Quầy bar vắng khách - Phần 1 - Lời chào
Một quầy bar vắng khách, nhưng không vắng người lắng nghe
Chào, tôi làm việc tại một quầy bar, nhưng chúng tôi không phục vụ các món có cồn, những món đó thì chỉ những khách quen của quán thì tôi mới dám giới thiệu và phục vụ.
Còn thông thường, tôi phục vụ các món liên quan đến café. Người Việt Nam uống café hằng ngày mà, từ những cốc espresso nhanh chóng tại các chuỗi cửa hàng nổi tiếng, cho đến những cốc café đặc biệt sinh ra để cho người uống nhâm nhi tận hưởng từng chút một như một cốc rượu ngon.
Tôi yêu café, rất yêu chúng, từ cái cốc lungo được ép ra từ máy handpress espresso, cùng với hạt catimor hiếm hoi ở mảnh đất Sài Gòn này, giây phút giọt café đầu tiên chạm vào đầu lưỡi, tôi đã yêu café và café cũng trở thành một phần trong cuộc sống cũng như tâm hồn của tôi.
Hương vị café thường với người uống phổ thông dường như chỉ có vị đắng đậm đà, nhưng thực tế chúng có những năm hương vị khác nhau, ẩn mình bên trong những hạt café ấy, nhưng qua bao thập kỉ người Việt chúng tôi có lẽ đã quá quen với vị đắng đặc trưng của Robusta mất rồi. Những hương vị ấy giống như đại diện phần nào cho cuộc sống của một con người: Vị đắng của những khó khăn, những chướng ngại trong cuộc sống, vị ngọt đến từ những niềm vui, từ lớn lao hay từ những hành động nhỏ bé nhất, vị chua từ những khổ đau trong tâm hồn mỗi con người mà ai cũng muốn giấu chúng đi trước mặt thiên hạ, sự đậm đà ẩn sâu trong mỗi con người mà chỉ bộc lộ rõ nhất trong những bước ngoặt quan trọng trong đời này, và cuối cùng là hương thơm, thứ đập vào mũi chúng ta đầu tiên khi uống một ly café, đại diện cho những điều ta muốn người đời nhìn thấy đầu tiên khi biết đến chúng ta.
Nhưng café không phải là điều duy nhất đưa tôi đến quầy bar này làm việc. Ngày trước tôi còn là một con chiên ngoan đạo, cứ sáu tháng một lần tôi lại đến nhà thờ để xưng tội, để cảm thấy mình được thanh thản hơn, nhưng dần dà càng lớn hơn, tôi càng “rời xa Chúa hơn”, theo cách mẹ tôi nói, dù sự thật rằng tôi không cảm thấy thỏa mãn với tôn giáo tôi đang theo, hay nói rộng ra hơn là tôi không thỏa mãn với bất kì hình thức tôn giáo nào cả. Tôi dần trở thành một người vô đạo, tuy nhiên thi thoảng tôi vẫn nghĩ về những điều được học ở nhà thờ ngày trước. Trong vô số những điều ấy, tôi vẫn nghĩ nhiều nhất về khái niệm “xưng tội”.
Đối với những ai chưa biết, xưng tội trong Thiên Chúa Giáo là một hành động một người thừa nhận mọi tội lỗi của mình với Chúa thông qua vị linh mục phía sau bức màn. Ngày đó tôi học, vị sơ có nói với chúng tôi rằng: “Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy tự kiểm điểm lại mình xem hôm nay chúng con đã phạm phải những tội lỗi gì, nếu các con không biết thế nào là tội, hãy nhớ đến Mười điều răn của Chúa, từ từ rồi các con sẽ biết điều gì nên tránh”.
Có khá nhiều điều làm tôi không thấy việc xưng tội này có ý nghĩa thực tiễn, với tôi và với những người bạn đồng trang lứa, rằng cái sự cợt nhả của họ làm tôi thắc mắc rằng thật sự họ có “xưng tội” hay không?
Và… nhà thờ liệu là nơi duy nhất con người ta xưng tội?
(Lại là…) Người ta nói bàn nhậu cũng là nơi con người ta thành thật nhất với chính mình, với những người xung quanh, và cũng là lúc con người ta “buộc miệng” nhiều nhất, đối với những kẻ kín miệng, đôi khi chỉ cần chút cồn vào là lời ra, nhiều còn hơn cả nước sông Đà. Tôi liên tưởng rằng quầy bar cho những kẻ cô đơn là một nơi tuyệt vời cho những con người nhiều tội lỗi như vậy, họ sẽ uống để quên đi mọi muộn phiền, để rồi ly cocktail kia sẽ đưa họ về với thực tại rằng tội lỗi họ vẫn còn ở đó, họ sẽ xưng tội với những vị cha xứ bất đắc dĩ kia tức những bartender. Nhìn thấy một người lạ hơi say say, hoặc rất say và nói ra tất cả những điều thầm kín trong lòng họ với một người xa lạ, vì họ nghĩ người lạ kia sẽ quên ngay mà thôi.
Ở quầy bar chúng tôi, thì như đã nói ở trên, chúng tôi không thường xuyên phục vụ cồn, nhưng không gian quầy bar khiến con người ta thả lỏng cảnh giác hơn, còn tôi thì cứ trò chuyện thân tình với những vị khách đã trót yêu hương vị café ở nơi này, như cách chính tôi đã từng vậy. Tất nhiên tôi cũng đã từng là người đứng trước tấm màn che kia, ngăn cách giữa kẻ có tội và người giải tội, bên cốc café chẳng hề có tý cồn nào cũng khiến họ lâng lâng một nỗi ân hận giữa cuộc đời đau khổ của chính mình. Chẳng biết từ khi nào tôi thích việc nhìn ai đó khổ thầm trong lòng, chỉ chờ có người hỏi tới, chẳng cần biết người đó là ai, chỉ cần một câu hỏi, chỉ cần người đó đủ sự quan tâm, người kia sẽ tuôn ra hết những dồn nén, để lời nói kia không bị quàng xiên và mài dũa, rồi một ngày sẽ quay lại khi trở thành con dao trong tay kẻ khác, sẵn sàng đâm sau lưng họ bất cứ lúc nào. Chúng tôi hiểu rõ những bức bối trong lòng những vị khách của mình, thế nên như một vị cha xứ thực thụ, chúng tôi không bao giờ kể về những tội lỗi mà người khách tối qua đã xưng ra cho mình, và cũng không bao giờ muốn nhắc lại cho bất cứ ai, dù rằng, khác với mọi người ở đây, tôi không quên, tôi suy niệm về chúng như một lời kinh nào đó trong Kinh Thánh, như lời cha giảng sau mỗi bài Tin Mừng, rằng cuộc đời rộng lớn, và “Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt”.
Tôi có một câu châm ngôn trong cuộc đời làm phục vụ của mình: “Lần thứ nhất là vì đồ uống ngon, lần thứ hai vẫn là vì đồ uống ngon, nhưng còn một điều gì khác giữ chân họ lại, và lần thứ ba về sau, đều là vì con người.”
Thế nên, xin mời các bạn hãy đến đây, trong một tối lạc lõng không nơi trốn, một đêm mơ màng tìm chỗ nghỉ ngơi, một ngày không mưa nhưng nước vẫn rơi từ khóe mắt, hay những tia sáng trong con tim đang tìm đường tỏa sáng giữa cơn bão. Tôi, chúng tôi, tất cả chúng tôi sẽ lắng nghe câu chuyện của bạn, vỗ về cùng bạn, hân hoan cùng bạn, sầu khổ cùng bạn, tiếc thương cho bạn, để ngày hôm sau thức giấc bạn sẽ không còn gì nuối tiếc trong đời nữa mà vững bước trên con đường mình đã chọn, và rồi sẽ đến một ngày, bạn một lần nữa quay lại quầy bar của chúng tôi, lần này không phải để than thở nữa, nhưng là để trở thành vị cha sứ tiếp theo.
Quầy bar này vắng khách, nhưng không vắng người lắng nghe.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất