(Bài viết phân tích cuốn “Một nghệ thuật sống” có sử dụng trích dẫn và sự trùng lặp trong câu từ của quyển sách)

Quyển sách mà mình đã đọc tới 3 lần, nhưng đến vây giờ mới có đủ hiểu biết để tổng hợp lại. Theo quan điểm của mình thì một cuốn sách hay là cuốn sách sẽ đi cùng với sự phát triển của tinh thần và nhận thức, qua mỗi lần đọc, ta lại thấy mình trưởng thành và thấu hiểu nhiều thứ hơn. Sau đây là những bài học mà mình đúc kết được từ cuốn sách “Một nghệ thuật sống” của cụ Thu Giang - Nguyễn Duy Cần.
Phần 1. Bàn về cái sống, văn minh tiến bộ và hạnh phúc.

1. SỐNG

Con người chúng ta là hạng thông minh nhất, chuyện trên trời dưới biển, ông nọ bà kia, đông tây kim cổ, chẳng cái gì thoát khỏi sự tò mò của ta. Ta thảo luận không ngừng, cặm cụi tìm cho bằng được ý nghĩa của những thứ ngoài kia. Nhưng cái quan trọng nhất là đời sống của ta đây thì lại chẳng mấy khi, chẳng mấy ai bàn đến.
Con người ta trên đời ai mà chẳng sống, vậy có tai đang nghe, có mắt đang nhìn đây không phải là sống hay sao mà lại bảo là không sống? Đó là ta chưa phân biệt được sống và tồn tại. Sống theo mình mới thực sự là sống, sống theo người thì chỉ là tồn tại mà thôi.
Thế nhưng khi ta sống theo cái sống của mình cũng nhiều khi lầm lạc, thỉnh thoảng ta vẫn tự hào rằng bản thân đang sống đúng với chính mình (tôi là chính tôi), nhưng thực chất cái ta ấy chỉ đơn giản là cái ta của xã hội - kết tinh của giáo dục, môi trường, xã hội, luân lý, tôn giáo, học thuyết tạo nên con người ta, chứ thực chất cũng chẳng phải ta, cái đó gọi là Phi Ngã. 
“Người ta ở đời, không một sinh vật nào là không thọ của trời đất một cái sống. Cái sống ấy cùng với trời đất là một, một cái mầm toàn năng, toàn lực, toàn thiện, toàn mỹ.”
Phận sự của ta, nếu có thể gọi là phận sự là phải lo trở về với cái sống một ấy. Theo ý hiểu của mình, thì tất cả chúng ta vốn dĩ là những thực thể toàn thiện, một viên ngọc sáng nhưng bị bao bọc bên ngoài bởi nhiều lớp bụi khác nhau của định kiến, của hệ thống tư duy sai lầm… Việc của ta là từng bước phủi đi lớp bụi để quay trở về với cái bản thể hoàn hảo nhất của mình, “cái sống một” cùng trời đất. Toàn thiện ở đây là toàn thiện của mình chứ không phải toàn thiện của người khác. Không có cái toàn thiện nào hơn cái toàn thiện nào, đã gọi là toàn thiện thì đều đáng quý như nhau. Hay như trong bài viết trước mình có đề cập, nếu sống trọn vẹn thì cái sống nào cũng đều đẹp như nhau cả. 
Vậy thì sống là gì? Ta phải làm gì với cái sống của mình đây? Tác giả nói sống là tìm kiếm và tranh đấu. Nhưng đối với mình sống đơn giản là chiến đấu. Chiến đấu với những nhận thức sai lầm cố hữu, có đủ dũng cảm và cương quyết để phá bỏ những thiên kiến sai lầm ấy đi, ngay cả khi nó có động chạm đến quyền lợi ích kỷ của những người thân yêu, chiến đấu với những thứ cản trở cho sự tự do phát triển tinh thần và thể chất của ta. Chiến đấu với nội tâm để đạt được sự quân bình trong tâm trí. Và trong quá trình chiến đấu ấy, những điều mà ta tìm kiếm, bản chất chân thực của ta sẽ dần dần hiển lộ. 
Và để đạt được điều ấy ta phải làm gì?
Đầu tiên là phải hữu tâm trong từng mảnh mún hành vi hằng ngày, đừng hành động một cách vô cảm, hãy phân tích và tự vấn bản thân rằng vì sao mình lại làm vậy, sử dụng óc phản biện để mà soi xét đánh giá.
Nhưng quan trọng hơn cả, đó là ta phải thành thật. Đừng tưởng rằng việc này đơn giản, với mình nó là việc khó nhất đời. Thành thật với người đã khó, thành thật với bản thân còn khó gấp vạn lần. 
“Những bậc chí nhân sở dĩ đến được cõi chí thiện đều nhờ có một chữ "thành" mà thôi.”

2. HẠNH PHÚC VÀ VĂN MINH TIẾN BỘ

Đích đến của tất thảy mọi người trên cuộc đời này là sống sao cho thật hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc mà chúng ta vẫn thường thấy là gì?
Văn minh tiến bộ ngày nay lấy sự so đo hơn kém làm mục đích. Tiến bộ theo phần đông là hơn người, hơn của cải vật chất, hơn địa vị xã hội, hơn học thức... vậy cho nên chỉ có kẻ nào, đất nước dân tộc nào dục vọng càng cao, thì càng được coi là tiến bộ. 
Trong cái xã hội tôn thờ "văn minh tiến bộ" thì những chữ nhân nghĩa toàn là giả dối. Kẻ mạnh hiếp yếu thì dùng nhân nghĩa bêu lên làm bình phong để che giấu dã tâm mình. Kẻ bị đè đầu cưỡi cổ thì kêu gào nhân nghĩa để được người ta thương hại mà nới tay... đợi một ngày kia quật khởi thì sẽ đè đầu cưỡi cổ lại. Tựu trung chỉ là một trò tuồng, trong đó lấy sự hơn kém nhau về thế lực bên ngoài làm mục tiêu tranh đấu.
Thấy kẻ hơn mình mà quý trọng, đó là mối loạn đã gieo vào lòng người rồi.
Chúng ta tưởng rằng những gì mình làm là cao thượng là nhân nghĩa? Hãy cứ soi xét lại cho thật kỹi, xét cho cùng phần lớn cũng chỉ vì lợi ích bản thân, vì mong muốn cảm thấy mình hơn người khác ở khía cạnh nào đó. Và cái thứ nhân nghĩa ấy đúng thật chỉ là giả tạo mà thôi. Lão Tử có nói để dân không loạn thì đừng trọng vật chất, đừng khen người tài.
Cái mà chúng ta tưởng là hạnh phúc đây, thực chất chỉ là cảm giác sung sướng nhất thời. Người giàu có hạnh phúc vì thấy những người nghèo khó đang khát khao số tài sản to lớn của mình, người ngồi trên xe ô tô cảm thấy hạnh phúc vì thấy có người đang đi xe máy thèm khát cái ô tô mình sở hữu, người học vấn cao sung sướng hãnh diện vì có những kẻ khác tôn sùng và ngưỡng mộ khối kiến thức đồ sộ mà mình có. Giả sử như thế gian này ai cũng giàu, ai cũng có ô tô, của quý, ai cũng học vấn cao thì liệu cái sướng đó của mình có còn tồn tại không? Vậy nên mới nói cái hạnh phúc mà ta đang thấy đây đơn giản đến từ sự thèm khát của người khác. Cho nên hạnh phúc thực sự là khi nào ta cảm thấy vui, đơn giản vì tự thân ta cảm thấy thế, không phải vì mình đang hơn người khác ở cái gì. 
Tuy nhiên có người sẽ nói phú quý tuy là cái mồi, nhưng nếu không có cái mồi ấy thì làm sao dụ con người ta phát triển, đi lên đến văn minh tiến bộ. Vậy sao không biết hỏi lại cái văn minh tiến bộ ấy đã đưa con người ta đến hạnh phúc chưa? Khoa học ngày nay đã cung phụng đủ mọi tiện nghi khoái lạc của con người, nhưng hạnh phúc vẫn chẳng thấy đâu, thay vào đó là sự trầm cảm, căm thù, chiến tranh, thù địch liên miên. Cái bẫy lấy sự hơn kém làm hạnh phúc bản thân tạo ra sự phá hoại liên tiếp không ngừng và chắc chắn là không bao giờ có điểm đích bởi một lý do đơn giản, nếu không biết kiểm soát thì tham vọng của con người là vô hạn.