Quá đỗi yêu thương, quá đỗi căm thù, quá đỗi khổ đau

1. Có đôi lúc tôi chìm vào oán hận.
Đó là khi nào nhỉ? Khi đột nhiên phải nhớ ra rằng mình từng rất trần ai, rất cát bụi. Có bao nhiêu những kẻ cũng như tôi, trôi vào đáy sâu của đô thị, thở than, bị bóp nát vụn vỡ? Đô thị có thể chẳng ở gần nhà tôi: có thể nó ngay trong tôi, trong thân thể này, trong trái tim này, trong khối óc này.
Nhưng cái bến mê-đô thị này có thể hãm hại người ta đến đâu? Và ta có thể tan nát đến mức nào trước đô thị này?
Vào những ngày đô thị vật lộn trăn trở, và vào ngày nó hùng cường đòi xây dựng một thế giới mới, nó đã tàn phá nhiều gia đình. Ta vẫn thấy những căn nhà bị đập bỏ vì một con đường mới, một siêu thị mới. Những viên gạch rã rời rơi xuống cái nền sắp bị bật tung. Ta chứng kiến những gia đình hạnh phúc bỗng nhiên tang tóc, đứa con duy nhất của họ bị ung thư hoặc đâm sầm vào một lề đường và đột nhiên chết khi mấy tiếng trước còn vẫy chào họ cười. Ta còn thấy nhiều cuộc đời tan nát nữa. Nước mắt rực như lửa.
Nếu ta trầm tư, ta sẽ thắc mắc: tại sao cơ chế cuộc đời lại tạo ra những bi kịch thái quá như thế, quá đỗi yêu thương, quá đỗi căm thù, quá đỗi khổ đau?
Điều gì có trong đô thị cũng có trong con người. Sự khổ đau của đô thị hằn vào con người. Quyết liệt đến tàn nhẫn. Vào những năm 1990, ở Nhật, người ta đã quan sát được một hiện tượng thế này: những người trải qua đau khổ thái quá ở đô thị bỗng nhiên tâm thất trái của họ phình ra to như một cái rọ bắt mực (Takotsubo), khiến tim chịu một áp lực cực lớn, và họ có thể chết vì thế. Nỗi đau có thể phút chốc, có thể lâu dài, nhưng triệu chứng “trái tim tan vỡ’ này quả thật đã xảy ra ở rất nhiều nơi trong đô thị, khi nỗi đau không thể nguôi.
Nhưng tại sao trái tim? Có điều gì kì quặc thế? Tâm lí đã bóp nghẹt sinh lí? Không, đây là đô thị đã giết chết con người. Đó là con người đa cảm, con người sẵn sàng yêu thương, sẵn sàng căm thù, và sẵn sàng khổ đau. Khi ta biết một chút về bí mật của “trái tim tan vỡ”, ta sẽ rõ con người tan vỡ ấy mang tên gì.

2. Mọi cái chết của thể xác, hãy trả lời bằng thể xác.

Trên thận có một tuyến được gọi là tuyến thượng thận, tuyến này sản sinh ra ba chất dịch (hormon) chính giúp điều hòa huyết áp (vỏ thượng thận), điều hòa đường huyết (lớp giữa, sợi), xác định nam tính (anđrogen, lớp lưới). Đây cũng là nơi sản sinh ra adrenalin (thiên thần của chứng hành xác, thử cắt tay lúc buồn mà xem) và cortisol (một tay thợ cần mẫn giảm stress bằng cách tăng đường huyết, tăng huyết áp, nhưng còn cặm cụi chống viêm, tăng miễn dịch, kiểm soát chất béo và trao đổi protein, quá nhiều sự vụ quan trọng, không lãng mạn và giả vờ bí ẩn như adrenalin).
Nhưng lại có một bộ phận của thần kinh giao cảm nằm ngay ở đó (Não gửi một Đại sứ quán ở Thận, quá tuyệt vời), gọi là tủy thượng thận. Nói về Đại sứ quán này một chút: nó thuộc về hệ thần kinh tự chủ, có chức năng điều hòa các bộ phận và các tuyến trong cơ thể (một tay sai đắc lực của Não và lắm quyền hành). Hệ giao cảm gồm hai trung tâm: trung tâm cao là phía sau, vùng dưới đồi thị não như hình ngay dưới, trung tâm thấp nằm ở sừng bên chất xám tủy sống từ đốt ngực 1 đến đốt thắt lưng (y học thì gọi là từ T1-L2). Vùng hạ đồi là một trong những khu vực hệ trọng với hội chứng “vỡ tim”, nó điều khiển việc sản xuất hormon của tuyến yên, điều hòa các dây thần kinh tự chủ, kiểm soát thân nhiệt và cảm xúc (khứu giác, thị giác). Nó thậm chí được xem là tuyến nội tiết.
Hãy nghĩ một chút xem, cơ chế thần kinh có một chu trình ngược thế này: nếu các vấn đề thân nhiệt, cảm xúc (thị giác, khứu giác) bị tác động một cú mạnh, thì tuyến đồi sau này sẽ sưng sỉa chửi bới hoặc bi lụy thại quá ngay. Thế là tuyến giao cảm sẽ lập tức bị kích động, đám thần kinh giao cảm bám víu ở xương sống cũng nháo nhác. Vậy là tuyến nội tuyết do bọn này làm chủ và đặt Đại sứ quán ở Thận sẽ phản ứng một cách rất hách dịch hoặc lộn xộn. Cái đó để sau là thấy. Giờ nhìn hình để biết cái cơ chế móc nối loằng ngoằng (hình vẽ thì đã giản hóa rồi):
norepinephrine

Thế là rõ nhé, hệ giao cảm một khi hâm hấp lên, có khối thứ bị đày đọa ảnh hưởng.
Tuyến tủy thượng thận này đẻ ra một chất gọi là catecholamine. Bình tĩnh nhé, tay Catecholamine đa cảm này là một gã đa nhân cách. Nhân cách thứ nhất có tên gọi quen thuộc cực kì: Dopamine. Vì Dopamine mà, than ôi, người ta sẵn sàng nghiện hút, ăn uống, làm tình, tập thể dục chăm chỉ, nghe nhạc, chiến thắng… Cái lí ban đầu của cơ thể rất đơn giản: cứ vui vẻ, thích thú, vận động, chiến thắng… sẽ có Dopamine. Nhưng cái lí của đời thật dễ sợ: để có mọi cảm giác vui vẻ sướng khoái ấy, người ta sẵn sàng hút chích làm bậy để có Dopamine.
Nhân cách thứ hai của Catecholamine là Nor-adrenalin (hay nor-epinephrine, sao khó nhớ thế nhỉ). Nor-adrenalin gây co mạch và kích thích tim, tác dụng chính là tăng cường hoạt động của hệ giao cảm. Ở đây có một mấu chốt nho nhỏ sẽ mất nhiều lời, ta chẳng dại gì bàn sâu: Nore-adreanalin hay Norepinephrine có thể gây ra rối loạn tim, dẫn đến trầm cảm, làm người ta quá vui hoặc quá buồn, rối loạn tâm thần hưng cảm, phô trương quá mức. Đấy, nên đừng bảo trái tim và huyết mạch không thật là tâm cảm yêu thương buồn vui giận ghét. Vì cảm xúc và thể xác này nhiều khi (rất nhiều khi) là MỘT.
Nhân cách thứ ba của Catecholamine thì quá quen thuộc: Adrenalin (hay Epinephirne). Cần nói ít về người nổi tiếng, nên chỉ vắn tắt là: nếu Nor-adrenalin làm rối loạn tim, chi phối hoạt động mạch và tim, mang tính nội sinh, thì Adrenalin lại là một chất được sản sinh theo những kích thích bên ngoài (ngoại sinh). Khi ta sợ hãi, tức giận, yêu mến ai, Adrenalin sẽ được tạo ra ngay, làm tim đập nhanh đột xuất và làm ta muốn thực thi điều gì đó: trả thù, hôn, ve vuốt…
Thật kì lạ và tuyệt vời, tại tòa Đại Sứ Giao Cảm này, ta bắt gặp tất cả cội nguồn của yêu thương và căm thù, cách mà yêu thương và căm thù tỏa phát khắp nơi trên đời này. Hàng thế kỷ nhân loại của nước mắt và nụ cười… Và nhiều nữa. Ngay tại tòa Đại Sứ Giao Cảm này, ta có thể nói: con người đa cảm, con người của ngoại giới, con người sung sướng và khổ đau với ngoại giới đang hiện diện. Thảo nào những chấn thương lớn lao quá khiến người ta sụp đổ. Theo nghĩa đen.
Bình thường anh chàng đa cảm Catecholamine chỉ phục vụ cho hệ giao cảm để kích thích các quá trình tiết dịch và điều hòa nước trong cơ thể (xuất tinh, nước bọt, tiêu tiểu, tiêu hóa) nhưng chính tác dụng phụ của Catecholamine (của ba nhân cách kia than ôi). Về thể xác, tác dụng phụ và hoạt động chính lại là một: Truyền xung động thần kinh trong não, làm tăng glucose và giải phóng axit béo để tạo ra năng lượng, làm dãn phế quản, và làm dãn đồng tử. Khi Catecholamine bị phóng thích quá mức đã gây ra chứng tim tan vỡ như đã biết.
Hoạt động của cả ba nhân cách Catecholamine rất vị tư, nó đến đâu có thể gây ra u đến đó, do đó nó đã gây ra U tủy thượng thận ở mọi nơi nó đi qua như ruột, mạc treo tràng trên, mạc treo tràng dưới, hạch giao cảm ngực, bàng quang, hạch giao cảm cổ… (Catecholamine, kẻ đa cảm luôn tự giết mình và biến mình thành lang thang!), đến một lúc nọ khi các u này phát triển (lành tính là chính, 11% thành ác tính) thì bỗng nhiên một lượng catecholamine được chính các khối u này tạo ra (lại một bí mật), và thân thể bỗng nhiên tồn trữ một lượng catecholamnie nhiều bất thường mà không biết dùng tiếp vào việc gì. Vì catecholamnie không có các đối trọng (các hormon kiềm chế nó), nên nó cứ ung dung lang thang trong thân thể, nằm vạ vật và chờ đợi một mặc khải từ tuyến thượng thận và hệ giao cảm.
Và khi quá đỗi khổ đau, Catecholamine quyết định bóp nát trái tim mình.
4. Khi đã bị Đô thị nhét vào một cái rọ Takotsubo, thì trái tim ta cũng sẵn sàng tan vỡ như vậy thôi, chỉ là lúc nào và đến mức nào. Có một con người Catecholamine trong mỗi người, một con người chờ đợi được khai tử, lang thang trong thế gian, khổ đau và yêu thương.
Nếu đó là cuộc đời, và nếu đó là mỗi người, thì ta nên nghĩ gì về những người ta yêu thương hoặc căm thù? Ai trong số họ cũng sẵn sàng gieo rắc cái chết vụn vỡ lên đời chúng ta. Có phải vậy không? Kẻ thù của ta, người yêu của ta !            
 OOPSY- TÂM LÝ HỌC