chương nông dân ta vào thế hệ của tôi." (trích bài Tựa cuốn Kể chuyện, NXB Huệ Minh, Sài Gòn, 1965).
Còn rất nhiều điều đặc biệt khác về Hồ Hữu Tường. Một trong số đó có lẽ là cả đời Hồ Hữu Tường phải “hưởng tù”, không chỉ dưới thời thực dân Pháp mà cả dưới thời Ngô Đình Diệm và cả sau 1975. Khi Diệm định xử tử Hồ Hữu Tường vì làm cố vấn cho Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia (Cao Đài, Hòa Hảo, Lực lượng Bình Xuyên) chống lại chính phủ Diệm thì nhiều trí thức trên thế giới, trong đó có Albert Camus và thủ tướng Ấn Độ Nehru đã viết thư can thiệp nên chỉ bị đày ra Côn Đảo.
Vết đen lý lịch: Thành viên của Đệ Tứ, tức phái Trotskyist, đối lập với Đệ Tam, Stalinist.
Phan Khôi
Phan Khôi được biết đến chủ yếu với tư cách một nhà báo, người đã bắn phát súng mở màn cho cuộc tranh luận giữa hai phái thơ cũ và thơ mới, người đã bút chiến với Tản Đà và Trần Trọng Kim về vấn đề Nho giáo, với Phạm Quỳnh về vấn đề quốc học và học phiệt, với Hải Triều về chủ nghĩa Marx. Có thể thấy, cũng như Tự Lực Văn Đoàn, Phan Khôi là một lực đẩy để cho bánh xe văn hóa lăn bánh. Và cả một đời mình, dường như Phan Khôi đã thực hiện cái di nguyện của Phan Châu Trinh là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Cũng chính vì lẽ đó mà giai đoạn 1956, Phan Khôi đã đứng ra làm chủ bút cho tờ Nhân Văn, để nhận lấy cái án văn chương, sống lặng lẽ đến lúc chết và gần như bặt vô âm tích trong hậu thế đến tận bây giờ.
Viết về Phan Khôi không bằng trích lại lời của giáo sư Thanh Lãng đã từng viết về ông:
“Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh túy nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông Phương và nền học thuật minh bạch khúc triết của Tây Phương.
Con người ấy đã không muốn để cho một biên thùy vô hình hay hữu hình nào giam hãm, tù túng mình bao giờ, là người Quảng Nam, thuộc miền Trung, Phan Khôi đã chọn đất miền Nam này để hoạt động trong một thời gian rất lâu khiến cho nhiều người tưởng ông là người miền Nam. Chẳng hiểu có phải để chữa lại cái điều ngộ nhận đó hay sao mà sau này ta thấy Phan Khôi bỏ miền Nam ra hoạt động ở ngoài Bắc tranh đấu sát cánh bên anh em văn nghệ sĩ miền Bắc để rồi chết trong đất Bắc khiến người thời nay lại tưởng Phan Khôi là người Bắc. Hình như Phan Khôi không muốn người ta xếp ông vào một biên thùy nào, là Trung ông không chịu, là Nam ông không ưng, là Bắc ông cũng chẳng thích: có lẽ ông chỉ muốn người ta gọi ông là người Việt Nam, ông muốn xóa bỏ cái biên thùy địa phương chật hẹp.
Cũng chính trong tinh thần ấy, ông không muốn chấp nhận cái tiếng nói với cái kiểu đọc theo giọng miền Trung, ông cũng chẳng bằng lòng với lối viết rất sai chính tả của miền Nam mà ông không ưa cái lối đọc rất cẩu thả của miền Bắc cho nên ông hô hào người ta thống nhất cách đọc và viết chữ quốc ngữ cho đúng.
Ông yêu Đông Phương nhưng ông cũng không thể chịu giam hãm trong cái ao tù Đông Phương, ông đi tìm Tây Phương nhưng ông cũng chẳng chịu để cho Tây Phương nhổ hết nơi ông những gốc rễ cổ kính đã do Đông Phương ăn sâu vào tâm hồn ông.
Cái cuộc đời lạ lùng ấy, cái tổng hợp kỳ diệu ấy, ông không muốn nhờ ai nặn ra nó mà ông muốn chính ông mò mẫm, nhiều khi rất gian truân, để tự làm lấy cuộc đời mình.”
Vết đen lý lịch: Cựu thành viên của Việt Nam Quốc dân Đảng, chủ bút của báo Nhân Văn trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm.
Vẫn còn rất nhiều những tài năng văn chương khác mà học sinh bây giờ không mấy ai biết về họ hết: Lan Khai, Phan Văn Hùm, Trần Dần, Hoàng Cầm, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, vân vân. Nếu có dịp, tôi sẽ muốn bàn tiếp về họ trong những bài viết sau này.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất