Nhanh thật, mới đó mà đã lại hết năm rồi. Tự nhiên tôi thấy mình ngơ ngẩn mà nghĩ đến cái tương đối của thời gian: tại sao lúc nào nhìn lại 1 năm cũng qua đi như 1 cái chớp mắt, trong khi lúc đợi chờ tin nhắn của người ta, dù chỉ 5 10 phút thôi cũng tưởng như cả thế kỷ vậy hả trời :|
Tôi cố rà lại ký ức của cả 1 năm ròng, mà sao chỉ vài hình ảnh rời rạc hiện về trong tâm trí. 

Đó là cái ám ảnh đầu năm ốm yếu rệu rạc sau chuyến đi chơi xa, ho mất cả giọng chỉ lo không đi dạy được, mà lại còn bonus thêm quả tình đơn phương nhiều năm up ảnh đi lấy chồng. Cũng buồn cười, cái điều bản thân biết quá rõ là sẽ phải đối mặt một ngày nào đó, vậy mà khi nó đến tự dưng tim vẫn thấy nhói đau. Ừ thì, có ai không giữ lấy cho mình một vài cái hy vọng viển vông, đôi khi cũng là để có thêm chút sức mạnh mà đối mặt với chuỗi ngày dài với những công việc và hành động lặp đi lặp lại đến tẻ nhạt của cuộc đời.
À đấy, lại nói đến những chu kỳ lặp đi lặp lại. Có lẽ cái cách mà cả cộng đồng đều thừa nhận và áp dụng để đối phó với nó là ... đưa nhau đi trốn, đi đến vài nơi xa xôi lạ lẫm, check in rồi up lấy con ảnh avatar Facebook cho tươi mới (rồi lại nằm dài đếm lượt like và thả tim). Phải thôi, như những gì Paulo Coelho đã viết trong Phù thủy phố Portobello: "For those who travel, time does not exist, only space" - Với những người di cư, thời gian không tồn tại, chỉ có nơi chốn mà họ dừng chân mà thôi. Vì vậy mà ta có thể tạm quên đi việc bóc lịch, à nhầm, đếm lịch mỗi ngày. Tuy nhiên, có 1 điều mà chính ông cũng đã viết trong tác phẩm ấy: "I offer them a few curious facts, tell them to listen to the group who'll be playing later on, make a few remarks about our culture, and then they leave with the impression that they know everything about us" (Lược dịch: Với những du khách, tôi nói cho họ vài sự thật thú vị, bảo họ nghe 1 ban nhạc của chúng tôi sẽ chơi vào lúc muộn, cùng vài điều đặc biệt về văn hóa của chúng tôi, và họ ra đi mãn nguyện như thể họ biết hết mọi thứ về chúng tôi vậy). Vậy đấy, thường thì cái mà ta nhận được sau một chuyến du lịch nó ít hơn ta tưởng rất nhiều, mà thứ quan trọng hơn ta không nhận ra lại là cái cảm giác vừa bình yên vừa có chút xa lạ với những hình ảnh sự vật thường ngày nơi mình gắn bó mỗi lần đi du lịch về. Có lẽ đó mới thực sự là thứ tiếp thêm cho ta động lực để trở lại với chuỗi ngày dài cơm áo gạo tiền, chứ đâu phải bức ảnh triệu like cùng lạc đà hay mấy toà nhà xa hoa.

Hình ảnh tiếp theo đến với tôi là nỗi ám ảnh công việc, khi 2018 là một năm bận sấp mặt với luận án và tích lũy kinh nghiệm giảng dạy. Tôi vẫn thường nghe mẹ kể về quãng thời gian bận rộn của cuộc đời bà với 1 thái độ khá dửng dưng, nhưng khi chính bản thân mình để công việc cuốn đi thì mới thấy khả năng cân bằng cuộc sống mà mấy ông tác giả self-help vẫn rao giảng quả thực không phải thứ dễ dàng gì. Tôi tin rồi sẽ có lúc bạn phải đối mặt với hoàn cảnh như tôi thôi (trẻ mà, mấy ai không ham việc, ham kinh nghiệm). Vậy nên, có 1 điều tôi thực sự muốn nhắn nhủ với bạn: Càng bận bạn càng phải nghiêm khắc hơn với bản thân mình. Vì trớ trêu là khi việc ngập đầu bạn khó có thể tuân thủ những thói quen lành mạnh nhất, dù bạn biết đó chính là lúc bạn cần chúng nhất để cứu bạn khỏi áp lực đến quá tải và có thể là suy sụp. Vì vậy, hãy cố mà nhớ lấy mấy cái này bạn nhé: (1) thiết lập hệ thống mục tiêu cho mỗi ngày, review nó thường xuyên để có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, (2) tính toán quãng nghỉ cần thiết cho trí óc khỏi quá tải, và (3) ít nhất là phải ăn uống đúng giờ nếu không thể tập luyện thể thao đều đặn. Nếu không thì ... :)

Thứ cuối cùng trong cái review nho nhỏ này mà tôi muốn nhắc đến là sách. Tôi có thể nói là 1 người đọc nhiều, chả phải tự hào gì vì chỉ do điều kiện công việc phù hợp và khuyến khích việc đọc. Nhưng điều tôi muốn đề cập ở đây là tác dụng của sách trên con đường tìm kiếm bản thân mình. 2018 cho tôi cơ hội được gặp 1 vài nhân vật mà có lẽ sẽ ám ảnh tôi đến suốt cuộc đời: như hình ảnh cuối cùng của Nương trong "Cánh đồng bất tận", nằm bất động để mặc mấy thằng súc vật đang hùng hục hùng hục trên người mình, bên cạnh là đôi mắt đau khổ, bất lực và có thể pha chút hối hận của người cha đê hèn; hay sự kiên cường và bền bỉ đến xúc động của ông lão nhỏ bé giữa biển cả bao la trong "Ông lão và biển cả" của Ernest Hemingway; hoặc sự đau khổ đến cùng cực của số phận người đàn bà trong Anna Karenina đến nỗi nàng phải tự lao đầu vào đoàn xe lửa để kết thúc, và để dằn vặt những người trong tấn thảm kịch cuộc đời. Đọc nhiều khi không dễ dàng, mà rất mệt. Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi mình tại sao họ (bọn nhà văn) cứ phải đem vào tác phẩm những sự đau khổ đến cùng cực như vậy, để rồi tự bản thân nghiệm ra rằng chỉ có trong đau khổ ta mới hiểu được cái "tính người". Cái đau, cái sợ, cái cảm thông, cái ám ảnh, tất cả sẽ khiến ta nhận ra một điều cốt lõi mà bọn họ đang cố nói qua những tác phẩm của mình: Sự nhạy cảm của loài người. Và vì nhạy cảm, nên hầu hết mọi người (dù có thừa nhận hay không) sẽ phải đối mặt với những tổn thương tâm lý trong cuộc đời mình. Bạn không tin ư, cứ thử đọc "Tiny beautiful things" đi, tôi đảm bảo bạn sẽ nhìn thấy mình trong kha khá những hoàn cảnh éo le của cuộc đời trong tác phẩm ấy. Và khi nhìn lại mình, tôi biết tôi cũng có 1 vài vết thương sâu thật sâu, mà chính bản thân vẫn cứ huyễn hoặc tự lừa dối mình và che giấu chúng đi. Tôi cũng không biết mình có thể thực sự hàn gắn chúng được hay không, nhưng tôi tin điều trước nhất là phải tìm được và thừa nhận chúng, một tác dụng chưa bao giờ tôi trông đợi từ việc đọc. 
Còn bạn thì sao?


Kết: Bỏ mie sao đọc lại thấy 2018 u ám vãi.

Thực ra không phải vậy đâu bạn. Cứ cố đi, rồi sẽ có thành quả. Cứ đi, rồi sẽ thành đường, chắc chắn là thế, bạn nhé :)
 
Người ta bảo không mấy người làm được thế này trước tuổi 30 :">



A Dreamer

Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)

Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)



Các bài viết khác của tác giả: