Squid Game, Black Mirror, blah blah blah, một chỉ trích của một Baudrillardian về những thứ phim ảnh mệt mỏi
Squid Game, cũng giống như (series) Black Mirror hoặc The Platform, là sản phẩm của một nền giải trí phim ảnh mệt mỏi. Nó chẳng nói lên điều gì quá to tát ngoài những thứ đèm đẹp nghề nghệ nó mang tới.
Bài có một đoạn rant nhỏ ở dưới. Nếu chỉ muốn bàn luận về phim, bạn có thể bắt đầu từ đoạn [hết rant]
Trước tiên phải nói là Squid Game hay, cuốn hút. Cốt truyện đơn giản, vô cùng dễ hiểu, những trò chơi cũng thú vị và nhịp phim không bao giờ bị quá nhanh/quá chậm (hoặc do mình xem phim tốc độ x2). Mình xem liền một mạch từ phần 1 tới phần 9 mà không thấy chán, có tính giải trí cao. Phim làm hình ảnh cũng đẹp, quay đẹp, diễn viên xinh, nhân vật đa dạng. Nói chung, nó là một tác phẩm giải trí tốt.
Rant:
Về những hình ảnh thì mình không lên Facebook nhưng cũng đoán già đoán non là thể nào cũng có anh chị bạn dì nào đó nói về hình tượng Thiên Chúa giáo rồi. Thật ra tính hình tượng tôn giáo của series gần như giằng lấy đầu khán giả rồi gào vào mặt: MÀY CÓ NHÌN THẤY HÌNH TAM GIÁC LÀ BA NGÔI CỦA NGƯỜI KHÔNG? MÀY CÓ BIẾT LÀ THẰNG NHÂN VẬT BỊ MẤT TÍCH TRỞ NÊN RẤT QUAN TRỌNG ĐỌC DESIRE CỦA LACAN KHÔNG? MÀY CÓ BIẾT BỌN TAO VẼ HÌNH THÁNH GIÁ LÊN QUAN TÀI KHÔNG? MÀY CÓ BIẾT ÔNG GIÀ SỐ 01 THẬT RA LÀ ABC KHÔNG? Blah blah blah… Sợ người xem không hiểu, Squid Game còn cố tình nhét thêm một con chiên mộ đạo lúc kéo co và giải thích tường tận ý nghĩa hình ảnh tôn giáo của cả bộ phim, cũng như để cảnh cuối cùng đánh nhau trong lúc mưa. Nếu Squid Game muốn mọi thứ trở nên dễ đoán hơn chút nữa, có lẽ đằng sau bữa ăn cuối cùng của các nhân vật chính trong tập cuối nên có bức Leonardo da Carpio của The Last Supper.
Nói thêm một chút về hình tượng, phim làm các loại hình tượng nói chung là cố quá và ẩu. Cùng chủ đề thì The Flatporm, dù nội dung rời rạc và nói chung là chán hơn, làm hình tượng kín hơn nhiều. Squid Game để các nhân vật cả phản diện lẫn chính diện gào vào mặt nhau (và mặt khán giả) về một “trò chơi công bằng” (nhưng thực ra không công bằng chút nào) và việc mạng người được đổi bằng tiền. Chống tư bản blah blah blah, định giá con người blah blah blah các thứ các cái, cái này còn chả phải hình tượng nữa mà nói thẳng ra luôn rồi.
Nhân tiện, một mạng người bằng 1 triệu won? Indecent Proposal làm hay hơn nhiều. Sẽ trở lại ở đoạn dưới.
Hết rant.
Okay nói chung là ý nghĩa và hình ảnh của phim, cũng giống như những trường phim báo động tận thế cận viễn tưởng, hiện thực huyền ảo khác (chả biết đặt tên dòng phim này kiểu gì, phim thể loại “phim tư bản muộn”?) kiểu này hay trước đó là series Black Mirror, phim The Hunt hay The Platform hoặc một vài phim nữa (không nhớ), thường giống như trò Sudoku trong trang cuối tờ báo. Rất thú vị nhưng để giết thời gian. Cả nó, Squid Game hay Platform trước đó, đều đầy rẫy những hình ảnh kiểu nửa kín nửa hở để người xem tương tác, đoán ý nghĩa và tâm đắc với ý tưởng của mình. Thật ra như vậy không hề tệ vì nó mang tính giải trí cao, người xem được nói chuyện với nhau và phim/series cũng trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Và Squid Game thì hấp dẫn thật.
Có cái điều là, rồi sao? Giải được những ý nghĩa đó rồi sao? Chúng ta có thể thấy hình ảnh đoàn người nợ nần từ bỏ thế giới thật (được đặt tên ngụ ý ở Ep2 là Hell) chả khác gì với nhân viên công sở vác cặp đi làm. Những trò lừa gạt, đầu gấu, ăn gian với nhau ở trong Squid Game nó cũng giống như hình tượng xã hội thu nhỏ… Mà phim nào trong dòng phim này chả cố tạo ra một hình tượng xã hội lớn, rồi cố gắng thu nhỏ nó bằng những nhân vật với dày đặc các khuôn mẫu để nói lên một ngụ ngôn gì đó? Một trong những cha đẻ của dòng phim này là The Matrix, mà bản thân The Matrix cũng được nhắc đến trong series, là ví dụ điển hình nhất. Lời giới thiệu của bộ phim được vẽ ra như là một thế giới thật nằm dưới một thế giới giả, mà thế giới thật thì đơn giản hơn rất nhiều với những hình tượng trắng đen khá rõ ràng. The Platform cũng thế, một thế giới thật với bao nhiêu cái xấu tốt của nhân loại, con người ăn thịt lẫn nhau vân vân cũng lộ ra dưới thế giới giả mà các nhân vật vốn sống thường ngày. Series Black Mirror thì phức tạp hơn một chút, khi thế giới được tạo ra là thế giới tương lai với những hiểm họa đến từ công nghệ.
Sự tương đồng của những bộ phim, series này nằm ở chỗ, chúng đều đang muốn phản ánh xã hội bằng cách tạo ra một xã hội khác với những hình ảnh đặc thù trở nên… đặc thù (duh). Nhưng, giống như nguồn cảm hứng của The Matrix, triết gia Jean Baudrillard đã nói về chính bộ phim mà ông thằng thừng từ chối làm cố vấn, “The Matrix là bộ phim mà chính hệ thống Ma trận sẽ tạo ra”.
Tại sao Baudrillard lại nói như thế? Trong bài phỏng vấn vào những năm cuối đời của mình, một Baudrillard cau có và vỡ mộng với những lý thuyết phê phán (Critical theories) cho rằng, những bộ phim này được tạo ra như cách thế giới tư bản mà chúng chỉ trích tự nội hóa (internalise) tất cả những hướng đi khác để chống lại tư bản. “Đó là một trompe-l’oeil (ảo thị) tiêu cực được tích hợp vào trong hệ thống diễn cảnh (spectacle), cũng giống như những thứ lỗi thời được tích hợp vào trong xã hội công nghiệp trước đây” – Baudrillard kết luận.
Series mình vừa thích vừa ghét nhất chính là Black Mirror. Thích vì nó đẹp và nhiều tập hay, nhưng ghét cũng chính vì nó đưa người ta vào một thế giới quá ảo tưởng: “Hãy nhìn những công nghệ này và những gì người ta có thể làm để lạm dụng nó!”, series gào lên như một con chiên ngoan đạo muốn truyền giáo về khoa học tới tất cả loài người. Giống như ví dụ của Baudrillard về Disney World, Disney World là thế giới không có thật được tạo ra ngoài đời thật để chứng tỏ rằng thế giới không có thật này có thật nhưng không có giá trị của cái thật, chỉ để phản ánh những thứ bên ngoài xã hội kia (nước Mỹ, giấc mơ Mỹ) là thật, trong khi những giá trị đó cũng là các mô phỏng (simulation), thì ở đây, Black Mirror cũng tạo ra những thế giới công nghệ tưởng như sẽ có thật để đánh lừa chúng ta rằng một tận thế về công nghệ đang không diễn ra (như series đã chỉ ra) và chúng ta có thể làm những cách gì đó hay ho để ngăn chặn cho một tương lai Black Mirror như thế, trong khi thế giới bên ngoài kia (của chúng ta) đầy hy vọng và (chưa) có những vấn đề như trong phim. Trên thực tế, series Black Mirror giống như một lời cảnh báo về công nghệ nhưng lại hoàn toàn không đưa ra được viễn cảnh nào khác ngoài công nghệ thống trị thế giới để giải quyết những vấn đề hoàn toàn đã xảy ra trong xã hội hiện tại, dù công nghệ như thế có thật sự tồn tại hay không.
Điều tương tự cũng xảy ra với The Flatporm. Mình thích phim này vì tính văn học và cái nhìn hy vọng của nó, đã từng nói trong bài trước rồi nên không nói lại nữa. Nhưng, tương tự như Matrix hay Black Mirror, The Flatporm cũng không đưa ra một con đường nào thật sự khác biệt ngoài việc phê phán chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế nhỏ giọt trên xuống. Cuối cùng bộ phim bất lực trao tay vào niềm hy vọng nơi bản tính con người. Tất cả những yếu tố này đều thể hiện đầy đủ ở Squid Game (SG).
Điều thô thiển nhất mà SG tạo ra chính là những vị khách VIP, những con người đứng đầu kiểm soát trò chơi. Những nhân vật không có giá trị gì ngoài thúc đẩy việc kiến tạo thế giới phim (lore) này biến người thành vật một cách khá nhạt nhẽo. Những con người giàu có coi mạng người là trò đua ngựa, phòng stream trò chơi cũng toàn đặt chân lên phụ nữ đang quỳ, gối đầu vào ngực phụ nữ… cũng là để nói về tính chất của tư bản, vật hóa con người blah blah. Tính chất này trước đây Baudrillard đặt tên là “The Living Coin” (đồng xu sống) khi nói về bộ phim Indecent Proposal. Trong bộ phim, một tỷ phú đề nghị bỏ ra một triệu đô la để đổi lấy một đêm với một phụ nữ đã có chồng. Baudrillard nhận xét, với việc định giá loài người như vậy, ông tỷ phú đã biến tiền bạc, thứ đáng ra phải là công cụ, trở thành mục đích. Tương tự với SG thôi, tiền bạc từ công cụ trở thành mục đích, con người trở thành công cụ. Công cụ để giải trí, để chém giết nhau… không quan trọng lắm, và cũng không có gì mới cả, chỉ thấy sắc nhọn (edgy). Thế mới bảo Indecent Proposal làm phép ẩn dụ đó dịu dàng trìu mến và xinh xẻo hơn rất nhiều.
Một chủ đề khác của SG là bản tính con người. Ngay ở đoạn cuối cùng, hai nhân vật đối chọi với nhau về bản tính xấu tốt của con người giống như Quỷ và Chúa trước Job từ trên cao nhìn xuống cũng là để nói về bản tính con người. Ông quản trò cuối game nhè ra một ý tưởng cũ rích của Schopenhauer: “Đời người như con lắc, rung động giữa đau đớn và chán nản. Giàu quá thì chán nản, nghèo quá thì đau đớn”. Nếu đây là ý nghĩa mà nhà làm phim Squid Game định bón cho độc giả - mà dường như là vậy – thì ý nghĩa của cả series trở nên nhạt nhẽo và nhồi nhét hơn một chút. Câu hỏi về bản chất con người – tốt hay xấu – là một câu hỏi cũ rích và hoàn toàn không phù hợp với thời đại này. Dù cho đoàn làm phim có cố gắng chỉ trích tư tưởng tân tự do bằng cách đả phá xã hội “công bằng” đi nữa, thì cuối cùng mấu chốt của bộ phim vẫn nằm ở một nhân vật anh hùng có những hành động nghĩa hiệp, hoặc bản chất con người là tốt đẹp. Việc này cũng là một cái buông tay bất lực trước những nguyên nhân to lớn hơn mà đoàn làm phim có thể khai thác, về xã hội hay kinh tế. Nhưng cuối cùng giá trị đạo đức của bộ phim lại đổ về tay một cá nhân duy nhất với một thông điệp vừa cũ vừa không hiểu cả người giàu lẫn người nghèo.
Cuối cùng, giống như những phim chỉ trích tư bản nhưng chẳng làm gì để chống lại nó, SG có những tuyến truyện dài dòng để giải thích nội dung phim mà cũng không thật sự có quá nhiều ấn tượng hay giá trị, ví dụ như toàn bộ tuyến truyện của anh cảnh sát. Bộ phim dù đang cố truyền tải điều gì qua những bản Jazz kinh điển hay những trò chơi trẻ con rùng rợn, cũng đều chẳng đưa ra một giải pháp gì khác ngoài truyền tải những bài học đầy tính chất ngụ ngôn Aesop. Sau những giây phút tranh luận với nhau nơi công sở hoặc trên cõi mạng, người ta lại cắm đầu vào tiêu dùng và hưởng thụ, chẳng có điều khác biệt. Dường như, phải đẩy con người vào chỗ xa lạ thật sự, phải nhét ý nghĩa phim vào mặt người ta như SG thì họ mới có thể hiểu ra rằng mình đang bị chèn ép và gật đầu với sự chèn ép đó.
Với những thước phim đẹp và những lớp lang hình ảnh che đậy vừa đủ để người ta search trang đầu google là hiểu ra, thì ý nghĩa mà Squid Game mang tới thật sự nghèo nàn và không có gì mới mẻ. Những hình ảnh như loài người giết lẫn nhau để giành tiền, một lớp người thượng đẳng định giá con người hoặc thế giới này có một xã hội bí mật “thật” hơn, nơi người ta thể hiện được sự phải trái đúng sai của mình một cách rõ ràng chẳng có gì đặc biệt hơn là vẻ đẹp hào nhoáng nghệ thuật vừa phải của nó. Và như vậy cũng không có gì sai, xem vẫn hay. Chỉ hơi mệt.
Có lẽ việc thô thiển khi đưa những nhà đầu tư nói tiếng Anh nhìn xuống con người và chơi bạc với sinh mạng con người cũng giống cách chúng ta hay suy nghĩ về những thuyết âm mưu: Rằng có một thế lực đen tối nào đó, rất thật, rất nguy hiểm, rất xấu xa đang đầu độc và hãm hại những con người thiện lành là chúng ta, và chỉ cần hạ bệ hoặc sỉ nhục họ là mọi việc sẽ kết thúc. Điều đáng sợ ở thế giới chúng ta đang sống, một thế giới mà người ta phải làm ra những thứ như Disney Land, Mrack Billor hay Squid Game để tượng trưng, là thế giới chúng ta chẳng có gì như thế cả. Nó đàn áp mọi người bằng những quan hệ xã hội chồng chéo, và dù bạn có giết hết Top100 Forbes thì xã hội cũng không thay đổi nhiều lắm.
Những thông điệp như vậy, dĩ nhiên Squid Game không đủ khả năng để đem lại. Và nếu đủ khả năng để đưa ra, họ cũng không làm, vì như thế chẳng có gì để nói cả ngoài những thước phim tài liệu về cuộc sống hằng ngày.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất