"Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này, 
Đó là những dòng mình đã vuốt ve rất lâu khi đọc xong Ngàn mặt trời rực rỡ của Khaled Hosseini.
Thật khó dùng ngôn ngữ để diễn tả sự xúc động của bản thân lúc này, nhưng có gì đó thôi thúc mình phải mở máy tính, cố gắng lưu lại chúng một cách nguyên vẹn nhất, trước khi kịp phai nhạt đi.
Chưa có cuốn sách nào mà mình đọc, khiến mình mong cái viễn cảnh 5 năm sau, 10 năm sau nó diễn ra nhanh như vậy. Mình mất thời gian dài hơn bình thường để đọc nó, không phải nó không hấp dẫn, nó thật sự quá hay. Nhưng nỗi dày vò nó mang đến thì thật là dai dẳng, dù cho mấy trăm trang sách không thể nào đủ để khắc họa những năm tháng địa ngục mà Marian và Laila đã phải chịu đựng.
Bốn thập kỉ biến động và li tán ở Afghanistan, một lối dẫn dắt chân thực bậc thầy, câu chuyện về những số phận bị vùi dập đầy ám ảnh. Với Ngàn mặt trời rực rỡ, Khaled Hossini đã thành công chạm đến trái tim người đọc bằng câu chuyện từ cuộc sống, tâm tư của con người quê hương ông.
Thật sự, đôi khi mình không tưởng tượng, tại sao Mariam có thể kiên trì sống sót đến vậy. Người phụ nữ tưởng như không còn tha thiết gì trên đời, hóa ra lại có một nguồn sống vô cùng mãnh liệt. Điều đó xuất phát từ trái tim của bà. So với Mariam, cuộc đời của Laila còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều. 
Mỗi khi cuộc đời bà có một tia hi vọng le lói, thì tất cả lại bị nhẫn tâm dập tắt hết đi. Một đứa con ngoài giá thú sống với người mẹ mang trong mình trăm ngàn nỗi oán hận dưới một túp lều nhỏ nơi hoang vắng. Giá như, Jalil không lui tới, không chơi với cô bé, không mang đến những câu chuyện và hi vọng, thì đời Mariam đã bớt bi kịch hơn, dù mẹ Nana có đay nghiến nhiều thế nào đi chăng nữa. Lúc đầu, thật sự mình không thích cách người mẹ Nana này dạy dỗ hay đối xử với Mariam, nhưng rốt cuộc bà có nỗi khổ riêng và cũng chỉ là một người phụ nữ đáng thương. Mình cũng đã như Mariam dại khờ, hi vọng lời Jalil nói là thật, hi vọng bố sẽ đến đón cô, nhưng cuối cùng tất cả đã bị đẩy xuống đến tận cùng của thất vọng. Còn gì đau đớn hơn sự bội phản của người mà ta tin tưởng nhất. Và từ giây phút đó là mở màn cho một chuỗi bi kịch kéo dài đến khoảnh khắc tử biệt cuối cùng.  
Mariam sống trong nỗi ân hận về cái chết của mẹ, sự thất vọng tột cùng bởi người cha hèn kém, Rasheed thuở ban đầu và những đứa con chưa kịp thành hình, giây phút nào đó, thiên chức của người mẹ đã cho cô thứ hạnh phúc ngắn ngủi. Nhưng cuối cùng, cô vẫn là người bất hạnh, không thể có con, chịu sự ghẻ lạnh và đòn roi của chồng. Kể cả khi Laila từ chối, ông ta cũng tìm đánh Mariam. Rồi khi chỉ còn cách kết liễu người chồng để cứu tất cả, Mariam vẫn là người hi sinh để đánh đổi cuộc sống tốt hơn cho Laila, Tariq và hai đứa trẻ.
Không ai dạy Mariam phản kháng, không ai bảo vệ bà khỏi đòn roi, cho đến khi Laila xuất hiện. Điều đó, đã khiến con tim vốn dĩ rất lương thiện của bà đã chết trong suốt bao lâu nay đập trở lại. Những đứa trẻ mang đến niềm vui và xoa dịu đi những vết thương trong quá khứ. Thật ra, Mariam vẫn thế, vẫn luôn hiền hòa và đầy tình yêu, dù đôi khi chính bà không nhận ra. Cái cách bà yêu mẹ và bố, dù họ chưa bao giờ thật sự làm những điều tốt cho Mariam, cách yêu mọi người, thứ tình cảm nảy nở với người chồng hay sau này là cô gái trẻ và những đứa con. Mariam luôn yêu tất cả mọi người xung quanh mình. Và dù chết trước khi đọc được bức thư mà Jalil gửi lại, bà đã chọn tha thứ cho người cha của mình, đã mong ông sống yên ổn khỏi chiến tranh. Chính trái tim đó đã mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người.
Còn Laila, may mắn hơn Mariam, nhưng không có nghĩa là hạnh phúc của cô không phải đánh đổi bằng rất nhiều mạng sống, máu, mồ hôi và nước mắt. Cô may mắn sinh ra trong gia đình có cả cha mẹ, được cha vô cùng thương yêu, dù người mẹ có phần tiêu cực sau khi con trai bà tham gia trận chiến, nhưng những năm tháng đầu đời của cô rất êm đềm. Cô có Tariq, được yêu, cô có những đứa trẻ. Thậm chí Rasheed vẫn đối xử với cô đỡ ác độc hơn so với Mariam. Cô còn được Mariam che chở, được có cơ hội trở về Kabul và là những điều cô mong muốn. Laila thông minh, kiên định, luôn chiến đấu và luôn vượt lên số phận. So với sự hiền hòa và êm đềm của Mariam, Laila mạnh mẽ và mãnh liệt hơn rất nhiều. Số phận của hai người cũng có một mối liên hệ kì diệu, là sự kết nối, vươn lên khỏi mọi nghịch cảnh. Nó làm mình liên tưởng đến câu chuyện trong "Tiếng chim hót trong bụi mận gai." Laila sống và hạnh phúc, để minh chứng rõ nét rằng, mọi sự hi sinh đều là đáng giá.
Thật là thiếu sót khi đề cập đến Ngàn mặt trời rực rỡ mà không nói đến câu chuyện của chiến tranh, bạo lực và đau thương. Trước giờ mình vẫn đọc tin, xem thời sự về chiến tranh ở đây. Nhưng chưa bao giờ cảm nhận nó chân thực và đau đớn đến vậy, vì đây là qua lời kể của những người đã sống, đã trải qua những mất mát đau thương đó. Họ không hề được ngơi nghỉ một ngày nào. Họ đã hi vọng tiếng súng chấm dứt trong nay mai, nhưng mọi điều cứ dai dẳng không dứt. Hết quân Xô Viết, đến những chiến binh Hồi giáo, rồi Taliban, Al Qaeda... không có phe đúng - phe sai, chỉ có máu, có những cái chết, mất mát và chia li. Hàng triệu người Afghanistan đã chế.t, đã mất đi gia đình, người thân, mất đi một phần cơ thể, đã sống lưu vong. Chỉ cần biết những điều đấy thôi, chỉ cần cảm nhận một phần thôi, để thấy cuộc sống của bản thân bây giờ thật quý giá. Lúc đó, chẳng mong cầu gì hơn về hòa bình, về một ngày tiếng súng ngừng hẳn đi, chứ tiền tài, danh vọng, hay thể diện như Jalil nói, trở nên hão huyền và không có đáng giá một chút nào nữa.
Nhưng tất cả không thể ngăn họ yêu thương, họ tha thứ, ngăn họ từ bỏ cuộc sống yên bình nơi lưu vong mà trở lại quê hương với hi vọng xây dựng lạ tất cả, làm lại trên mảnh đất có quá nhiều kỉ niệm này. Rocket có thể phá hủy cả thành phố, quân lính có thể đốt hết sách, nổ bom hết những di sản quý giá tồn tại suốt ngàn năm, nhưng không có thứ gì có thể kết liễu được niềm hi vọng. Còn hi vọng là còn sống, là còn tất cả.
Người đã tạo ra Thiên đường và mặt đất; Người đã tạo ra đêm nối tiếp ngày, ngày nối tiếp đêm và Người đã tạo ra mặt trăng và mặt trời một cách có chủ đích, tất cả đều vận hành trong thời gian định trước của mình. Hiển nhiên Người là Đấng Tối cao, là người xóa bỏ mọi tội lỗi.
Lạy Thượng đế tối cao! Hãy tha thứ và khoan dung bởi ngài là người độ lượng nhất.

Giống như đoạn kinh Mariam đọc trước khi bị xử tử, hay nguồn gốc của tên tác phẩm này.
“Không ai có thể đếm được mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng,
Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng”
Tất cả họ, và chúng ta nữa, vẫn không bao giờ ngừng hi vọng.
Một tác phẩm rất tuyệt vời, có lẽ một phần bởi vì nó quá chân thực và đau khổ. Mình đã muốn dừng lại khi Laila lớn dần lên và linh cảm những điều chẳng lành, mình cũng đã ngấu nghiến nửa quyển trong vòng vài tiếng. Đã kìm chế, thở dài, đã tiếc nuối thậm chí là rất giận, cuối cùng là bật khóc khi Mariam lựa chọn nhận tội và giây phút cuối cùng, hay lúc Laila trở lại thăm ngôi nhà cũ và tưởng tượng hình ảnh Mariam ngây thơ hồi bé.
Và hơn hết, tác phẩm này cho mình rất nhiều tình yêu và hi vọng, dể cảm nhận được ánh mặt trời rực rỡ sau muôn vàn nỗi đau.
Hà Nội.
13/04/2020.
Chúc tất cả một tuần tốt lành!