Q: Tôi cho rằng tiếng Nhật là một ngôn ngữ không hiệu quả. Bảng chữ cái hiragana và katakana thì có 50 chữ, còn số chữ Hán thông dụng là 1945 chữ. Trong khi đó, bảng chữ cái Alphabet thì chỉ có 26 chữ mà thôi. Người Nhật cũng được cho là có năng suất làm việc kém. Hai vấn đề này có mối liên quan gì tới nhau không?
______________
(trans: hơi buồn tí xíu vì bài dịch đầu tiên của mình không được quan tâm nhiều lắm nên đánh liều dịch Quora Nhật, mong là lần này khá hơn T_T
_________
A: 御厨 恒雄, Hiểu tường tận tiếng Nhật
Vào đầu thời kỳ Meiji, người Nhật ban đầu cũng lạ lẫm với nền văn minh phương Tây và bị choáng ngợp trước bảng chữ cái Alphabet “chỉ có 26 chữ cái". Chủ trương “Chữ latin (romaji) phải trở thành ngôn ngữ chính thức" đã được đề xuất nhiều lần và “Hội Romaji" (Romaji kai) đã được thành lập vào năm Meiji thứ 18 (1886). Vào thời Taisho, chính quyền Nhật Bản đã lựa chọn chữ romaji theo kiểu Nhật, thay vì cách phiên âm của hệ Hepburn*. Vào năm Showa thứ 12 (1938), Nội các Nhật Bản đã chính thức chọn cách phiên âm theo kiểu Nhật. Tuy nhiên, với sự leo thang của chiến tranh, “chữ romaji là loại chữ của kẻ thù" đã biến mất.
(*trans: Hệ phiên âm La-tinh Hepburn (ヘボン式ローマ字 Hebon-shiki Rōmaji?) được đặt tên theo tên của James Curtis Hepburn, người đã dùng hệ này để phiên âm tiếng Nhật thành chữ cái Latin ở phiên bản thứ 3 từ điển Nhật-Anh của ông, xuất bản năm 1887.)
Sau thất bại của Nhật Bản trong chiến tranh, dưới tầm ảnh hưởng của Lực lượng chiếm đóng thuộc Bộ tư lệnh Đồng Minh vùng Cực Đông (GHQ) trong nỗ lực thúc đẩy cải cách ngôn ngữ viết và loại bỏ chữ Hán, bảng chữ cái romaji đã được phục hồi lại với tư cách là đối tượng của “hội Romaji Nhật Bản” vào năm Showa thứ 21 (1947) (hội vẫn còn tồn tại đến ngày nay). Cũng trong năm này, “hội chữ cái kana" (Kanamoji kai) cũng bắt đầu hoạt động nhằm thúc đẩy việc viết chữ kana và loại bỏ chữ Hán. Tuy nhiên, như bạn có thể thấy ngày nay, cuối cùng thì quan điểm ủng hộ “một câu gồm cả chữ Hán và chữ kana" của người Nhật đã giành chiến thắng.
Người đã có công phản đối kịch liệt chính sách mà GHQ đưa ra và xoay chuyển quyết định của Bộ Giáo dục, ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản là Tiến sĩ Yoshida Tomizou (吉田富三) - người có tiếng nói trong ngành ung thư học vào hàng tầm cỡ thế giới lúc bấy giờ, tuy nhiên, câu nói nổi tiếng của ông thì vẫn còn mãi: “Vì thế, tư duy cũng giống như các chữ kanji chạy vòng vòng trong đầu vậy.”
Bạn cũng hãy thử nghĩ xem. Tất cả các tài liệu văn học điển tích và văn học hiện đại mà người Nhật tự hào đều đang được viết bằng cả chữ Hán và chữ kana. Vào cái ngày mà tiếng Nhật bị chuyển hết thành chữ romaji, con cháu chúng ta sẽ không đọc được những tác phẩm đó nữa. Điều này sẽ giống như tình trạng đang diễn ra ở Hàn Quốc. Trong thời kỳ đầu của hoạt động phổ cập chữ Hán giản thể, đất nước Trung Quốc cũng từng lên kế hoạch latin hóa tiếng Trung. Nếu người dân không thể đọc được những tác phẩm kinh điển của đất nước mình thì cũng chẳng khác gì đã đánh mất đi nền văn hóa của họ cả.
Còn về chuyện người Nhật có hiệu suất làm việc kém thì đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy đấy. Kể từ năm 1971, khi đã trưởng thành, tôi đã làm việc trực tiếp với người nước ngoài, và người Nhật trong công việc được cho là “nhanh nhẹn và lịch sự", và kết quả này đã thể hiện qua vị thế của nước Nhật trên trường thế giới. Việc hạ mình ở đây là không cần thiết.
___________________________
A: Kouichi Mikami, cựu freelancer
Có một câu chuyện thú vị ở đây.
Twitter là dịch vụ mạng xã hội bắt nguồn từ một đất nước sử dụng tiếng Anh, thế nhưng, so với “quê hương" của nó thì Twitter lại phổ biến ở quốc gia nói tiếng Nhật nhiều hơn, bởi nó có thể giúp giao tiếp hiệu quả với số lượng ký tự hạn chế.
Đầu tiên, trong tiếng Anh, quy tắc viết câu là phải có khoảng trống giữa các từ. Về điểm này, trong tiếng Nhật không cần khoảng trống nào nên câu càng dài thì càng tốt và cách viết này trở nên rất hiệu quả.
Đã thế, số lượng ký tự trong một từ của tiếng Nhật là rất ít.
Ví dụ: chúng ta hãy xem chất H20 được viết trong tiếng Nhật và tiếng Anh:
Tiếng Anh: water (5 ký tự)
Tiếng Nhật: 水 (1 ký tự)
Nếu xét về tính hiệu quả và số lượng ký tự cần thiết để truyền tải cùng một từ, thì tiếng Nhật hiệu quả hơn tiếng Anh.
Nói tóm lại, không có ngôn ngữ nào hiệu quả hơn tiếng Nhật trong việc truyền tải nội dung bằng số lượng ký tự hạn chế cả.


Không có mô tả ảnh.