“Đó là một phút giây xao động.
Cô ấy cúi thấp đầu, cho anh ta cơ hội tiến đến gần hơn.
Nhưng anh ta không thể, vì thiếu dũng khí.
Cô ấy quay người và bước đi.”
Bộ phim khởi đầu bằng những dòng chữ trắng trên nền đen, báo hiệu một chuyện tình dang dở sắp xảy đến. Đó là một chuyện tình thật đẹp nhưng đầy day dứt, chứa đựng tính nhân văn và bao hàm cả những giá trị văn hóa phương Đông. Vì thế mà Tâm trạng khi yêu đã trở thành kiệt tác điện ảnh châu Á và trở thành một trong những cái tên không thể thiếu khi nhắc đến tinh hoa của điện ảnh thế kỉ 21. 
Tình yêu là gì?  Tôi tạm gọi nó là điều kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta. Bởi lẽ, chẳng ai có thể định nghĩa được rõ ràng về nó, mỗi người có một cách yêu khác nhau, tình yêu trú ngụ dưới muôn vàn hình thức. Tình yêu có đẹp không? Có – Tình yêu vẫn luôn đẹp, chỉ có con người tự làm nó xấu đi. Tâm trạng khi yêu đã khắc họa tương phản về 2 mối tình: một mối tình trong sáng và một mối tình trong bóng tối – trái với luân thường đạo lý, thậm chí 2 kẻ tệ bạc đó còn không xứng đáng để góp mặt trong bộ phim mà chỉ được nhắc đến trong những lời thoại.  Lấy cái xấu để làm nổi bật cho cái đẹp, tình yêu giữa 2 nhân vật chính giống như một đóa sen tỏa hương thơm ngát, tinh khiết và cao quý giữa đống bùn lầy của định kiến, những lời dị nghị và những kẻ đáng khinh. 
Phim có tiết tấu rất nhẹ nhàng, tựa như một làn sương mỏng phủ trên mặt hồ phẳng lặng. Mở ra trước mắt những người thưởng ngoạn là một phong cảnh tuyệt sắc rồi vụt tắt vào đêm tàn, người ta chỉ kịp thấy những con sóng ngầm cựa mình dưới lớp rong rêu. Với tôi thì phim giống như một giấc mơ thật đẹp, nhưng khi tỉnh dậy sẽ thấy khóe mắt vô thức rơi những giọt nước mắt từ lúc nào.  

Khởi mộng

Hồng Kông, năm 1962, có hai cặp vợ chồng chuyển vào khu tái định cư của người Thượng Hải. Đó là gia đình của ông Chu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ), làm phóng viên và một cô vợ thường xuyên tăng ca hoặc đi vắng nhà, và gia đình của bà Trần – Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc), làm thư ký cho một công ty hàng hải có chồng cũng thường xuyên đi công tác. Ông Chu và bà Tô là những con người trầm lặng, không mấy xen vào cuộc sống của hàng xóm và ít khi bắt chuyện với họ. Vì hai nhà bên cạnh nhau nên không tránh khỏi những lần giáp mặt ở hành lang hẹp, nhất là đối với những con người thường xuyên ở nhà, tan ca là về thẳng nhà như họ. Và bí mật mà chồng/ vợ của họ cũng chẳng thể giấu nổi: Bà Trần có chiếc túi xách đẹp, đây là hàng ngoại, trong nước không bán, phu nhân họ Chu nhà bên cũng có một cái giống hệt. Chu Mộ Văn được vợ tặng một chiếc cà vạt, cũng là hàng ngoại, Trần phu nhân phát hiện chồng mình cũng hay đeo một chiếc giống vậy. Họ đều phát hiện ra người bạn đời đã phản bội mình, nhưng không đủ dũng khí để đối mặt với nó. 
Mỗi ngày trôi qua đều trở nên nặng nề, nỗi cô độc ôm lấy ông Chu trong làn khói thuốc nơi phòng làm việc. Dáng đi uyển chuyển, thanh lịch nhưng cô quạnh của bà Tô đi về sớm khuya giữa con ngõ nhỏ, bậc cầu thang, tiếng guốc vang lên trong màn đêm tịch mịch, nỗi hoang mang, chới với mỗi lần bàn tay miết trên vịn cầu thang. Sự đồng điệu trong tâm hồn của hai người dần kéo họ lại với nhau, ban đầu là những câu chào xã giao ngượng ngùng, rồi đến thân tình hàng xóm, thỉnh thoảng mượn nhau vài món đồ, sau đó gặp mặt nhau để bộc bạch về việc ngoại tình của vợ/chồng mình và cuối cùng giữa họ nảy sinh một thứ tình cảm đặc biệt, tiến chẳng được mà buông cũng không đành.   
Từ từ, họ sa vào màn sương mù vô thường của đau khổ, tiếc nuối, và nỗi nhớ ngọt ngào.
Từ từ, họ sa vào màn sương mù vô thường của đau khổ, tiếc nuối, và nỗi nhớ ngọt ngào.
Tâm trạng khi yêu không hề có cao trào, mâu thuẫn, hay những lời thoại cay nghiệt nào, thậm chí lời thoại còn rất ít. Có lẽ đây là một bài toán nan giải cho 2 diễn viên chính là Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc. Thế nhưng đã có một Chu Mộ Văn lịch lãm, cô liêu, mang nỗi đau bị vợ phản bội và cảm giác bất lực khi không thể tiến tới người mình yêu; một Tô Lệ Trân kiêu kỳ, mạnh mẽ nhưng thẳm sâu bên trong tâm hồn là nỗi giằng xé giữa định kiến xã hội và theo đuổi tình yêu chân thành. 
Ở xã hội hiện đại, chúng ta vẫn đùa với nhau rằng: “Tình yêu mà không có tình dục thì là tình … đồng chí”. Còn Tâm trạng khi yêu có một tình yêu vượt qua những ham muốn tình dục bình thường, không hề có một nụ hôn hay cảnh ân ái nào, thậm chí là câu nói anh yêu em/ em yêu anh cũng không có. Họ yêu nhau mà không cần phải nói ra. Thứ tình cảm giữa hai con người đồng điệu về tính cách, tâm hồn, họ như là tri kỷ, là bờ vai để đối phương dựa vào, chia sẻ niềm đam mê, truyền cảm hứng cho nhau… nếu không được gọi là tình yêu thì gọi là gì đây? Những cơn mưa xuyên suốt như tô điểm vào mạch buồn của phim, càng khiến tình yêu của họ trở nên lãng mạn hơn: hai con người cô đơn đứng trú trong cơn mưa đêm, không đi quá giới hạn, người này nhường ô kẻo sợ người kia đi về bị ướt vì lo hàng xóm dị nghị. Để rồi thứ tình cảm đẹp đẽ đó cũng không thể cập bến hạnh phúc mà chỉ dang dở như thế suốt cả một đời dài đằng đẵng. 
Điều đau khổ nhất trong tình yêu có lẽ là yêu nhau nhưng không đến được với nhau

Người tỉnh, mộng tan 

“Ngày xưa, nếu ai có bí mật gì mà họ không muốn chia sẻ với người khác, anh có biết họ sẽ làm thế nào không?”
A Bình trả lời: “Sao mà tôi biết được?”
Chu Mộ Văn nói: “Họ sẽ trèo lên đỉnh núi, tìm một cái cây, khoét một lỗ trên thân cây, và sau đó thì thầm bí mật của họ vào cái lỗ. Sau đó họ lấp cái lỗ ấy bằng bùn đất. Vậy bí mật sẽ ở chỗ cái cây đó mãi mãi, không ai có thể biết được.”
Đó là cách mà Chu Mộ Văn làm để chôn giấu những bí mật và tình cảm của anh dành cho Tô Lệ Trân. Sau bao nhiêu năm, khi đã trở thành người đàn ông trung niên, anh lặn lội đến Angkor Watt, thì thầm với cái lỗ trên bức tường cũ kĩ, đổ nát, sau đó bịt kín lại bằng bùn. Tình yêu mà Chu Mộ Văn và Tô Lệ Trân dành cho nhau, là tình yêu “sống để dạ, chết mang theo”, cho dù không nói ra, không được ở bên nhau, nhưng họ vẫn mang tình yêu dành cho đối phương cho đến cuối đời.
Tên tiếng Trung của Tâm trạng khi yêu là Hoa dạng niên hoa, có nghĩa là Năm tháng vui vẻ trôi đi như những cánh hoa. Tôi thích cái tên này hơn, nó truyền tải trọn vẹn thông điệp mà bộ phim mang lại. Giống như cái cách mà phim kết thúc với những dòng chữ đầy hoài niệm và tiếc nuối, có lẽ là khi Chu Mộ Văn đã già, khiến người xem nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ mà đẹp đẽ của họ: 
“Ông ấy nhớ những tháng ngày đã qua ấy,
Giống như nhìn qua khung cửa sổ phủ đầy bụi mờ.
Quá khứ là một thứ gì đó mà ông ta có thể thấy, nhưng không thể chạm vào.
Và mọi thứ ông ấy thấy chỉ mờ mịt và hoen ố.”
Quá khứ là một thứ gì đó mà ông ta có thể thấy, nhưng không thể chạm vào.
Quá khứ là một thứ gì đó mà ông ta có thể thấy, nhưng không thể chạm vào.
Bộ phim tinh tế đến cả những cảnh credit, một màu đỏ rực thể hiện tâm trạng khi yêu: luôn rạo rực và nồng cháy. Thế mới biết rằng để kiểm soát và kiềm chế được những hành động không đi quá giới hạn, những câu nói xã giao giấu đi cảm xúc thật, những cái nhìn chất chứa bao nỗi lòng của hai con người đang cùng một tâm trạng khó khăn và ngập tràn tiếc nuối thế nào. Tâm trạng khi yêu khép lại với người xem có lẽ chỉ là những ký ức về một bộ phim tình cảm đẹp đến day dứt, hay như một bản tình ca buồn thảm về một tình yêu không thể nói còn đối với họ là nuối tiếc dai dẳng cả đời, là những ký ức đẹp chỉ có thể nhìn mà mãi mãi không thể chạm vào, là những nỗi nhớ chẳng thể nào nguôi…  
“Tình yêu mãnh liệt tột bậc mà vô cùng tiết chế… Những ánh mắt trao nhau, da thịt lướt qua nhau trong hành lang chật hẹp, bàn tay nắm ngập ngừng… và rồi mối tình của họ tan biến ngay trước mắt chúng ta.” 
– David Fear, Time Out New York
Bộ phim kết thúc mà ngỡ như nó sẽ còn tiếp diễn mãi.
Xem các bài viết khác của mình trên:
- Fanpage: Haru
- Blog: