Minimalism, hay còn gọi là phong cách tối giản, một chủ đề không còn lạ lẫm nhiều hiện nay, đặc biệt trong giới trẻ. Hai chữ tối giản, chúng ta thường sẽ liên tưởng đến phong cách đơn giản trong thiết kế, hay thời trang. Tuy nhiên, tối giản cũng có thể áp dụng trong lối sống và tư duy. Cuốn sách “Chủ Nghĩa Tối Giản” bởi tác giả Chi Nguyễn, sẽ nói sâu hơn về lối sống tối giản. Đồng thời cũng tình cờ dẫn mình đến với trang blog, The Present Writer.
Ấn tượng về sách
Ban đầu mình tìm tới cuốn sách do một phần nghe rất nhiều người đọc và khen hay. Hơn nữa, mình khá ấn tượng và thấy thu hút bởi trang bìa thiết kế hoàn toàn tối giản, nhưng thể hiện lên đúng tính cách của sách và nội dung.
Tối giản cũng là phong cách mình thích nhất, đặc biệt trong thiết kế. Mình tuy rằng không phải thích trào lưu, nhưng vẫn bị thu hút những điều mới mẻ và lạ mắt. Vì thế, mình bắt đầu thích phong cách đơn giản, không cầu kỳ, và ít chi tiết, hoa văn. Từ đó mà mình muốn sưu tầm vài cuốn sách về lối sống tối giản. Rất không ít sách về lối sống này, nhưng mình bắt đầu đọc “Chủ Nghĩa Tối Giản” thì mình nhận ra mình không hề hối tiếc khi xem sách này là lựa chọn đầu tiên.
Cuốn sách được viết rất đơn giản, đầy dễ hiểu, lại không kém phần diễn đạt rất rõ ràng, giúp mình có cách nhìn sâu hơn về khái niệm “tối giản” là như thế nào. Tác giả cho rằng không có “công thức chuẩn” nào được cho là tối giản, là hạnh phúc. Tất cả đều phụ thuộc vào cuộc sống mỗi người. Không có nguyên tắc nào khẳng định như vậy mới là tối giản, như kia mới là hạnh phúc. Vì không có điều gì hoàn toàn đúng hay sai áp đặt chính bản thân trong khuôn khổ. Đây chính là điều mình rất thích về sách này.
Mục lục và nội dung
Mục lục chia thành 3 phần khác nhau với bố cục đơn giản. Trong Phần 1, tác giả đề cập đến các khái niệm về lối sống tối giản, ít đồ đạc, và ít lựa chọn. Nội dung được bắt đầu với khái niệm “tối giản” thực sự là như thế nào. Không có gì khó hiểu hơn là đơn giản hoá trong lối sống, bỏ đi hoặc giảm đi những thứ xem là dư thừa. Đối với người chưa hiểu rõ về tối giản, có thể sẽ cho rằng đơn giản là keo kiệt, nhàm chán, hay có quan niệm sai lệch về lối sống này. Điều này tác giả cũng có nói trong sách, nên giúp mình có cái nhìn thoáng hơn, sâu hơn và rõ hơn.
Phần 2 đề cập về tư duy tối giản, và sống tích cực. Như mình từng nói, tối giản không chỉ xoay quanh trong phong cách thiết kế hay thời trang, mà cũng có thể áp dụng trong tư duy giúp bản thân sống tích cực, tự tin hơn. Tuy nhiên, duy trì được tư duy tích cực không hề dễ dàng, và đối với mình cũng vậy. Những lời khuyên như “suy nghĩ tích cực đi”, “nhìn vào mặt tốt”, hay “cố gắng mạnh mẽ lên” nghe chắc chắn giúp ích rồi, mình thì lại nghĩ nó chẳng phải lời khuyên tốt nhất. Vì nói ra là dễ, mà nếu bạn là người bị, thì bạn đã đạt được bao nhiêu phần trăm lời khuyên? Ngay cả bản thân tác giả phải mất rất nhiều giai đoạn và thời gian mới tìm ra được cách duy trì lối tư duy tích cực.
Do đó, nếu ai muốn hỏi “Có mẹo nào chính xác để duy trì được lối tư duy tích cực?” Câu trả lời của mình sẽ là chỉ có tự mình mới kiếm ra được phương pháp phù hợp nhất, hữu ích nhất cho mình, mặc dù có muôn vàn lời khuyên từ những người tích cực, các tác giả của cuốn self-help. Nghe lời khuyên có vẻ vô ích, nhưng mình thấy thuyết phục. Nên câu nói “chỉ có mình mới cứu được mình” không bao giờ sai.
Trong Phần 3, tác giả chia sẻ các phương pháp thực hành giúp mình sống và suy nghĩ lành mạnh, mang lại giá trị tốt cho cuộc sống của chính mình và người xung quanh. Chị viết “tôi chọn những cách sau…” để nêu ra những bí quyết giúp chị trở thành con người lành mạnh, như viết lách, thiền, dậy sớm, v.v. Đối với một số người khác, họ có thể sẽ chọn cách ra ngoài, giao lưu, hay du lịch thì mới có thể hữu ích cho họ. Tóm lại, để nuôi dưỡng cái tôi lành mạnh, mỗi cá nhân có quyền tự tạo lịch trình riêng cho hằng ngày của mình. Có thể là yoga, tập gym, hay có thể là việc hoạt động trong nhà.
Kết luận
Sách “Chủ Nghĩa Tối Giản” ra rất nhiều lời khuyên rất hữu ích. Mình rất thích cách chị tác giả chia sẻ lời khuyên từ trải nghiệm của chính đời sống cá nhân của mình, mà không hề dùng từ ngữ áp đặt rằng lời khuyên của chị mới hoàn toàn hữu ích, hoàn toàn đúng. Chị thể hiện rằng các luận điểm của chị chỉ dựa trên kinh nghiệm bản thân, khuyến khích người đọc phải tự rút ra bài học và quyết định riêng để tự giúp đỡ chính mình, cho mình lối đi phù hợp nhất. Vì thế, mình thấy cuốn sách này rất đáng để đọc và sẽ hữu ích cho cuộc sống.
Mọi người nghĩ gì về bài đánh giá này? Nếu thích cuốn sách thì mua tại Shopee.