Quyền Lực Mới - Tương lai thế giới sẽ được định hình như thế nào?
Quyền Lực Mới phác hoạ sự thay đổi quyền lực trong thế kỉ 21. Sự bùng nổ công nghệ số cũng như khả năng kết nối rộng rãi đã làm thay...
Quyền Lực Mới phác hoạ sự thay đổi quyền lực trong thế kỉ 21. Sự bùng nổ công nghệ số cũng như khả năng kết nối rộng rãi đã làm thay đổi bản chất của quyền lực: cách quyền lực vận hành, thành công và tồn tại. Bên cạnh đó, bộ đôi tác giả Heimans và Timms cũng lý giải ý nghĩa, lợi thế của quyền lực mới và những người đang tận dụng nó.
Quyển sách này dành cho:
- Những ai quan tâm đến sự thay đổi về mối quan hệ quyền lực trong xã hội
- Những ai muốn hiểu rõ quyền lực của cộng đồng mạng
- Các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp muốn phát động một chiến dịch nào đó
Sức mạnh to lớn, trách nhiệm lớn lao
Xã hội của chúng ta đang thay đổi còn nhanh hơn cả chu kỳ ra mắt điện thoại thông minh. Mặc dù chúng ta chỉ mới sống trong thời đại của thuật toán, nội dung và dữ liệu được vài năm; thế nhưng những năm tháng trước khi kết nối số xuất hiện đã trở nên thật lạ lẫm và xa vời. Xã hội mới đang bị ràng buộc bởi khái niệm mơ hồ về quyền lực và thậm chí điều đó cũng đang dần thay đổi. Công nghệ đang thúc đẩy sự dịch chuyển từ hệ thống quyền lực cũ có trật tự sang hình thái quyền lực mới dân chủ, dễ tiếp cận hơn. Điều này không chỉ làm thay đổi hành vi của cả xã hội mà còn của chúng ta. Để thành công trong thời đại của kết nối và nguồn lực cộng đồng, bạn cần biết cách quyền lực mới vận hành, làm thế nào để gây sức ảnh hưởng bằng các công cụ mới, cách xây dựng cộng đồng bằng hệ thống mới và cách lãnh đạo với các giá trị mới.
Quyển sách này làm sáng tỏ mọi vấn đề vừa nêu và đưa ra cách giúp bạn vươn lên sử dụng nguyên tắc quyền lực cơ bản.
Bạn sẽ biết làm thế nào một người động kinh sử dụng quyền lực mới để tự chữa bệnh cho mình? Tại sao ý tưởng được lan truyền rộng rãi thay vì cô đọng? Tại sao Giáo hoàng Francis là vị lãnh tụ xuất sắc của quyền lực mới? Tất cả sẽ được giải đáp trong Quyền Lực Mới.
Chúng ta từng bị giới hạn tiếp cận với quyền lực, nhưng kết nối số đã phá vỡ giới hạn đó.
Trước thế kỉ 21, người ta xem xã hội như một cỗ máy khổng lồ, trong đó con người chỉ là các bánh răng, đóng vai trò nhất định và không đáng kể trong xã hội. Đó là thời hoàng kim của các tập đoàn lớn và sự bành trướng của bộ máy quan liêu – thời kỳ mà các công ty thâu tóm quyền lực như thể nó là một loại tiền tệ. Họ đưa ra quyết định giùm những người tham gia hệ thống quyền lực của mình và tin rằng họ biết đâu là điều tốt nhất. Đó chính là thái độ tiêu biểu của quyền lực cũ. Các thành viên trong hệ thống chỉ đóng vai trò thụ động, rập khuôn và tuân theo mệnh lệnh như hãy học bảng cửu chương, hãy cầu nguyện, hãy mua sản phẩm này. Tóm lại, cơ hội để tham gia hoạt động quan trọng như hành chính, chính trị, kinh tế là rất hiếm hoi.
Công nghệ siêu kết nối như một đòn giáng, mở ra cánh cửa kỹ thuật số và hạ thấp rào cản tham gia của hầu hết các hoạt động. Tính công bằng trong phân bổ quyền lực ngày càng được gia tăng đang làm thay đổi hành vi của ta. Ví dụ, mảng hậu cần của các doanh nghiệp không còn bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Nghệ sĩ đến từ Ireland và Ấn Độ có thể hợp tác với nhau ngay lập tức mà không hề tốn kém. Hơn nữa, hiện tại chúng ta có các công cụ để dễ dàng gặp gỡ những người cùng chí hướng hoặc vận động hành lang để tạo ra thay đổi hay phản đối điều gì đó. Những hành vi này cũng khiến thái độ của ta thay đổi. Chúng ta không còn hài lòng với việc chỉ quan sát hay đồng thuận, mà còn đòi hỏi quyền được tham gia. Letitia Browne-James là đại diện tiêu biểu cho thái độ mới này. Browne-James mắc bệnh động kinh mãn tính nhưng điều trị không hiệu quả. Rồi cô tình cờ biết đến PatientsLikeMe - cộng đồng trực tuyến gồm hàng ngàn bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên và dữ liệu y tế cá nhân. Thông qua đó, cô đã khám phá ra phẫu thuật não là phương pháp điều trị động kinh hiệu quả. Thực tế, 83% người dùng PatientsLikeMe đã phản hồi kết quả tích cực. Bác sĩ chưa bao giờ đề cập với cô về phương án này, do đó Browne-James đã đổi bác sĩ điều trị.
Cuối cùng, cô quyết định phẫu thuật và không còn bị co giật nhiều năm nay. Browne-James đã sử dụng quyền lực mới thông qua việc sử dụng PatientsLikeMe để nắm quyền làm chủ sức khoẻ của bản thân.
Quyền lực cũ và quyền lực mới dựa trên các hệ thống giá trị khác nhau.
Vậy chính xác thì điều gì phân biệt giá trị tiềm ẩn giữa quyền lực mới và quyền lực cũ? Có thể nói, điều này cũng giống như mâu thuẫn trong thế giới quan giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ với kinh nghiệm và quyền uy của mình luôn cảm thấy khó chịu mỗi khi đứa con non nớt, đầy lý tưởng của mình cố gắng tác động đến quá trình nuôi dạy con của cha mẹ. Thông qua việc thay đổi các thói quen hoặc đặt nghi vấn đối với kiến thức được tiếp thu, đứa trẻ đề xuất các giá trị mới.
Và giá trị của quyền lực cũ và quyền lực mới phát sinh xung đột theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Khởi đầu là bất đồng trong phong cách điều hành. Quyền lực cũ ưa chuộng cách quản lý tập trung và hình thức, chẳng hạn như quyết định kinh doanh phải được quyết từ phòng họp kín. Thế nhưng quyền lực mới lại thiên về cách quản lý thoải mái, có tương tác và quyết định kinh doanh được thu thập từ nhân viên.
Tương tự, trong khi quyền lực cũ coi trọng tính cạnh tranh trong tương tác giữa người và người, quyền lực mới khuyến khích sự hợp tác, chung sức. Hệ thống quyền lực mới tán thưởng hành động chia sẻ nguồn lực, truyền bá ý tưởng và sáng tạo trong công việc.
Thái độ đối với giao tiếp của quyền lực cũ và mới cũng có sự khác biệt.
Quyền lực cũ có khuynh hướng tách biệt giữa lĩnh vực công và tư, nghĩa là mọi việc đều chỉ được tiết lộ cho những người có liên quan. Hillary Clinton đã minh hoạ điều này một cách hoàn hảo bằng cách ví von chính trị với quy trình làm xúc xích: quá trình sản xuất tồi tệ, sử dụng phương thức mà công chúng không cần biết đến, nhưng nhiều người lại yêu thích thành phẩm. Clinton cố chứng minh rằng chính trị minh bạch sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Quyền lực mới bác bỏ quan điểm này. Quyền lực mới khuyến khích giao tiếp công khai và minh bạch. Những thứ thường được xem là riêng tư như dữ liệu lương của một công ty nhanh chóng trở thành một phần của tư duy quyền-được-biết.
Thế nhưng quyền lực mới không chỉ thay đổi hệ thống giá trị mà còn thay đổi cả vai trò của con người.
Lấy người tiêu dùng “thụ động” truyền thống chỉ biết mua hay sử dụng sản phẩm làm ví dụ. Vai trò này đang có nguy cơ biến mất vào tay của “người sản xuất” – những người tiêu dùng vừa tiêu thụ vừa sản xuất, ví dụ như các blogger trên YouTube hay nhà báo công dân. Nhờ được tiếp cận với công nghệ, họ đều có thể tạo ra các nội dung mà trước kia chỉ có tầng lớp ưu tú được tài trợ kinh phí mới có khả năng tạo ra.
Không những thế, chúng ta còn chứng kiến sự chuyển dịch từ lòng trung thành lâu dài đối với các thương hiệu sang một mối liên kết tạm thời hơn. Nói tóm lại, cách người dùng cư xử và tương tác với các thương hiệu đang dần thay đổi.
Sự suy giảm trong số lượng người mang theo thẻ thành viên đến các cửa hàng đã chứng tỏ điều này. Thời đại của các cửa hàng video Blockbuster đã kết thúc. Chuẩn mực mới hiện nay là sử dụng các nhóm trực tuyến và mạng xã hội để tương tác tạm thời với các thương hiệu. Chúng ta đều bị thôi thúc muốn tham gia vào rồi thoát ra sau đó.
Quyền lực cũ và quyền lực mới dựa trên các mô hình khác nhau.
Khi mường tượng ngôi nhà trong mơ của mình, có lẽ bạn không cố gắng hình dung ra nền tảng xây dựng nên nó. Điều này tương tự đối với hệ thống quyền lực. Chúng ta có xu hướng chú ý đến các giá trị hơn là mô hình cơ sở của hệ thống đó.
Vậy điểm khác biệt trong mô hình giữa quyền lực mới và quyền lực cũ là gì?
Mô hình quyền lực mới chia sẻ quyền lực theo hướng phân tán hơn, chẳng hạn như Occupy, phong trào phản kháng chống lại sự bất bình đẳng.
Đây là một tổ chức “cộng đồng” – hệ thống sử dụng cả mô hình lẫn giá trị của quyền lực mới. Ví dụ, nó xem trọng tính minh bạch triệt để, sự bình đẳng và vai trò của tất cả các thành viên tham gia. Thế nhưng nó cũng sử dụng mô hình phân tán để chia sẻ quyền lực, chống lại thể chế hoá và thúc đẩy quyền ra quyết định ở các nhóm thiểu số.
Tuy nhiên, điều này có thể làm nảy sinh các vấn đề. Ví dụ mô hình phân tán quyền lực của Occupy khiến họ khó đạt được sự đồng thuận hay thực thi các thay đổi quan trọng trong tổ chức.
Ngược lại, quyền lực cũ được xây dựng như mô hình kim tự tháp. Bất ngờ thay, ví dụ của mô hình này chính là công ty Apple.
Apple là một người chủ lâu đài điển hình – một tổ chức nắm giữ mô hình và các giá trị thuộc về quyền lực cũ. Không ai phủ nhận Apple là công ty công nghệ hàng đầu, thế nhưng cách tập trung quyền lực và ra quyết định cho thấy Apple sử dụng mô hình quyền lực cũ. Hơn nữa, Apple nổi tiếng kín kẽ và không thích hợp tác với các nhãn hàng khác, điều này phù hợp với các giá trị điển hình của quyền lực cũ.
Nhưng việc lựa chọn hệ thống quyền lực này hay hệ thống khác không quan trọng. Thực tế, các doanh nghiệp thường kết hợp cách tiếp cận, mô hình và giá trị của cả quyền lực cũ lẫn mới.
Những công ty kết hợp giá trị của quyền lực mới với mô hình của quyền lực cũ được gọi là “người khích lệ”. Thương hiệu thời trang dã ngoại Patagonia là dạng công ty như thế. Trong sản xuất sản phẩm, công ty ít tiếp thu ý kiến từ bên ngoài (mô hình quyền lực cũ) nhưng lại kết nối với người tiêu dùng bằng cách mời họ tham gia vào hoạt động chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời công khai minh bạch những khía cạnh như chuỗi cung ứng.
Mặt khác, doanh nghiệp tiếp thu giá trị của quyền lực cũ và mô hình của quyền lực mới được gọi là người kết nạp. Facebook là một ví dụ hoàn hảo. Công ty đã xây dựng mạng xã hội dựa trên mô hình quyền lực mới cấp tiến, đề cao mạng lưới tương tác ngang hàng và cơ sở hạ tầng liên kết, thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Facebook theo đuổi giá trị của quyền lực mới. Thực tế, mối quan hệ giữa Facebook và người dùng mang tính một chiều. Facebook không cho phép người dùng góp ý hay thực hiện các thay đổi quan trọng trong hệ sinh thái của họ. Bên cạnh đó, họ còn lưu trữ thông tin cá nhân của bạn như ông vua già canh giữ của báu.
Thông điệp của quyển sách Quyền lực mới:
Kết nối số đã thay đổi mối quan hệ quyền lực trong thời đại hiện nay. Quyền lực cũ với trật tự quyền lực tập trung và phân bổ từ trên xuống đã bị thay thế bởi hệ thống quyền lực mới phân bổ từ dưới lên, xem trọng tính phân tán, hợp tác và thực thi minh bạch. Hai hệ thống này có giá trị và mô hình khác nhau; thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc “quyền lực mới là tốt và quyền lực cũ là xấu”. Cả hai đều có ưu nhược điểm riêng. Và mặc dù chúng có thể kết hợp với nhau, nhưng quyền lực mới cung cấp tập hợp các công cụ mới mẻ giúp xây dựng tập thể, lan truyền ý tưởng và dẫn dắt doanh nghiệp.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất