QUÁ TRÌNH TỰ HỌC PYTHON khi bạn CHƯA BIẾT GÌ về lập trình (P1)
Có lẽ câu chuyện sẽ bắt đầu bằng: mình đến với Python vào một buổi chiều muộn mùa Xuân hanh khô và se se lạnh… =)) Không! Thực...
Có lẽ câu chuyện sẽ bắt đầu bằng: mình đến với Python vào một buổi chiều muộn mùa Xuân hanh khô và se se lạnh… =))
Không! Thực tế là mình ấp ủ sẽ cưa đổ Python từ trước Tết, đoạn đầu tháng 01.2020, và cái mong muốn đó cứ chạy lòng vòng hoài trong đầu mình như kiểu bạn crush một ai đó và suốt ngày suy nghĩ loanh quanh về họ vậy. Tuy nhiên, do đặc thù công việc làm thiên về biz, và mình cũng chả có chút động lực nào để học hay nghiên cứu trong cái thời khắc nhà nhà bánh mứt dưa hành, người người lì xì mừng tuổi nên mình chỉ nghĩ đến thôi, và để đấy.
Cho đến khi… một sự kiện làm rung động toàn cầu (theo nghĩa đen thật sự) xuất hiện, và khiến mình bị công ty “treo giò”, cho làm việc tại nhà suốt 2 tuần liền: Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, hay còn gọi là cô Vi bùng phát.
Chắc chẳng cần mô tả các bạn cũng tưởng tượng ra được trạng thái lười nhác ì ạch đã nuốt chửng mình nhanh gọn đến thế nào trong 2 tuần đó. May mắn thay, mình chợt sáng suốt nhận ra, mình sẽ không đến nỗi quá chán nếu bắt đầu với một điều gì đó mới mẻ, nhân cơ hội có nhiều thời gian rảnh này. Và Python – một lần nữa, quay lại trong tâm trí mình.
Lần này mình đã không tiếp tục suy nghĩ vòng vo, mình bắt đầu học.
Ngày 1 – ngày bắt đầu (chủ nhật, 09.02.2020)
Ơ nhưng mà…
Thật ra thì mình đã bắt đầu cài đặt setup các kiểu con đà điểu và viết dăm câu lệnh print từ 11h đêm ngày thứ 7 cơ. Nhưng cơ bản là để làm màu và thả thính người yêu (!?). Nên thôi nếu tính là học thì nên bắt đầu bằng 1 ngày mới với đủ 24h nhỉ? Mặc dù thời gian học mỗi ngày chắc chỉ tầm 30p – 2h. Vì mình lười và mau chán. Huhu.
Tuy vậy mình cũng muốn nói ngắn gọn về đêm thứ 7 vọc vạch của mình, để không thiếu bước và nhảy giai đoạn.
Đầu tiên mình xin được giới thiệu chung về khái niệm và quy trình setup:
- Khái niệm: python theo mình nhớ và biết (mới học mà quên rồi, mình vốn ghét lý thuyết lắm lắm lắm) là một ngôn ngữ lập trình bậc cao, đơn giản dễ đọc dễ học dễ sử dụng, được ông Rossum gì đó tạo ra lần đầu năm 1991. Hết. Chắc nhớ nhiêu thôi, còn thiếu thì search thêm sau vậy.
- Quy trình setup: đơn giản hơn mình nghĩ, với gói gọn 3 bước.
- + Bước 1: tải sublime text về để hỗ trợ việc viết và build code (bạn này đã xài qua từ hồi năm 4 đại học vì mình có đăng ký viết phần mềm tính phí bảo hiểm bằng css, html và javascript cho đợt thi cuối kỳ môn Tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, đợt đó được hẳn con 10, đặc cách khỏi thi. Đó cũng là một trong những kỉ niệm đẹp đẽ huy hoàng thời đại học mà mình đã chọn giữ lại để tự nhắc nhở mình về việc không-gì-là-không-thể dù bạn học biz hay tech. Nhân đây xin gửi lời tri ân tới mentor đã cùng em làm nên chiến công ngày ấy, ahihi).
- + Bước 2: cài đặt và làm quen với môi trường python (thật ra thì macOS đã được cài đặt sẵn, việc của mình là nhận thức được nó đã có sẵn rồi, hoặc nếu thích thì cài luôn hẳn python3 cho thức thời, nhưng mình lười quá nên thôi). Song song với đó là học cách đặt tên cho file python, sử dụng terminal (vì mình dùng mac) để gọi và chạy các file python đã được lưu, bla bla… không quá phức tạp.
- + Bước 3: chạy thử 1 file python với những dòng câu lệnh print đơn giản. Chắc bạn còn nhớ “hello World” trong truyền thuyết? Đùa thôi, chứ trong lần đầu mình đã chạy hẳn một cái màn hình đen ngòm ngòm ghê gớm từ Terminal với mấy câu lệnh lần đầu mình viết, như kiểu: cd desktop/python, python hello.py, … Cảm giác màn hình show cái ào ra 3 4 chuỗi ký tự tự mình viết nó xịn xò và tuyệt lắm ạ!
Và rồi, đây đây! Đây mới là những chia sẻ về ngày học đầu tiên chính thức…
Trong vài ba tiếng ít ỏi của ngày chủ nhật, mình đã học được một số thứ hay ho như bên dưới đây mình sẽ liệt kê. Không biết tốc độ học như vậy là nhanh hay chậm, vì là tự học qua video, tài liệu tiếng Việt tiếng Anh đủ kiểu, và ngồi nhà, nên chắc chắn điểm trừ to bự nhất là sự thiếu bài bản và hệ thống. Anw, chạy được cái đã. Tính sau.
Một số kiến thức cơ bản mình hệ thống được trong ngày chủ nhật:
- Cách gõ comment bằng tiếng Việt (cái này khá chuối, chắc vì mình hơi ngố, nhưng làm được rồi nên thấy vui lắm muốn share luôn, hehe)
- Gọi biến, tính toán với biến theo cách đơn giản cơ bản nhất
- Cách import các modules/thư viện có sẵn của python
- Một số kiểu số thông dụng, cách tính toán với các hạng tử và toán tử
- Một số kiểu chuỗi thông dụng và các thao tác với chuỗi
- Cách kết hợp số và chuỗi với các toán tử
Cho đến chủ nhật, các nguồn mình học chủ yếu là từ series Video Khóa học lập trình Python cơ bản của HowKteam trên Youtube. Riêng cách xử lý một số lỗi thường gặp thì mình nhặt trên stackoverflow.com và dĩ nhiên không thể thiếu nguồn đến từ siêu trí tuệ thế giới – nhà bác học Google, nơi lời khuyên của các anh dev thứ thiệt xuất hiện với muôn hình vạn trạng hình thái. Nhờ đó mình giải quyết được một số lỗi ngớ ngẩn như sau:
- Không comment được bằng Tiếng Việt, thật ra thì chỉ cần thêm dòng lệnh # -*- coding: utf-8 -*- này vào dòng đầu tiên là mọi thứ sẽ được giải quyết ngay.
- Không import được modules/thư viện có sẵn của python, cái này thì mình tìm thêm 1 tẹo nữa mới lòi ra được câu lệnh #!/usr/bin/env python để thêm vào dòng thứ 2. Báo hại con bé build trầy trật mãi mà không tài nào import được module fractions với decimal, Terminal với Sublime thì cứ liên tục báo lỗi bin bin bin bin bin bin bin…. :)
Đối với một đứa gà mờ về lập trình như mình thì chỉ có 2 mục đích khi mình viết bài này ra.
Một là, động viên các bạn làm ở những mảng khác tech, cứ thoải mái tự tin học lập trình đi vì cuộc đời cho phép. Nó vui lắm lắm các bạn ạ! Hehe.
Hai là, năn nỉ xin xỏ những lời chỉ giáo từ các bậc tiền bối. Ai có bí kíp nào hay ho bá đạo để học python thật nhanh, viết code thật sạch sẽ sáng sủa, thì hãy chỉ dạy cho em với nhé! Em cảm ơn!
Hôm nay đến đây thôi. Mình sẽ sớm quay lại và hi vọng tìm được thêm nhiều điều thú vị để chia sẻ cùng các bạn. :D
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất