Xe máy tôi lại hỏng. Bao giờ cũng thế, cứ lương về là xe hỏng. Bắt đầu hỏng công tơ mét, có hề gì? Công tơ mét thì ai nhìn nào? Rồi hỏng xích cam. Thế cũng chẳng sao: Xích cam hỏng xe kêu phành phạch, nhưng cũng chẳng hại ai. Tức mình, xe hỏng ngay cả bộ khí. Nhưng hỏng khí thì cũng tự nhủ: “Khói trắng tý có làm sao!”. Không việc gì phải sửa cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Đã thế, xe phải hỏng luôn cả đèn và ổ khóa, đồng thời nứt luôn cả ống bô và hở van bình xăng! M* kiếp! Thế này thì có phí tiền không? Thế này thì có khổ tôi không?
Đi ra hàng sửa xe, ông chú sửa xe chẹp miệng, bảo: “Xe này sửa cũng được thôi, nhưng mình khuyên thật anh em, nên bán lại cho mình”.
Tôi ngần ngừ hỏi: “Thế chứ xe hỏng nặng lắm hả anh?”
“Để ngoài mưa đúng không? Con này ổ khóa với đường điện nó ngửa lên trời, mưa ngấm vào, hỏng điện ngay!”
Tôi cười trừ: “Bãi xe công ty chật quá, để ngoài hiên hôm nọ…”
“Ừ, bảo sao…” – ông chú sửa xe nói, tay loay hoay mở nắp đèn.
“Thế, giả em bán anh cái xe này, thì anh lấy bao nhiêu?”
Ông chú cúi xuống ngắm nghía. Đằng sau, chị vợ ông đang dọn dần mấy đĩa đồ ăn để trên cái bàn nhựa, rồi, chẳng nói chẳng rằng, đặt lên bàn một cái ấm và chén trà con. Bữa ăn hình như mới chỉ bắt đầu đã phải ngắt ngang vì một con cub nát. Tiếng thời sự lao xao.
Ông chú ngẩng lên, bảo: “Thôi, giờ cũng muộn rồi. Anh em cứ làm chén trà đã, để mình sửa cái hộp khóa rồi mai quay lại mình định giá cho”.
Tôi cười cười. Hỏi thế thôi, chứ biết là chẳng bán.
Thấy tôi ngập ngừng, ông chú sửa xe nói vội:
“Bán con này cũng được giá đấy anh em ạ! Con này, mấy ông bà già hay đi thôi! Bán sớm đi rồi mình chọn cho anh em con Dream mới, lắp thêm cả đèn vàng, pha trắng tùy chọn! Tuổi này là phải đi Dream anh em ạ!”
“Thôi anh. Em công sở nhà nghèo. Bán đi không biết đi làm kiểu gì”.
“Đấy, anh em cứ suy nghĩ đi nhé! Tuổi này là phải đi Dream…” – ông chú sửa xe đấu đấu mấy mạch điện – “ơ quái, đường điện đi lại rồi vẫn hỏng nhỉ?”
“Anh kiểm tra chỗ đi điện chính đi? Em cũng chả biết gọi là cái gì… Cái hộp hộp ở thân xe ấy…”
“À à…”
“Ừa, cái chỗ đấy, chỗ sửa xe ngày xưa của em bảo là có đàn chuột sống trong đấy, nó cắn đứt hết sạch dây. Đến khổ! Mà không có tiền thay hết dây nên cứ hỏng cái nào thay tạm cái đấy thôi, nên có khi vẫn còn cái hỏng”.
“Đúng thật! Dây hỏng hết rồi. Mà có cả chuột sống trong này cơ à?” – rồi ông chú tiếp luôn - “Mà mấy cái đường điện con cub này đi lộ, nên có chuột sống cũng đúng…”
Tôi tự rót cho mình một chén trà. Chẳng phải mình chuột sống nhờ cái xe này. Lần cuối cùng tôi sửa xe ở chỗ trọ cũ, anh chủ chỗ đó, trẻ măng, thảng thốt ngậm ngùi nhìn tôi. Anh phân trần, mẹ ki*p, một mình tiền anh sửa cái xe này thời gian qua chắc cũng đủ đóng học cho hai đứa nhà em. Hai đứa nhà anh sửa xe tay cầm bóng bay người nhện, chụp ảnh trước cầu công viên Thủ Lệ, đứng cười tươi rói trong bức ảnh đặt trên cái bàn nhựa tôi ngồi. Anh chủ chỗ đó nhìn tôi, rưng rưng đưa tờ hóa đơn cuối cùng, ánh nhìn như người thiếu nữ tiễn chàng Don Juan hay hứa hão. Anh nói, và tôi thoáng thấy giọng anh có phần run:
“Bao giờ… Nếu xe anh hỏng giữa đường, đoạn này ấy, thì qua đây, em sửa nốt cái xích cam, với cả giảm giá bơm vá, miễn phí rửa xe cho…”
Tôi cười khổ, bảo, hỏng xe thì dễ lắm, và vâng, nếu có hỏng khu này thì xin nhờ anh sửa vậy. Thôi, coi như vì ngày xưa mình học ngu, nên giờ phải cống nạp lại cho nền giáo dục tương lai nước nhà.
Trà quán sửa xe thì đâu đâu cũng giống nhau. Một cái ấm sứ cơ bản trên bàn nhựa, cạnh ống điếu thuốc lào, trà thì không bao giờ quá nóng nhưng bao giờ cũng đắng chát. Hoặc là vậy, hoặc là lần nào sửa xe, tôi cũng thấy chát.
Tôi nghĩ, cái xe cub của tôi mới là một thí nghiệm triết học thật sự. Hơn hai ngàn năm trước, các triết gia nghĩ ra thí nghiệm tưởng tượng “Tàu của Theseus” để làm ví dụ về sự biến thiên của danh tính. Trong thí nghiệm này, người ta nghĩ về chiếc tàu của chiến binh Theseus, sau khi đi qua hàng ngàn cuộc hành trình anh hùng, thì đã phải sửa chữa, thay thế mọi phần trên con tàu. Tức là con tàu này, khi đỗ lại bến cảng cuối cùng, không còn chút gỗ sắt nào là của con tàu đầu tiên nữa. Câu hỏi đặt ra là, con tàu này còn có là con tàu của Theseus không? Hay nó là con tàu nào khác rồi?
Người ta hay nghĩ về thí nghiệm này đối với danh tính con người, nhưng nó luôn có những điểm sơ hở nhất định. Nhưng cái xe cub của tôi thì đúng là một thí nghiệm Theseus luôn. Ông nội tôi mua con xe này năm 1995, rồi từ ngày ông đi đến giờ, rồi đến ngày ông mất và tôi tiếp tục đi, tôi không chắc có phần nào của cái xe này là nguyên trạng của nó không. Ngay cả những phần máy trong cũng thay ra đôi lần. Phần nào cũng sửa chữa, vá víu, và đến hôm nay, giữa ngày mưa tháng 9 của 27 năm sau, cái xe chắc chắn tự hào là một cái xe máy Theseus.
Giống như Theseus, cái xe này cũng trải qua nhiều cuộc phiêu lưu. Không vượt qua biển Megara nhưng ít nhất một lần cũng đi gần hết Phủ Lý và vài lần đến Sơn Tây. Không diệt trừ được khổng lồ Sinis nhưng hình như cũng suýt đấm nhau với mấy thằng lưu manh bật pha đi tối. Không lập ra Athen nhưng cũng giúp ít nhất hai cháu nhỏ học qua bậc tiểu học. Cũng gọi là vinh hiển.
Phần sau thí nghiệm tàu của Theseus: Con tàu cập bến sau bao chiến công. Chàng Theseus lên làm vua, từ trần, còn con tàu vẫn dựng ngoài khơi để chiêm ngưỡng. Bằng một cách thần kỳ nào đó, ai đấy biến hóa thần thông, thu thập được tất cả những mảnh vụn của con tàu đầu tiên, ghép lại thành một chiếc tàu khác. Lúc này, đâu mới là con tàu của Theseus? Chiếc tàu với những vật liệu đầu tiên, hay chiếc đã cập bến cùng chàng?
Nhiều triết gia đã tìm cách trả lời, nhưng tôi nghĩ, đôi khi mình nên chú ý vào những chi tiết khác. “Con tàu” nó chỉ là cái tên. Nó là danh tính thôi, còn danh tính chỉ là một giá trị, nếu chúng ta nhìn mọi thứ như những diễn trình. Việc người ta ngồi lên nó, và đặt tên nó, rồi cùng nó đi thế nào mới là quan trọng. Ngay cả việc sửa chữa nó cũng vậy, phải sửa chữa thì nó mới là con tàu, là cái xe cub chứ. Và ngay cả khi nó đậu lại ở nơi nghỉ ngơi cuối cùng, trên bến cảng Athen, hay là cái tiệm sửa xe này, nó vẫn còn những giá trị tinh thần. Những cái giá trị đó, biến thiên như là điều tất nhiên, mới làm con tàu hay cái xe máy trở thành một sự bảo chứng trong thời gian. Rằng, là tôi đã đi cái xe này đấy, nó là của ông nội tôi, và giờ nó là của tôi…
Cho đến lúc ngáp, công tơ mét chiếc cub chỉ khoảng gần 90 nghìn cây số. Chiều dài quãng đường thủy giữa Athens và Delos, nơi tàu của Theseus rong ruổi hàng năm, là 150km. Vậy nếu con cub này mà dong được ngoài biển, thì nó cũng lướt hết khoảng 300 lần vòng đi vòng về khắp cái nôi văn hóa phương Tây. Còn nếu mà đi từ cực Bắc tới cực Nam Việt Nam, thì con cub này đi được khoảng 54 lần. Nếu Theseus còn sống mà nhìn thấy cái công tơ mét trên xe, dễ cũng phải sợ mửa mật.
Tôi nghĩ vậy, bật cười. Ông chú sửa xe đã xong, nhìn tôi cười một mình chắc cũng hơi hoảng. Có lẽ dễ tưởng thằng này hỏng xe nhiều nên cay cú quá hóa dở hơi chăng. Chắc vậy nên giá sửa cũng mềm. Tôi chẹp miệng, rút ví, trích khoảng phần hai mươi của phần lương còm vừa nhận cho ông chú sửa xe, hẹn ngày mai quay lại làm nốt.
Trước khi đứng lên xách xe ra về, tôi nhấp thêm một ngụm trà.
Ánh trà sóng sánh xanh, hao hao xanh giống màu của hồ Tây đâu đó khoảng 20 năm trước. Hồi đó, ông nội chở tôi đi khắp hồ Tây, cũng trên chính con xe này (hoặc là một con xe khác, nếu chúng ta vẫn duy danh). Rồi, ông bảo tôi:
“Nay ông đèo con đi, về sau con lớn nhé, con lại đèo ông đi”./.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Long Tran
Mình có một chiếc xe dream giống như câu chuyện của bạn, cũng chả biết tất cả bộ phận (trừ cái máy) đã thay hết chưa, mình đi nó 3 năm rồi. Cứ có lương là trích một tí đi thay linh kiện, 2-3 tháng thay nhớt 1 lần. Tuy cũ nhưng nó cũng là chiếc xe chở mình vào những ngày đi học đầu đời, mình quý nó lắm!
- Báo cáo
KeimaGod
Mình ngược lại bạn. Mình đi con dream từ sau tốt nghiệp cấp 3, đi học đại học và giờ là đi làm cũng được 10 năm rồi mà mình ghét nó quá. Chẳng hiểu sao
- Báo cáo
Tomas.tw9
ấm
- Báo cáo
Tomas.tw9
ấm
- Báo cáo
Trường Sở
Còn cái khung xe nguyên zin nhé =))
- Báo cáo
akihiro
Nhà mình cũng còn một chiếc cub lên tuổi cụ. Thỉnh thoảng nhìn nó ba mẹ lại bảo hai mảnh đất đó con, nhớ giá lúc mang đi cầm còn mặc cả^^
- Báo cáo