Dù tài năng và trí tuệ tới đâu, nhưng nếu mắc kẹt trong một sa mạc không có công nghệ, không có cơ sở hạ tầng hay sức lao động, một con người không thể nào có khả năng tích lũy cho mình một khối tài sản cực đại. Khi hiểu được rằng không một ai có thể tuyên bố rằng họ hoàn toàn xứng đáng với những gì họ kiếm được, ta đi bước đầu tiên trên con đường giải quyết bất bình đẳng tài sản.
Minh họa của Reza Hasni cho The Correspondent
Khối tài sản của giới siêu giàu đã đạt tới những ngưỡng đáng kinh ngạc. Trong nhiều thập kỷ nay, bất bình đẳng vẫn trên đà gia tăng. Để hình dung qua mức độ của vấn đề này, chúng ta có thể nhìn vào 3 nguồn thông tin sau.
Thứ nhất, Credit Suise. Trong 10 năm qua thông tin về sự mở rộng của bộ phận người siêu giàu cùng sự gia tăng bất bình đẳng toàn cầu đã được Credit Suise thu thập và phản ánh trong Báo cáo Tài sản Toàn cầu. Vào năm 2019, theo Credit Suise, những người giàu nhất thuộc nhóm 10% nắm giữ 82% tổng lượng tài sản. Nhóm 1% có trong tay 45%. Toàn bộ một nửa dưới dân số thế giới sở hữu chỉ 1% tổng tài sản toàn cầu mà thôi.
(Note của ND: Báo cáo năm 2021, bất bình đẳng tài sản toàn cầu vẫn tăng mạnh, quá trình tích lũy tài sản của top đầu hoàn toàn miễn nhiễm đối với COVID-19, nửa dưới dân số thế giới sở hữu ít hơn 1%)
Nguồn thứ hai. Với mục đích làm nổi bật thêm các con số đó, danh sách tỷ phú của Forbes mang tới bản cập nhật thời gian thực (real-time update) hằng ngày về khối tài sản của những người giàu có nhất trên thế giới. Tại đó ta thấy, 10 người dẫn đầu có tài sản tổng cộng là 967 tỉ USD – một con số thật khó để hình dung đối với hầu hết chúng ta.
Nguồn thứ ba đáng để được nhắc tới là cuốn sách của tác giả Thomas Piketty Capital in the Twenty-First Century. Nghiên cứu dài hạn hơn này đã tiết lộ rằng, từ cuối những năm 1970, bất bình đẳng về tài sản tại hầu hết các quốc gia đã và đang trên đà gia tăng, không chỉ vậy, còn tăng một cách đầy kịch tính.
Nhiều người dân và học giả tin rằng, khi tồn tại trong một giới hạn nào đó, bất bình đẳng thực hiện một chức năng đối với xã hội và có thể chấp nhận được về mặt đạo đức, nhưng liệu có một điểm mà ở đó bất bình đẳng trở nên quá lớn và giới siêu giàu nắm giữ quá nhiều?
Vài năm trở về trước, tôi bắt đầu đào sâu các lý do thuộc phạm trù triết học giải thích quan điểm cho rằng, ở một điểm nào đó, khi một người trở nên ngày càng giàu có, họ đã đến mức sở hữu quá nhiều, Trên thực tế, quan điểm này đã được đưa ra nhiều lần dưới dạng này hay dạng khác trong suốt lịch sử tư tưởng.
Tôi đề xuất việc gọi quan điểm triết học này – quan điểm cho rằng tồn tại một giới hạn đạo đức về lượng tài sản chúng ta có thể sở hữu - là limitarianism. Nó không đòi hỏi khắt khe như một số dạng thức của chủ nghĩa quân bình egalitarianism, bởi theo limitarianism, bất bình đẳng ở một mức độ nhất định là chấp nhận được, đồng thời nó cũng đặt ra giới hạn rõ ràng. Vị trí chính xác để đặt giới hạn cho lượng tài sản có thể vẫn là một vấn đề cần nhiều bàn luận nhưng chắc chắn một điều rằng, giới hạn sẽ loại trừ sự tập trung tài sản ở các tỷ phú như ta thấy hiện nay.
Trong số các phản ứng của mọi người khi nghe về limitarianism, một điểm đáng chú ý là một số người thấy nó đúng một cách hiển nhiên, trong khi số khác cho rằng đây là một đề xuất điên rồ. Rõ ràng là trong các xã hội đa nguyên, người dân có sự khác nhau trong mối quan tâm về bình đẳng, hay liệu họ thấy hiện tượng tỷ phú có gì không ổn. Vậy nên, chúng ta cần phải xem xét những lý do giải thích tại sao tài sản khổng lồ, cũng như mức độ bất bình đẳng cực độ là sai trái, nhằm đi đến những quyết định đúng đắn.

Những hệ quả tiêu cực đến từ tập trung của cải

Một số lý do phản đối việc sở hữu quá nhiều dựa trên cơ sở những hệ quả mà khối lượng tài sản khổng lồ mang lại và không phụ thuộc vào nguồn gốc của cải (như hoạt động kinh doanh, thừa kế hay nhờ dạng may mắn nào khác). Sau đây là 3 trong số những hệ quả xấu đáng kể nhất.
Đầu tiên, với khối tài sản cực độ, người giàu có khả năng gây tổn hại tới các giá trị dân chủ, ví dụ, thông qua vận động hành lang lobbying hay thông qua chi tiêu chiến dịch lớn. Một sân chơi dân chủ công bằng sẽ bị phá hỏng khi giới siêu giàu có năng lực gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều, từ việc tạo dựng thông tin, chia sẻ thông tin hay định hình khuôn khổ của thảo luận công cộng. Họ làm được điều đó thông qua việc dựng lên các tổ chức nghiên cứu think tanks, thiết lập các vị trí giảng dạy tại các đại học, mua trọn các hãng truyền thông. Tại Hoa Kì, người ta nhắc tới anh em nhà Koch như một trường hợp điển hình về việc tỷ phú làm méo mó dân chủ, nhưng hiện tượng này cũng có thể bắt gặp ở bất kì nơi đâu, tuy có thể biểu hiện ở mức độ thấp hơn.
Hệ quả xấu thứ hai: các mức của cải cao hơn không đóng góp nhiều cho phúc lợi và sự phát triển của chúng ta, trong khi đó rất nhiều khổ đau đối với loài người có thể ngăn ngừa được nếu cũng từng đó tiền bạc được dành vào việc đẩy lui nghèo đói và các thách thức xã hội nói chung. Một phát biểu rõ ràng về luận điểm này đã được những người vị tha hiệu quả đưa ra: tất cả chúng ta, những người có khả năng để quyên góp, không chỉ nên cố gắng làm điều tốt bằng số tiền ấy, mà hơn thế nữa, cần sử dụng nó theo cách hiệu quả nhất, nhằm mang lại điều tốt và loại trừ khổ đau.
Theo lý thuyết effective altruism – vị tha hiệu quả, điều mà nguyên tắc đạo đức quan trọng bậc nhất nên chỉ dẫn hành động của chúng ta là cố gắng để làm sao thực hiện được nhiều nhất điều tốt cho người khác trong khả năng, miễn là những hy sinh của chúng ta kém phần quan trọng hơn là hiệu ứng tốt mà chúng mang lại. Khi cho đi, chúng ta cần cẩn trọng để dành đóng góp của mình cho những mục đích chính nghĩa tạo ra điều tốt nhiều nhất. Thường thì những mục đích như thế lại không giành được sự chú ý ngay lập tức của chúng ta.
Hệ quả xấu thứ ba: các tỷ phú góp phần vào vấn nạn tàn phá hệ sinh thái hơn những người khác rất nhiều. Hầu như tất cả những người trong số họ có lối sống gắn với sự chi tiêu xa hoa, và điều này gây ra tác hại vô cùng lớn đối với môi trường. Theo ước tính của các nhà kinh tế học Pháp là Lucas Chancel và Thomas Pitetty, những lối sống như thế dẫn tới việc những người giàu có nhất tạo nên lượng phát thải gấp 30 lần so với phát thải trung bình của người dân sinh sống ở khu vực các nước giàu và lên đến 300 lần khi so với người dân các nước có mức phát thải thấp nhất.
Tương tự như vậy, một báo cáo mới đây từ Stockholm Environmental Institute và Oxfam đã đưa ra thêm các bằng chứng. Cụ thể, người giàu có, đặc biệt là giới siêu giàu, chịu trách nhiệm không hề cân xứng cho lượng phát thải khí nhà kính. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu có những khoản thuế môi trường buộc những ai gây ô nhiễm phải chi trả, thay cho việc trợ cấp cho công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, một thực trạng diễn ra ở nhiều quốc gia như hiện nay. Chúng ta nên sử dụng tài sản dư thừa của các tỷ phú vào mục đích gìn giữ lấy hành tinh này.

Các tỷ phú có xứng đáng với lượng tài sản của họ hay không?

Người siêu giàu và những người bảo vệ cho họ thường không mấy bận tâm về kiểu lý luận này. Họ đưa ra lý lẽ rằng, chúng ta nên bàn luận về việc liệu có phải những hệ quả như trên đều tệ hay không, và có thể bằng cách nào đó mà chúng được xử lý theo những cách khác nhau – ví dụ, bằng cách điều tiết vận động chính sách hay đưa vào các thuế sinh thái. Nhưng về căn bản, họ chống lại sức ép đạo đức từ các lập luận hệ quả chống lại tài sản quá mức. Họ phản bác rằng những tài sản này là thành quả có được nhờ lao động miệt mài và sau tất cả những đóng góp lớn lao của họ dành cho xã hội. Chẳng có gì sai với tài sản họ tích lũy được, bởi họ xứng đáng có được nó.
Lý lẽ được đưa ra là: các tỷ phú xứng đáng với tài sản có được bởi họ có thể nhận lấy công lao credit trong nguyên nhân hình thành khối tài sản ấy. Những nguyên nhân này có thể là làm việc chăm chỉ, những nỗ lực lớn lao, hay là sự thông minh, tài trí. Những yếu tố như thế có thể dẫn đến việc tạo ra thành công một sản phẩm hay dịch vụ đang rất được cần trong xã hội – ví dụ, vaccine cho COVID-19, giờ đây đang được bán để đến với hàng triệu người. Hay đó cũng có thể là các hoạt động kinh doanh được bày bán rộng rãi, chẳng hạn như ca khúc của một nghệ sĩ. Trong tất cả những trường hợp này, người ta cho rằng có thể truy nguồn của cải là từ thành công trong kinh doanh, nên sự của cải ấy là xứng đáng có được.
Trong triết học chính trị, lập luận này được biết đến là “lập luận căn cứ vào sự xứng đáng” desert-based.  Trong các xã hội tư bản đương thời, ý tưởng cho rằng mọi người có thể nhận công về mình đối với tài sản của mình là một ý tưởng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các triết gia chính trị đã nhiều lần tranh luận rằng, nếu phân tích cẩn thận lập luận này, nó sẽ bộc lộ rõ sự yếu kém rất rõ ràng, và vì thế không thể dùng để biện hộ cho khối tài sản của những người siêu giàu. Nói ngắn gọn, các triết gia chính trị chỉ ra rằng khi nhìn kĩ vào phần nhiều những gì người siêu giàu tuyên bố là “của họ” sẽ không (hoàn toàn) quy được về cho họ được, mà thay vào đó, là cho các yếu tố vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, trong đó có các cấu trúc, các phát minh và thiết chế được tạo nên bởi người khác.

Tài sản thuộc về tập thể, không phải cá nhân.

Có gì sai với tài sản của các tỷ phú? Một phần câu trả lời đã được MacKenzie Scott, một tỷ phú nhờ các hoạt động kinh doanh cùng chồng cũ Jeff Bezos, diễn đạt rất hay. Trong một bài blog gần đây, MacKenzie mở đầu như sau:
Năm vừa rồi tôi đặt cam kết gửi lại đa số tài sản của mình cho xã hội, nơi đã giúp tạo ra nó. Tôi cam kết làm việc đó một cách chu đáo, bắt tay vào làm sớm và duy trì công việc cho tới khi chiếc két không còn lại gì. Tôi có thể khẳng định mà không hề đắn đo rằng, tài sản cá nhân của bất kì ai chính là sản phẩm do một nỗ lực chung tạo nên, của những cấu trúc xã hội đã bày ra cùng lúc cơ hội cho một số người và vật cản cho vô vàn người khác.
Last year I pledged to give the majority of my wealth back to the society that helped generate it, to do it thoughtfully, to get started soon, and to keep at it until the safe is empty. There’s no question in my mind that anyone’s personal wealth is the product of a collective effort, and of social structures which present opportunities to some people, and obstacles to countless others.”
Tuyên bố này đã tóm gọn bản chất vì sao không ai có thể khẳng định rằng họ hoàn toàn xứng đáng với những gì họ đã kiếm được. Khối tài sản lớn cực độ gần như không bao giờ là kết quả đến từ những hành động của một con người; nó phải là kết quả của hành động, những lựa chọn đến từ rất nhiều những người khác. Thêm vào đó, như nhà kinh tế học Mariana Mzzucato trình bày trong cuốn sách của mình, The Value of Everything, rất nhiều cải tiến giúp ích cho quá trình làm giàu của các thương gia phụ thuộc nhiều vào các cải tiến trước đó chi trả bởi chính phủ - do vậy, cũng chính là bởi những người đóng thuế. Lấy ví dụ, mạng toàn cầu, phát minh tạo điều kiện cho thành công của rất nhiều người thuộc giới siêu giàu, được cho ra đời tại Cern, một phòng nghiên cứu công vận hành được nhờ tiền thuế của người dân châu Âu.
Năm 1989 Tim Berners-Lee phát minh mạng toàn cầu trong thời gian làm việc tại CERN (Ảnh chụp năm 1994)
Chúng ta chẳng thể nào vươn tới thịnh vượng mà không dựa trên vai các thế hệ đi trước, và do vậy, phần đóng góp của bản thân chúng ta vào thành công của mình là hạn chế.
Sau đây là một thí nghiệm tư duy giúp làm sáng rõ vấn đề. Thử chọn lấy một tỷ phú ở thế kỉ 21 và đưa người đó tới một xã hội mà ở đó điều kiện cơ sở vật chất thì hạn chế còn trình độ khoa học, cải tiến chỉ ở mức sơ khai. Ta có thể lập tức thấy rõ rằng hầu hết của cải sẽ không thể có được mà không nhờ vào công nghệ và các thiết chế do những người khác tạo ra và thường là được chi trả bởi người đóng thuế. Bạn có thể coi tài sản ấy là một dạng di sản tập thể, rồi tự hỏi mình, thành quả đến từ di sản này được phân chia ra sao.
Herbert Simon, nhà kinh tế học và chính trị học từng viết, khoảng 90% những gì chúng ta kiếm được từ thị trường là nhờ thừa kế khoa học, cải tiến và các thiết chế xã hội có lợi mà các thế hệ trước đã để lại. Khi nhìn vào những nguyên nhân sâu xa hơn cho những gì chúng ta làm được hôm nay dưới lăng kính này, đòi hỏi tái phân phối triệt để hơn trở nên hợp lý. Hơn nữa, luận điểm này tồn tại độc lập đối với những lý lẽ “hệ quả xấu” mà tôi nhắc đến ở đoạn đầu: ví dụ, ngay cả khi nhu cầu cấp bách của mọi người đều được đáp ứng, chúng ta vẫn cần đáp trả lại các chỉ trích và nói rằng, xét trên quy mô rộng lớn, tài sản là thành quả của di sản tập thể, do vậy việc tuyên bố tài sản của tôi thuộc về tôi, xét về mặt đạo đức, là không thể.

Những biến số cơ bản chi phối quá trình tạo ra của cải

Những người ủng hộ ý tưởng tỷ phú xứng đáng với thành quả của họ cũng quên mất rằng, may mắn và các cấu trúc đóng một vai trò to lớn trong cuộc sống. Đối với các cấu trúc tồn tại sẵn, hay ảnh hưởng của may mắn, chúng ta không thể nhận công nếu các yếu tố này vận hành theo hướng đem lại lợi ích cho chúng ta, cũng như không thể bị đổ lỗi khi chúng vận hành theo hướng ngược lại. Trong trường hợp của những người sống trong nghèo khó, điều này đã được khẳng định lặp đi lặp lại: họ nghèo không chỉ bởi họ có vướng phải nhiều vận rủi, mà cũng là bởi họ chịu ảnh hưởng của những cấu trúc đã gây tổn hại cho họ nhiều hơn rất nhiều so với các tầng lớp trung lưu và giàu có. Thế may mắn và các cấu trúc ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống của người giàu?
Sau đây là một vài yếu tố quyết định tới hầu hết khả năng chúng ta thành công xét về mặt kinh tế: đất nước nơi chúng ta sinh ra và chất lượng của các thiết chế xã hội của nó, tài năng và sức khỏe của mỗi người, cách chúng ta được nuôi dạy và người nuôi dạy, sự tương trợ của cộng đồng mà chúng ta có thể dựa vào nếu đã không được sinh ra trong một gia đình giàu có. Những yếu tố này tác động rất lớn tới cơ may mà ta có được trong đời cũng như khả năng thành công, nhưng ta hoàn toàn không thấy mắc nợ những yếu tố này. Chúng ta đã có thể được sinh ra ở đâu đó khác, nhận lấy chiếc vé số khác của tự nhiên cùng một bộ cấu trúc, thiết chế xã hội khác hẳn.
Ghi công thích hợp cho những yếu tố may rủi và các cấu trúc trong việc tác động vào cuộc sống của chúng ta không có nghĩa là ta không còn được tự hào về những thành tựu của mình – thậm chí là ngược lại. Sau tất cả, những nỗ lực và sự sáng tao của các cá nhân luôn là cần thiết để tạo ra sự thịnh vượng. Bất cứ ai bỏ ra công sức và rồi thành công trong khi tham gia cuộc chơi một cách đàng hoàng đều có thể tự hào về điều đó. Nhưng nhận thức được rằng yếu tố ngẫu nhiên và các cấu trúc đang tồn tại đóng vai trò rất lớn đối với những gì ta có thể đạt được sẽ dẫn đến một thái độ khác hẳn so với thái độ mang màu sắc nhân tài trị, cho rằng tiền tôi thu được từ thị trường là xứng đáng.
Do vậy, bất kì ai đạt được thành công về kinh tế và tài chính nên khoan chúc mừng bản thân trước tiên. Thay vào đó, họ nên kiểm lại những điều tốt họ nhận được và thấy biết ơn những may mắn họ có được, rồi trên cơ sở nhận thức đó để làm những việc thích hợp – như là, hành động vì những người kém may mắn hơn. Và khi chúng ta, dưới tư cách là công dân, tham gia vào những quyết định chính trị về kiểu xã hội mà ta mong muốn, điều này chứng tỏ chúng ta đã công nhận một cách đầy đủ vai trò to lớn của cả hai yếu tố: may mắn và các cấu trúc xã hội đối với những gì mọi người có được trong đời.
Tiếp nhận thái độ này sẽ cho chúng ta lý do để ủng hộ những hình mẫu nhà nước phúc lợi châu Âu sau Thế chiến II, hiện đang trên đà thoái trào trong những thập kỉ gần đây. Các nhà nước phúc lợi trợ giúp những người kém may mắn và quy định các giới hạn đối với thu nhập và việc tích lũy tài sản. Những việc làm này tạo nên một hiệu ứng quân bình. Một mặt, việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cơ bản như giáo dục bậc 3 (Đại học), hệ thống lương hưu và y tế cộng đồng mang đến cho tất cả người dân có thêm nhiều cơ hội thực chất để tạo nên cuộc sống tốt đẹp. Nguồn tiền chi trả đến từ hệ thống thuế lũy tiến có tác dụng giảm bớt bất bình đẳng kinh tế.
Hơn nữa, các công ty cũng thường coi bản thân mình là một phần của cộng đồng nơi họ tiến hành hoạt động. Tuy vậy, trong những thập kỉ gần đây, xu hướng quy trách nhiệm cá nhân nhiều hơn đối với vận mệnh của chính họ thay vì công nhận các tác động của cấu trúc và vận may đã phá đi các nhà nước phúc lợi. Hệ quả là nhiều công dân rơi vào hoàn cảnh thiệt thòi, và lớp giàu có đối mặt với ít cản trở hơn để trở nên siêu giàu.

Vậy còn yếu tố năng suất phi thường thì sao?

Một luận điểm nữa của những người bảo vệ các tỷ phú như nhà kinh tế học Harvard Greg Mankiw đưa ra trong bài viết của ông Defending the 1% (tạm dịch: Bảo vệ nhóm 1%) là: những người có mức thu nhập hàng đầu phản ánh năng suất cận biên hàng đầu top marginal productivity. CEO đóng góp rất nhiều vào năng suất của công ty, vậy nên việc người đó đòi hỏi mức trả công rất cao (dưới dạng lương hoặc các khoản thưởng) là chính đáng. Nhưng đây là một lời khẳng định lý thuyết thiếu đi những bằng chứng thực tiễn.
Trên thực tế, thu nhập cao không phải lúc nào cũng phản ánh chủ yếu năng suất của những người quản lý cấp cao. Thay vào đó, thu nhập cao là kết quả của một loạt những lẽ thường và những giá trị của nhân sự điều hành cấp cao, những người cho rằng việc họ có mức thu nhập cao là bình thường. Tuy vậy, thu nhập cực độ lại không hề phản ánh giá trị tăng thêm mà lao động của họ đem lại cho tổ chức hay doanh nghiệp. Thực chất, chúng phản ánh khả năng đàm phán trên thị trường lao động của nhóm lương cao. Ngay việc đàm phán cũng phản ánh những gì nhóm người này nói với nhau về giá trị lao động của mình.
Dĩ nhiên, một số khác biệt trong mức lương là chính đáng. Một phần, một mức độ bất bình đẳng về lương được cho phép trong giới hạn, trên cơ sở hiệu suất: chúng ta muốn có đủ phẫu thuật viên trong xã hội, thì việc trả lương cho những người giỏi trong lĩnh vực này một khoản cao hơn là hợp lý. Nếu một phẫu thuật viên tiềm năng có mức lương ngang bằng giáo viên yoga hay người bán sách thì xã hội phải tính đến khả năng sẽ khó để có đủ phẫu thuật viên.
Trong những nghề nghiệp có nhiều giá trị nội tại và chức năng đối với xã hội, chúng ta mong muốn rằng mọi người có thể nhận được sự công nhận dưới dạng tiền bạc cho những nỗ lực to lớn họ bỏ ra – những nỗ lực để phát triển tài năng và kĩ năng cho bản thân, từ đó gánh vác trách nhiệm lớn lao hơn hay thực hiện chức năng chủ chốt trong hoạt động tổ chức, công ty hay xã hội. Đó cũng là cách chúng ta bày tỏ sự tôn trọng đối với một người, nếu ta công nhận những nỗ lực của họ. Thế nhưng, những suy xét này, cùng lắm sẽ hợp lý hóa một lượng (hạn chế) bất bình đẳng về tiền lương, chứ không phải bất bình đẳng quá mức như chúng đã thấy những năm gần đây.
Chúng ta có thể nói với nhau một cách đàng hoàng rằng, nếu làm việc tốt, ta xứng đáng được tưởng thưởng.
Nhưng không một ai có thể nói rằng họ xứng đáng là một tỷ phú.


Ingrid Robeyns là một nhà kinh tế học, triết gia, đồng thời là giảng viên Đạo đức các thiết chế tại ĐH Utrecht, Hà Lan. Robeyns chỉ đạo Dự án Fair Limits, nghiên cứu quy tắc phân phối định ra giới hạn phía trên đối với lượng tài nguyên được sở hữu. Bà là tác giả của Wellbeing, Freedom and Social Justice: The Capability Approach Re-examined (2017)