Thế nào là thượng đẳng? Tôi nghĩ đơn giản đó chỉ là sự nâng cấp trong nhận thức, lối suy nghĩ và thái độ sống của con người. “Thượng đẳng" là tính từ có phần tiêu cực. Tuy nhiên, đó lại là bằng chứng cho sự phát triển cần thiết trong hành trình tâm linh của mỗi cá thể. Thượng đẳng xuất phát một phần từ bản năng, một phần từ trải nghiệm. Tôi hiếm khi thấy một người nghệ sĩ nào không có sự thượng đẳng. Đọc văn Vũ Trọng Phụng, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, xem phim Vương Gia Vệ, công chúng (hoặc ít nhất là công chúng có con mắt và đôi tai thưởng thức) đều thấy được lăng kính nhìn đời thượng đẳng.
Thượng đẳng không phải thái độ giẫm lên người khác để thấy bản thân cao hơn. Đó là trạng thái - khi những trải nghiệm thông qua bản năng nhận thức phát triển thành lưới lọc cho mọi sự tiếp nhận. Thông tin hay nguồn năng lượng sẽ được tiếp thu một cách chọn lọc. Họ xác lập những nguyên tắc ngầm trong kết nối và đời sống. Sự khó tính, khó chịu và khó ưa đối với số đông được kiến tạo từ đó. Khó ai lại ưa một khuôn mặt khinh khỉnh với đôi môi chẳng biết cười giả lả. Kì thực, họ cũng chẳng cần ai ưa, toàn những người không hiểu họ mà cũng chẳng ai hiểu được họ. Họ thà nghe nhạc, xem phim, vẽ vời hoặc viết lách còn hơn lắng nghe những cuộc nói chuyện tầm phào hay đón xem trò đời kém thú vị. 
Trong cuốn “Hoàng tử bé", tác giả đã viết: “Thế là tôi chẳng buồn nói chuyện với anh ta về chăn, về rừng già hay là tinh tú gì nữa. Tôi hạ mình xuống cho vừa tầm với anh ta. Tôi nói với anh ta chuyện bài bạc, chuyện đánh golf, chuyện chính trị rồi chuyện cà vạt. Và người lớn kia hài lòng hết sức vì đã làm quen được với một người biết điều đến thế". Và cũng trong cuốn sách này, Antoine de Saint-Exupéry bày tỏ: “Nhưng dĩ nhiên, vốn là những kẻ hiểu rõ cuộc đời, chúng ta đâu coi số má ra gì! Tôi những muốn bắt đầu câu chuyện này theo lối cổ tích". “Những kẻ hiểu rõ cuộc đời" (theo cách nói của tác giả người Pháp) luôn cô đơn. Sự cô đơn bắt nguồn từ nhu cầu cơ bản nhất của linh hồn - nhu cầu chia sẻ. Nhu cầu này sản sinh ra những kết nối như twin flames, soulmate,... Tuy nhiên, nhu cầu đó của họ thường khó thoả mãn. Theo quan sát của tôi, phần lớn họ đều có một vũ trụ riêng. Tiểu hành tinh đó là nơi họ cô độc trị vì. Từ góc độ huyền học, một linh hồn già cỗi (theo chu kỳ mặt trăng) đã từng trải qua nhiều kiếp sống với vô vàn bài học nhân - quả sẽ không còn hời hợt với những bông đùa tạm bợ được nữa. 
Sự thượng đẳng khi diễn tiến theo một chiều hướng tiêu cực (nhưng thuận tự nhiên) sẽ làm nảy mầm suy nghĩ: “Con người đều là là rác". “Tồi tệ” và “rỗng tuếch" là những tính từ mô phỏng phần lớn nhân loại. Không khó để bắt gặp một đám thanh niên nâng chén bên đường và liên tục đưa ra những quan điểm nam tính độc hại (Toxic masculinity). Sử dụng mạng xã hội, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những cá nhân “chới với" trong việc gắng gượng mặc vừa chiếc áo quá rộng do họ tự dệt nên. Họ đóng khuôn bản thân trong nhân tính mạng xã hội, và cuộc đời thực của họ đáng buồn thay không khá khẩm hơn là mấy. Trong thời đại “nội dung nhanh", những con cừu ăn cỏ lại có cơ hội ngồi nghe kẻ chăn cừu thuyết giảng về bài học self-help. Self-help về bản chất không phải liều thuốc độc, cho đến khi bị biến thể thành một dạng thông tin tích cực tiêu cực (Positively negative) hay mang tính tích cực độc hại (Toxic positivity). Chỉ những tâm hồn ngây thơ và non trẻ mới còn có thể tự cổ động bằng những khẩu hiệu kiểu: “Vui lên!", “Lạc quan lên!", “Tích cực lên!”. Nếu thời đại của Vũ Trọng Phụng được khắc họa qua vở kịch Âu hoá hợm hĩnh và rởm đời; thì kỷ nguyên của chúng ta lại chứng kiến những trò đời lố lăng theo một thói khác. 
Không chỉ con người, có những nơi chốn cũng phảng phất sự “thượng đẳng". Đó hẳn là vương quốc của “những kẻ hiểu rõ cuộc đời". Chúng ta vẫn thấy những quán cafe hay quán pub hoạt động theo phong cách speakeasy “trốn khách". Họ từ chối và chọn lọc khách hàng. Thứ họ cung cấp không phải dịch vụ thương mại mà là không gian cho những kẻ vô gia cư giống họ. Con người luôn đi kiếm tìm những từ đồng nghĩa. Trong một cơ may nào đó, họ có thể bắt sóng những người-giống-họ ở vài hang ổ nhất định. Sự kết nối luôn là điều khó lý giải. Sự kết nối ở tần số cao lại càng hiếm hoi. Nói và nghe là hoạt động vật lý, thấu hiểu và đồng cảm là vận động tâm linh. Những cuộc hội thoại đa phần hướng đến khu vực xử lý của não bộ. Cuộc trò chuyện đi thẳng từ trái tim đến trái tim thì không cần lời nói nữa. Lúc này, chúng ta gặp nhau nhờ trường năng lượng và giao tiếp bằng trực giác. Những kết nối này có thể tìm thấy giữa người với người, người với động vật và người với thực vật (khi Luân xa Trái tim - Heart Chakra được khai mở). 
“Những kẻ hiểu rõ cuộc đời" sẽ thấy “người lớn đúng thật là cực kỳ khác thường". Vì thế, họ mong cầu những kết nối cao và sâu hơn. Điều đó làm khổ họ.