Mình đã đọc bài viết Thực tập không lương để "học hỏi": Luận điệu của kẻ bóc lột? trên Spiderum mấy hôm trước và thấy cũng rất thú vị. Mình hiện tại đang học ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước (ngành ít người biết nên cứ hiểu là học về khu vực công trong nền kinh tế theo cách hiểu của đa số các bạn trên Spiderum) nên cũng có được học một số bộ môn chuyên sâu về luật học. Mình quyết định sẽ viết  về chủ đề này vì trong bài viết bạn có liên quan đến Luật Lao Động-thứ mình rất quan tâm. Mình xin khẳng định từ đầu bài viết này không dùng để tuyên truyền chính trị, mình không phải dư luận viên, mình không chỉ trích ai "ăn cơm Việt Nam, thờ ma ngoại quốc" hay là phản động nếu họ phản bác mình. Những thông tin bên dưới đều là quan điểm cá nhân, không đại diện cho bất cứ cơ quan nhà nước nào.
Có đạo đức không khi một số công ty đa quốc gia trả lương cho intern tại nơi khác nhưng khi không trả lương cho intern của nước mình?

Câu trả lời của mình là không có đạo đức. Tuy nhiên vần đề quan tâm của công ty đa quốc gia là tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải là vấn đề đạo đức vì đạo đức không thể nào tạo ra nhiều lợi nhuận. Cái gì tạo nhiều lợi nhuận nhất thì công ty sẽ chọn. Để mình lấy ví dụ minh họa. Mức lương  của Việt Nam đối với một người ở vùng 1 đã qua học nghề là 4.729.400 và tỷ lệ đóng 3 loại bảo hiểm bao gồm BHYT, BHXH, BHTN là 32%. Và được chia theo tỷ lệ người lao động đóng 10,5% còn doanh nghiệp đóng 21,5%. Vậy thì doanh nghiệp chỉ phải đóng 1.016.821 đồng thôi. Nếu như công ty đa quốc gia tuyển dụng intern ở các quốc gia khác thì chi phí sẽ đội lên rất nhiều.  Ví dụ như nêu họ tuyển intern ở các nước Bắc Âu thì sẽ phải trả một khoản phí rất lớn cho BHXH. Doanh nghiệp ở Thụy Điển phải trả 31,42% vào BHXH cho người lao động khi trả lương cho intern. Trong khi đó, thì lương tối thiểu ở Thụy Điển là 11.400 SEK (30,413,786 đồng). Vậy nên chi phí bảo hiểm cho người lao động sẽ là 9.556.011 đồng. Vậy tức là chi phí bảo hiểm cho intern ở Thụy Điển mà các công ty đa quốc gia phải trả gấp khoảng 10 lần so với ở Việt Nam. Chưa kể một số công ty đưa ra yêu cầu làm việc 1 năm mới ký hợp đồng lao động để tiết kiệm tiền trong khi luật quy định rõ là làm 3 tháng là được ký hợp đồng lao động rồi. Đây là lí do tại sao các công ty đa quốc gia mở trụ sở và tiến hành chuyển dịch sản xuất sang các nước châu Á rất nhiều vì  mặt bằng chung các nước châu Á có yêu cầu về phúc lợi cho người lao động thấp hơn rất nhiều so với các nước phương Tây.
Vậy nên khi thuê người lao động châu Á có lợi nhuận cực cao vì thuê người phương Tây phải trả tiền lương quá đắt đỏ, yêu cầu phí BHXH cao, trong khi người lao động thì suốt ngày đòi hỏi quyền lợi. Ngày xưa mình tự hỏi sao các nước phương Tây  bảo vệ quyền lợi người lao động tốt thế mà tỷ lệ thất nghiệp cao hơn cả ở Việt Nam. Hóa ra là do công ty đa quốc gia không muốn thuê mướn lao động phương Tây vì thuê họ thì chả được mấy lợi nhuận. Câu nói " you are replaceable at work" quả thật không sai tí nào. Thuê lao động nước mình có chi phí quá cao trong khi ngoài kia có 1000 người châu Á sẵn sàng làm việc đó. Điều này không chỉ có trong một số ngành sản xuất và lắp ráp cần nhiều nhân công giá rẻ có tay nghề thấp như lắp ráp linh kiện điển tử hay ngành dệt may mà còn ở những ngành nghề yêu cầu nhiều chất xám hơn. Như trong cuốn sách Thế giới mở của Thomas L. Friedman chỉ ra một số bang ở Mỹ còn nhờ công ty kiểm toán Ấn Độ kiểm toán cho mình nữa cơ mà. 
Pháp luật hơn đạo đức ở chỗ đạo đức không có các điều khoản, ràng buộc và chế tài xử phạt. Bạn trộm đồ trong siêu thị thì cho dù bạn cảm thấy tội lỗi đi nữa nhưng pháp luật không xử lí bạn thì cùng lắm bạn chỉ trằn trọc mất ngủ một đêm thôi. Còn nếu như bị pháp luật xử lí thì bạn phải chịu khoản tiền phạt nặng nên sợ không dám tái phạm nữa. Vậy nên  pháp luật vẫn ưu việt hơn khi can thiệp vào các quan hệ xã hội.
Thời nay có đúng là sinh viên mới ra trường chẳng biết gì ?
Mình hoàn toàn đồng ý với bạn rằng chất lượng sinh viên của Việt Nam đang ngày càng cải thiện. Chất lượng của các trường đại học Việt Nam ngày càng nâng cao và các trường cũng tích cực phối hợp đào tạo với các trường nổi tiếng thế giới nên trình độ của sinh viên chúng ta, nhất là các bạn ở trường đại học top đầu như FTU, Bách Khoa hay Đại học quốc gia đang cải thiện đáng kể.
Vậy nên đúng là chất lượng sinh viên của Việt Nam đã tăng. Bảo là tương đương với sinh viên MIT, Stanford hay Cambridge thì chưa tới nhưng chắc chắn là không phải "sinh viên mới ra trường chẳng biết gì". Người viết bài này chỉ là một thằng sinh viên hạng xoàng tại một cái trường làng nhàng cũng được 800 TOIEC ấy chứ. 
Tư bản và chủ nghĩa Mác-xít
    Đúng chuyên ngành luôn rồi bạn ơi. Mình không học mỗi những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn mình  học cả Triết Học Mác-Lênin chuyên ngành, chủ nghĩa xã hội khoa học và cả bộ tư bản luận của C.Mác-Ănghen. 
Mô hình kinh tế của Việt Nam là mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tức là Đảng Cộng Sản sẽ giữ vai trò là Đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam và có quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với nhà nước và hoạt động chính trị. Nhà nước sẽ nắm giữ các ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế như ngân hàng, xăng, điện và sẽ can thiệp vào nền kinh tế để đảm bảo cho định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước cho phép kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Việt Nam hiện tại không đi theo xu hướng tư bản hóa, vì ở trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội thì cơ sở hạ tầng tức là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được duy trì. Tuy nhiên kiến trúc thượng tầng vẫn là một nhà nước với định hướng xã hội chủ nghĩa thì không phải là tư bản hóa được. Còn việc chủ nghĩa Mác-Lênin được giảng dạy ở các giảng đường ở Việt Nam là do chúng ta phải bảo vệ nhà nước là hạt nhân của kiến trúc thượng tầng nên phải học học thuyết này. 
Những nước tư bản hóa sớm hơn chúng ta đã trải qua giai đoạn "bóc lột" này rồi.
Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên sau thời gian dài người lao động ở các nước tư bản sớm đình công, biểu tình và đấu tranh thì đã buộc các công ty chuyển từ làm việc 14-15 tiếng một ngày thành 8 tiếng/ngày. Điều này đã được đưa vào luật lao động của các quốc gia phương Tây và trở thành một tiêu chuẩn lao động được quy định đầy đủ trong các bộ luật. Sau đó là phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp ra đời. Tuy nhiên chúng ta đang sống trong thời kỳ toàn cầu hóa thì thị trường lao động lại được mở rộng vượt ra khuôn khổ pháp luật của tất cả các quốc gia. Luật lao động Thụy Điển được đưa ra chỉ có tác dụng tới những người là công dân Thụy Điển hoặc đang làm việc tại Thủy Điển hợp pháp với hợp đồng lao động rõ ràng. Còn luật lao động Việt Nam được đưa ra chỉ có tác dụng tới những người là công dân Việt Nam hoặc đang làm việc tại Việt Nam hợp pháp với hợp đồng lao động rõ ràng. Vì luật lao động Việt Nam còn nhiều lỗ hổng do trình độ lập pháp hạn chế của người Việt Nam nên các công ty đa quốc gia quyết định hạn chế tuyển dụnglao động các nước phương Tây mà tuyển người lao động Việt Nam vì người lao động Việt Nam yêu cầu mức lương thấp hơn, ít đòi hỏi đãi ngộ trong khi đó có người trình độ gần tương đương, chịu khó đào tạo vài năm là có thể bắt nhịp với công việc. Còn chuyện đấu tranh để sửa đổi luật lao động sao cho quyền lợi của chúng ta ngang bằng với người lao động phương Tây thì không nên. Vì càng đấu tranh cho quyền lợi của người lao động thì người lao động các mất quyền lợi. Khi tổng thống Mỹ Joe. Biden giới thiệu bộ luật tăng lương tối thiểu lên 15$/giờ thì phòng thương mại Mỹ đã cảnh báo rằng điều này sẽ dẫn tới việc nước Mỹ mất 1,4 triệu việc làm. Vì tăng lương thì lương trả cho người lao động sẽ tăng ròng 333 tỷ đô la làm tăng chi phí lao động cho các công ty. Người tuyển dụng lao động sau đó sẽ phải đẩy chi phí này cho người tiêu thụ và làm tăng giá sản phẩm, khiến họ mua ít hơn khiến cho sản xuất ít hơn. Sản xuất ít hơn nên họ phải sa thải bớt lao động hoặc đơn giản là chuyển một phần chuỗi sản xuất sang một quốc gia khác. Kết quả là người lao động luôn luôn phải chịu thiết hại nhiều nhất. Áp dụng lại với Việt Nam, nếu intern Việt Nam được trả lương thì chi phí của các doanh nghiệp phải tăng, giá cả hàng hóa tăng lên khiến người dân mua bớt hàng hóa đi, doanh nghiệp quyết định sa thải bớt nhân viên, ngừng tuyển intern vì phải thu nhỏ quy mô sản xuất hoặc là tìm một nơi có chi phí lao động rẻ hơn. Có lẽ ngày mà luật lao động Việt Nam được điều chỉnh cho chặt chẽ hơn sẽ là ngày mà toàn cầu hóa không còn nữa. Nhưng ngày mà toàn cầu hóa kết thúc là bao giờ thì mình cũng không biết.
Trong tương lai mình sẽ trở thành người lao động giống các bạn ở đây, có lẽ khác nhau ở chỗ mình làm cho khu vực công còn các bạn làm cho khu vực tư nhân. Lương cao, nhiều phúc lợi là điều ai cũng mong muốn có được tuy nhiên chúng ta lại đang sống trong thời kỳ toàn cầu hóa. Tư bản đa quốc gia nằm giữ số vốn khổng lồ và công nghệ hiện đại vậy nên là những ông chủ của cuộc chơi. Đi tới đâu tạo ra công việc và sự phồn vinh tới đó, tuy nhiên đa số tài sản tạo ra sẽ tập trung vào một nhóm thiểu số và đa số người lao động vẫn sẽ bị bóc lột. Thời xưa lý do Việt Nam là quốc gia nghèo nhất thế giới là vì thiếu việc làm trầm trọng, người dân không có tí thu nhập nào nên chả muốn mua bán gì, kinh tế chẳng thể phát triển. Đến bây giờ động lực tăng trưởng chính của Việt Nam vẫn là FDI và nhân công giá rẻ. Đối với khu vực kinh tế FDI, trong vài năm gần đây, chúng ta đã đón khá nhiều doanh nghiệp lớn như các đối tác của Apple là Foxconn, Pegatron… và những công ty lâu năm như Samsung, LG cũng có động thái mở rộng. Kết thúc năm 2019, thành phần kinh tế FDI chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% giá trị xuất khẩu của nước ta. Các công ty đa quốc gia vẫn cứ chiếm thế thượng phong ở Việt Nam nên trong khoảng thời gian tới sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Còn các công ty Việt Nam phúc lợi cho người lao động thì mình không rõ lắm vì mình chưa đi làm tư nhân nhiều nên không dám phán bừa. Mong mọi người đóng góp ở bên dưới.
Bài viết tới đây là kết thúc rồi. Ở trên Spiderum có rất nhiều cao nhân du học khắp nơi trên thế giới. Quyền lợi lao động ở các quốc gia này như thế nào và lương thưởng ra sao thì mọi người cứ thoải mái bình luận ở dưới.
Lần đầu lên Pixabay tìm được cái ảnh đẹp quá nên đăng thôi

Tài liệu thảm khảo: