Ở bài viết trước, mình có viết về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, hai giáo lý quan trọng của đạo Phật vì nó đề cập đến nhận diện khổ đau và chuyển hóa khổ đau trong chính bản thân ta và cả cho người.
Bài viết hôm nay mình sẽ nói những khái niệm tưởng cao siêu nhưng thực chất lại rất dễ hiểu và vô cùng gần gũi với đời sống hằng ngày.  Đó chính là VÔ THƯỜNG, DUYÊN KHỞI, 12 nhân duyên. Sở dĩ mình đề cập đến những khái niệm này vì nó là sự cần thiết để thấu hiểu sâu sắc hơn nguyên nhân lại có Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Chúng ta sẽ cố gắng đơn giản hóa những điều mình sắp viết dưới đây, dưới góc nhìn của 1 con người bình thường thích tìm hiểu về Phật Pháp căn bản. 

I. VÔ THƯỜNG

Vô thường nếu hiểu đúng thì nó mang nghĩa là sự không chắc chắn, luôn luôn thay đổi. Dù có vị thánh nhân nào xuất hiện trên Trái Đất này đi chăng nữa thì ngọn lửa vô thường vẫn cứ âm ỉ thiêu đốt cả thế gian. Con người như chúng ta sẽ chẳng thể nào thoát khỏi được quy luật này vì mọi vật sinh ra là đều có điều kiện, tức là Thành Trụ Hoại Diệt. Vô thường ta có thể thấy rõ nếu ta tập quán chiếu sự vật sự việc ngay trong giây phút hiện tại, nó là 1 phương pháp quan trọng để phá cái chấp đang nằm sâu trong tiềm thức con người.
Có nhiều dạng trình bày tính chân xác có giá trị chung của nguyên lý vô thường. Bằng một cách minh họa, ảnh hưởng của thời gian được so sánh với bánh xe của một chiếc xe đang chạy (chỉ chạm đất ở một khoảnh khắc nhất định nào đó), với một khe suối luôn luôn tuôn chảy, với một bọt nước, một dương diệm, âm thanh của một chuông đồng. Trong lúc thiền quán, chúng ta có thể xác nhận chân lý vô thường khi chứng kiến tư duy và cảm nhận không bao giờ giống nhau, mà thay vào đó, luôn nằm trong một dòng chảy. Hay 1 ví dụ như chúng ta biết Chùa Một Cột nằm ở đâu, đẹp xấu làm sao, tại vị trí nào của Hà Nội. Một người không biết, nếu ta có chỉ cho rằng, nó ở chố này, chỗ này, như thế này, hôm sau có ai hỏi người ấy đã quên mất, hoặc nói lại một cách không rành mạch, và không thể chỉ vì người ấy đâu có biết rõ. Còn một người đã biết rõ thì dù ai có nói khác đi, hay đẹp hoành tráng đến mấy, thì người ấy có tin không? Không thể tin phải không, vì người ấy đã quá thạo, quá rõ, quá chắc chắn về nó. 
Nếu quan sát một cách phân tích thì vô thường được xem như một sự thật, là vạn vật tồn tại trên cơ sở lệ thuộc vào cái khác nào đó, phát sinh từ cái khác nào đó và chuyển biến thành cái khác nào đó. Không một vật nào tồn tại độc lập, không vật nào thường còn. Chính ngay ở điểm này thì Niết-bàn được hiểu như thuyết tương phản trực tiếp của vô thường, có nghĩa là Niết-bàn mang những tính chất thường, lạc, tịnh và như vậy – khác với trường hợp các pháp thế tục – đáng được thành đạt hơn. Ý nghĩa tối trọng của vô thường được làm sáng tỏ nếu chúng ta nhớ đến những lời cuối của Phật: "Hoại diệt là bản chất của chữ hành, hãy cố gắng hết lòng." (pi. vayadhammā saṃkhārā, appamādena sampādethāti).
Heraclitus, triết gia nổi tiếng người Hy Lạp, là người Tây phương đầu tiên đã nói về bản chất dễ thay đổi của sự vật. Ông đã giảng về lý thuyết “mọi sự đều trôi chảy” (Panta Rhei) tại thành Athens, và người ta vẫn hồ nghi không biết có phải lý thuyết ấy đã từ Ấn Độ truyền đến cho ông hay chăng.
Heraclitus nói, “Không có bản chất tĩnh tại, không có nền tảng không thay đổi. Biến đổi, chuyển động, là chúa tể của vũ trụ. Mọi vật đều ở trạng thái đang trở thành, của dòng chảy liên tục”.
Ông tiếp, “Người ta không thể bước hai lần vào cùng một dòng sông; vì dòng nước mới luôn tuôn chảy dưới chân mình”. Tuy nhiên, một người đã hiểu được nguồn cội của Pháp còn đi xa hơn thế và nói, “Cùng một con người không thể bước hai lần vào cùng một dòng sông; vì cái gọi là con người kia chỉ là một dòng chảy của thân và tâm, không bao giờ giữ được sự giống hệt như nhau trong hai khoảnh khắc liên tiếp”.
Heraclitus.
Quá trình quán chiếu vô thường bao gồm "sự chú ý" đến sự xuất hiện của một đối tượng đã được đề ra (để quán chiếu), và sự "xác định" tính "tùy thuộc" cũng như "nguyên nhân" của nó; sau đó ta "chú ý" đến sự tiêu giảm cũng như diệt vong, và nhận thức được tính chất "tạm thời" của nó. Nơi đây, một đối tượng được đề ra trước đây không đơn thuần được "thấy" là vô thường, mà còn được "diễn sinh" từ một cơ sở sự thật, là nó tồn tại trên cơ sở tùy thuộc vào một đối tượng khác và chính đối tượng khác này cũng vô thường.
Lá có đẹp đến mấy cũng có ngày tàn

Đừng tìm hiểu về Vô Thường chỉ để thỏa mãn tri thức, vì nó giúp con người không phải tiếc nuối với đối tượng không bền vững.

Nếu ta hiểu vô thường là khổ thì ta mới hiểu cái ý nghĩa hạn hẹp của Vô Thường thôi. Vô thường đơn giản chỉ là sự biến chuyển liên tục của vạn vật. Nếu không có Vô Thường thì em bé sẽ chẳng thể nào mà lớn lên, không có Vô thường thì nỗi khổ sẽ chẳng thể nào qua đi. Vô thường khiến ta trân trọng hạnh phúc đang có ngay trong hiện tại, khiến ta muốn trao lòng yêu thương đến những người xung quanh ta hơn. 
Bản thân tư tưởng của ta cũng vô thường và tình cảm cũng vô thường. 

II. Duyên khởi là gì ?

Duyên khởi chỉ ra rằng mọi vật đều phát sinh có sự phụ thuộc, đây là cốt lõi khi nhắc đến sinh tử, Duyên khởi là giáo lý quan trọng trong đạo Phật Nguyên Thủy và Đại Thừa.
Cụ thể, đó là giáo lý đặc biệt của Phật Giáo liên quan đến sự vật hiện tượng. Giáo lý duyên khởi cho rằng Cái này tồn tại là do cái kia, cái kia không tồn tại thì cái này không tồn tại được. 
Ví dụ như 1 chiếc xe máy không thể ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống được ! Nếu con người không tồn tại hoặc không có kiến thức về kỹ thuật thì làm gì có xe máy. Nếu sinh vật mà không có thực phẩm thì không thể sống được và ngược lại thực phẩm cũng tồn tại nhờ sinh vật mà ra (Có con chó thì có thịt chó, có con vịt thì có thịt vịt,...)
Đức Phật đã từng nói :
Những người cảm nhận được Pháp sẽ nhận ra nguồn gốc phụ thuộc, người nào nhận ra nguồn gốc phụ thuộc sẽ cảm được Pháp.
Một ứng dụng nổi tiếng chính là 12 nhân duyên, vòng tròn duy trì luân hồi . Như trong bài viết trước, mình có khẳng định rằng có nghiệp tốt lẫn xấu, duyên tốt lẫn xấu cũng phụ thuộc vào nghiệp lực của chúng sanh trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Duyên giữa nam và nữ. Ảnh minh họa.

III. 12 Nhân duyên      

12 nhân duyên là 1 chuỗi liên kết và là nguyên nhân khiến chúng sanh trôi lăn trong 6 nẻo luân hồi. Đối với quan điểm bình dân thì Nhân duyên là thứ thiết yếu làm nên sự sống và thường sẽ thỏa mãn dục vọng của ta. Còn với các nhà tu hành thì nhân duyên là con dao 2 lưỡi, vừa là thứ bắt nguồn sự sống vọng tưởng nhưng cũng vừa là bức tường ngăn chặn con đường thành Phật.
Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên giác thừa, phép này chủ yếu quán sát tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp thì gọi là sanh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt.
Trước khi Phật ra đời, cũng đã có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân duyên, ra khỏi luân hồi, đó là các vị Độc giác.
Các vị Độc giác thường quán tất cả các sự vật, dù thân hay cảnh, dù sống hay chết, đều do các duyên hội hợp mà hóa thành như có, chứ không phải thật có. Các vị thường quán các sự vật, chỉ có tánh đối đãi, chứ không có tự tánh. Ví dụ như tờ giấy, nó có những tính cách là mỏng, là vuông, là trắng, những tính cách đó đều là đối đãi, vì mỏng đối với dày mà có, vuông đối với cái không phải vuông mà có, trắng đối với cái không phải trắng mà có, lại tờ giấy là vật có hình tướng, cũng có đối với không mà thành, rõ ràng tờ giấy chỉ có những tính cách đối đãi, ngoài những tính cách ấy ra, thì không chỉ thế nào là tờ giấy được.
Vòng nhân duyên
12 nhân sẽ được phân tích như sau
1. Vô minh:
Vô minh là sự thiếu hiểu biết. Thiếu hiểu biết về thực tại chứ không hẳn là thiếu hụt kiến thức thông thường (ở trường, xã hội). Và cũng chính vì thế mà ta đánh mất hạnh phúc trong hiện tại.
Vô minh sinh ra ác cảm và ghen tuông, cố chấp bảo thủ. Trong đạo Phật, Vô minh ám chỉ sự thiếu hiểu biết về Tứ Đế và Bát Chánh đạo, Vô Ngã.
2. Hành:
Hành, chính là cái tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng ấy, nó làm cho chúng sinh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo.
3. Thức: Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác.Khi bạn làm điều xấu, bạn chưa phải nhận hậu quả ngay. Theo nhân quả, bạn gieo 1 nhân và nhân vẫn ở đó. Các trạng thái sẽ là phân và nước làm hạt giống đâm chồi nên quả.
4. Danh sắc: Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Sắc, bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh. Danh, bao gồm những cái không có hình tướng, như cái sự hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và cảnh giới của nghiệp ấy.
5. Lục căn: Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi sáu giác quan - mắt bị hút bởi vẻ đẹp nhan sắc, tai thích cảm âm thanh như nghe nhạc vậy, mũi rất khoái hương trần, miệng thích nếm mĩ vị, thân mình thích sờ mó đụng chạm thân đối phương và ý căn lãnh nạp pháp trần.
6. Xúc: Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc.
7. Thọ: Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ.
8. Ái: Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết.
9. Thủ: Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật như huyễn, như hóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời rạc đã nhận được nơi hiện tại, thành những sự tướng có định, rồi từ đó chấp mọi sự vật đều có thật, sự chấp trước như thế, gọi là thủ.
10. Hữu: Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu.
11. Sinh: Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có sinh sống.
12. Lão tử: Lão tử là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.
PHÂN TÍCH NHƯ THẾ CỨ CHO MỚI HIỂU SƠ QUA !
Quán chiếu

Mười hai nhân duyên là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác trong nhiều đời. Do có vô minh qua hành ở các đời quá khứ nên duyên khởi ra thức tâm của đời này. Thức tâm ấy, theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc, danh sắc duyên sinh ra lục thập, lục thập duyên sinh ra xúc, xúc duyên sinh ra thọ. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, đều là cái quả báo dị thục của các nghiệp, đã gây ra từ trước.
Khi tâm chúng sinh chịu cái quả báo đó, thì do sự đối đãi giữa thân và cảnh lại sinh ra những điều ưa ghét, đó là ái. Rồi do có ưa ghét, mà gắn bó với thân và cảnh, chấp là thật có, không biết thân tâm và cảnh giới đều duyên khởi như huyễn, đó là thủ. Do có chấp trước, nên mọi sự vật, vốn là huyễn hóa, lại biến thành thật có, thân cũng có, cảnh cũng có, ý thức phân biệt cũng có, mình cũng có, người cũng có, rồi từ đó, sinh ra có gây nghiệp và có chịu báo.
Đã có gây nghiệp và đã có chịu báo, thì khi hết thân này, nghiệp báo sẽ dẫn dắt vào một thân khác trong vị lai, đó là sinh, mà đã có sinh thì nhất định có lão tử.
Nên nhận rõ 12 nhân duyên chỉ duyên sinh ra nhau và mỗi khâu, chỉ một nhân duyên đối với khâu khác, chứ không phải tất cả các nhân duyên đối với khâu ấy, như vô minh duyên sinh ra hành, thì vô minh là một nhân duyên, trong nhiều duyên sinh ra hành, chứ không phải một mình vô minh sinh ra hành. Nói vô minh duyên sinh ra hành, thì có nghĩa là, nếu thiếu vô minh làm nhân duyên thì hành không phát khởi được. Đối với các khâu khác, thì cũng đều có nghĩa như thế. Nhưng, nếu trong tất cả các duyên tạo thành một khâu, diệt trừ được một duyên, thì cái khâu ấy quyết định không sinh ra được. Chính vì vậy, ngược lại, lúc lưu chuyển, khi đã diệt trừ được vô minh, thì cả 12 nhân duyên đều được diệt trừ và người tu hành được giải thoát ra khỏi sanh tử.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TÓM LẠI,
Khi nhân duyên là 1 dây chuyền liên tục, chúng ta cũng có thể tìm ra cách để phá vỡ nó. Tu tập chánh niệm, nhận diện niệm ác và vọng tưởng điên đảo, cung kính Phật thêm công đức, giữ trạng thái thanh tịnh trong nhiều kiếp thì phá được vô minh -> đứt chuỗi nhân duyên, thấy được hạnh phúc trong hiện tại và chấm dứt luân hồi.

Tuy biết là vậy nhưng muốn làm được đòi hỏi hành giả phải có trí tuệ, đạo đức và khả năng tự lực tu tập cực cao. 
MÌNH XIN PHÉP ĐƯỢC NÓI THÊM....
Người đời...
Nếu xét theo những lý thuyết hàn lâm mình đã nêu ra ở phía trên thì không thể phủ nhận rằng từ khi con người ta được sinh ra luôn có đầy đủ những ham muốn bất tận của bản thân, khi ta có đủ những điều kiện cần như cơm ăn áo mặc, ta thường sẽ đi tìm những ham muốn tiện nghi khác và ta rất khó có thể bỏ được ham muốn đó, kể cả khi trong tiềm thức ta coi chữ "Tham" cần được loại bỏ. Ta đi học, thử hỏi xem có phải mỗi khi nhắc đến Bằng Cấp, một bộ phận giới trẻ lại muốn từ chối vì nghĩ rằng nó không đánh giá được năng lực thực sự của mình nhưng vẫn cứ bám lấy nó vào phút chót , sở dĩ vì muốn nhận được lời tán dương từ gia đình bạn bè, sợ mình bị thiệt. Họ muốn mày phải có bằng cấp để đi làm kiếm tiền. Sau này tìm được bạn đời rồi sinh con đẻ cái. Ta dường như đang sống dựa trên quan điểm của những người chung quanh, chính xác hơn là yếu tố bên ngoài để tồn tại. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để hạnh phúc mà không cần quá nhiều yếu tố vật chất ? 
Trên thế giới và nếu tính rộng ra toàn càn khôn vũ trụ thì có đến hàng sa số chúng sinh, trong số đó những người tỉnh thức chỉ lên đến hàng trăm.. cùng lắm thì lên đến hàng nghìn mà thôi. Sẽ có những người thấy lời Phật dạy là vô nghĩa vì chính bản thân họ không hiểu và không muốn tiếp xúc. Nhưng những người như tôi thì rất muốn được giúp đỡ, muốn truyền bá những điều đẹp đẽ này đến với mọi người.
Người ta nói rằng để 1 vị Phật xuất hiện trên thế gian có thể lên đến hàng triệu, hàng tỷ năm, nghĩa là xác suất chỉ khoảng 0,00000000001% -> thấp hơn trúng xổ số. Có những kiếp mà Trái Đất may mắn lắm mới có 2 đến 5 vị Phật cùng xuất hiện, còn hiện tại thì chưa thấy đâu cả.
Thật không dễ dàng gì để phá vỡ vòng nhân duyên này nếu không sớm tỉnh ngộ ! Thật khó để ta có thể được nghe 1 vị Phật thuyết pháp, phải không ?
Đời người luôn luôn vội vã..
Chúng ta cũng nên công nhận rằng sự phát triển của khoa học công nghệ đã góp phần giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, tiện nghi hơn nhưng phần nào cũng khiến ta phải chạy nhanh hơn và bỏ quên chữ TÂM bên mình. Cũng không thể trách người đời nếu ta quan sát kĩ vì bản chất họ rất đáng thương và không thể vùi dập những bài học đầy giá trị của Đức Phật. Sự xuất hiện của Đức Phật đã nâng cao đời sống tinh thần của con người, hàn gắn tình đoàn kết và thấu hiểu giữa người với người.

IV. TỔNG KẾT VÀ Ý NGHĨA CỦA 3 GIÁO LÝ TRÊN

3 giáo lý trên bên cạnh Tứ Đế và Chánh Đạo chính là con đường dẫn tới giác ngộ. Phật Pháp là đại dương, những giáo lý nhiều đến nỗi tôi không thể viết hết nhưng nếu ta khôn ngoan và biết cách học thì mọi sự cũng đã tốt đẹp hơn rồi.
Suy cho cùng, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn và tương lai luôn vô định, bất tận. Còn nhiều điều còn đợi ta ở phía trước. Đi học hay đi làm cũng đừng quên những lời răn dạy để mình làm mọi thứ với hiệu quả cao nhất.
Ý nghĩa nó đem lại là to lớn và nó như 1 phương pháp thực nghiệm, phương pháp đó giúp ta hiểu mọi sự đúng đắn nhất.
Nhân duyên hay Duyên Khởi cho ta thấy mọi sự đều có nguyên do.
Vô thường cho thấy mọi thứ đều không tuyệt đối cố định.
== > Đấy là cách quan sát mọi thứ quanh ta.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hi vọng ae hiểu và chúc ae may mắn. Mình xin phép được dừng chuyên mục Phật học ở đây. 
Nhớ comment và upvote bài viết của mình nhé !

(Bài viết có tham khảo từ phatgiaorg và hoasenphat.)