AI có thể làm mất đi một số công việc, nhưng nó cũng sẽ mở ra vô số cơ hội nghề nghiệp mới. Lịch sử công nghệ đã chứng minh rằng mỗi khi một xu hướng mới xuất hiện, nó không chỉ loại bỏ mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới. Với AI, cơ hội không thiếu – từ kỹ sư "prompt engineering" cho đến chuyên gia tối ưu hóa AI hay quản trị dữ liệu AI.
Dù vậy, nhiều người đã biết đến sức mạnh của ChatGPT nhưng vẫn chưa hiểu cách tận dụng tối đa công cụ này. Thay vì coi AI như “đối thủ”, chúng ta hãy nhìn nhận AI như một trợ lý cá nhân đắc lực giúp gia tăng hiệu suất. Nhưng trước tiên, hãy tìm hiểu ChatGPT là gì nhé.
img_0

ChatGPT là gì?

ChatGPT là một chatbot mạnh mẽ được phát triển bởi OpenAI. Ban đầu, công cụ này sử dụng mô hình GPT-3.5, nhưng hiện tại đã được nâng cấp lên phiên bản GPT-4 Turbo, cung cấp khả năng xử lý nhanh hơn và thông minh hơn.
ChatGPT hiện không chỉ nhận đầu vào văn bản mà còn hỗ trợ đa phương thức, cho phép bạn gửi cả hình ảnh để phân tích. Ví dụ, bạn có thể tải lên bản vẽ phác thảo giao diện một trang web và ChatGPT sẽ tạo mã code để hiện thực hóa ý tưởng của bạn.
Hơn nữa, với sự phát triển của tính năng như ChatGPT Vision (hỗ trợ xử lý hình ảnh) và tích hợp giọng nói qua Whisper API, ChatGPT đã trở thành công cụ toàn diện giúp xử lý văn bản, hình ảnh và thậm chí là âm thanh.
- Phiên bản miễn phí: Dành cho những ai chỉ cần sử dụng cơ bản.
- ChatGPT Plus: Với giá 22 USD/tháng (khoảng 560k VND), bạn sẽ được trải nghiệm tốc độ nhanh hơn và khả năng vượt trội từ GPT-4 Turbo.
Giờ thì bạn đã hiểu sơ qua về ChatGPT. Hãy cùng khám phá 8 tình huống thực tế mà bạn có thể áp dụng ChatGPT trong cuộc sống hàng ngày.

1. Tóm tắt nội dung văn bản

Hàng ngày, vô số sách mới được xuất bản trong các lĩnh vực như tài chính, phát triển bản thân, và lập trình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian đọc hết những cuốn sách này. Đây là lúc ChatGPT trở nên hữu ích.
Ví dụ, bạn muốn tóm tắt nội dung của cuốn sách Suy Tưởng của Marcus Aurelius, bản dịch Tiếng Việt của Andy Lương. Bạn chỉ cần nhập: “Tóm tắt nội dung của cuốn sách Suy Tưởng của tác giả Marcus Aurelius - bản dịch Tiếng Việt của Andy Lương”
img_1
ChatGPT sẽ cung cấp cho bạn một bản tóm tắt ngắn gọn, giúp bạn hiểu nội dung chính. Dĩ nhiên, bạn vẫn nên đọc toàn bộ cuốn sách, nhưng nếu không có thời gian, đây là một cách nhanh chóng để nắm được ý tưởng và quyết định xem có nên đọc thêm hay không.

2. Gợi ý sản phẩm, dịch vụ

Bạn đang tìm kiếm sản phẩm tốt nhất hoặc những cuốn sách hay nhất trong một lĩnh vực? Thay vì tốn hàng giờ đọc đánh giá hoặc xem video giới thiệu, bạn có thể nhờ ChatGPT hỗ trợ.
Ví dụ, bạn muốn tìm những cuốn sách hay nhất về khoa học dữ liệu. Bạn chỉ cần nhập:“Hãy gợi ý 5 cuốn sách hay nhất về khoa học dữ liệu.”
ChatGPT sẽ không chỉ liệt kê tên sách mà còn cung cấp các thông tin chi tiết về nội dung từng cuốn.
img_2
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng ChatGPT để gợi ý địa điểm du lịch, danh sách những bộ phim hay, hoặc các sản phẩm công nghệ phù hợp.

3. Hỗ trợ hoạt động marketing

Nếu bạn cần quảng bá sản phẩm nhưng không muốn tốn chi phí thuê đơn vị quảng cáo, hoặc đơn giản là ở giai đoạn đầu của startup bạn không thể có một phòng marketing inhouse, thì ChatGPT có thể là giải pháp tuyệt vời.
Ví dụ, bạn muốn tạo một bài quảng cáo Facebook cho một công ty phát triển web: “Hãy viết một bài quảng cáo Facebook cho công ty phát triển web, dung lượng không quá 400 từ, nhấn mạnh vào USP của doanh nghiệp là đơn vị phát triển web chi phí hợp lý.”
Hãy xem ChatGPT trả về những gì:
img_3
ChatGPT sẽ cung cấp tiêu đề và nội dung quảng cáo chỉ trong vài giây. Công cụ này không chỉ hỗ trợ quảng cáo, mà còn giúp bạn với các chiến dịch email, bài đăng mạng xã hội, và cả chiến lược tiếp thị tổng thể.

4. Sáng tạo nội dung

Sáng tạo nội dung là một kỹ năng quan trọng trong thời đại số. Với ChatGPT, bạn có thể lên ý tưởng cho tiêu đề video YouTube, bài viết blog, hoặc thậm chí là đặt tên cho các dự án khởi nghiệp.
Ví dụ, bạn muốn đặt tên cho một nền tảng giáo dục tích hợp AI: “Hãy gợi ý 10 cái tên thú vị cho nền tảng giáo dục tích hợp AI.”
ChatGPT sẽ đưa ra danh sách các gợi ý sáng tạo mà bạn có thể sử dụng ngay như sau:
img_4
Như bạn thấy, ChatGPT dễ dàng đưa ra 10 tên gọi theo yêu cầu. Bạn có thể sử dụng một trong những tên này cho công ty khởi nghiệp của mình. Tương tự như vậy, bạn hoàn toàn có thể tạo tiêu đề hấp dẫn cho bài đăng trên blog hoặc kênh Youtube của mình theo cách này.
Vừa rồi chúng ta đã đi qua một vài ví dụ về cách sử dụng ChatGPT để tạo nội dung. Bây giờ hãy cùng xem cách sử dụng công cụ này để tìm hiểu những câu chuyện có thật.

5. Phát triển bản thân

Bạn có thể học hỏi từ những câu chuyện truyền cảm hứng nhờ ChatGPT thay vì phải ngồi đọc cuốn tiểu sử rất dày. Ví dụ, một câu lệnh khi bạn muốn tìm hiểu về cuộc đời của Steve Jobs:“Hãy kể câu chuyện cuộc đời của Steve Jobs để truyền cảm hứng cho tôi.”
ChatGPT sẽ tóm tắt những cột mốc quan trọng trong cuộc đời ông, giúp bạn rút ra bài học cho riêng mình.
img_5
Câu chuyện cuộc đời của Steve Jobs là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Ông thành lập công ty đầu tiên của mình ở tuổi 19 và cùng Steve Wozniak phát triển chiếc máy tính Apple đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó ông bị sa thải khỏi chính công ty mà mình sáng lập. Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng sự nghiệp của ông đã chấm hết.
Tuy nhiên, Jobs đã thành lập một công ty máy tính mới có tên là NeXT và mua lại một xưởng phim hoạt hình có tên là Pixar. Việc Disney mua lại Pixar là một thành công lớn đối với ông.
Sau những thành công này, ông trở lại Apple với tư cách là CEO và dẫn dắt sự phát triển của các sản phẩm sáng tạo như iPod, iPhone và iPad.
Bạn cũng có thể tìm hiểu về câu chuyện cuộc đời của những người thành công khác như Bill Gates và được truyền cảm hứng từ câu chuyện của họ.
Chúng ta có thể dễ dàng sử dụng ChatGPT vào việc phát triển bản thân với những câu lệnh tương tự như vậy. Tiếp theo, chúng ta hãy cùng xem ChatGPT đơn giản hóa các vấn đề phức tạp như thế nào.

6. Giải thích đơn giản các vấn đề phức tạp

Khi bạn gặp những khái niệm khó hiểu, ChatGPT có thể giúp giải thích một cách đơn giản, cho dù chủ đề đó là trong lĩnh vực lập trình, marketing hay một kiến thức khoa học thường thức. Ví dụ, bạn muốn hiểu về điện toán lượng tử, hãy đặt câu lệnh:“Hãy giải thích điện toán lượng tử đơn giản như cho trẻ 5 tuổi.”
img_6
Ví dụ ChatGPT sẽ giải thích khái niệm điện toán lượng tử như sau:
“Điện toán lượng tử giống như một trò chơi thần kỳ! Em hãy tưởng tượng mình có một chiếc hộp đồ chơi đặc biệt, bên trong có những viên bi gọi là qubit. Nhưng đây không phải là những viên bi bình thường đâu. Những viên bi này có thể ở hai nơi cùng một lúc hoặc xoay theo nhiều cách khác nhau cùng lúc. Điều đó nghĩa là chúng rất "ma thuật", giúp chúng ta làm nhiều việc cùng một lúc thay vì từng việc một.
Bây giờ, hãy nghĩ đến một mê cung. Một chiếc máy tính bình thường giống như người đi thử từng con đường để tìm lối ra, phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng máy tính lượng tử giống như có hàng triệu em nhỏ cùng chạy qua tất cả các con đường đồng thời và nói ngay cho em biết đâu là lối ra.
Vì qubit có thể làm nhiều việc cùng lúc, máy tính lượng tử cực kỳ giỏi trong việc giải các bài toán khó, tìm ra đáp án nhanh hơn nhiều so với máy tính thông thường. Chúng có thể giúp chúng ta chế tạo thuốc chữa bệnh, khám phá những bí mật của vũ trụ, hoặc tạo ra công nghệ hiện đại hơn.
Tóm lại, điện toán lượng tử là một chiếc máy tính "siêu nhân", không chỉ làm việc nhanh mà còn thông minh, giúp giải những bài toán mà máy tính bình thường phải mất rất nhiều năm mới làm được!”
Thú vị phải không nào?

7. Cải thiện kỹ năng viết

Bạn có cảm thấy xấu hổ về trình độ tiếng Anh của mình trong khi sử dụng văn bản trong công việc? Đây cũng là vấn đề chung của rất nhiều người. Cho dù tiếng Anh của bạn ở mức khá, việc mắc các lỗi sai về ngữ pháp và cách diễn đạt có thể sẽ khiến cho bạn trở nên kém chuyên nghiệp trong mắt đối tác. Nhưng đừng lo lắng, ChatGPT có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ chỉ trong vài giây.
Ví dụ: bạn muốn nhận tiền thanh toán từ một công ty. Hãy viết câu của bạn trước, sau đó nhờ ChatGPT chuyển chúng thành một câu trang trọng hơn: “Hãy viết lại câu này trang trọng hơn: ‘I want to receive payment. Can you send the invoice?’”
Chat GPT sẽ phản hồi rằng:
"I would like to receive the payment. Could you kindly send the invoice at your earliest convenience?"

8. Chuẩn bị phỏng vấn

Bạn có thể sử dụng ChatGPT để luyện tập phỏng vấn hoặc đàm phán lương. Ví dụ, bạn muốn luyện tập cho vị trí nhà khoa học dữ liệu: “Hãy đóng vai người phỏng vấn và đặt 10 câu hỏi khó về nhà khoa học dữ liệu.”
img_7
img_8
Ngoài ra, ChatGPT còn cung cấp các mẹo để trả lời câu hỏi về mức lương, giúp bạn tự tin hơn trong các buổi phỏng vấn.
AI đã trở thành xu hướng mới, và ChatGPT là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất. Nếu bạn biết cách tận dụng ChatGPT, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, và nâng cao hiệu quả công việc. 
Bạn đã ứng dụng ChatGPT vào những tác vụ khác hàng ngày như thế nào?