Có lẽ cái tên Dunning-Kruger vừa dài vừa khó nhớ khiến nhiều người cảm thấy xa lạ, nhưng hiệu ứng mà tôi sắp giải ảo sau đây là một thứ hết sức quen thuộc với diễn ngôn đại chúng. Nếu anh chị đã từng nghe các câu “Bạn ngu đến nỗi bạn không tự biết bạn ngu” hay “Những người càng ngu thì tự tin càng lớn” thì đó chính là thứ đang được đại chúng gán cho hiệu ứng Dunning-Kruger vậy.
Những mẫu câu trên đã tồn tại từ lâu vì nó thuận trực giác và có sẵn trong kinh nghiệm dân gian, chẳng hạn thành ngữ “Thùng rỗng kêu to”, nhưng nếu như trước đây nó chỉ là một thứ kiến thức không hoàn toàn đáng tin như bản chất thành ngữ, tục ngữ vốn thế, thì nay đại chúng cho rằng nó vô cùng đáng tin vì nó đã được chứng thực bởi, úi chà chà, khoa học.
Trong đại chúng, hiệu ứng Dunning-Kruger vẫn thường được giải thích như ảnh trên, đi kèm với đồ thị trông kiểu như vậy. Sở dĩ tôi nói “kiểu như vậy” vì đồ thị đó được rất nhiều nguồn tự vẽ ra một cách tuỳ tiện, chúng có điểm chung là hình núi đồi và chia làm bốn giai đoạn mang tên gọi: Đỉnh núi ngu dốt; Thung lũng tuyệt vọng; Sườn dốc khai sáng; Cao nguyên bền vững.
Tồi tệ hơn, đại chúng bắt đầu dùng hiệu ứng Dunning-Kruger (theo cách hiểu sai) ấy để làm công cụ sỉ nhục nhau. Và họ có vẻ rất tự hào về hành động này như hiện tượng tung hô nhau trong ảnh trên.
Nhưng sớm thôi, khi đọc xong bài này, chúng ta sẽ nhận ra câu chửi ấy vô nghĩa như thế nào.

I. HIỆU ỨNG DUNNING-KRUGER KHÔNG CÓ BỐN GIAI ĐOẠN, VÀ KHÔNG NÓI RẰNG KẺ NGỐC TỰ TIN HƠN CHUYÊN GIA

1. Những cách hiểu sai và hậu quả tai hại trong đại chúng

Trong văn hoá đại chúng, hiệu ứng Dunning-Kruger nói rằng người hiểu biết nửa vời thì tự cho mình giỏi như chuyên gia, và mang lòng tự tin còn cao hơn chuyên gia. Chỉ khi học hỏi thêm thì họ mới bớt tự tin và ngay cả khi trở thành chuyên gia thật họ cũng không tự tin được như hồi nửa vời xưa.
Nói tóm lại, hiệu ứng ấy được lan truyền một cách lệch lạc như được phản ánh trong ảnh dưới, nó còn phản ánh chân thực cả hành động hùng hồn nhét chữ vào miệng nhà khoa học nữa.
Hùng hồn khẳng định “Dunning & Kruger mô tả”
Hùng hồn khẳng định “Dunning & Kruger mô tả”
Bên cạnh bốn giai đoạn và cách diễn giải như trên, nếu đại chúng cần dùng đến đồ thị minh hoạ, thì đó chỉ có thể là đồ thị sau đây hoặc các dị bản từa tựa nó.
Đây là đồ thị nguỵ tạo
Đây là đồ thị nguỵ tạo
Thảy ý tưởng trên đi sâu và ăn rộng vào văn hoá đại chúng đến mức nó hình thành các meme về hiệu ứng Dunning-Kruger như sau. Và chúng ta đã biết, mức độ lan truyền của meme là theo cấp số nhân, nhanh đến không tưởng được.
Hai trong số nhiều meme mà tôi không thể liệt kê hết
Hai trong số nhiều meme mà tôi không thể liệt kê hết
Cuối cùng và tồi tệ hơn cả, đại chúng bắt đầu sử dụng những ý niệm sai lệch về hiệu ứng Dunning-Kruger để đồng nhất nó với sự ngu ngốc, và bước đi cuối cùng là dùng nó để sỉ nhục đối phương. Hiệu ứng Dunning-Kruger trở thành một câu chửi xéo thay cho câu “Bạn còn ngu lắm nhưng bạn không tự biết bạn ngu đâu.”
Dẫn chứng cho điều này được tôi lấy từ bình luận của một người tự xưng là huấn luyện viên cờ tướng khi phản hồi lại bài viết Cờ tướng, Cơ Thiếu Hoàng, và hạng người phản trí thức [1] trên Youtube của tôi. Trùng hợp thay, bài đó tôi tuyên bố cộng đồng cờ tướng có nhiều nguỵ trí thức, vị huấn luyện viên này ngay lập tức trở thành dẫn chứng sinh động của một nguỵ trí thức; và nghịch lí thay, người này không đủ khả năng tự nhận ra điều đó.
Tuyên bố của huấn luyện viên cờ tướng này sẽ tiếp tục được tôi khai thác trong phần sau, nhưng trước đó chúng ta hãy tìm hiểu hiệu ứng Dunning-Kruger thực sự là gì đã, theo cha đẻ của nó – khoa học.

2. Những ý niệm đúng đắn về hiệu ứng Dunning-Kruger theo khoa học

Yêu cầu tối thiểu để hiểu về hiệu ứng Dunning-Kruger là chúng ta phải đọc trực tiếp những gì Dunning và Kruger viết ra trong nghiên cứu khai sinh ra hiệu ứng này, đó là nghiên cứu Unskilled and Unaware of It: How Difficulties in Recognizing One's Own Incompetence Lead to Inflated Self-Assessments (Vô năng và vô tri về điều đó: Cách mà những khó khăn trong việc nhận ra sự kém tài của bản thân dẫn đến hành động tự đánh giá cao mình quá mức), năm 1999 [2].
Do không có tài liệu tiếng Việt nào tường thuật một cách tử tế nghiên cứu ấy nên sau đây tôi sẽ thuật lại nó. Nhưng dù sao tường thuật cũng chỉ là tường thuật, tôi vẫn muốn anh chị đọc trực tiếp nó hơn nếu có điều kiện.
Bắt đầu với ý tưởng rằng những người kém tài không nhận ra mình kém tài nên họ phải chịu một gánh nặng kép: đưa ra những quyết định tồi tệ và không nhận ra rằng quyết định đó tồi tệ, các nhà nghiên cứu đưa ra bốn dự đoán trước khi tổ chức nghiên cứu.
Dự đoán thứ nhất: Người kém tài sẽ tự đánh giá năng lực và thành quả của bản thân cao hơn so với tiêu chuẩn khách quan. • Dự đoán thứ hai: Người kém tài thiếu kĩ năng siêu nhận thức (metacognition) nên họ thiếu khả năng nhận ra đâu là người tài, ngay cả khi họ được tận mắt nhìn thấy người tài. • Dự đoán thứ ba: Người kém tài thiếu khả năng nhận ra năng lực thực tế của bản thân, ngay cả khi họ có cơ hội được so sánh với người khác. Cụ thể, vì không nhận ra được tài năng của người khác nên họ không thể lấy đó làm thước đo cho năng lực thực tế của mình. • Dự đoán thứ tư: Người kém tài có thể tự thấy sự yếu kém của mình khi họ dần trở nên có tài hơn.
Nhóm nghiên cứu làm rõ các dự đoán thông qua bốn nghiên cứu. Họ cho tình nguyện viên (TNV) làm bài kiểm tra ở các lĩnh vực: Óc hài hước (nghiên cứu 1); Tư duy logic (nghiên cứu 2 và 4); Ngữ pháp tiếng Anh (nghiên cứu 3). Sau đó yêu cầu TNV tự đánh giá năng lực và điểm số của bản thân trên thang đo phần trăm. Chẳng hạn, một TNV tự đánh giá năng lực logic của mình xếp ở mức 66% so với các bạn cùng lớp, và điểm số logic xếp ở mức 64% so với các TNV khác cũng làm bài kiểm tra.
Nghiên cứu 1: 65 sinh viên của đại học Cornell từ nhiều khoá học tâm lí khác nhau, được yêu cầu làm bài kiểm tra để đánh giá óc hài hước, sau đó tự đánh giá óc hài hước của mình theo tiêu chuẩn trung bình của các sinh viên ở Cornell, trên thang đo phần trăm. Kết quả là những người trong nhóm 25% có điểm kiểm tra thấp nhất thì tự đánh giá cao bản thân và mang khoảng cách sai lệch lớn nhất với con số tự đánh giá của mình. Những người trong nhóm 25% điểm cao nhất thì tự đánh giá thấp bản thân, khoảng cách sai lệch không quá lớn. Số liệu xem ở Figure 1.
Nghiên cứu 2: 45 sinh viên Cornell từ một khoá học tâm lí duy nhất, được yêu cầu làm 20 câu kiểm tra logic, đầu tiên tự đánh giá năng lực logic của mình với các bạn cùng lớp, thứ hai tự đánh giá điểm số logic của mình với các TNV khác, cuối cùng tự ước tính mình làm đúng bao nhiêu câu. Xem số liệu kết quả ở Figure 2, nhóm 25% cuối đánh giá cao bản thân nhiều so với thực tế, nhóm 25% đầu đánh giá thấp hơn không nhiều so với thực tế. Về việc tự ước tính điểm, nhóm 25% cuối ước tính cao hơn thực tế (ước tính 13,3 so với thực tế 12,9), nhóm 25% đầu ước tính thấp hơn thực tế (ước tính 14 so với  thực tế 16,9).
Nghiên cứu 3 (gồm hai giai đoạn):
Giai đoạn 1: 84 sinh viên Cornell được yêu cầu làm bài kiểm tra ngữ pháp 20 câu, sau đó, như với Nghiên cứu 2, họ được yêu cầu tự đánh giá ba yếu tố: năng lực của mình với bạn cùng lớp ở trường đại học, điểm số mình đạt được so với các TNV khác trong buổi kiểm tra, và số câu mình trả lời đúng. Xem số liệu ở Figure 3, nhóm 25% cuối đánh giá cao bản thân so với thực tế, nhóm 25% đầu thì ngược lại. Nhóm 25% cuối ước tính 12,9 điểm so với thực tế 9,2. Nhóm 25% đầu ước tính 16,9 điểm so với thực tế 16,4.
Giai đoạn 2: bốn đến sáu tuần sau khi kết thúc Giai đoạn 1, nhóm 25% cuối (17 người) và 25% đầu (19 người) trở lại phòng thí nghiệm để làm bài kiểm tra. Mỗi người được nhận 5 bài kiểm tra đã làm của các TNV khác trong Giai đoạn 1 và được yêu cầu chỉ ra những câu nào các TNV ấy làm đúng. Cuối cùng mỗi người được xem lại bài của chính mình để tự đánh giá lại khả năng, điểm số, và số câu trả lời đúng. Kết quả là nhóm 25% cuối không thay đổi nhiều các ước tính của mình, trong khi nhóm 25% đầu thay đổi ước tính một cách chuẩn xác hơn.
Nghiên cứu 4: 140 sinh viên Cornell từ một khoá học phát triển con người duy nhất. Họ được yêu cầu làm 10 câu hỏi logic, sau đó đưa ra ba tự đánh giá về năng lực, điểm số, số câu trả lời đúng, như các nghiên cứu trước.
Tiếp theo, 70 người được chọn ngẫu nhiên để đi học một gói đào tạo logic nhanh gọn. 70 người còn lại được cho làm bài kiểm tra trắc nghiệm vô thưởng vô phạt trong thời gian 70 người kia đi nhận đào tạo. Sau đó tất cả 140 người soát lại bài kiểm tra logic trước đó, và được yêu cầu đánh giá lại năng lực, điểm số, số câu trả lời đúng của mình.
Kết quả: Trước khi được đào tạo, kết quả của các TNV tương tự như ba nghiên cứu trước đó, xem Figure 4 để biết số liệu. Sau khi được đào tạo, các TNV tự đánh giá chính xác hơn, đặc biệt những người trong nhóm 25% cuối cũng đánh giá chính xác ngang bằng những người trong nhóm 25% đầu. Và không có sự gia tăng tính chính xác khi tự đánh giá lại như vậy ở những người trong nhóm 25% cuối mà không được đào tạo.
Như vậy là cả bốn dự đoán của nhóm nghiên cứu đều được chứng minh bằng bốn nghiên cứu sau đó. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự thiếu hụt kĩ năng siêu nhận thức (metacognition) là nguyên nhân khiến người kém tài không nhận ra được đâu là kém tài và có tài để từ đó cải thiện bản thân qua việc so sánh với người khác.
Trong phần kết luận các nhà nghiên cứu thận trọng lưu ý: “Chúng tôi không ngụ ý rằng con người luôn luôn không nhận ra thiếu sót của mình. Chúng tôi nghi ngờ việc nhiều độc giả dám đối đầu với Michael Jordan trong trận bóng một chọi một, thách thức Eric Clapton trong một cuộc thi sô-lô đàn ghi-ta, tham gia cá cược giao hữu trong môn đánh gôn với Tiger Woods. Chúng tôi cũng không ngụ ý rằng thiếu sót về siêu nhận thức ở những người kém tài là nguyên nhân duy nhất khiến họ đánh giá cao khả năng của mình.” (Kruger & Dunning, tr1132)
Nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận rằng những điều sau đây gây nhiễu cho nghiên cứu: hiệu ứng trên trung bình (above-average effect), hồi quy về giá trị trung bình (regression toward the mean), thiên kiến động cơ (motivational bias), thiên kiến tự phục vụ (self-serving bias), hồi tưởng thiên vị (selective recall), và khuynh hướng phớt lờ tài năng của người khác (the tendency to ignore the proficiencies of others).
Họ cũng thừa nhận rằng hiện tượng các nhóm 25% thứ hai và thứ ba chỉ đánh giá bản thân cao hơn một chút (khoảng 6 điểm phần trăm) so với thực tế, phân tích siêu nhận thức của họ không giải thích được điều này. Ngoài ra hiệu ứng Dunning-Kruger chỉ áp dụng được vào các lĩnh vực mà kiến thức chuẩn dẫn đến năng lực cao, những lĩnh vực khác không đáp ứng được điều này thì không thể áp dụng, chẳng hạn các công việc đòi hỏi vận động thể chất: một vận động viên điền kinh biết rõ cần phải làm gì để chạy nhanh nhưng hạn chế về thể chất khiến kiến thức chuẩn không thể dẫn đến năng lực cao.
Lưu ý, phần này dẫn ra nhiều thuật ngữ khoa học mà khuôn khổ bài viết này không cho phép tôi giải thích từng cái, vậy nên tôi mở ngoặc tiếng Anh để ai muốn có thể tự tìm hiểu. Tôi không khuyến khích tìm hiểu bằng tiếng Việt, trừ khi tìm trong sách hoặc bài viết có dẫn nguồn từ sách như bài viết này. Điển hình tìm “Hiệu ứng Dunning-Kruger” bằng tiếng Việt không thấy một trang nào nói đúng cả. Nói chung chất lượng các trang tin tiếng Việt chỉ khác bãi rác ở chỗ là không tái chế được thôi.

3. Đại chúng cần hiểu về hiệu ứng Dunning-Kruger như thế nào cho đúng?

Sau khi đã trang bị kiến thức đúng đắn, bây giờ chúng ta trở lại với những cách hiểu sai của đại chúng, bằng con mắt đã rõ ràng hơn rất nhiều.
Thứ nhất, toàn bộ nghiên cứu chỉ có bốn đồ thị như tôi đã cho thấy, do đó đồ thị đồi núi kia là sản phẩm nguỵ tạo, kéo theo các giai đoạn và tên gọi trong đó cũng sẽ là nguỵ tạo.
Tôi đã tìm được nguồn gốc của đồ thị nguỵ tạo này, nó xuất hiện lần đầu vào năm 2014 ở bài blog Lessons from Mt. Stupid [3] của blogger Joseph Paris. Bài viết đó tác giả diễn giải lại hiệu ứng Dunning-Kruger và đã diễn giải sai, từ cách hiểu sai đó tác giả mới đưa ra bốn giai đoạn đính kèm với đồ thị tự vẽ. Và rồi đồ thị này, với đặc điểm đầy drama và cách ví von sinh động của nó, đã rất được lòng đại chúng, đến mức meme về hiệu ứng Dunning-Kruger ra đời kể từ đây, sau đó thì nhiều nơi khác bắt chước theo để cho ra đời cái gọi là đồ thị chu kì bong bóng (hype cycle).
Hype cycle
Hype cycle
Thứ hai, dẫu câu “Càng ngu càng tự tin” nghe thuận trực giác đến thế nào, thì rốt cuộc vẫn không có chuyện hiệu ứng Dunning-Kruger hậu thuẫn cho nó. Trong nghiên cứu, nhóm người kém tài nhất tự đánh giá họ thấp nhất so với nhóm người có tài nhất trên thang đo phần trăm. Nói rằng họ tự tin hơn bản thân họ trong thực tế thì đúng, nhưng họ không hề tự tin hơn người giỏi (so với nhóm 25% thứ hai và thứ ba thì có lúc họ đánh giá cao hơn, lúc lại thấp hơn, tức là quá nhiều nhiễu nên không khẳng định được gì), thậm chí nghiên cứu cho thấy những người có tài nhất mới là người tự tin nhất và đánh giá mình được điểm cao nhất so với tất cả nhóm người còn lại.
Ngoài ra phải quan tâm đến cộng đồng mà mỗi người được yêu cầu đánh giá với bản thân, trong thí nghiệm các TNV tự đánh giá họ với những người đồng đẳng, chứ không phải với chuyên gia. Nếu một sinh viên làm bài thi với một phòng toàn giáo sư, tiến sĩ thì chắc chắn tự đánh giá của anh ta sẽ rất khác (các nhà nghiên cứu cũng lưu ý đến điều này trong kết luận), do đó câu “Người ngu luôn cho mình giỏi hơn chuyên gia” dẫu thuận trực giác đi nữa, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào hậu thuẫn cả, nên về cơ bản, nó vô căn cứ.
Thứ ba, điều kiện thí nghiệm trong nghiên cứu là các TNV hoàn toàn không biết năng lực thực tế của họ dù qua cách trực tiếp hay gián tiếp nên các tự đánh giá của họ thường sai. Điều này không thể gặp trong đời thực nơi chúng ta có điểm số, bằng cấp, ảnh hưởng xã hội để xếp hạng năng lực của mỗi người một cách chính xác tương đối. Hiệu ứng Dunning-Kruger không phải là cái đèn pin để mang ra thực tế soi những người ngu, nó là một lời nhắc nhở chúng ta nên đề phòng với những lỗ hổng trong tâm trí của chính mình mà thôi.
Chẳng hạn vị huấn luyện viên cờ tướng trong ảnh trên phán tôi thuộc về giai đoạn 1 của hiệu ứng (mà bây giờ chúng ta đã biết câu đó vô nghĩa như thế nào), nếu thật sự như vậy thì anh ta đang ngầm giả định tôi viết bài về cờ tướng trong tình trạng mù mờ các so sánh xã hội như các TNV trong thí nghiệm, điều này là không thể vì tôi đã chơi mấy trăm ván và đón nhận ván thua không ít, ngoài ra chơi trên app luôn có con số để đánh giá (điểm rating, tỉ lệ thắng), chẳng hạn rating 7-1 của tôi thì kém hơn 7-2, tôi xếp cao hơn 94% người chơi khác thì tức là tôi thấp hơn những người được xếp 95% trở lên, dĩ nhiên tôi không thể mù mờ so sánh xã hội.
Ngoài ra cái mấu chốt của hiệu ứng Dunning-Kruger là kĩ năng siêu nhận thức. Nhưng như tôi đã trình bày trong bài cờ tướng, tôi chơi xong ván nào cũng nhờ engine phân tích chiến thuật, các nước đi tốt, nước đi tồi, và theo dõi tiến bộ bản thân, điều này cho thấy kĩ năng siêu nhận thức của tôi rất tốt chứ không phải tồi.
Nhưng thật ra, tôi đồ rằng phàm những người ba hoa về bốn giai đoạn Dunning-Kruger thì thậm chí chưa từng biết siêu nhận thức là gì cả. Họ đơn giản là dùng mấy thuật ngữ khoa học để nói cho sang miệng, chứ nền tảng đằng sau câu nói chắc chỉ là mấy trang tin trôi nổi trên mạng, nói cách khác, một đám nguỵ trí thức.

II. HIỆU ỨNG DUNNING-KRUGER CÓ QUÁ NHIỀU NHIỄU, VÀ RẤT CÓ THỂ KHÔNG THỰC SỰ CÓ THẬT

Ban đầu viết bài này tôi chỉ định đọc PDF nghiên cứu gốc và diễn giải lại, thế là xong, nhưng trong quá trình tìm kiếm tôi phát hiện quá nhiều nghiên cứu chỉ trích hiệu ứng Dunning-Kruger ngay từ những năm đầu nó mới được công bố, và đến bây giờ giới khoa học đã đồng thuận rằng nghiên cứu ấy có quá nhiều nhiễu đến mức các kết luận không đáng tin, hiệu ứng Dunning-Kruger do đó có thể không có thật.
Để một hiệu ứng tâm lí được gọi là có thật thì nó phải không được tái tạo bằng cách ngẫu nhiên. Chẳng hạn khi một đồng xu được tung vào mặt ngửa 30 lần liên tiếp, nếu yêu cầu con người đặt cược lần tung thứ 31, đa số sẽ cược vào mặt sấp vì chúng ta tin rằng tiếp tục vào mặt ngửa là một sự ngẫu nhiên hiếm hoi đến mức không thể xảy ra ở đời thực được. Vậy thì mẫu của các biến thu về từ con người sẽ thiên vị cho mặt sấp, trong khi nếu thu thập từ máy tính sẽ là ngẫu nhiên giữa ngửa và sấp, vì thực tế rằng lần tung thứ 31 ấy tỉ lệ vào ngửa hay sấp của đồng xu vẫn chỉ là 50%, dù cho trước đó có bao nhiêu lần tung đi nữa cũng không ảnh hưởng được đến xác suất của lần này. Hiện tượng này gọi là nguỵ luận con bạc (gambler's fallacy) và nó có thật, trong khi hiệu ứng Dunning-Kruger thì không bởi vì người ta nhận ra các dữ liệu ngẫu nhiên cũng tái tạo được đồ thị Dunning-Kruger.
Trong bài báo năm 2020, The Dunning-Kruger Effect Is Probably Not Real [4], Jonathan Jarry kể rằng mình đã liên hệ với Tiến sĩ Patrick E. McKnight, một nhà khoa học đến từ khoa tâm lí của đại học George Mason, để thử dùng dữ liệu ngẫu nhiên và cuối cùng tạo ra được đồ thị rất giống với đồ thị Dunning-Kruger, như sau:
Đồ thị của McKnight
Đồ thị của McKnight
Trước đó còn có hai nghiên cứu năm 2017 [5] và 2018 [6] của Edward Nuhfer cũng cho kết quả tương tự, rằng nếu dùng máy tính tạo ra con số ngẫu nhiên thì kết quả cuối cùng vẫn cho ra đồ thị rất giống với đồ thị Dunning-Kruger. Một nghiên cứu vào năm 2001 [7], tức chỉ hai năm sau khi nghiên cứu của Dunning và Kruger được công bố, Phillip L. Ackerman cũng đưa ra nhận định và kết quả tương tự, đồ thị của Ackerman trông như sau:
Đồ thị của Ackerman
Đồ thị của Ackerman
Biết rằng hiệu ứng Dunning-Kruger bị nhiễu bởi rất nhiều yếu tố mà đặc biệt trong số đó là hiệu ứng trên trung bình và hồi quy về giá trị trung bình (đây chính là thứ khiến cho các nghiên cứu bên trên dùng biến ngẫu nhiên cũng tạo ra được đồ thị tương tự), năm 2020 nhóm hai nhà nghiên cứu là Gignac và Zajenkowski tổ chức một thí nghiệm mới với phương pháp khác trên 929 TNV và không tìm thấy bằng chứng ủng hộ cho hiệu ứng Dunning-Kruger [8].
Nhóm tác giả tuyên bố rằng mối quan hệ giữa trí thông minh được đo lường khách quan và trí thông minh tự đánh giá về cơ bản là hoàn toàn mang tính chất tuyến tính, tức trái ngược với giả thuyết của Dunning và Kruger. Họ đi đến kết luận rằng hiện tượng mà giả thuyết Dunning-Kruger miêu tả có thể đúng ở mức độ nào đó với một số kĩ năng, nhưng ảnh hưởng của hiệu ứng ấy nhỏ hơn nhiều so với bản báo cáo trước kia.
Như vậy là hoá ra hiệu ứng Dunning-Kruger không chỉ kém tin cậy mà nó còn được giới khoa học nhìn ra điều đó từ rất lâu rồi, việc đại chúng chậm trễ hơn các chuyên gia là điều dễ hiểu và thông cảm được, tuy nhiên bây giờ các tài liệu tiếng Việt đã có bài giải ảo rồi (chính là bài này) thì cũng chính là lúc chúng ta nên đón nhận cái văn minh và tri thức, và bước ra trở thành một phần của thế giới thay vì ru rú ở nhà với những trang tin tiếng Việt sai lệch.

III. TỔNG KẾT

Đối với nhóm người coi hiệu ứng Dunning-Kruger như một vật trang sức trí tuệ, hoặc như một câu chửi trí tuệ, thì hãy biết rằng:
Hiệu ứng Dunning-Kruger không cho thấy người kém tài tự đánh giá mình giỏi hơn người khác, càng không cho thấy họ tự đánh giá mình giỏi hơn chuyên gia. Nó cho thấy người kém tài đánh giá bản thân cao hơn trung bình và cao hơn năng lực của họ trong thực tế, nhưng so với người giỏi nhất trong thí nghiệm, họ luôn đánh giá bản thân thấp hơn. Còn việc họ đánh giá bản thân trên trung bình (mức 50%) thì là một hiện tượng có từ trước và xảy ra ở tất cả mọi người, tất cả chúng ta đều có xu hướng đánh giá mình trên trung bình trong một nhóm đồng đẳng. • Hiệu ứng Dunning-Kruger không chứng minh rằng người ngu không tự biết mình ngu, thậm chí nhóm tác giả phải nói rõ điều này trong phần kết luận. • Hiệu ứng Dunning-Kruger không hề có bốn giai đoạn, không hề có đỉnh núi, thung lũng, sườn đồi, cao nguyên gì hết. Vậy nên việc chửi xéo người khác đang ở giai đoạn nào về cơ bản là vô nghĩa. Việc đồng nhất người khác với đồ thị Dunning-Kruger cũng vô nghĩa nốt. • Nếu hiệu ứng Dunning-Kruger thực sự có thật, thì chính nhóm người dùng nó để chửi xéo người khác là bằng chứng sống cho quan điểm (nếu có thật) rằng “Người ngu không tự biết mình ngu”.
Rất có thể trong thực tế có người kém tài nhưng tự cho mình giỏi hơn chuyên gia thật, nhưng việc tìm ra họ và phân tích họ không liên quan đến hiệu ứng Dunning-Kruger, và theo tôi biết thì tất cả ngành khoa học đến giờ chưa có công trình nào liên quan đến nhóm người ấy.
Những ai thích tin rằng “Càng ngu càng tự tin” thì cứ tiếp tục tin nó, và vẫn có thể dùng câu nói đó để chửi nhau, nhưng họ chỉ cần biết rằng câu nói ấy không được hậu thuẫn bởi khoa học.
Còn đối với những người thật sự quan tâm đến khoa học nói chung và hiệu ứng Dunning-Kruger nói riêng:
• Không cần quan tâm đến hiệu ứng này nữa.
Bởi vì phương pháp nghiên cứu của nó quá nhiều nhiễu, tuy nó hợp lệ theo quy chuẩn khoa học, nhưng nhiễu khiến cho kết luận của nó không đáng tin. Tôi không nói rằng công trình này là rác, ngược lại, nó là công trình khoa học thực thụ, nhưng phương pháp tồi khiến cho nó không đáng được quan tâm nữa.
Nếu vẫn quan tâm về khả năng tự đánh giá của con người, anh chị nên bắt đầu với nghiên cứu tôi dẫn trong chú thích [8] hoặc chờ các nghiên cứu khác trong tương lai thì hơn.

Tham khảo:

[1] ““Cơ Thiếu Hoàng Không Phải Một Người MÀ LÀ MỘT HỆ TƯ TƯỞNG.” | Nhện Hóng Biến | Tornad | SPIDERUM.” Www.youtube.com, youtu.be/pnnXn9STMV0. [2] Kruger, Justin, and David Dunning. “Unskilled and Unaware of It: How Difficulties in Recognizing One’s Own Incompetence Lead to Inflated Self-Assessments.” Journal of Personality and Social Psychology, vol. 77, no. 6, 1999, pp. 1121–1134, 10.1037/0022-3514.77.6.1121. [3] Lessons from Mt. Stupid - Joseph Paris. 11 Sept. 2014, josephparis.me/my-articles/lessons-from-mt-stupid/. Accessed 20 July 2022. [4] “The Dunning-Kruger Effect Is Probably Not Real.” Office for Science and Society, www.mcgill.ca/oss/article/critical-thinking/dunning-kruger-effect-probably-not-real. [5] Nuhfer, Edward, et al. “How Random Noise and a Graphical Convention Subverted Behavioral Scientists’ Explanations of Self-Assessment Data: Numeracy Underlies Better Alternatives.” Numeracy, vol. 10, no. 1, Jan. 2017, 10.5038/1936-4660.10.1.4. Accessed 1 Apr. 2020. [6] Nuhfer, Edward, et al. “Random Number Simulations Reveal How Random Noise Affects the Measurements and Graphical Portrayals of Self-Assessed Competency.” Numeracy, vol. 9, no. 1, Jan. 2016, 10.5038/1936-4660.9.1.4. Accessed 1 Apr. 2020. [7] Ackerman, Phillip L, et al. “What We Really Know about Our Abilities and Our Knowledge.” Personality and Individual Differences, vol. 33, no. 4, Sept. 2002, pp. 587–605, 10.1016/s0191-8869(01)00174-x. Accessed 12 Feb. 2020. [8] Gignac, Gilles E., and Marcin Zajenkowski. “The Dunning-Kruger Effect Is (Mostly) a Statistical Artefact: Valid Approaches to Testing the Hypothesis with Individual Differences Data.” Intelligence, vol. 80, 1 May 2020, p. 101449, research-repository.uwa.edu.au/en/publications/the-dunning-kruger-effect-is-mostly-a-statistical-artefact-valid-, 10.1016/j.intell.2020.101449. Accessed 10 Nov. 2020. Nhan đề bài này lấy ý tưởng từ bài sau, cũng đồng thời là một bài giải ảo hiệu ứng D-K đáng đọc khác. “The Dunning-Kruger Effect: Misunderstood, Misrepresented, Overused and … Non-Existent?” Skepchick, 9 Oct. 2020, skepchick.org/2020/10/the-dunning-kruger-effect-misunderstood-misrepresented-overused-and-non-existent/. Accessed 20 July 2022.
Bài liên quan:
Bài: TORNAD
Ảnh: UYÊN ĐẶNG
27/07/2022