Từ ngày xe ôm Grab phổ biến ở Việt Nam cũng là lúc mà những cuộc tranh luận nảy lửa giữa xe ôm truyền thống và xe ôm thời hiện đại (mà cụ thể nhất là Grab) bắt đầu nảy sinh. Không đơn giản chỉ là cuộc chiến tranh bàn phím, không chỉ là những cuộc bút chiến trên những mặt báo lớn nhỏ hay cũng không đơn thuần chỉ là câu chuyện làm quà trên bàn cà phê cho qua ngày mà đó còn là cuộc chiến bạo lực thực sự, là sự tranh giành địa bàn, là sự hăm dọa, cảnh cáo lẫn nhau. Sự khốc liệt đó có lẽ ai cũng biết. Nhưng nếu là tôi đi ra đường, trên tay cầm smartphone, có Internet chắc chẳng bao giờ tôi đi xe ôm truyền thông cả. Cơ bản tôi đang sống ở nơi Thủ đô đầy nhộn nhịp, với cái giọng đậm chất quê như tôi thì có lẽ việc đi một cuốc xe ôm với "đúng giá" là điều không tưởng. Mà nói thật, tôi cũng chẳng biết đúng giá là bao nhiêu. Và tôi còn chả biết chiếc xe ấy nó có chết máy giữa đường hay không? Với Grab mọi điều đơn giản hơn rất nhiều, giá đã có, xe hỏng thì feedback rating thấp. Xem như mình cũng có cái gọi là quyền chủ động. Vậy Grab luôn là ưu tiên số 1. Chắc vì thế mà Grab trở thành start up triệu đô.
    Có người bảo rằng, khi xã hội đi lên thì chúng ta phải bỏ đi những  giá trị truyền thống đã lạc hậu. Đối với tôi, xe ôm cũng như một nét gì đó hoài niệm, là chén cơm manh áo của biết bao nhiêu con người. Khi nghĩ đến bác xe ôm hình ảnh đầu tiên gợi lên là áo đã sờn phai, khuôn mặt khắc khổ, xài điện thoại cục gạch, ... đối với tôi, đó là sự thân thương, có lẽ vì tôi lớn lên từ một miền quê cơ cực nên mới thấy vậy cũng nên. Sẽ mâu thuẫn khi tại sao thân thương, hoài niệm vậy mà không trân trọng ủng hộ. Vấn đề ở chỗ đó, có cái tốt hơn mà vẫn dùng cái cũ là cố chấp. Ý tôi muốn nói là sao không nâng cấp xe ôm truyền thông lên một tầm cao khác. Tại sao không có một cái gọi là "chứng chỉ hành nghề xe ôm", sao không có dịch vụ tổng đài xe ôm, sao không có quy định bảng giá, quy định chất lượng. Vâng, đấy là vấn đề của một người ở tầm cao khác chứ không phải của một thằng ảo tưởng về sự tươi đẹp xã hội như tôi. Nhưng lạ cái là, vấn đề tại sao lại vẫn chưa có. À, chắc là đang thử nghiệm, đang triển khai. Chắc là sức người sức của có hạn. Ôi, thôi. Giá mà cộng đồng có thể góp sức để thay đổi điều này thì tốt biết bao nhiêu. 
    Đầu năm trải lòng một tý, chúc các anh chị em cô dì chú bác sức khỏe, năm mới phát đạt, thành công và may mắn. Đó là lời chúc xã giao. Còn chúc câu tâm tình là chúc mọi người sức khỏe.