Nên hay không nên kiếm tiền khi còn đang đi học? Đây dường như là một câu hỏi khó đối với phần lớn những người như tôi, hiện đang mài đũng quần dưới "mái hiên" an toàn của nhà trường cũng như kèm cắp của gia đình. Thi thoảng tôi có tự hỏi bản thân, tại sao những người bạn, những người đồng trang lứa, thậm chí là những người em, đã kiếm được vài triệu, người nhiều thì cũng chục triệu một tháng, còn bản thân tôi thì sao, cứ ăn bám bố mẹ chẳng làm được tích sự gì. Rồi sau mỗi lần tự vấn bản thân, tôi có động lực hơn để trau dồi bản thân. Và rồi đâu lại vào đấy, trì hoãn, lười lại kéo tôi xuống, tôi vẫn chẳng kiếm được đồng tiền nào.
Thế giới phát triển không ngừng và xã hội đã phân hoá một cách rõ ràng và phức tạp đến không tưởng.
Chẳng rõ là tôi đã nghe lỏm ở đâu câu nói này và ý tưởng của nó tiếp tục được lan truyền sâu rộng đến thế. Tầm vài thập kỷ đổ về trước, phổ cập giáo dục chưa được rộng rãi như bây giờ, may lắm thì đi được Đại học (cả huyện có khi chỉ có 1-2 em được lên đến cấp đại học) còn lại hầu như chỉ học theo đến lớp 10 rồi chuyển sang Trung Cấp và học liên lên (tuỳ theo ý muốn) rồi đi làm kiếm tiền. Nếu đặt vào xã hội bây giờ, hầu như học sinh đều học hết cấp 3 rồi mới chuyển hướng sang thi đại học hay đi học nghề. Sự phổ cập giáo dục đã được phổ biến hơn, vẫn có các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên khi mà học sinh đã định hướng học nghề, đi làm từ lúc lên cấp 3 nhưng dần những nơi đó cũng bắt đầu vào guồng quay THPTQG khi cả 2 kỳ thi trước đó đã gộp lại thành một. Nhìn chung, việc học cấp 3 ở Việt Nam trở thành một điều gì đấy rất đỗi bình thường.
Và theo quan niệm bình thường, đi đến trường là để đi học là để học điều mới, để tiếp nhận kiến thức. Nó có thật sự đơn giản như vậy hay không? Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao người ta gọi nó là "Trung học phổ thông" hay không. Có lẽ sau khi đọc qua chỗ này, bạn cũng hiểu được là "phổ thông" có nghĩa là mang tính chất thông thường, số đông (theo từ điển Tratu.Soha). Điều đó có nghĩa là Ở trường học bạn sẽ chỉ học những kiến thức chỉ là bề nổi và chia thành các phân môn khác nhau (không nói đến các bạn chuyên, HSG vì đó thuộc vào chương trình nâng cao hơn). Để phân hoá sâu hơn thì ở những câu nâng cao của đề thi THPTQG có thể giúp điều đó phần nào. Vậy đi học không phải để học vậy đi học để làm gì? Ngắn gọn thôi, để học cách tự học và hướng để học. Vậy đấy, chỉ vậy thôi vì đây không phải là một bài bàn về giáo dục và tất nhiên tôi không phải là một nhà giáo dục hay có bất cứ chuyên môn nào trong lĩnh vực này nên không nhìn được "tầm nhìn" và dự tính của người làm giáo dục được.
Thế thì kiếm tiền trong trường học tất nhiên là điều tốt chứ? Chẳng phải Tôi vừa nói đi học không phải để học sao. Cái Tôi nói chỉ là về việc học và nội dung của nó. Còn về cách sắp xếp thời gian và tiềm năng của mỗi cá nhân thì khác nhau và một học sinh cấp 3 thì về lý thuyết chưa đủ khả năng tự sắp xếp lịch học để cân bằng với việc đi làm. Tôi nói phần lớn chứ những bạn có khả năng kiểm soát thì tôi thấy cũng rất nhiều nhưng mà kiểm soát được cái mong muốn được chơi ở cái độ này nó vẫn gian nan lắm.
Vì vậy kiểm tiền là xấu? Ý tôi cũng không hẳn là nó tốt hay xấu, việc bạn kiếm tiền được ở độ tuổi này bằng chính khả năng của bạn ngay trên ghế nhà trường và giúp đỡ cho bố mẹ trong chuyện chi tiêu đặc biệt là đối với những gia đình tầm trung, đó là điều rất tuyệt, nhất là khi bạn vẫn cân đối giữa GPA và việc kiếm tiền. Và kiếm tiền ở đây tôi không nói đến mấy cái MMO chỉ tầm 200k-500k/ 1 lần rồi thôi, à mà thôi bạn kiếm tiền từ MMO mà đến vài chục triệu thì bạn cũng thuộc dạng giỏi và có kiến thức rồi, nên tôi chỉ không tính mấy bạn kiếm vài đồng tiêu vặt một ít rồi bỏ dở đó (giống như tôi, đáng buồn là vậy). Việc kiếm tiền ở đây tôi muốn đề cập là về việc đổi sức lao động, thời gian, trị tuệ lấy tiền. Là sự trao đổi đôi bên cùng có lợi của nhà tuyển dụng và người lao động. Nếu bạn không đi học, vì một lý do nào đó, gia cảnh hoặc điều kiện và phải đi làm thì điều này tôi không bàn tới vì bản thân tôi vẫn còn cắp sách đến trường và vẫn chưa trải qua hoàn cảnh như vậy. Còn đối tượng tôi muốn nói là các bạn học sinh, sinh viên đang ở trong nhà trường có thể là THPT, Đại học. Về hai đối tượng này, tôi sẽ nói riêng về từng đối tượng.
Đối với các sinh viên Đại học, việc đi làm thêm dường như đã trở nên quá quen thuộc đối với sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ trang trải, phải kiếm thêm thu nhập để duy trì cuộc sống và học phí. Đối với sinh viên, chương trình học nặng, chưa kể đến những môn chuyên ngành, việc cân bằng thời gian đòi hỏi một sự quyết tâm cao độ và cách quản lí hiệu quả. Phần lớn sinh viên và phụ huynh vẫn còn có suy nghĩ: "học để lấy cái bằng, còn lại thì văn bằng hai, tính sau" và bốn năm Đại học là vòng lặp chỗ làm, chỗ học, nhà và vòng luẩn quẩn ấy vẫn tiếp tục đến sau này. Lấy ví dụ, có một bạn A, con nhà nông ở vùng quê nọ, học giỏi so với mặt bằng ở quê A, được lên thành phố, bố mẹ chu cấp hàng tháng vài trăm đến 1 triệu đồng và vay thêm ngân hàng đóng tiền học. Quả là một khoản đầu tư thích đáng. Bạn A thấy vậy cũng cố gắng học nhưng mà ở thành phố cái gì cũng đắt, dù đã cố chắt chiu nhưng các chi phí cứ phát sinh, A quyết định đi làm thêm. A miệt mài chạy bàn, phục vụ, nhảy việc liên tục, những lúc rảnh rỗi, A cũng làm những công việc nặng nhọc hơn như làm thợ hồ, mang vác đồ lên tầng cao. Mấy chốc A đã đủ để trang trải cuộc sống không những vậy còn gửi tiền về cho bố mẹ và hoàn thành Đại học với tấm bằng loại giỏi học lên thạc sỹ đi nước ngoài đổi đời. Trường hợp này có nhưng rất hiếm, đa phần sẽ chỉ dừng lại ở việc A đủ trang trải cuộc sống và vòng lặp quay vòng đến hết đời A. Ví dụ trên giống như việc bạn bỏ học bạn sẽ thành Bill Gates nhưng chỉ 1% người bỏ học sẽ thành Bill Gates và ít hơn 1% cơ hội nếu bạn bỏ học Harvard còn số còn lại bỏ học thì sẽ là phần lớn người xem Bill Gates rồi tự nhủ bản thân cố gắng mỗi ngày. Nó cũng tương tự việc bạn cân bằng cả việc học lẫn đi làm, đồng ý những công việc ấy đem lại cho bạn tiền, kinh nghiệm, quan hệ nhưng bạn có chắc liệu cuộc sống của bạn có theo hướng đó hay không? Liệu bạn có biết tương lai những điều đó có giúp ích hay không? Hay cái bạn cần chỉ là sự chắc chắn và an toàn? Có thể hơn 1%, hơn 10% hoặc 50% số người có thể cân bằng cuộc sống và việc học. Vậy bạn nghĩ vấn đề do đâu? Bản thân? Ừ cũng đúng thôi vấn đề quan trong nhất là do sự định hướng và phải gửi lời cảm ơn cách nhìn nhận thông qua những thông tin sai lệch trên các mặt báo giữa việc kiếm tiền và học. Học giỏi thì kiếm nhiều tiền, cũng đúng nhưng chưa hẳn. Vậy kiếm tiền như thế nào? Thú thật tôi không biết, kiếm tiền thì tôi có thể nhưng kiếm nhiều tiền và giữ được thì không chắc.
Quay lại với các bạn cấp 3 việc kiếm tiền bó hẹp trong một khuôn khổ về độ tuổi cũng như môi trường. Các bạn phục vụ quán cà phê, trà sữa kiếm thêm thu nhập (đủ tuổi lao động nữa), bán hàng online hay gọi sang hơn là digital marketing (xin lỗi anh chị trong ngành cơ mà nó cũng là một phần j4f). Từ đó có nhiều kinh nghiệm và tiền, rõ ràng :D. Và vấn đề cũng tương tự như đối với sinh viên. Ít nhất ở cấp 3 vẫn bố mẹ vẫn còn bao nuôi được và chưa phải lo nhiều việc sống tự lập.
Việc kiếm tiền trong giai đoạn còn đi học đem lại thu nhập là chính, ngoài ra kinh nghiệm, mối quan hệ những lợi ích đi kèm đem lại không thể phủ nhận. Nhưng phải đồng ý rằng việc kiếm tiền và việc học dường như có một sự hiểu lầm lớn nhất định trong mindset của phần đông, hiểu sai về tiền. Chỉ có bạn mới thực sự tìm được câu trả lời. Muốn kiếm tiền trước hết phải hiểu: "Tiền là gì?". Sự giáo dục về tiền sai lầm có thể trả một cái giá đắt cho từng bài học.